Ảo mộng giàu sang

Có một tầng lớp bên Trung Quốc gọi là "điều ti" (diaosi) - một tiếng lóng chỉ những thanh niên trong độ tuổi 21 - 30: không tiền, không nhà, không xe, không công việc ổn định và dĩ nhiên, không bạn gái. Họ sống vật vờ như những cái bóng trong những phòng trọ chật hẹp, hàng ngày cắm mặt vào mạng, games, nốc vào người những thứ bia rẻ tiền và hút loại thuốc có giá 1 USD/gói.

"Vỡ mộng" - đó là bi kịch của hàng chục triệu "điều ti" trên toàn cõi Trung Hoa. Họ đã nỗ lực hết mình để vào được một trường đại học nhưng cuộc cạnh tranh việc làm khốc liệt đã tước đoạt đi ước mơ, lý tưởng và đẩy họ chìm sâu vào bế tắc.

Mỗi khi nghe bài "Bắc Kinh.Bắc Kinh" của Uông Phong, tôi thường nghĩ đến tầng lớp này. Những thanh niên ấy, họ đã đến Bắc Kinh, mang theo nhiệt huyết rừng rực, ước vọng đổi đời và kì vọng của gia đình, nhưng tất cả đã tan nát. Bắc Kinh trong tâm thức họ mãi mãi chỉ là một giấc mơ, đẹp như hoa nhưng cũng đau đến thắt lòng.

Việt Nam có bao nhiêu "điều ti"? Tôi không biết. Nhưng cứ nhìn sơ sơ quanh thành Trường An, ở bên kia bờ bắc sông Hồng, cũng có thể đếm được vài vạn. Trong các nhà máy của Samsung, Canon, dệt may, giày da... có không ít cử nhân, thạc sĩ đang gò mình ngày đêm chỉ để nhận mức lương 150k/ngày.

Tôi đã ăn bữa cơm cùng họ. Cơm gạo xấu, rau muống già và miếng thịt kho mặn chát. Ăn xong, mỗi người một góc giường, lặng lẽ vuốt màn hình chiếc smartphone giá rẻ. Không ai nói về những ước mơ hay những dự định "ngày còn trẻ" chỉ có đôi lời vụn vặt về giá cả, hay vài câu chuyện phiếm. Dưới ánh sáng vàng đục trong phòng trọ tồi tàn, tôi cảm thấy thanh xuân của họ như bị vùi lấp đi.

Dân công sở, những trí thức tạm leo lên cao hơn mặt bùn, tôi nhận thấy cũng có một số lượng lớn có thể xếp vào tầng lớp "điểu ti", dù cho thường ngày họ mặc cổ cồn trắng, đi giày tây bóng lộn và có thể kiếm được 1 căn chung cư mini ở thủ đô hay Sài Gòn đắt đỏ.

Những con người ấy, giàu hiểu biết, giàu cả ước mơ nhưng bất lực và bất mãn trước thực tại. Không biết trút vào đâu, họ xả thằng lên facebook, zalo, blog... bằng những ngôn từ cay độc, hoặc chửi vung lên sau những chầu bia cỏ Hải Xồm và mù mịt thuốc lá Thăng Long.

"Đó, tất cả những bi kịch đó đang diễn ra ngấm ngầm trong lòng người thanh niên Việt dưới những phù hiệu dễ dãi". Ngót 100 năm trước, Hoài Thanh đã viết thế khi nhận xét về sự khủng hoảng của tầng lớp thanh niên buổi đầu thế kỉ XX. 100 năm sau, cũng lại vào những năm đầu thế kỉ, người thanh niên Việt vẫn đắm chìm trong khủng hoảng. Nhưng là một thứ khủng hoảng khác: khủng hoảng niềm tin và lý tưởng.

"Cái gì hợp lý thì tồn tại", đã có thời tôi tin thế. Nhưng không, trong xã hội này, chính những cái nghịch lý mới đang tồn tại, mà tồn tại một cách công khai và phổ biến.

from fb phục long,

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc