Tên đường

shared from fb Dong H'Ken,
-----
Cõi mạng xôn xao ý tưởng đặt tên Alexandre de Rhodes cho một con đường vì "Le Quốc ngữ". Các cụ mục đích luận phản đối vì chữ quốc ngữ là phương tiện, còn mục đích nô dịch là xấu xa. Lại có cụ đùa rằng Bến Tre nên có đường Bob Kerry để không quên thảm sát Thạnh Phong, để căm thù. Đại học Fulbright không thích điều này.

Thật ra nếu cần thêm một cái tên nước ngoài cho một con đường, để nhớ, để bao dung chứ không phải căm thù thì một ứng viên nặng ký là Peter Dewey.

Chàng thanh niên người Mỹ ấy khi qua đời ngày 26/9/1945 ở Việt Nam mới 29 tuổi, học phổ thông ở Thuỵ Sỹ rồi tốt nghiệp Đại học Yale ngành Ngôn ngữ và Lịch sử Pháp được 6 năm, có 3 năm binh nghiệp, gia nhập OSS được 2 năm, đeo lon trung tá và đến Đông Dương chưa đầy 1 tháng. Dewey đứng đầu một nhóm sĩ quan OSS đến Đông Dương với nhiệm vụ chính thức là bảo vệ tài sản người Mỹ và giúp nhóm tình báo Anh điều tra về tội phạm chiến tranh. Ngoài ra nhóm Dewey còn được giao một nhiệm vụ mật là nghiên cứu tình hình chính trị, đặc biệt là "vị thế của Đông Dương với Đế quốc Pháp". Thông minh xuất chúng, can đảm, con nhà gia thế, Dewey hoàn toàn có thể trở thành người lãnh đạo nước Mỹ trong tương lai.

Ngày 24/9/1945, báo cáo cuối cùng Dewey gửi về cơ quan tình báo OSS cho biết: "Nam Kỳ đang rực lửa. Người Pháp và người Anh sẽ bị kết liễu tại đây. Và chúng ta sẽ phải cuốn gói khỏi Đông Nam Á". Gần một tháng ở Sài Gòn, Dewey - cũng như A. Patti lúc ấy đang ở Hà Nội - có nhiều thông cảm và thiện cảm với Việt Minh sau những lần tiếp xúc vừa công khai vừa bí mật với bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đang tham gia lãnh đạo chính quyền lâm thời. Điều này làm cho người Pháp và người Anh rất khó chịu. Người chỉ huy cao nhất của quân Đồng Minh Anh ở Sài Gòn, tướng Gracey, cho rằng việc Dewey "ra ra vào vào các con đường và quán cà phê tối tăm trong mối quan hệ với các Đảng viên Cộng sản và Việt Minh" là không thích hợp và gây phiền toái. Dewey đã bị người Anh cấm treo cờ Mỹ trên xe, hành động nhẽ ra có thể khiến Dewey không bị chết oan.

Ngày 26/9/1945, dưới sức ép của người Anh, Dewey bị buộc phải rời Đông Dương. Không đón được máy bay, Dewey quay lại trụ sở OSS ở ngoài Sài Gòn thì bị tập kích. Nhiều tranh cãi sau này cho thấy có vẻ như nhóm tập kích là Thanh niên Tiền Phong, tưởng nhầm Dewey là người Pháp.

Ý tưởng đặt tên Dewey cho một con đường không mới. Đó là ý tưởng của bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, thủ lĩnh Thanh niên Tiền Phong, trong bức thư chia buồn sâu sắc gửi cho gia đình Dewey từ năm 1945.

Sau này, "sử gia" 5xu còn muốn đặt tên Dewey cho công viên Gia Định, xưa là nơi Dewey bị tập kích, dù 5xu không tin Dewey bị tập kích nhầm.

Lịch sử ngoắt nghéo đã dẫn hai dân tộc có nhiều triển vọng hợp tác thân thiện trở thành thù địch 10 năm sau, đặc biệt là 20 năm sau đó, kể từ cái chết của Dewey.

Lịch sử là cái đã qua, nhưng có những chỉ dấu để nhớ, cũng là để nhắc những người lớp người sau: Hãy cẩn trọng, đừng sai lầm.


Bài trước: Vỡ trận condotel
Tags: columnist

2 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc