“TRỖI DẬY HOÀ BÌNH” HAY “PHÁT TRIỂN HOÀ BÌNH”?

shared from fb Vũ Trọng Đại,
-----
Đầu thế kỉ 21, cụm từ "trỗi dậy hòa bình" đã được sửa đổi trong các tuyên bố chính thức của Trung Quốc thành "phát triển hòa bình", trên cơ sở cho rằng khái niệm "trỗi dậy" là quá đe dọa và hiếu thắng. Song sự thay đổi đó không làm giảm bớt mối quan ngại của Mỹ và phương Tây, nhất là trong cuộc khủng hoảng tài chính vào các năm 2007 - 2008.

Nguyên nhân của cuộc khủng hoảng tài chính và những ảnh hưởng tồi tệ nhất của nó chủ yếu là ở Mỹ và châu Âu. Nó dẫn đến việc chưa từng có tiền lệ là nguồn vốn Trung Hoa được rót khẩn cấp vào các nước và các công ty phương Tây, còn giới hoạch định chính sách phương Tây thì kêu gọi Trung Quốc thay đổi giá trị đồng tiền của mình và tăng tiêu thụ nội địa để thúc đẩy tính lành mạnh của nền kinh tế thế giới.

Đỉnh cao mang tính biểu tượng của thời kỳ này là Olympics Bắc Kinh, diễn ra ngay khi khủng hoảng kinh tế đang bắt đầu xé nát phương Tây. Không thuần túy là một sự kiện thể thao, Olympics được xem như một biểu hiện hồi sinh của Trung Quốc. Lễ khai mạc được biểu tượng hóa. Ánh sáng trong sân vận động lớn được tắt đi. Đúng 8 giờ 8 phút (giờ Trung Quốc), vào ngày thứ tám của tháng thứ tám trong năm - con số tốt lành nên hôm đó được chọn để khai mạc, 2.000 chiếc trống rung lên đã phá vỡ sự im lặng trong 10 phút, như thể muốn nói: "Chúng tôi đã đến. Chúng tôi là một thực tế của cuộc sống, không còn bị bỏ qua hay coi thường mà sẵn sàng đóng góp nền văn minh của mình cho thế giới." Sau đó, trong một giờ đồng hồ tiếp theo, khán giả toàn cầu được xem hoạt cảnh về chủ đề nền văn minh Trung Hoa. Thời kỳ suy yếu và kém cỏi của Trung Quốc – có thể gọi đó là "thế kỷ XIX" của Trung Quốc – đã chính thức khép lại. Bắc Kinh một lần nữa là một trung tâm của thế giới, với nền văn minh tập trung vào sự kính trọng và ngưỡng mộ.

Tại một hội nghị của Diễn đàn Thế giới về Nghiên cứu Trung Hoa được tổ chức tại Thượng Hải sau Olympics, Trịnh Tất Nhiên, tác giả của khái niệm "trỗi dậy hòa bình", đã nói với một phóng viên phương Tây rằng Trung Quốc cuối cùng đã vượt qua di sản của Chiến tranh Nha phiến và cả thế kỷ đấu tranh với sự xâm lược của nước ngoài, và Trung Quốc giờ đây đã được tham gia vào một tiến trình lịch sử về đổi mới quốc gia. Trịnh Tất Nhiên cho biết các cải cách do Đặng Tiểu Bình khởi xướng đã cho phép Trung Quốc giải quyết "câu đố của thế kỷ", phát triển nhanh chóng và đưa hàng triệu người thoát nghèo. Khi nổi lên như một cường quốc lớn, Trung Quốc sẽ dựa vào sự hấp dẫn trong mô hình phát triển của mình, và mối quan hệ với các nước khác sẽ "cởi mở, không độc quyền và hài hòa" nhằm "cùng mở ra con đường phát triển thế giới".

Cuộc khủng hoảng hiện nay, có thể gọi như vậy, dường như đang gợi nhắc Mỹ và phương Tây nhớ lại câu chuyện của hơn một thập kỉ trước.

LỊCH SỬ LẶP LẠI?
Nhiều nhà bình luận, trong đó có một số người ở Trung Quốc, đã xem ví dụ về cuộc đối đầu Anh-Đức thế kỷ XX như một điềm báo của những gì sẽ chờ đợi Mỹ và Trung Quốc trong thế kỷ XXI. Chắc hẳn đã có những so sánh chiến lược được thực hiện. Xét sơ qua, giống như đế chế Đức, Trung Quốc là một cường quốc lục địa hồi sinh; giống như Anh, Mỹ chủ yếu là một cường quốc hải quân có mối quan hệ chính trị và kinh tế sâu sắc với lục địa này. Trong suốt lịch sử của mình, Trung Quốc mạnh hơn hẳn bất kỳ nước láng giềng nào, nhưng khi các nước ấy kết hợp lại, họ có thể đã và đang đe dọa an ninh của đế chế.

Rõ ràng là Mỹ và Trung Quốc đang rơi vào cuộc đối đầu chiến lược, một tình trạng có thể sánh với cấu trúc của châu Âu trước Thế chiến I mà có thể hình thành ở châu Á, với sự hình thành của các khối đọ sức với nhau, và với mỗi khối đang tìm cách làm suy yếu hoặc ít nhất là hạn chế tầm ảnh hưởng và khả năng của khối kia.

Henry Kissinger, kiến trúc sư của công cuộc bình thường hoá quan hệ Mỹ - Trung đầu thập niên 1970, người khởi tạo những manh nha cho một trật tự thế giới mới, đặt vấn đề như sau: Về phía Mỹ, thách thức là tìm ra một con đường đi xuyên qua các đánh giá bất đồng. Trung Quốc là một đối tác hay một đối thủ? Là sự hợp tác hay đối đầu trong tương lai? Sứ mệnh của Mỹ là truyền bá nền dân chủ sang Trung Quốc, hay hợp tác với Trung Quốc để mang lại một thế giới hòa bình? Hay có thể là cả hai?

Câu trả lời của Kissinger có lẽ là cả hai. Quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ không cần – và không nên – trở thành trò chơi tổng-bằng-không. Đối với nhà lãnh đạo châu Âu hồi trước Thế chiến I, thách thức với một bên sẽ là lợi thế với bên còn lại, và sự thỏa hiệp thì đi ngược lại với công luận xôn xao. Đây không phải là tình huống trong mối quan hệ Trung-Mỹ. Các vấn đề chủ chốt trên mặt trận quốc tế về bản chất đều mang tính toàn cầu. Việc đồng thuận có thể tỏ ra khó khăn, nhưng việc đối đầu trong những vấn đề này là sự tự thất bại.

Kissinger cho rằng cả Mỹ và Trung Quốc đều quá lớn để bị chi phối. Do đó, không thể xác định được đâu là bên chiến thắng trong một cuộc chiến tranh hoặc trong một cuộc xung đột kiểu Chiến tranh Lạnh. Họ cần phải tự đặt ra câu hỏi mà rõ ràng là chưa bao giờ được đưa ra chính thức vào thời điểm có Biên bản ghi nhớ của Crowe: Một cuộc xung đột sẽ đưa chúng ta đến đâu? Khi các bên đều thiếu tầm nhìn thực tế, biến hoạt động trong trạng thái cân bằng thành một tiến trình máy móc, thì thế giới sẽ ra sao nếu những gã khổng lồ ấy không được diễn tập và xảy ra va chạm? Ai trong số các nhà lãnh đạo vận hành hệ thống quốc tế dẫn đến Thế chiến I sẽ không chùn bước nếu ông ta biết thế giới sẽ có vẻ đi đến kết thúc?

Vấn đề tối hậu thuộc về những gì mà Mỹ và Trung Quốc trên thực tế có thể yêu cầu lẫn nhau. Trong cuộc đụng độ ở châu Á mà bối cảnh tương tự châu Âu trước Thế chiến I trong cuộc so găng giữa Anh và Đức, kế hoạch chi tiết của Mỹ nhằm tổ chức châu Á trên cơ sở kiềm chế Trung Quốc hoặc tạo ra một khối các quốc gia dân chủ cho một chiến dịch ý thức hệ dường như không khả thi – một phần vì Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng với hầu hết các nước láng giềng. Tương tự như vậy, nỗ lực của Trung Quốc nhằm loại Mỹ khỏi các vấn đề kinh tế và an ninh châu Á sẽ gặp phải sự kháng cự gay gắt không kém từ hầu hết các quốc gia châu Á khác, không muốn trở thành một khu vực bị chi phối bởi một cường quốc duy nhất.

Một khía cạnh của căng thẳng chiến lược trong tình hình thế giới hiện tại là Trung Quốc lo sợ Mỹ đang tìm cách kiềm chế Trung Quốc – trong khi Mỹ lại quan ngại là Trung Quốc đang tìm cách trục xuất Mỹ khỏi châu Á. Khái niệm về một Cộng đồng Thái Bình Dương – Mỹ, Trung Quốc, và các quốc gia khác đều thuộc về khu vực này và tham gia phát triển hòa bình với các thành viên khác – có thể giảm bớt lo lắng của cả hai bên. Nó sẽ biến Mỹ và Trung Quốc thành một phần của một sự nghiệp chung. Các mục đích chung – và sự mô tả chi tiết về chúng – sẽ thay thế sự bất an chiến lược ở một mức độ nào đó. Nó sẽ cho phép những quốc gia chủ chốt khác như Nhật Bản, Indonesia, Việt Nam, Ấn Độ và Úc tham gia xây dựng một hệ thống đồng nhất thay vì phân cực giữa các khối "Trung Quốc" và "Mỹ". Nỗ lực này chỉ có ý nghĩa khi thu hút được sự chú ý đầy đủ, và trên tất cả là niềm tin, của giới lãnh đạo liên quan.

Các bạn hãy tìm hiểu thêm các luận điểm của Henry Kisinger trong cuốn "Về Trung Quốc", sách đã chính thức phát hành tháng 5/2020.

Tags: book

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc