Jim Mattis thực sự nghĩ gì về Donald Trump?

nguồn: nytimes,

Ngọc Tài dịch, Quỳnh Anh hiệu đính,

Giữa năm đầu tiên đầy hỗn loạn trong sự nghiệp làm Tổng thống, Trump tới dự buổi họp tại
Lầu Năm Góc với Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis và Ngoại trưởng Rex Tillerson. Hai thành viên nội các đã lên kế hoạch “chỉ dẫn tường tận cho Tổng thống” về tầm quan trọng của việc trung thành với các đối tác và đồng minh của Mỹ vào thời điểm Trump đang xem thường NATO. Nhưng cuộc họp nhanh chóng mất kiểm soát, Guy M. Snodgrass, người phụ trách diễn văn phát biểu cho Mattis, hồi tưởng lại trong cuốn “Holding the Line: Inside Trump’s Pentagon With Secretary Mattis.” (tạm dịch: “Cầm cự: Bên trong Lầu năm góc của Trump với Bộ trưởng Mattis.”) Trump buồn chán và mất tập trung, cau có khoanh tay trước ngực, bác bỏ thông tin vừa tiếp nhận, nói rằng chính các đồng minh của nước Mỹ đang xé toạc liên minh, lạc đề sang thắc mắc có ai thấy cái bắt tay hung hăng của tổng thống Pháp hay không, rồi vô tư hào hứng về cuộc diễu binh ngày Quốc khánh ở Pháp — và yêu cầu có diễu hành cho riêng mình vào dịp lễ “Ngày Chiến thắng”, đòi có cả xe tăng đi quanh Washington

“Cả hai người — Mattis và Tillerson — đều chán nản,” Snodgrass viết. “Chúng tôi vừa trải qua một cuộc họp với Trump, trực diện và trực tiếp. Giờ thì chúng tôi hiểu vì sao việc tiếp cận (tổng thống) bị kiểm soát chặt chẽ đến vậy. Suốt phần còn lại của cuộc họp, Tổng thống Trump
nhảy từ chủ đề này sang chủ đề khác như một con sóc mắc kẹt trong dòng xe, lao từ chỗ nọ sang chỗ kia.”

Lời kể của Snodgrass về cuộc họp hỗn loạn ấy cho chúng ta thấy những gì ông từng nếm trải, chứng kiến trực tiếp hai năm Mattis trải qua cố gắng giữ mọi việc không mất kiểm soát — sự thật độc giả sẽ không thấy được trong cuốn hồi ký viết rất thận trọng của cựu Bộ trưởng Quốc phòng, “Call Sign Chaos: Learning to Lead.” (tạm dịch: “Tín hiệu Hỗn loạn: Học cách Lãnh đạo.”) Snodgrass, cựu phi công chiến đấu thuộc Hải quân làm việc trong văn phòng của Mattis từ mùa xuân năm 2017 cho đến mùa hè năm 2018, đã đứng ra lấp khoảng trống do sự im lặng của Mattis. Thật sự thì, Snodgrass không có mấy lợi thế: Ông chưa bao giờ tháp tùng Mattis dự họp tại Phòng Bầu dục, ông nhận việc sau khi Mattis can ngăn Trump khôi phục chương trình tra tấn và bỏ việc trước khi Mattis từ chức sau thông báo rút quân khỏi Syria tháng 12 năm 2018 của Trump. (Cuốn sách cho biết vào mùa hè năm 2018, khi khoảng cách giữa Trump và bộ trưởng quốc phòng ngày càng lớn, Mattis đã âm thầm lên kế hoạch cho khả năng có thể phải từ chức vào cuối năm.) Nhưng Snodgrass đã chứng kiến quá đủ để cuốn hồi ký của ông có chỗ đứng nhất định trong những ghi chép ngày càng nhiều về tình trạng hoạt động bất thường của chính phủ.

Chủ đề thường thấy là sự dối trá. Mặc dù người phát ngôn của Mattis phủ nhận những phóng sự có nội dụng Lầu Năm Góc bị bất ngờ với thông báo chính sách đột ngột của Trump — như việc thành lập Lực lượng Vũ trụ cũng như chấm dứt tập trận quân sự chung với Hàn Quốc — Snodgrass thừa nhận nội dung phóng sự là chính xác và miêu tả người phát ngôn của Mattis là kẻ nói dối vì “thừa nhận Trump qua mặt tất cả chúng ta chẳng khác nào tự sát chính trị.” Tác giả kể lại cả Lầu Năm Góc, các nhà thầu quốc phòng và các đồng minh nước ngoài đã tìm cách kìm chế Trump qua việc cho phép tổng thống nhận hết công lao về mình dù không đúng sự thật trong những sự việc như hạ giá máy bay chiến đấu F-35 hoặc tăng mức chi tiêu quân sự hàng năm của các thành viên NATO — những thay đổi vốn được lên kế hoạch từ nhiều năm trước, ông lưu ý thêm.

Snodgrass, rút cuộc đã phải từ chức sau cuộc đụng độ với một phụ tá hàng đầu của Mattis, rõ ràng tuy rất ngưỡng mộ sếp cũ của mình nhưng tác giả không hề thần thánh hóa Mattis. Tác giả chán nản khi chứng kiến Mattis phải tự thỏa hiệp khi đưa ra “tuyên bố công khai trên truyền hình ủng hộ những chính sách tôi biết cá nhân ông cũng khinh ghét,” như màn “phô diễn chính trị” của Trump khi đưa quân đội Mỹ đến biên giới Mexico trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2018. Và tác giả còn viết rằng giới báo chí cũng thường xuyên “bỏ qua” cho Mattis — như việc báo chí không tập trung đến vai trò là cựu thành viên hội đồng quản trị công ty Theranos của Mattis khi công ty này sụp đổ giữa những cáo buộc gian lận. Tác giả nhấn mạnh, thái độ kiên nhẫn này là do ngay cả cánh phóng viên cũng xem Mattis là bức tường ngăn chặn hỗn loạn.

“Không một ai muốn mạo hiểm hạ bệ Mattis.”, ông viết.

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc