Chúng ta nên vinh danh người học thay vì người dạy

shared from fb Anh Pham,
-----
Ở một đất nước nghèo từ xa xưa như của chúng ta đây thì học hành là một thứ đặc quyền của nhà có điều kiện. Học hành cũng là con đường tiến thân duy nhất của con nhà nghèo, được học hành đỗ đạt thì phải biết ơn. Xã hội có nguồn lực rất hữu hạn, hiếm hoi để phân phối cho số người học hạn chế nên người ta phải học ngày học đêm, học chảy máu mắt để trở thành số ít tinh tuyển được xã hội phân công đi học, làm quan. Vai trò người thầy trong xã hội đó cũng giống vai trò của các chị mậu dịch viên thời bao cấp, ai mua được thịt ngon cũng phải biết ơn.

Thời hiện đại 70 năm trở lại đây chúng ta ra khỏi thời lễ nghi phong kiến nhưng tâm lý giáo dục là xã hội làm ơn cho người học vẫn còn bám dính. Có sách mới áo hoa, được học được hành dường như đều là công của người giáo viên nhân dân cả. Cách chúng ta đề cao người giáo viên những ngày truyền thống như 20/11 tạo ấn tượng là nếu không có những người giáo viên đó chắc cả xã hội ta nhốn nháo hết vì thất học.

Có họ, xã hội ta dường như vẫn nhốn nháo, và ngoài ngày 20/11 ra thì người làm nghề giáo ở Việt Nam không phải là những người đứng cao nhất trong các bậc thang nhân phẩm. Điều nghiên về tham nhũng các ngành nghề cho thấy giáo viên, cảnh sát giao thông, bác sĩ đứng cao hạng nhất trong bảng phong thần bị xã hội xùy tiền ra với. Lương giáo viên nói chung là lương chết đói trong xã hội kim tiền, và vì thế gia đình phải nuôi giáo viên là lẽ đương nhiên chăng?

Trên thế giới hiện đại hôm nay nói chung giáo dục là một thứ quyền chứ không phải là thứ đặc quyền. Nếu đã là quyền thì nó không thể là thứ được ban phát, và vì thế người ta không phải thấy biết ơn cho những thứ ta nghiễm nhiên được hưởng. Vai trò của người dạy học cũng như một nhà chuyên môn khác, họ được trả lương để làm đúng phận sự và trách nhiệm của họ. Trong những phần phận sự và trách nhiệm đó khó thấy khoảng trống nào dành cho sự biết ơn. Như vậy cảm giác biết ơn là một thứ tâm lý có gốc rễ truyền thống, văn hóa hơn là thực chất.

Quan điểm của mình là người học là người làm ơn cho người cung cấp dịch vụ giáo dục nói riêng và cho xã hội nói chung. Người cung cấp dịch vụ sản phẩm tri ân khách hàng cách nào thì trường học, nhà giáo cần tri ân người học cách đó. Quan hệ người dạy - người học không nên khác quan hệ của ví dụ phi công với hành khách; nếu không có ngày xã hội vinh danh tri ân phi công thì dần dần cũng nên bỏ ngày tri ân người dạy.

Nên có một ngày tương tự 20/11 hoặc dùng luôn ngày 20/11 để vinh danh những người học. Trong muôn vàn lựa chọn việc có thể làm và họ chọn việc học. Học để ấm thân họ đã là việc có ích cho xã hội, học để thành người thành công để giúp đỡ đồng loại cũng lại là việc càng có ích cho xã hội. Cả xã hội nên cùng cảm ơn người học. Nên xóa bỏ thứ mặc cảm biết ơn vô lý đi.

Hình dưới đây là một người học của chúng ta.


Bài trước: Ghi chú nhỏ về lịch sử Ngân hàng nhà nước Việt Nam & người Nhật
Tags: columnist

5 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc