Tử tế

shared from fb nguyen chi trung,
-----
"Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng, để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi, để gió cuốn đi". Những ca từ trong bài hát của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn luôn gợi cho chúng ta về nhu cầu cần phải sống như một người tử tế, vì sự tử tế là nền tảng cho sự phát triển lành mạnh của xã hội.

Tử tế là một phẩm chất cao đẹp của con người, vì người tử tế biết quan tâm đến những người xung quanh mình với với động cơ trong sáng và cư xử qua những hành động cao quý. Người tử tế luôn cố gắng sử dụng lòng tốt của bản thân, chia sẻ với những người có nỗi khổ niềm đau, giúp đỡ họ bằng những hành động cụ thể để giúp họ vượt qua khó khăn và qua đó góp phần làm xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn. Trong mọi tình huống, người tử tế luôn suy nghĩ và hành động một cách "quang minh, chính đại", hướng đến công bằng xã hội và do đó luôn được xã hội trân trọng và những người xung quanh yêu quí.

Trước hết tử tế là sự tốt bụng, và người tử tế là người có tấm lòng từ bi nên cảm nhận được và mong muốn chia sẻ với những người xung quanh. Lòng tử tế hiện hữu trong mỗi con người, trước nhất như một tiềm năng vì nhân chi sơ tính bổn thiện. Nếu được sinh ra và lớn lên trong một môi trường tốt thì bản tính lương thiện trong con người sẽ được phát triển và nhân rộng ra những người xung quanh để cộng đồng sống ngày càng tốt đẹp hơn, văn minh hơn. Sau đây là những phẩm chất cao quý tiêu biểu mà người tử tế cần có

Thứ nhất là tấm lòng nhiệt huyết. Người người tử tế thường rất nhạy cảm với những bất công và cảm thông với những nỗi đau của những người xung quanh và từ đó muốn làm việc nghĩa để góp phần xoa dịu những niềm đau đó chứ không muốn thờ ơ, bàng quang, lãnh cảm, an phận thủ thường. Nhờ phẩm chất này, người tử tế luôn chủ động, tìm kiếm các việc nghĩa để góp phần phụng sự tha nhân, xây dựng cuộc sống này ngày càng tốt đẹp hơn. Những việc nghĩa có thể là những việc rất nhỏ như nhặt một cọng rác hay cây đinh nhọn trên đường, dắt tay giúp một bà cụ qua đường, nhường chỗ cho một phụ nữ có thai đi xe buyt hay tham gia những chương trình từ thiện. Với tấm lòng nhiệt huyết, người tử tế giúp người qua qua đó giúp mình tìm sự vui vẻ, thánh thiện và an lạc trong tâm hồn, và nhờ đó,giúp cho cuộc sống này tăng thêm gia vị tình người.

Thứ hai là đức tính cao thượng. Người tử tế luôn biết bao dung, độ lượng với lỗi lầm của người khác, nhất là những người có hoàn cảnh kinh tế và địa vị xã hội thấp hơn mình. Nhờ phẩm chất cao thượng, người tử tế biết quan tâm tới những người xung quanh với động cơ trong sáng và với hành động cao quý. Trong mọi tình huống, người tử tế luôn nghĩ về người khác trước khi nghĩ về mình, và khi cần có thể dấn thân vì người khác, vì sự an lạc và lợi ích cho số đông". Những câu chuyện như cõng bạn khuyết tật đến trường, băng mình vào dòng nước để cứu người khỏi chết đuối hay bác lái xe khi bị mất phanh đã chủ động lao vào vách đá để cứu mạng hành khách dù biết chắc là mình có thể phải hy sinh là những biểu hiện của đức tính cao thượng của một người tử tế.

Thứ ba là biết cho đi, có một tấm lòng để gió cuốn đi mà không cần đền đáp như sách xưa đã dạy "quân tử thi ân bất cầu báo. Đối với người tử tế, sự tốt bụng không chỉ dừng lại trong tâm tưởng, mà cần thể hiện qua hành động từ bi, nhân ái, vị tha, vô ngã. Người tử tế biết thống thiết với nỗi đau của kiếp người, nên biết chia sẻ, hiến tặng, ban cho bằng cả tấm lòng. Người tử tế ý thức là việc giúp đỡ người khác là một nhu cầu tự thân chứ không phải để lấy tiếng, để lăng xê cho bản thân mình. Nói theo ngôn ngữ nhà Phật thì hiến tặng cho người khác là tích đức cho bản thân, và phụng sự cho cuộc đời thực là giúp cho bản thân mình có một sự an lạc từ tâm. Trong cuộc sống, không ai nghèo đến nỗi không thể cho người khác một cái gì. Chỉ cần có tấm lòng thì ai cũng có thể cho đi một thứ gì đó để chia sẻ cho các mảnh đời kém may mắn hơn quay qua đó giúp cho cuộc sống này thêm đẹp. Sự cho đi có thể chỉ đơn giản là dành thời gian để lắng nghe một người bạn đang gặp khó khăn về tâm lý chia sẻ và cho họ những lời khuyên chân thành để họ lên giây cót tinh thần. Nó cũng có thể là hành động giúp đỡ những người có hoàn cảnh ngặt nghèo một bát cơm, manh áo, là cho họ con cá khi đói lòng. Về cao quí hơn và có tác dụng lâu dài hơn thì cho đi là dẫn dắt chỉ đương làm ăn, là truyền trao kiến thức và kinh nghiệm để người nghèo có cái cần câu mà tự kiến cá cho mình. Người tử tế ý thức được rằng khi chết đi thì không ai có thể mang theo bất cứ vật gì và do đó, khi còn sống thì đừng ky bo mà đánh mất cơ hội cho đi.

Như vậy. sự tử tế là mạch sống của tình người. Một xã hội lành mạnh là một xã hội mà nơi đó sự tử tế được trân trọng, người tử tế được công nhận và vinh danh để cho cái mạch sống đó luôn tồn tại và lan rộng. Chúng ta hãy cảm nhận và hít thở sự tử tế như thể nó là một loại không khí của đời mình. Hãy sống với sự tử tế, trở thành một người tử tế với những hành động dù có thể là rất nhỏ nhưng hướng đến tha nhân. Làm được như thế, cái hạt mầm tử tế sẽ lớn lên trong mỗi con người chúng ta, và từ đó lan rộng ra những người xung quanh để nhiều người có thể thoát khỏi cái kiếp sống vô cảm, vô tình, vô tâm, vô ơn và vô nghĩa. Hãy nâng niu, gìn giữ và gửi những hạt mầm của sự tử tế và để gió cuốn đi và làm cho cuộc đời này thêm đẹp.

Bạn nhé.

Tags: transform

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc