Học viết văn

shared from fb Nguyễn Tuấn,
-----
Nhà văn William Zinsser từng nói rằng viết văn là suy nghĩ trên trang giấy. Hai hôm trước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gởi "thư động viên" đến huấn luyện viên Park Hang Seo. Tôi tò mò tìm hiểu xem nội dung lá thư viết gì, nhưng khi đọc xong lá thư tôi phải nói là văn phong rất ư là lạ lùng, không theo một qui chuẩn nào về viết văn mà chúng ta biết. Tôi thử chấp bút một lá thư khác cho ông thủ tướng. :)

Lá thư có 4 đoạn văn, trong đó Thủ tướng Phúc nói về chuyến thăm Hàn Quốc và chúc mừng ông huấn luyện viên. Vào thư, ông cho biết ông mới đi thăm chánh thức Hàn Quốc về, và trong chuyến thăm đó, ông có dịp dự vài hội nghị ngoại giao liên quan đến các nước trong khối ASEAN. Đoạn văn thứ hai, ông kể về những cuộc hội kiến với các chánh trị gia thượng tầng ở Hàn Quốc, và họ nói với ông về huấn luyện viên ‘Park Hang Seo’ như là một biểu tượng về mối liên hệ giữa hai quốc gia. Trong đoạn văn thứ ba, ông Phúc chúc mừng đội bóng do ông Park Hang Seo huấn luyện "luôn quyết tâm cao, mạnh mẽ, kiên cường, sáng tạo trong thi đấu, đạt nhiều thành tích to lớn hơn nữa [...]" Ông còn dùng câu văn cuối cùng để "chúc" ông ‘Park Hang Seo’ một lần nữa. Ông không quên viết tay chữ "Thân ái" trước khi kí tên.

Lá thư của Thủ tướng Phúc có rất nhiều vấn đề đáng học về nội dung và cách viết văn. Ở đây, tôi chỉ nêu nhanh những điểm dễ thấy:

1. Nội dung nghèo nàn. Nội dung lá thư, như các bạn thấy, không có một điểm gì cụ thể cả. Toàn bộ lá thư là những câu, những chữ rất chung chung, hoàn toàn không đề cập đến một chiến tích nào của ông huấn luyện viên. Cũng không có một câu cảm ơn. Chúc mừng tưởng một lần là đủ, đằng này ông chúc mừng đến hai lần trong 2 câu văn gần nhau! Lá thư đọc lên giống như là một người đi xa về nhà kể chuyện, chớ nó không thể hiện tầm vóc của một chánh trị gia đang điều hành đất nước.

2. Lá thư không có một câu văn nào để có thể gọi là 'quotable'. Thông thường, khi một chánh khách có tầm cỡ phát biểu -- dưới hình thức diễn thuyết hay viết -- họ đều có một thông điệp chánh, và trong thông điệp đó phải có một câu đáng trích dẫn. Tiếng Anh gọi là câu phát biểu 'quotable'. Nếu chánh khách không có câu nào đáng trích dẫn, thì họ cũng cố gắng tìm một câu nói để đời của các danh nhân và người nổi tiếng và dùng đó như là một lời nhắn nhủ. Chẳng hạn như Ronaldinho từng nói một câu bất hủ rằng "I learned all about life a ball at my feet", hay Pele với câu "The more difficult the victory, the greater the happiness in winning." Rất tiếc là trong lá thư của Thủ tướng không có một câu nào có thể xem là đáng trích dẫn.

3. Sai sót cơ bản nhứt là viết tên người ta sai. Tên của ông huấn luyện viên là "Park Hang-seo" (chú ý Hang-seo có dấu gạch ngang, và chữ sau không viết hoa). Ấy vậy mà ông thủ tướng viết là "Park Hang Seo"! Tên ông tổng thống Hàn Quốc là Moon Jae-In, nhưng ông thủ tướng viết là "Mun Che in". Tên của người nhận thư và tên của tổng thống mà còn viết không đúng thì thật quá khiếm nhã vậy.

4. Trong thư, ông thủ tướng viết hoa khá tuỳ tiện. Khi đề cập đến ông Park Hang-seo, ông viết "Ông". Khi đề cập đến cá nhân ông, ông dùng "Tôi". Tôi tự hỏi tại sao không là "ông" và "tôi"? Có lí do gì để viết hoa như vậy? Không có bất cứ lí do nào để viết hoa hai chữ "Ông" và "Tôi" cả.

5. Nhưng điều lạ lùng nhứt là cách cấu trúc đoạn văn. Trong thực tế, toàn bộ lá thư chỉ có 4 câu văn chánh. Mỗi đoạn văn chỉ có 1 câu văn! Câu văn đầu tiên dài 66 chữ/từ, câu hai 40 chữ, và câu ba dài đến 132 chữ! Hình như các quan chức Việt Nam có thói quen viết câu văn dài. Không nói ra thì ai cũng biết câu văn dài rất chuyển tải thông điệp đến người đọc. Đọc xong câu văn thứ hai của lá thư, tôi không rõ người viết muốn gởi một thông điệp gì hay nói lên ý chánh là gì. Không hiểu. Ấy vậy mà từ tổng bí thư, chủ tịch Nước, chủ tịch Quốc hội, thủ tướng, đến bộ trưởng, ai cũng viết những câu văn dài thòng. Có lẽ viết câu văn dài trở thành một nét văn hoá của các quan chức cao cấp Việt Nam.

Tôi nghĩ Thủ tướng Phúc muốn cảm ơn ông huấn luyện viên, và dùng lá thư để gởi một thông điệp về tình hữu nghị giữa hai dân tộc. Nhưng có lẽ người chấp bút cho ông viết lan man quá, nên đọc xong lá thư ít ai biết ý chánh là gì! Ở trên, tôi có đề cập đến Nhà văn William Zinsser qua danh ngôn "Writing is thinking on paper" (viết văn là suy nghĩ trên trang giấy). Đối chiếu lại những gì ông thủ tướng viết không/chưa nói lên cái thông điệp đó một cách rõ ràng và mạnh mẽ (3).

====
Tôi thử tưởng tượng nếu mình là ông Phúc, mình sẽ viết gì? Có lẽ lá thư chỉ có 3 đoạn văn thôi. Tôi cũng bắt đầu bằng chuyến thăm Hàn Quốc, nhưng tôi sẽ gói gọn trong 4 câu văn ngắn, và nhân dịp đó nói lời cám ơn. Nhưng đoạn hai tôi sẽ có một thông điệp gởi cho ổng và công chúng (nếu cần). Có lẽ lá thư đó sẽ gọi tên thay vì họ cho thân thiện hơn, và dùng 'anh' thay vì 'ông' cho gần gũi hơn:

"Anh Hang-seo mến:

[Đi thẳng vào ý chánh] Tôi viết thư này để chúc mừng anh và đội tuyển bóng đá dưới sự huấn luyện của anh đã đạt được những thành tích vang dội trong vùng. Tôi cũng nhân dịp này bày tỏ lòng tri ân của tôi đến anh trong quá trình nâng cao vị thế xứng đáng của bóng đá Việt Nam trên trường quốc tế, và giúp đem Việt Nam gần hơn với các nước trong vùng. [Mở màn cho ý sau]

[Nhắc lại lịch sử] Tôi vừa mới đi thăm chính thức đất nước anh, nơi tôi có dịp diện kiến nhiều lãnh đạo trong Chính phủ và Quốc hội. Họ bày tỏ lòng ngưỡng mộ trước những đóng góp của anh cho bóng đá Việt Nam. Anh không chỉ là một huấn luyện viên; anh còn là một cầu nối quan trọng của tình hữu nghị giữa hai dân tộc Việt - Hàn. Thật ra, tình hữu nghị giữa hai dân tộc chúng ta bắt đầu hơn 800 năm trước, khi Hoàng tử Lý Long Tường từ Việt Nam sang Cao Ly định cư và ông đã giúp Triều đình Cao Ly đánh thắng quân Mông Cổ. Ít ai biết rằng trước Lý Long Tường khoảng 100 năm, còn có một người Việt khác là Hoàng tử Lý Dương Côn sang Cao Ly cũng định cư và có công lớn gíup triều đình Cao Ly. Sự hiện diện của anh ở Việt Nam có thể nói là nằm trong dòng chảy lịch sử giao thoa đó.

[Quay lại ý chánh trong đoạn 1] Có người nhìn cuộc thi bóng đá như là một chiến trường, nơi có thắng và thua. Nhưng tôi muốn nhìn bóng đá như là một môi trường nối kết giữa hai hay hơn hai dân tộc. Mỗi cuộc thi bóng đá không phải nhắm đến thắng thua, mà là một sự vun bồi cho khoảng cách văn hoá giữa hai cộng đồng dân tộc. Anh chính là người đang vun bồi và giúp cho hai dân tộc Việt - Hàn gần nhau hơn nữa. Anh không chỉ là một huấn luyện viên, mà anh còn là một sứ giả văn hoá.

[Một câu chúc Tết và không quên gia đình ông ấy] Nhân dịp Tết sắp về, tôi chân thành chúc anh và gia đình nhiều sức khoẻ, tận hưởng những ngày nghỉ ấm cúng và viên mãn ở Việt Nam."

Tags: english

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc