Samsung: Quái vật công nghệ chinh phục thế giới

nguồn: NYTimes,

Nguyễn Tài dịch,

Từ lâu trước khi bộ phim “Ký sinh trùng” đạt giải Oscar ở hạng mục Phim
hay nhất và các nhóm nhạc Kpop trình diễn trên chương trình “The Tonight Show” (“Chương trình tối nay”), nhà xuất khẩu nổi tiếng nhất của Hàn Quốc là Samsung, nhà sản xuất lò vi sóng giá rẻ mà người phương Tây sống tại Hàn Quốc từng quen gọi là “Sam-dỏm”. Ngày nay, Samsung là cái tên quen thuộc và là nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn hơn cả Apple. Nhưng đường đến đỉnh cao của tập đoàn này có những vụ thỏa thuận bí mật, làm giá, hối lộ, trốn thuế và nhiều vụ việc khác, tất cả đều trong tay của một gia đình cực kỳ giàu có và bí ẩn, sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn để giữ quyền điều hành.

Nhà báo Geoffrey Cain kể câu chuyện này trong quyển “Samsung Rising” (tạm dịch “Sự trỗi dậy của Samsung”), và theo ông, cả mặt tốt lẫn mặt xấu của Samsung đều
có ngay từ những thập kỷ đầu của tập đoàn. Năm 1938, công ty được thành lập, ban đầu là cửa hàng bán rau và cá khô. Hàn Quốc hậu chiến là một nước nghèo. Là người sáng lập Samsung, Lee Byung-chul, mở rộng sang lĩnh vực mía đường, tài chính, hóa chất, điện tử và hơn thế nữa, ông thấy mình đang gây dựng không chỉ một doanh nghiệp, mà cùng với nó là cả quốc gia Hàn Quốc. 

Tham vọng đi đầu chinh phục thế giới trở thành nét đặc trưng của Samsung, sự phục tùng tuyệt đối với lãnh đạo công ty và tính kỷ luật như quân đội cũng vậy. Cain miêu tả một đoạn phim bị rò rỉ trong đó đông đảo nhân viên Samsung diễu hành theo đội hình, tay giương cao bảng hiệu xếp thành hình ảnh chuyển động. “Thật là tuyệt vời, đáng sợ và quái đản,” một nhân viên nói với Cain. 

Hầu hết các lãnh đạo Hàn Quốc đều sẵn lòng hỗ trợ tham vọng của Samsung, đến thập niên 1960 công ty trở thành biểu tượng cho sự giàu có nhờ các mối quan hệ chính trị. Cùng với sự tăng trưởng của Samsung là mối quan hệ thắt chặt giữa công ty với chính quyền. Nhờ đó chủ tịch của công ty là Lee Kun-hee đã hai lần được Tổng thống ân xá khỏi các tội danh kinh tế tài chính. Ngày nay, trên khắp Cộng hòa Samsung, như người dân Hàn Quốc vẫn hoài nghi gọi đất nước của họ như vậy, có cảm giác không thể thoát khỏi tầm ảnh hưởng của công ty, từ các thiết bị đồ đạc cho đến y tế và cả nghệ thuật. (Một người thừa kế của Samsung, Miky Lee, là giám đốc sản xuất của phim “Ký sinh trùng.”) 

Cain đến và ở Hàn Quốc vài lần trong thời gian từ năm 2009 đến năm 2016. Câu chuyện về Samsung của ông là câu chuyện sống động khách quan, tuy nhiên bạn đọc có thể tìm thấy ở đây rất nhiều bài học về chiến lược tiếp thị điện thoại thông minh của Mỹ. Samsung không hợp tác, đối với một công ty công nghệ lớn điều này không gây ngạc nhiên. Nhưng rồi, điều khiến Samsung quan tâm duy nhất dường như là che giấu nhiều mặt của bản thân công ty khỏi ánh mắt công chúng. 

Ví dụ, Samsung rất kín kẽ đối với hầu hết những chuyện liên quan đến gia tộc họ Lee. Cain đã phỏng vấn một thành viên của gia tộc, nhưng hình ảnh về họ vẫn rất mờ nhạt. Điều này hơi tiếc, vì gia tộc Lee thực sự xứng đáng để thành phim bom tấn trên HBO. Vị trưởng tộc già yếu, Kun-hee, là kẻ đơn độc khó đoán, thích nuôi chó và đua xe thể thao trên đường đua riêng của Samsung khi rảnh rỗi. Con trai và người thừa kế của ông, Jae-yong, được công chúng biết đến là người “có nhiều đặc quyền hơn khả năng của anh ta”, Cain viết. Những tranh đoạt, thị phi và mưu đồ bất tận của gia đình này là những câu chuyện bàn tán ưa thích với người dân Hàn Quốc. 

Những thủ đoạn của nhà Lee khiến Samsung gặp rắc rối trong những năm gần đây. Năm 2017, tòa án Hàn Quốc phán quyết công ty tội hối lộ tổng thống để giành được ủng hộ trong một vụ thâu tóm nhằm củng cố quyền kiểm soát của gia tộc đối với đế chế Samsung. Lee Jae-yong chỉ ngồi tù chưa đến một năm trước khi bản án năm năm của anh ta giảm thành án treo. 

Trong thời gian đó, tình hình tài chính của Samsung rất khả quan. Theo lời Cain thì: “Nếu một đế chế công bố mức lợi nhuận kỷ lục trong lúc Thái tử đang ngồi tù, vậy thì cần Thái tử để làm gì?” 

Cain góp phần trả lời câu hỏi của chính mình khi tác giả kể lại cuộc trò chuyện lúc đó với một cựu lãnh đạo của Samsung. Với việc nhà Lee gặp khủng hoảng, “Đế chế của chúng tôi không còn là một đế chế nữa,” ông ta than thở. “Chúng tôi đang trở nên giống như bất kỳ tập đoàn nào khác.”

Tags: book

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc