Câu chuyện nước Mỹ: nơi để có một ngôi nhà là cuộc chiến tổng lực

bài bình sách của Francesca Mari

nguồn: NYTimes,

Bích Nhàn dịch,

CÁNH CỔNG VÀNG
Để có một mái nhà
tác giả Conor Dougherty

Ở California, hơn 100.000 người ngủ trên đường phố. Các khu phố 'lều tạm' ở Skid Row, Los Angeles có quang cảnh thật lạ, đối mặt trung tâm vô gia cư là những người lang thang ngồi trên vỉa hè thành bốn hàng. Những nhà lưu
động xếp hàng dài gần trụ sở ở Mountain View của Google, và ở Modesto, một người phụ nữ đang ngủ trong thùng các-tông đã bị máy xúc đâm chết khi dọn chỗ ở của bà ta.

Không hề cường điệu khi nói rằng tình trạng khủng hoảng nhà ở tại California vô cùng nghiêm trọng. Để giải quyết vấn đề này, các nhà hoạch định chính sách phải cân nhắc nhiều vấn đề phức tạp liên quan, gồm việc tái định cư nhóm dân số dễ bị tổn thương, giữ được nét đặc trưng của các khu phố, môi trường, khả năng chi trả. Nhưng chỉ có một câu trả lời mà thôi: cần nhiều nhà hơn. Để chấm dứt cuộc khủng hoảng cần có 3,5 triệu ngôi nhà mới. Tuy nhiên, như tác giả Conor Dougherty chỉ ra trong cuốn “Golden Gates” ('Cánh Cổng Vàng'), nghiên cứu về tình trạng thiếu nhà ở nghiêm trọng đang hoành hành San Francisco — thành phố giàu có nhất nước Mỹ, Khu vực Vịnh (Bay Area) này toàn những
chủ nhà đạo đức giả và những nghịch lý của chủ nghĩa tiến bộ. Những vấn đề quan trọng này thường xuyên không được xem xét nghiêm túc mà được dùng làm vũ khí tấn công đối phương ngăn chặn việc xây dựng các khu đô thị mới. Tác giả Dougherty đã có loạt phóng sự dài về tình trạng sa lầy này trên tờ Thời báo New York, và 'Cánh Cổng Vàng' vừa là bức tranh minh họa thấu hiểu tất cả các bên — các nhà lập pháp, chủ đầu tư, nhà hoạt động ủng hộ xây mới và phản đối cải tạo đô thị — vừa là cuốn sách cặn kẽ về cuộc chiến xây nhà tại California.

Hãy đọc chương sách của Dougherty về khu ngoại ô Lafayette, Bay Area. Năm 2011, đã có một đề xuất quyết liệt về việc xây dựng 14 tòa nhà và 315 căn hộ. Chủ đầu tư Dennis O'Brien hiểu rõ chính sách bảo hộ tại Lafayette; giống như nhiều vùng ngoại ô và thành phố trong các thành phố (Lakewood, Beverly Hills), Lafayette đã được thành lập nhằm "giành lấy quyền sử dụng đất từ hạt" — Contra Costa — "và đặt dấu chấm hết cho sự phát triển." tác giả Dougherty viết. Quả đúng như vậy. Dân số của Lafayette đã tăng gấp ba lần từ năm 1950 đến năm 1965 (từ 5.000 lên 19.000 người), sau khi thành lập năm 1968, nó giữ ổn định ở mức 25.000 người. Cư dân chỉ trích dự án đề xuất của O'Brien lấy lý do mỹ quan đô thị, tắc nghẽn giao thông, bảo vệ hệ thống trường học và bụi xây dựng có thể gây ung thư.

Nhưng O'Brien đã và đang thi công xây dựng ở Bay Area từ những năm 1960 và ông có một kế hoạch. Ông báo cho thành phố biết rằng ông sẽ cho thuê nhà giá rẻ hơn thị trường và nếu chính quyền Lafayette phản đối, ông sẽ kiện theo Đạo luật Trách nhiệm về Nhà ở. Đây là điều luật bị lãng quên mà thống đốc Jerry Brown đã ký vào cuối nhiệm kỳ đầu tiên năm 1982. Các thành phố có thể bị kiện nếu cản trở sự phát triển đô thị.

Lãnh đạo thành phố Lafayette — người có lẽ sẽ mất chức nếu vụ kiện ra tòa — liên hệ O'Brien, và sau nhiều lần thương thảo, đã xuống nước thỏa thuận: một dự án mới xây 44 ngôi nhà độc lập, đồng thời O'Brien cũng bỏ tiền xây dựng một sân thể thao và một công viên.

Nhưng mối đe dọa ban đầu của O'Brien đã xôn xao truyền thông và Đạo luật Trách nhiệm về Nhà ở đã thu hút sự chú ý của Sonja Trauss — nhà hoạt động nhiệt thành về nhà ở, người phát biểu hăng hái tại các cuộc họp Hội đồng Thành phố. "Những người theo chủ nghĩa tự do mất 35 năm vẫn không thuyết phục được các địa phương xây dựng nhà ở," một nhà hoạt động xã hội phát biểu. "Vậy, sao không đơn giản là kiện họ?"

Đó là điều Trauss đã làm. Nhưng vào thời điểm vụ kiện được chuyển sang hệ thống tòa án, những cư dân phản đối (NIMBY) của Lafayette đã thu thập đủ chữ ký để yêu cầu trưng cầu dân ý bác bỏ việc phê duyệt đề xuất quy hoạch xây dựng 44 ngôi nhà của Hội đồng thành phố. O'Brien tuyên bố sẽ thực hiện tiếp kế hoạch xây dựng 315 căn hộ như ban đầu nếu cuộc trưng cầu dân ý được thông qua. Các nhà hoạt động "Cứu lấy Lafayette" không tin, nhưng khi cuộc trưng cầu dân ý được thông qua, đó chính là điều O’Brien làm. Cả những người phản đối (NIMBY ) và những người ủng hộ (YIMBYs) đã "tự bắn vào chân mình". Và chủ đầu tư cũng chẳng lợi lộc gì. Ông mất bốn năm và hàng triệu đô-la khi đề xuất hai dự án hoàn toàn khác nhau. Giờ đây, có thể sẽ mất thêm nhiều năm và nhiều vụ kiện nữa nếu 315 ngôi nhà này được xây dựng.

Dougherty giải thích tường minh sự kết hợp các yếu tố kinh tế vi mô và lịch sử đã tạo ra tình trạng thiếu nhà ở trầm trọng đến mức biến bang giàu có nhất ở nước này thành bang nghèo nhất nếu điều chỉnh chi phí sinh hoạt. Để giúp độc giả cân nhắc giải pháp cho tình trạng này, tác giả đưa ra hai trường phái ủng hộ khác nhau. Trauss, nhà hoạt động nhiệt huyết nhưng gay gắt, nổi tiếng toàn quốc với những cách thức mạnh bạo, đặt câu hỏi, cần phải quyết liệt thế nào mới đạt được kết quả và đến mức nào sẽ bị coi là quá mức?, trong khi thượng nghị sĩ mẫn cán nhưng lạnh lùng của bang California Scott Wiener cho thấy rất khó để cải thiện tình hình theo luật ra sao. Dự luật tối cần thiết của ông cho phép bang nắm quyền kiểm soát việc lập quy hoạch xây dựng gần các trung tâm giao thông công cộng, như hệ thống vận chuyển nhanh khu vực vịnh (BART) và các trạm dừng xe buýt, nhằm tinh gọn việc phê duyệt các khu nhà ở cao tầng, khu phức hợp, đã bị bác bỏ vào cuối tháng 1 năm thứ ba liên tiếp.

Thượng nghị sĩ Wiener -- người ủng hộ hệ thống chăm sóc sức khỏe một cơ quan chi trả, nạo phá thai được nhà nước chi trả và cấm khoan dầu bằng công nghệ nứt vỡ thủy lực, được coi là người theo chủ nghĩa tiến bộ ở bất kỳ đâu trên nước Mỹ. Nhưng ở Los Angeles và San Francisco, những người theo chủ nghĩa tự do chia thành các phe phái rất địa phương và xung đột với nhau về các vấn đề rất cục bộ địa phương, khiến khái niệm "tiến bộ" cũng trở nên méo mó. Tại đây, Wiener bị coi là ôn hòa vì ông thấy sự phát triển không hề gì, trong khi đó "những người tiến bộ" muốn dừng lại hoàn toàn. Chỉ có tại California, nơi chính trị đầy nghịch lý mới thấy "những chủ nhà giàu có đấu tranh cho sự bất khả xâm phạm của các khu nhà riêng biệt... trong khi những người thuê nhà nghèo khổ đấu tranh cho sự đô thị hóa."

Tuy nhiên, chính việc "phong tỏa" thành phố ngay từ đầu đã khiến California gặp khủng hoảng, theo tác giả Dougherty. Trong thời kỳ Đại Lạm phát những năm 1970, khi chi phí sinh hoạt bấp bênh, các công việc nhà máy biến mất, lương CEO bắt đầu tăng cao chót vót, giá nhà cũng tăng vọt, và lần đầu tiên, mang lại lợi nhuận nhiều hơn so với chứng khoán. Theo Dougherty, có hai trường hợp xảy ra với các ngôi nhà: Chúng không chỉ trở thành nơi ở mà còn là khoản đầu tư chiến lược, thể hiện phần lớn tài sản của các hộ gia đình Mỹ. Theo đó, các thành phố, bị chi phối/dẫn hướng bởi "những người bỏ phiếu nhà ở" — bản chất là những người muốn bảo vệ giá trị tài sản của họ — bắt đầu thông qua các quy định về quy hoạch xây dựng để hạn chế sự phát triển và "bảo vệ các khu phố." Phát triển chậm lại dẫn đến thuế bất động sản cao hơn, một lượng lớn các vùng ngoại ô và khu phố được thành lập để kiểm soát việc sử dụng đất ở địa phương và gạt người nghèo ra ngoài (mà khoản chi dịch vụ xã hội cho những người này làm gia tăng thuế bất động sản). Năm 1978, những người bỏ phiếu nhà ở thông qua Dự luật 13, đặt ra mức trần thuế bất động sản. Kết quả ra sao? Năm 2018, Bay Area tạo ra tám việc làm mới cho mỗi ngôi nhà và ở California, 130.000 người không có nhà ở.

Liệu những người dân San Francisco sẽ chọn "đuổi" ngành công nghệ thay vì xây dựng nhiều nhà hơn? Một số người, như mấy nhà hoạt động xã hội nhảy lên mui xe buýt Yahoo và nôn vào kính chắn gió, chắc chắn sẽ làm thế. Công nghệ, tạo cảm giác gần như giả tưởng và thu nhiều lợi nhuận từ "theo dõi người dân", là "vật tế thần" dễ dàng. Nhưng các thành phố hạn chế sự phát triển sẽ hoặc sụp đổ hoặc phải có thuế bất động sản cao. Một dự luật như thượng nghị sĩ Wiener đề xuất chính là giải pháp, tác giả Dougherty lập luận. Nhưng các bên liên quan — chính quyền thành phố, công đoàn xây dựng và các nhóm vì môi trường (một số không thực sự quan tâm đến môi trường nhưng rất giỏi áp dụng luật môi trường của California để cản trở việc xây dựng) — tất cả đều lo sợ rằng nếu việc xây dựng trở nên dễ dàng hơn, họ sẽ mất đi cán cân lợi thế. "Một quá trình phức tạp đầy lợi ích chính trị," Dougherty viết.

"Cánh Cổng Vàng" là cuốn sách cần thiết cho mọi người dân California, dù người mới đến hay người bản xứ. Nhưng liệu người ngoài có quan tâm? Phần giới thiệu của Dougherty đưa ra lý do họ nên vậy. "Bạn không thể nói về bất bình đẳng trong giáo dục hoặc tầng lớp trung lưu đang bị thu hẹp mà không nhắc tới chi phí để được sống gần những trường học tốt và những công việc lương cao," ông viết. Ông chỉ ra các cuộc chiến giành quyền sử dụng đất mà San Francisco và vùng ngoại ô gặp phải là mô hình thu nhỏ các vấn đề giành quyền sử dụng đất gây bức bối đe dọa các vùng kinh tế thịnh vượng khác, như Seattle, Austin và Denver; Vancouver, London và Berlin.

Tôi mong giá như tác giả tiếp tục kết nối những gì xảy ra ở California với những gì đang diễn ra ở các nơi khác. Nhưng sau phần giới thiệu, các đường biên gần như đóng lại, và do đó, "Cánh Cổng Vàng" dường như, một chút bản địa hơn. Có lẽ đó chính là điểm mấu chốt. Thời điểm hiện tại, chính sách nhà ở chủ yếu được quyết định bởi các chính quyền địa phương hành động như những thái ấp phong kiến. Các chính quyền địa phương được tạo thành từ các cá nhân có tư chất — nhưng tùy theo ý muốn, họ cũng dần bị thay đổi bởi các cá nhân có tư chất.

Tags: book

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc