Ebola, HIV, Cúm Tây Ban Nha, SARS — Những án tử của thế kỷ 20

bài bình sách của Carl Zimmer
ngày 05 tháng 6 năm 2019

nguồn: NYTimes,
Thu Thảo dịch,

THẾ KỶ ĐẠI DỊCH
Một trăm năm kinh hoàng, cuồng loạn và ngạo mạn
tác giả Mark Honigsbaum

Một vài đoạn trong cuốn “The Pandemic Century” (“Thế kỷ Đại dịch”) của Mark Honigsbaum sống động đến mức tôi có thể mường tượng được các cảnh phim. Khi đọc đến giữa cuốn sách, tôi hình dung được một bác sĩ đang bước lên
những bậc thềm phía trước của một ngôi nhà liền kề ở thành phố Annapolis, bang Maryland, mùa đông năm 1930. Ông gõ cửa nhưng không ai trả lời, ông bèn đẩy cửa bước vào. Một thợ sửa xe đang nằm xoãi trên ghế, thều thào trong cơn sốt mê man. Vợ anh ta vẩn vơ đi ra từ phòng ngủ, la hét điên loạn. Từ trong bếp, mẹ cô ta ho nấc lên từng tràng.

Lồng chim treo trên trần, một con vẹt chết, nằm phơi bụng.

Đợt bùng phát dịch sốt vẹt năm 1930 đã dần biến mất khỏi ký ức chúng ta. Nhưng ở đỉnh dịch, đó là tiêu điểm các bài báo gây hoảng loạn, ví dụ như “Sốt vẹt khiến bảy người tử vong” trên tờ Los Angeles Times. Từ đông sang tây, bệnh đã lây từ vẹt sang người. Trong vòng sáu tháng, trên thế giới có tới 800 ca sốt vẹt và 33 người Mỹ đã tử vong. Trong số những người chết có cả các nhà khoa học nỗ lực tìm nguyên nhân của đợt bùng phát.

Một sai lầm trong quá khứ đã
khiến họ thiệt mạng. Năm 1892, một nhà vi trùng học người Pháp tuyên bố đã tìm thấy vi khuẩn gây bệnh sốt vẹt. Thật ra, ông đã tìm ra một chủng salmonella không liên quan đến căn bệnh này. Ba mươi tám năm sau, giữa đợt bùng phát năm 1930, các nhà khoa học cuối cùng đã tìm ra thủ phạm thực sự: một loài vi khuẩn hiện được gọi là Chlamydia psittaci.

Sự tìm ra căn nguyên này đã trở thành vũ khí hữu hiệu. Các bác sĩ bắt đầu chẩn đoán bệnh chính xác hơn, và chim bắt đầu được sàng lọc. Sự bùng phát giảm dần và sốt vẹt được kiểm soát kể từ đó. Tại Mỹ, mỗi năm không quá 10 người mắc bệnh, nhưng họ có thể được chữa khỏi bằng kháng sinh.

Tác giả Honigsbaum, nhà báo và cũng là nhà sử học, viết nên cuốn sách “Thế kỷ đại dịch” từ chín câu chuyện như vậy. Dù còn quen thuộc hay đã quên, sốt vẹt hay Ebola, ông đều cho chúng ta thấy sự tương đồng đáng kinh ngạc giữa chúng. Và những điểm tương đồng đó khiến chúng ta phải lo lắng về đợt bùng phát tiếp theo. Dựa trên kinh nghiệm quá khứ, có lẽ điều tồi tệ sẽ xảy ra.

Sự nhầm lẫn về mầm bệnh sốt vẹt là điều phổ biến. Hết lần này đến lần khác, các đại dịch đã bùng phát vì chúng ta không nhận ra mình đang đối phó với điều gì. Khi những người lính bắt đầu chết vì cúm vào cuối Thế chiến I, các bác sĩ cho rằng căn bệnh này là do loài vi khuẩn Bacillus influenzae gây ra. Trên thực tế, virus gây ra trận cúm này và B. influenzae chỉ là “kẻ cơ hội” tranh thủ nhiễm vào phổi bị suy yếu. Đại dịch năm 1918 sau đó khiến 50 triệu người chết trên toàn thế giới.

Năm 2014-2015, dịch Ebola Tây Phi bùng phát khiến mọi người kinh ngạc, vì trước đó Ebola chưa từng xảy ra ở đây. Tuy nhiên, các nhà khoa học đã tìm thấy kháng thể ở người Tây Phi, qua đó cho rằng loại virus này đã lan sang khu vực này từ nhiều năm trước. Báo cáo nghiên cứu của họ bị một tạp chí từ chối đăng, khi một đồng nghiệp xét duyệt nói thẳng thừng, “Tôi không tin có virus Ebola ở Tây Phi.”

Sợi dây liên kết phổ biến khác đối với các đợt dịch bệnh mà tác giả Honigsbaum lấy làm ví dụ là cách chúng phát sinh. Chúng ta thường tự tạo ra dịch bệnh. Năm 1976, hàng trăm thành viên Quân đoàn Mỹ tham dự một hội nghị ở Philadelphia bị bệnh và 34 người chết. Hóa ra một loại vi khuẩn khác đang ẩn mình trong tháp nước của khách sạn. Vi khuẩn này, hiện được gọi là Legionella, có thể là mới đối với chúng ta nhưng nó đã sống hàng triệu năm trong đất và nước, nơi nó tấn công amip. Khi xây dựng các hệ thống làm mát, chúng ta đã tạo ra một môi trường mới, nơi nó có thể phát triển mạnh và lẫn vào trong những giọt nước nhỏ li ti có thể được hít vào.

Do không hiểu về các đại dịch nên mỗi khi chúng nổ ra, chúng ta thường hoảng loạn hết sức nguy hiểm. Khi bệnh HIV xuất hiện đầu những năm 1980, những người nhiễm bệnh bị coi là những kẻ hạ đẳng, bị “rủa xả” vì căn bệnh họ mắc phải và bị xa lánh như thể bắt tay cũng bị nhiễm HIV. Trong đợt bùng phát dịch Ebola ở Tây Phi, sự xuất hiện đột ngột của các đội y tế bí ẩn làm dấy lên tin đồn rằng thật ra họ đến đây để lấy nội tạng và đánh cắp máu. Honigsbaum buồn bã dẫn lời nhà vi trùng học người Hà Lan Peter Piot: “Có một dịch bệnh Ebola ở Tây Phi, sau đó có dịch bệnh thứ hai, đó là dịch bệnh “lên đồng tập thể”.”

Mỗi chương trong “Thế kỷ Đại dịch” được nghiên cứu rất kỹ lưỡng. Để kể câu chuyện về virus Zika, Honigsbaum đã đến thành phố Recife ở Brazil, nơi bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, khiến trẻ em bị dị tật bẩm sinh. Câu chuyện của ông về đại dịch cúm năm 1918 rất nóng sốt, khi ông tìm hiểu rất sâu các tài liệu lưu trữ và các nghiên cứu gần đây về nguồn gốc của nó. Có nhiều điều học được ở cuốn sách này. Nhưng để tóm gọn chín đại dịch vào một cuốn sách, Honigsbaum cũng chọn không nhắc tới nhiều điều. Một số điều không được nhắc tới đó gây hiểu lầm.

Chẳng hạn, câu chuyện về HIV của ông cho ta cảm tưởng như nhìn vào gương chiếu hậu đối với mối đe dọa đang dần lùi vào dĩ vãng. “Ngày nay, trong kỷ nguyên của thuốc kháng retrovirus, khi bị chẩn đoán nhiễm HIV không có nghĩa là lĩnh án tử, chúng ta dễ dàng quên đi sự hoảng loạn, cuồng loạn và kỳ thị của những ngày đầu đại dịch,” Honigsbaum viết. Đúng là số người chết vì HIV đã giảm mạnh ở Mỹ (năm 2016 là 15.807 người). Nhưng châu Phi, chứ không phải Mỹ, từ lâu đã trở thành trung tâm đại dịch HIV trên toàn thế giới và vẫn còn quá nhiều người không thể có thuốc retrovirus. Bảy mươi phần trăm các trường hợp tử vong liên quan đến HIV diễn ra ở châu Phi; chỉ riêng năm 2017, gần 670.000 người châu Phi đã chết. Vẫn chưa đến lúc nói về HIV như một đại dịch trong quá khứ.

Để bao quát cả chín câu chuyện, Honigsbaum lướt nhanh qua những nội dung khó hiểu. Ông nhắc đến “một xét nghiệm miễn dịch huỳnh quang gián tiếp để chứng minh sự chuyển hóa huyết thanh” nhưng không giải thích cho độc giả. Đôi khi ông viết những đoạn dài lê thê tới một hoặc hai trang sách, kể lể nhiều chi tiết rối rắm của chính trị y tế công.

Bỏ qua những chi tiết này, tôi vẫn vấn vương về thông điệp chính của cuốn sách, thể hiện ngay ở tên sách. Chúng ta có nên gọi một trăm năm qua là Thế kỷ đại dịch?

Đợt bùng phát sốt vẹt tương đối dữ dội, nhưng chỉ với 33 trường hợp tử vong ở Mỹ và số người chết tương đối thấp ở châu Âu, nó có lẽ không nên được coi là một đại dịch. Đợt bùng phát HIV và dịch cúm năm 1918 rõ ràng là thảm họa — nhưng các thế kỷ trước đó chứng kiến những đại dịch khủng khiếp hơn thế. Columbus và những người châu Âu đi theo ông không cần máy bay để đưa mầm bệnh chết người đến châu Mỹ. Trong một nghiên cứu gần đây, các nhà nghiên cứu Đại học Oxford ước tính những căn bệnh này đã giết chết 56 triệu người — 90% dân số châu Mỹ — cho tới năm 1600.

Điều khiến thế kỷ qua khác thường không phải là bản thân đại dịch, mà là những kỳ vọng của chúng ta về việc đánh bại chúng. Lý thuyết mầm bệnh và những tiến bộ khoa học khác trong thế kỷ 19 cho chúng ta cảm tưởng như đã làm chủ thế giới vi sinh vật. Nhưng các mầm bệnh vẫn tiếp tục phá vỡ hàng rào chủng loài của chúng ta bất chấp những tiến bộ đó — tạm kể ba ví dụ: HIV từ tinh tinh, cúm từ chim, Zika từ khỉ. Trên thực tế, cách thế giới cải thiện mức sống đôi khi đã khiến chúng ta tiếp xúc với những căn bệnh mà chúng ta lẽ ra không bao giờ phải đối mặt.

Sau khi nghiên cứu lịch sử, tác giả Honigsbaum trở nên bi quan về tương lai. “Chắc chắn sẽ lại có những đại dịch mới và những bệnh dịch mới,” ông cam đoan. Nhưng ông bỏ qua những nỗ lực giúp chống lại đại dịch trong tương lai hoặc thậm chí ngăn chặn chúng ngay từ trước khi chúng xuất hiện — chẳng hạn như các dự án nhằm giữ mọi người ở khoảng cách an toàn với động vật hoang dã tiềm ẩn nguy hiểm, các chương trình và mạng lưới giám sát virus toàn cầu giúp mang lại thông tin tích cực thay vì lan truyền sự sợ hãi cho cộng đồng. Chắc chắn hiểu thêm về lịch sử giúp chúng ta có cơ hội quý báu không lặp lại sai lầm.

Tags: bookhealth

5 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc