Hitler đã biến đổi nước Đức nhanh chóng ra sao?

nguồn: NYTimes,

Lan Phương dịch,

Giới tinh hoa cánh hữu tin tưởng rằng họ có thể dùng ông ta làm lợi thế cho mình. Thật vậy, Adolf Hitler lố bịch và thô tục, một kẻ mị dân tầm thường thay vì là một chính trị gia khôn khéo, nhưng ông ta biết cách kích động
chủ nghĩa dân tộc và phát biểu hàng tràng. Các chính trị gia bảo thủ của Đức quả quyết với nhau rằng họ vẫn sẽ là những người giật dây. Như một người trong số họ nói, “chỉ trong vòng hai tháng, chúng ta sẽ dồn Hitler vào chân tường tới mức anh ta phải gào lên”.

Khỏi phải nói, những nhân vật này đã đánh giá quá cao khả năng kiềm tỏa của mình. Trong tác phẩm “Hitler’s First Hundred Days” (“Một trăm ngày đầu tiên của Hitler”), nhà sử học Peter Fritzsche cho thấy Hitler và các thành viên Đảng quốc xã đã không bỏ phí chút thời gian nào ngay sau khi ông ta được bổ nhiệm làm thủ tướng ngày 30 tháng 1 năm 1933 để
nghiền nát những gì còn sót lại của Cộng hòa Weimar và thiết lập “chế độ độc tài nổi tiếng nhất thế kỷ 20”.

Những thay đổi táo bạo và nhanh chóng. Vào ngày thứ 4, Hitler và các đồng minh bảo thủ của ông ta kiểm duyệt bất kỳ ấn phẩm báo chí nào dám coi thường chính phủ. Vào ngày thứ 7, ông ta sáp nhập lực lượng bán quân sự áo nâu vào bộ máy duy trì luật pháp và trật tự chính thức của nhà nước. Vụ hỏa hoạn Reichstag vào ngày thứ 29 đã cho Hitler cái cớ mà ông ta cần để buộc Tổng thống Paul von Hindenburg ký một sắc lệnh khẩn cấp đình chỉ các quyền tự do dân sự, và cuộc bầu cử Reichstag một tuần sau đó đã củng cố quyền lực của Đức quốc xã. Vào ngày thứ 61, Đức quốc xã tổ chức cuộc tẩy chay toàn quốc đối với các doanh nghiệp Do Thái, và sáu ngày sau, thanh trừng các dịch vụ dân sự của người Do Thái.

"11h 15’, chỉ trong 100 ngày, dẫn đến Nghìn năm Quốc xã”, Fritzsche viết, đề cập đến khoảng thời gian trước nửa đêm khi Hitler và giới tinh hoa bảo thủ thực hiện thỏa thuận hậu trường để bổ nhiệm ông ta làm thủ tướng.

Fritzsche miêu tả một kỷ nguyên đã được đề cập tới nhiều lần ở các cuốn sách khác, không chỉ riêng sách của ông. Là một sử gia đáng kính về chủ đề người Đức bình thường thích nghi với chế độ Đức quốc xã như thế nào, Fritzsche không chỉnh sửa gì nghiên cứu của mình cũng như không làm gì khác biệt ở đây. Nhưng có điều gì đó đặc biệt giải thích rõ khung thời gian một trăm ngày đó, nhất là khi nó được trình bày trong cuốn sách tao nhã và trang trọng này, cho thấy một sự biến đổi chính trị không thể tưởng tượng được có thể diễn ra nhanh đến mức độ đáng kinh ngạc. Fritzsche trích dẫn các mẩu báo, mục nhật ký và thư tín của thời kỳ này để mang đến cảm giác về cuộc sống thường ngày ở Đức mùa xuân năm 1933, khi bế tắc chính trị của nền dân chủ bị chia rẽ Weimar nhường chỗ cho sự tàn bạo không nhân nhượng được nhà nước dung túng.

Sự biến đổi đến từ cả hai hướng. Từ bên trên, Đức quốc xã thực thi cưỡng chế, khủng bố đối thủ và loại bỏ bất đồng chính kiến. Bạo lực là mấu chốt, tuy nó được thể hiện như một phản ứng tự vệ đối với những “phần tử trí thức phản động”, và những kẻ kích động nguy hiểm, điều này cho phép Đức quốc xã tự tô vẽ chúng không phải là những tên côn đồ độc ác mà là người thực thi “công lý”. Đã có cuộc tranh luận trên cả nước về việc những người bị kết án tử hình nên được hành hình bằng rìu hay máy chém; máy chém bị chế giễu là “vô hồn, vô cảm” và biểu thị “chủ nghĩa nhân đạo” thảm thương. Trại tập trung Dachau được mở vào tháng ba. Các tù nhân chính trị phải tuân theo cái mà Fritzsche gọi một cách ngắn gọn là ”sự bạo dâm được cấp phép”.

Từ bên dưới, Đức quốc xã tranh thủ sự ủng hộ bằng cách nuôi dưỡng sự hoang tưởng và cả tin của cử tri — hai đặc tính hoàn toàn tương thích với nhau hơn bề ngoài. Sự tuyên truyền của Đức Quốc xã đã phần nào gây nên cảm giác khó chịu của mọi người, hay cái mà Bộ trưởng tuyên truyền Joseph Goebbels gọi là dicke Luft, cảm giác xung quanh rằng “rắc rối đang kéo tới”. Trong Đại khủng hoảng, các gánh xiếc di động đã phải đóng cửa nhưng những cuộc diễu binh phô trương khiến người ta buồn cười không kém. Hitler cũng ủng hộ mạnh mẽ ý tưởng về Volksgemeinschaft, hay “cộng đồng nhân dân”, và gợi lên niềm hoài niệm về sự khởi đầu của Thế chiến I mà người Đức nhớ đến như thời đại của đoàn kết dân tộc và sức mạnh tập thể. Những lời kêu gọi bạo lực và kêu gọi đổi mới đã song hành với nhau: Chỉ bằng cách thanh lọc những thành phần có hại cho nước Đức (những người Cộng sản, người XHCN, người theo chủ nghĩa trung dung, người Do Thái), Đức quốc xã tuyên bố, mới có thể mang lại vinh quang cho Đệ tam Quốc xã.

Thứ không thể thiếu đối với sự kiểm soát của Đức Quốc xã là phát thanh. Trước năm 1933, các chính trị gia Đức Quốc xã không tiếp cận được sóng phát thanh, và sau khi Hitler được bổ nhiệm làm Thủ tướng, họ quyết tâm tận dụng tối đa kênh truyền thông trực tiếp này đến người dân. Fritzsche miêu tả cách các chương trình phát thanh được hiệu chỉnh để đạt hiệu quả cảm xúc tối đa. Tức thời và gần gũi hơn các báo cáo trên báo chí, đài phát thanh đem lại cảm giác chân thực, ngay cả khi những gì được phát sóng là tổng hợp cả diễn xuất, cường điệu và bịa đặt trơ trẽn. Goebbels gây áp lực lên các nhà sản xuất để sản xuất hàng loạt “đài radio nhân dân”, hay Volksempfänger ; đến tháng 9 năm 1933, người Đức có thể mua VE 301, với ba con số là viết tắt của ngày 30 tháng 1, thời điểm bắt đầu một trăm ngày của Hitler.

Lời bào chữa thường gặp cho việc đi theo chủ nghĩa phát xít của cử tri là kinh tế khó khăn; siêu lạm phát gây chấn động nước Đức sau Thế chiến I đã biến thành một vòng xoáy giảm phát cùng với cuộc khủng hoảng. Như Fritzsche chỉ ra, mặc dù mức độ ảnh hưởng, tổn thất là không như nhau; những người thất nghiệp có xu hướng không bỏ phiếu cho Đức quốc xã còn những người thành thị giàu có thì ngược lại. Tác giả giới thiệu với chúng ta bà Elisabeth Gebensleben, có chồng là phó thị trưởng theo chủ nghĩa bảo thủ của một thị trấn ở Lower Sachsen. Những lá thư của Elisabeth gửi cho con gái bà, Immo, đang sống ở Hà Lan, cho ta thấy một người rõ ràng coi mình là một phụ nữ trung lưu tốt bụng và tuân thủ luật pháp có thể ủng hộ chế độ Đức quốc xã ra sao. Elisabeth tỏ ra khó chịu với những người ăn xin và những người Cộng sản thất nghiệp tập trung tại các cuộc biểu tình, gây ra nỗi ám ảnh về “bất ổn dân sự”. Bà gọi những chiếc áo nâu đội quân bán quân sự của Hitler là “cảnh tượng tuyệt vời”.

Câu chuyện một trăm ngày do Fritzsche tường thuật đưa chúng ta đến ngày 9 tháng 5 năm 1933, khi không còn có thể nhận ra nước Đức cộng hòa chỉ mới ba tháng trước đó. Phe đối lập với Đức quốc xã bị tan rã, hoặc phải gia nhập Đảng quốc xã hoặc bị tiêu diệt. “Hiến pháp” mới của nước này về sự cai trị của Đức Quốc xã được ban hành bằng sắc lệnh khẩn cấp, chẳng khác gì điều mà một học giả lưu vong gọi là tình trạng vây hãm vĩnh viễn. Vào ngày thứ 101, xảy ra những vụ đốt sách được tổ chức bởi các sinh viên Đức Quốc xã; vào ngày thứ 166, luật thanh lọc được công bố.

Elisabeth tiếp tục ủng hộ đảng này, ngay cả khi con gái bà ở Hà Lan giúp che giấu một đứa trẻ Do Thái trong chiến tranh. Elisabeth nói với Immo rằng bà có lòng thương cảm với hoàn cảnh của một số người nhất định trong khi khăng khăng rằng Đức quốc xã — và nói rộng ra là bản thân bà — chỉ làm những gì họ phải làm. Cuốn sách của Fritzsche miêu tả chi tiết sự trượt dài trên phạm vi toàn quốc từ ảo tưởng nhẹ dạ đến cố ý đi theo thảm họa. Cũng độc hại như những lời dối trá mà người Đức được nghe là những lời dối trá mà họ không ngừng nói với chính mình.

Tags: book

2 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc