Tương lai đen tối của giai cấp công nhân da trắng

nguồn: NYTimes,

Thu Thảo dịch,

NHỮNG CÁI CHẾT TUYỆT VỌNG VÀ TƯƠNG LAI CỦA CHỦ NGHĨA TƯ BẢN
tác giả Angus Deaton và Anne Case

Một người đàn ông da trắng 43 tuổi mà tôi sẽ gọi là Darin, gần đây đã ly hôn và đang hồi phục sau một tai nạn xe hơi khi anh ta bị đuổi việc khỏi nhà máy làm bánh. Trong cuộc nói chuyện ở vùng quê chuyên về ngành than, anh
ấy kể cho tôi rằng: “Chúng ta ai cũng đều có đáy vực của riêng mình. Tôi đã chạm đáy vực của mình khi tình cờ nghe thấy người mà tôi luôn coi là cha đẻ nói chuyện với bạn và nói tôi là con ghẻ của ông.” Kể từ sau đó, ngày nào tôi cũng nốc một lít rượu whisky.

Cuốn sách “Những cái chết tuyệt vọng và Tương lai của chủ nghĩa tư bản” (“Deaths of Despair and the Future of Capitalism”) là về những người như vậy. Nhưng nó bắt đầu với một bí ẩn còn lớn hơn thế. Trong thế kỷ qua, tuổi thọ của người Mỹ tính từ khi sinh đã tăng từ 49 lên 77. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, sự gia tăng đó đã chững lại. Trong số những người da trắng ở độ tuổi 45-54 — hay thời kỳ được coi là phát triển nhất — ngày càng có nhiều người tử vong. Rất dễ bị tổn thương là những người đàn ông da trắng không có bằng cử nhân đại học. Kỳ lạ thay, phần lớn những ca tử vong ở độ tuổi trung niên không tăng ở các nước giàu khác, cũng như phần lớn, đối với người Mỹ gốc Tây Ban Nha hay người da đen. Trên thực tế, người da đen có bằng đại học hiện có nhiều khả năng sống qua tuổi trung niên hơn người da trắng không có bằng đại học.

Nhưng nói chung, không phải những người da trắng có
đặc quyền hơn hay sao? Điều gì đã xảy ra vậy? Các nhà kinh tế Đại học Princeton, Angus Deaton (đạt giải Nobel năm 2015) và Anne Case, nói rằng những người này đang chết vì uống thuốc quá liều, xơ gan do nghiện rượu và tự tử —những cái chết tuyệt vọng. Cuốn sách của hai tác giả này là sự bổ sung toàn cảnh cho những chi tiết bi thảm được Nicholas D. Kristof và Sheryl WuDunn miêu tả trong cuốn sách “Tightrope: Americans Reaching for Hope.” (tạm dịch “Đu dây: Con đường vươn tới ước mơ của người Mỹ.”) Cuốn sách của Case và Deaton không những hấp dẫn mà còn rất công phu. Đây là cuốn sách rất quan trọng.

Những cái chết ở độ tuổi trung niên vì ma túy và rượu (dù không phải tự tử) đã tăng vọt trong cộng đồng người da đen vào những năm 1980, như nhà xã hội học William Julius Wilson giải thích, khi việc làm trong nhà máy đã được chuyển thuê ngoài đồng nghĩa với việc không còn công việc được trả lương cao mà nhờ đó những người đàn ông da đen lao động chân tay có được vai trò làm chồng làm cha đầy kiêu hãnh. Người da đen phải hứng chịu làn sóng tuyệt vọng đầu tiên.

Trong câu chuyện tuyệt vọng hơn, “trắng hơn” của ngày nay, việc sở hữu tấm bằng đại học gần như định đoạt cuộc đời một người. Càng ngày, nó có thể được dùng để dự đoán tình trạng thất nghiệp; trong số những người da trắng ở độ tuổi 25-54, một phụ nữ có bằng đại học dễ kiếm được việc làm hơn một người đàn ông mà không có bằng trong tay. Tấm bằng đó cũng góp phần vào việc dự đoán mức lương của một người, do thu nhập của cử nhân đã tăng lên trong những thập kỷ qua, trong khi thu nhập của những người không có bằng lại giảm.

Người lao động chân tay có thể làm việc ở đâu? Thường là công việc tạm thời hoặc cho các nhà thầu có tỷ lệ xoay vòng nhân viên cao và ít cam kết trong sử dụng lao động. Vì vậy, anh ta sẽ không được tham dự bữa tiệc Giáng sinh tại văn phòng (không có một văn phòng) hay chơi trong đội bóng chày công đoàn (không có công đoàn). Anh ta ít đi nhà thờ, tổ chức gây quỹ cho Câu lạc bộ Lion, huấn luyện cho giải đấu bóng chày Little League hay bỏ phiếu. Quan trọng nhất, cứ 10 người như vậy thì có tới 4 người không kết hôn. Nhiều người sau khi lấy vợ có con, đã ly dị và có thêm vài bạn gái, bi kịch hơn, phần đông trong số họ mất liên lạc với chính những đứa con của mình.

Hiện tượng dùng thuốc quá liều tăng lên trong thời gian qua là do các công ty thiếu trách nhiệm hình sự như Purdue Pharma. Nhưng vấn đề dùng thuốc quá liều chỉ làm bùng thêm ngọn lửa vốn đang cháy mà thôi, các tác giả viết. Do cạnh tranh lao động giá rẻ ở miền nam và robot tại nhà, chủ nghĩa tư bản đang bỏ rơi người lao động chân tay, và câu trả lời không phải là loại bỏ nền kinh tế tự do cạnh tranh mà cần khẩn trương khắc phục nó, các tác giả cảnh báo. Trong khi đó, “những cái chết tuyệt vọng phản ánh sự mất phương hướng lâu dài và dần dần.” Sự mất phương hướng này xảy ra cùng với việc thiếu vắng một mạch sống chung. Các nạn nhân không chết trong các cuộc chiến tranh anh dũng hay chết khi đang phòng chống giông bão. Từng người một, họ đang chết trong nỗi xấu hổ đơn độc do thuốc, rượu hoặc súng, điều không được nhắc đến trong giấy báo tử.

Dù lặp đi lặp lại, mạch văn trong “Những cái chết tuyệt vọng và Tương lai của chủ nghĩa tư bản” rõ ràng, giọng văn rông dài và tinh thần phản ánh sự ham tìm hiểu vô tận, đưa hai nhà kinh tế tìm đến xã hội học — nơi họ tìm thấy ở nhà xã hội học người Pháp Emile Durkheim điều then chốt dẫn đến tự sát: đó là mất đi cảm giác cộng đồng. Họ có lẽ cũng phát hiện ra ý tưởng hữu ích khác, đó là “ác cảm mất mát” từ các nhà tâm lý học Amos Tversky và Daniel Kahneman. Không phải những người tự sát vì không có bất kỳ thứ gì, mà là những người đã mất đi những thứ họ từng có — như những người đàn ông da trắng lao động chân tay này. Trong thời đại tự động hóa, điều này có lẽ sẽ xảy ra với tất cả chúng ta.

Một vấn đề cuốn sách này không nêu lên là, vào lúc chia rẽ đảng phái sâu sắc dường này, độc giả sẽ đón nhận thông điệp cuốn sách ra sao. Những người theo chủ nghĩa bảo thủ có lẽ sẽ hoài nghi ý tưởng về những cái chết tuyệt vọng vì họ thường coi nghiện ngập và tự tử là vết nhơ đạo đức. Họ có lẽ cũng phản đối việc các tác giả tập trung quá sâu vào tầng lớp xã hội, thay vào đó tìm kiếm các thước đo toàn diện hơn về phúc lợi, như GDP, chỉ số không phản ánh rõ sự phân chia giai cấp ngày càng tăng. Đối với lời kêu gọi của các tác giả nhằm ngăn chặn động cơ “phân phối lên trên” không bị kiềm chế của chủ nghĩa tư bản, những người theo chủ nghĩa bảo thủ có lẽ sẽ phản bác, “đừng lo, lợi ích sẽ (được phân phối) xuôi dòng xuống dưới.”

Mặc khác, các độc giả thuộc cánh tả tự do có lẽ sẽ hoan nghênh nhiều đề xuất rất sâu sắc của các tác giả nhằm chống lại bất bình đẳng ngày càng tăng. Nhưng trong khi những người theo chủ nghĩa tự do có xu hướng ủng hộ kẻ yếu thế thì những người đàn ông da trắng không phải là người đầu tiên nhận được thông cảm từ họ. Vì vậy, một điều có lẽ ngăn họ tiếp nhận thông điệp của cuốn sách này là: sự chia tách. Đây là xu hướng phân tách hai hình ảnh hoặc ý tưởng không tương thích, mà không thấy cách chúng có liên quan tới nhau ra sao.

Khi thấy một người phổi nhuộm đen do khai thác than, hay một công nhân nhà máy bị sa thải, những người phái tự do cảm thấy thương cảm. Mặt khác, khi thấy một người đi giày cao bồi và đội mũ MAGA màu đỏ, khoanh tay thách thức, người bác bỏ lý thuyết về biến đổi khí hậu và xúc phạm những “người mong manh” học cao, nhiều người nhìn — và ghét — như là “kẻ thù”.

Tuy nhiên, nếu đây là một và cùng là một người thì sao? Hay gần như là cùng một người? Điều gì sẽ xảy ra nếu người đội mũ MAGA đỏ có em trai hay bạn học cấp ba bị chết vì dùng heroin quá liều? Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn anh ta say rượu lái xe lao khỏi bờ kè vào ban đêm và không ai gọi đó là tự sát? Điều gì sẽ xảy ra nếu anh ấy e là quá muộn hoặc quá đắt để học đại học? Nếu chúng ta có thể hỏi những người đàn ông trong cuốn sách này, trước khi họ nuốt viên thuốc hoặc ly rượu cuối, hay bắn phát súng cuối cùng của họ, ai là người họ đã bỏ phiếu trong năm 2016, rất có thể đó là người “rao bán niềm tin” bền bỉ và hung hăng, Donald Trump.

Vì vậy, chúng ta còn một thách thức phải đối mặt. Các chính sách mà những người cánh tả theo chủ nghĩa tự do chấp nhận — đó là bằng đại học với giá hợp lý, đào tạo lại nghề, thuế công bằng hơn, Chính sách kinh tế mới Xanh — chính là những chính sách có thể giúp đỡ tốt nhất cho các nạn nhân của cái chết tuyệt vọng. Darin đã tham gia một chương trình phục hồi, và vui vẻ khoe với tôi huy hiệu bằng bạc anh ấy được nhận để kỷ niệm bốn năm cai rượu. Giờ đây anh ta đã đỗ đại học, và đã trở thành một cố vấn được đánh giá cao trong một chương trình “tái hòa nhập cộng đồng” cho tù nhân địa phương — cả hai đều là kiểu dự án được nhà nước tài trợ của những người theo chủ nghĩa tự do. Trong khi Darin không đội mũ MAGA, người bạn thân thời thơ ấu của anh — giờ là một người nghiện thất nghiệp đội. Vấn đề chính của cuốn sách rất quan trọng này — và thực sự là thời điểm chính trị hiện tại của chúng ta — là làm sao liên kết được câu chuyện về người bạn của Darin với người đội mũ MAGA đang cười nhạo báng.

DEATHS OF DESPAIR AND THE FUTURE OF CAPITALISM
By Anne Case and Angus Deaton
312 pp. Princeton University Press. $27.95.

Tags: book

1 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc