Churchill cứu nước Anh khỏi bờ vực thảm họa như thế nào?

NGƯỜI HUY HOÀNG VÀ KẺ ĐÊ TIỆN
Câu chuyện về Churchill, Gia đình, và Chống trả chiến dịch không kích Blitz
Tác giả Erik Larson

nguồn: NYTimes,

Quỳnh Anh dịch,

Mùa đông năm 1940, khi chiến dịch ném bom tàn bạo của Đức chống lại Anh tiếp tục kéo dài, Joseph Goebbels trút hết phiền muộn vào trang nhật ký.
“Khi nào thì con vật Churchill kia mới chịu đầu hàng?” hắn phàn nàn. “Nước Anh không thể cầm cự mãi được!” Tuy nhiên, điều khiến bộ trưởng tuyên truyền của Đức quốc xã chán ghét còn hơn cả sự bướng bỉnh của thủ tướng Anh lại là năng lực thuyết phục người khác của ông. Mỗi lần Churchill lên sóng, cứ như thể ông đang tiêm một liều thuốc can đảm đầy adrenaline trực tiếp vào người dân Anh. Tệ hơn nữa, Goebbels biết rằng ngày càng nhiều người Đức cũng bắt đầu nghe. Tin chắc rằng nghe các bài diễn văn bay bổng của Churchill không chỉ là hành vi nguy hiểm mà còn là hành động phản bội, hắn quyết tâm đàn áp cái gọi là “tội phạm radio” bằng bất kỳ giá nào. “Mỗi người Đức,” Gobbels tuyên bố, “phải xác định rõ ràng trong tâm trí rằng nghe những chương trình đó là thể hiện hành vi phá hoại nghiêm trọng.”

Điều Goebbels đã đúng khi sợ hãi — rút ra từ kinh nghiệm lão luyện sử dụng dư luận làm vũ khí của bản thân — là
mối đe dọa có một bậc thầy cao tay hơn nhiều về ngôn từ và lí tưởng sẽ đoàn kết phương Tây kiên quyết chống lại sự thống trị của Đức Quốc xã. Trong cuốn “The Splendid and the Vile,” (“Người Huy hoàng và Kẻ Đê tiện”) Erik Larson, tác giả của những cuốn sách trước đó là “In the Garden of Beasts” (“Trong khu vườn Quái vật”) và (“The Devil in the White City”) “Ác quỷ Thành phố Trắng,” kể lại câu chuyện làm sao ngay trong năm đầu làm thủ tướng Churchill đã đạt được chiến công đó, giải cứu nền văn minh phương Tây khỏi bờ vực thẳm và cho phép nó tiếp tục chiến đấu. Nhờ khéo léo sử dụng những nhật ký riêng tư cũng như các tài liệu công khai, một số mới được phát hành gần đây, tác giả Larson đã biến những ghi chép nổi tiếng về 12 tháng đầy biến động, kéo dài từ tháng 5 năm 1940 đến tháng 5 năm 1941, thành một cuốn sách mới, có nhịp nhanh và gây cảm động sâu sắc.

Quan trọng không kém các bài diễn văn mang tính khuấy động và có tính toán kỹ lưỡng của Churchill là những thính giả tiếp nhận diễn văn ở cả hai bờ Đại Tây Dương. Khi chúng ta nhìn lại lịch sử, những sự kiện kịch tính nhất — chuyến bay một mình tuyệt vọng của Rudolf Hess đến Scotland, cuộc tấn công vào Trân Châu Cảng — thường làm lu mờ mọi thứ khác. Nhưng bức chân dung khéo léo của tác giả Larson cho thấy mối liên hệ thiết yếu về ngôn từ đã tạo ra giữa những người nắm quyền lực và những người không quyền lực, ghi lại những khoảnh khắc xác định cuộc đời của hàng triệu người đấu tranh để sống sót sau quyết định của một số ít người. Những câu chuyện nhỏ bị lãng quên được tác giả Larson sử dụng tạo nên hiệu quả gây cảm động đến vậy, khiến chúng ta có thể hiểu được, dù đã 80 năm sau, điều gì khiến trái tim thổn thức và tan vỡ, và được kể lại bởi chính những người từng trải nghiệm câu chuyện, không chỉ trong căn phòng chiến tranh toàn các cố vấn quân sự mà còn khi một mình trong một căn hộ ở London. “Tim tôi như ngừng đập mỗi khi có xe rồ ga lên, hoặc khi ai đó chạy, hoặc đi rất nhanh, hoặc đột nhiên đứng yên, hoặc nghiêng đầu về một phía, hoặc nhìn lên trời, hoặc nói, 'Xuỵttt!’” một thanh niên London đã viết trong nhật ký sau nhiều tháng chịu đựng các cuộc dội bom căng thẳng. “Thế nên tính ra tim tôi ngừng nhiều hơn là đập!”

Chiến dịch Blitz — những ngày căng thẳng, đầy khủng bố, nỗi kinh hoàng nó gây ra — có thể cảm nhận được trong suốt cuốn sách này, thường là qua những sự thật đau đớn được lựa chọn cẩn thận, không chỉ khiến câu chuyện trở nên sống động mà còn khiến người đọc dừng lại, ngước lên và nói với bất kỳ ai tình cờ ở gần đó, “Hãy nghe này.” Chẳng hạn, khi chuẩn bị cho cuộc tấn công trên không đầu tiên vào London, Bộ Nội vụ Anh Quốc ước tính “các nhà sản xuất quan tài sẽ cần 20 triệu feet vuông 'gỗ quan tài', khối lượng quá lớn không thể đủ cung cấp.” Thay vì gỗ, họ nhận ra rằng họ phải chôn cất hàng ngàn người — hàng xóm và người lạ, đồng nghiệp và trẻ em — bằng bìa cứng hoặc thậm chí là giấy bồi, rồi chôn xuống những rãnh sâu năm tấc. Tuy nhiên, điều mà họ vốn không thể hiểu được, điều mà không có sự tính toán cẩn thận nào có thể nói với họ, đó là cuộc sống sẽ như thế nào ngay sau mỗi cuộc không kích, “mùi thuốc nổ cođít sau khi bom nổ,” theo lời của Larson, “âm thanh quét các mảnh vụn thủy tinh vỡ thành đống” và khối lượng bụi bặm nghẹt thở bao phủ từng inch thành phố London. “Khi các tòa nhà sụp đổ, gạch, đá, thạch cao và vữa nát đổ ầm ầm như sấm từ mái hiên, gác mái, mái nhà, ống khói, lò sưởi và lò nung giáng xuống,” Larson viết. “Bụi từ thời Cromwell, Dickens và Victoria.”

Giữa địa ngục hỗn loạn này, không có nơi nào an toàn hay thiêng liêng, khi có quả bom rơi ngay cả trên Cung điện Buckingham, tiếng nói của vị thủ tướng mới đã trở thành nguồn an ủi chứa đựng hy vọng và quyết tâm. Các bài phát biểu của ông luôn đáp ứng được mong muốn của người dân ở những giai đoạn này, bài sau càng hùng hồn và gây xúc động mạnh hơn bài trước. “Nếu tính cả ngôn từ,” Churchill tự mình tuyên bố, “thì chúng ta sẽ thắng cuộc chiến này.” Nhưng khi các trận chiến tiếp diễn và các vụ đánh bom gia tăng, ông dành ít thời gian hơn trong việc cố gắng truyền cảm hứng cho chính người dân của mình, hoặc đe dọa kẻ thù kiên định nguy hiểm, so với việc lấy lòng người bạn ấm áp nhưng xa cách của mình: nước Mỹ. Churchill biết rằng vị tổng thống đầy uy tính, có sức lôi cuốn của đất nước ấy, Franklin Delano Roosevelt, theo cách nói của Larson, là “một đồng minh về tinh thần,” nhưng ông cũng biết rằng điều đó là không đủ. Không có sự giúp đỡ của Mỹ, nước Anh có rất ít cơ hội sống sót.

Kể từ khi bắt đầu chiến tranh, Churchill đã cầu xin Roosevelt giúp đỡ, gửi điện tín hằng ngày và nói rõ tình hình nước Anh tuyệt vọng đến mức nào. “Ngài Tổng thống, hãy nhớ rằng,” ông viết trong bức điện trực tiếp điển hình, “chúng tôi không biết ông đang nghĩ gì, hoặc chính xác Mỹ sẽ làm gì, và chúng tôi đang chiến đấu vì mạng sống của chính mình.” Tuy nhiên, Roosevelt bị hạn chế do bị Quốc hội phản đối và bởi những lo ngại về chiến dịch tranh cử nhiệm kỳ thứ ba chưa từng có ở Nhà Trắng của ông. Ông tỏ ra thông cảm, khích lệ, nhưng vẫn hết sức lảng tránh.

Khi những lời Churchill mong mỏi được nghe từ Mỹ cuối cùng cũng đến, thì không phải từ Roosevelt mà là từ người cố vấn cá nhân có ngoại hình nom ốm yếu, xanh xao của ông ta, Harry Hopkins, người xứng tầm với Churchill về tài dụng ngôn. “Linh hồn ông là một linh hồn bùng lên từ cơ thể yếu đuối và bệnh tật,” sau này Churchill viết. “Ông là một ngọn hải đăng đổ nát vẫn đang chiếu sáng dẫn đường cho những đội tàu lớn cập bến.”

Những tuần đầu tiên năm 1941, Hopkins và Churchill đi quanh thành phố London bị tàn phá, đến những thị trấn khó khăn khác, lắng nghe ông nói về quyết tâm và cả những nỗi tuyệt vọng của mình. Giống như những người khác từng nghe ông nói, kể cả Goebbels, Hopkins không thể không bị ảnh hưởng. Cuối cùng, một đêm nọ tại một cuộc gặp mặt nhỏ ở Glasgow, Hopkins đã đứng dậy lên tiếng. Ông nói trực tiếp với Churchill, “Tôi cho rằng ngài muốn biết tôi sẽ nói gì với Tổng thống Roosevelt khi tôi trở về.” Sau đó, lặng lẽ, ông bắt đầu trích dẫn một đoạn trong Sách về Ruth. “Người đi về đâu, tôi sẽ đi theo. Và người ở nơi nào, tôi sẽ ở đó: Nhân dân của người sẽ là nhân dân của tôi, và Thiên Chúa của người là Thiên Chúa của tôi, cho đến tận cùng.”

Bài trước: Người tố giác

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc