Bong bóng và phân lô

shared from fb tien long do,
-----
Gần đây hay gặp các trường hợp du học nước ngoài về đi xin việc nhưng mất phương hướng, không tìm được việc làm phù hợp, hay có em làm những công việc mà không cần phải đi học khắp thế giới về, rồi làm cái việc đơn giản của người học nghề chứ không phải MBA.

Điều bất hợp lý là tâm lý khi ngồi trong trường thì nhấp nhổm du học, rồi du học xong thì ở lại không đặng, về nước thì thẫn thờ như người lạ. Không ít em tốt nghiệp xong các trường có tiếng trong nước, ra trường không tìm được tiếng nói chung với tổ chức, đi học lại đủ các nghề, các khóa đào tạo. Nhiều em ngồi cả ngày với laptop trong quán cafe, bảo làm free lancer, nhưng ai cũng biết là không có nhiều lựa chọn như vậy cho các em trẻ.

Dường như các danh xưng như du học, trường chuyên, lớp tinh hoa, thủ khoa, bằng xuất sắc, cũng đang trong trạng thái bong bóng treo như BĐS, cứ thổi lên, rồi đờ ra, mất phương hướng.

Hiện tượng dễ thấy là các em trẻ như bị cạn kiệt cả về ý chí và tinh thần, bị phụ thuộc hay bị bao bọc của bố mẹ, mất phương hướng và niềm tin, cả cuộc sống, hôn nhân, và nghề nghiệp.

Có vẻ như chia ra một nửa thông minh, thì thiếu định hướng niềm tin, chạy loanh quanh đến ba mươi thì không ít em sống như đang về hưu ở trong nhà, dù bằng cấp cao hay du học về. Nửa dưới xuất thân khó khăn, một số nỗ lực vươn lên, còn không ít bị tự ti, an phận, hay khép kín, cách biệt.

Nhiều khi người lớn cứ bàn về đất phân lô, đất đặc khu, dự án to lớn này nọ, mà quên mất mỏ vàng của gia đình của toàn xã hội đang bị lãng quên bỏ phí, bỏ hỏng, dù có đưa ra nước ngoài. Một đứa trẻ thiếu niềm tin, thiếu động lực, ý chí và các phẩm chất con người, khi vào một xã hội tốc độ cao hơn, đa số sẽ chọn ứng xử thụ động, tự vệ, dù có cho sang Anh, sang Mỹ.

Những cơn mê sảng tiền bạc dự án, những toán tính bong bóng chức quyền này nọ, thổi bơm nọ kia, có thể kiếm chác một chút, nhưng đang làm hỏng nền tảng kinh tế, mất niềm tin, và sự cân bằng xã hội. Những đồng tiền đó có mang ra nước ngoài cũng không sống được dễ dàng, phá hỏng chính ngôi nhà và tương lai con cái chúng ta, quê hương đất nước ta.

Sự hứng khởi về những thành quả như bắt được sau đổi mới làm không ít cha mẹ đã cao hứng, thừa thắng thao túng, phân lô, chi phối cả cách nghĩ và hướng đi, cách sống của con trẻ. Hồn nhiên đến độ không nhận ra rằng những kinh nghiệm và nếp nghĩ từ một xã hội nửa loạn lạc, nửa chiến tranh đó, chả có ý nghĩa gì với thế giới của giới trẻ hôm nay và mai sau. Xã hội ổn định thì kinh nghiệm là tri thức, là giá trị bền vững. Môi trường biến động, kinh nghiệm cũ trở thành điểm yếu, điểm mù, che khuất tầm nhìn và sự sáng suốt.

Trời đã về chiều, bớt hăng say hăng máu, bớt toan tính cá nhân, để tránh rơi vào cái bẫy tự ăn cắp cuộc đời mình và liều lĩnh đặt cược tương lai con cháu cho các tham vọng.

Bong bóng chỉ tồn tại trong chốc nhát. Phát triển trong TK21 là tri thức và các giá trị nhân bản. Ôm nhiều dự án đâu có hạnh phúc cho con cháu và cho mình. Cuộc sống số không còn nhiều không gian cho ảo giác, mà phải là sự thực chất. Phát triển bền vững luôn đi liền với thật và chất.

Không đâu bằng đất nước mình. Đừng phân lô tương lai con cháu!
-----

bác Đỗ Tiến Long có bàn chuyện nhiều du học sinh trở về nước không tìm được việc làm, không thích nghi được cuộc sống rồi lại phải học nghề khác...

Đấy là một hiện thực. Đơn giản vì giáo dục mà các bạn ấy học được thiết kế là để phục vụ cho học sinh ở nước đó. Cho dù thế giới ngày càng toàn cầu hóa, giáo dục vẫn là một lĩnh vực mang yếu tố "dân tộc-quốc gia" sâu sắc. Đơn giản vì giáo dục là văn hóa và tồn tại- sống trong văn hóa.

Những kĩ năng-năng lực và tư thế làm việc được thiết kế ở nền giáo dục đó với giả định nó sẽ được sử dụng trong một môi trường tốt sẽ gặp bức tường rắn như đá khi trở lại Việt Nam. Khi đó nó đòi hỏi năng lực ứng phó, năng lực thích ứng và vốn văn hóa được tích lũy.
Rất nhiều lĩnh vực, nghề rất khó có đất dụng võ ở Việt Nam.

Quan trọng hơn là rất nhiều người sau khi du học đã không thể nào quen được trở lại nếp sống và môi trường làm việc ở Việt Nam.
Khi đó có mấy lối thoát.

Một là bất lực, buông xuôi.
Hai là tha hóa hoặc biến đổi mình cho phù hợp
Ba là đi tới nơi khác để sống và làm việc cho thoải mái.
....

Mình biết, câu chuyện nghiêm trọng hơn nhiều. Không chỉ là không tìm được việc làm thích hợp hay cảm thấy không thoải mái. Nhiều anh chị em có học thức, sau khi du học hay làm việc ở nước ngoài về Việt Nam sống đã bị sang chấn tinh thần và gặp vấn đề về tâm lý nặng nề.

Những vấn đề đó đến từ nhiều thứ như quan hệ gia đình (xung đột về lối sống, giá trị quan), môi trường xã hội (căng thẳng, đụng đâu cũng vướng) và việc làm.

Nhiều người bị trầm cảm và có người cự tuyệt giao tiếp với xã hội sống như một cái bóng cô độc.

Những ai trong suốt thời gian đi học luôn né tránh các vấn đề xã hội và những ai thiếu khả năng lý giải xã hội VN đương đại thường bị chấn thương nặng nề hơn.

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc