Chết dưới tay bác sĩ


Phương Anh dịch,
----- 
"Charlie nói, 'Chết tiệt, 
Nếu tôi có tội, 
Thì Chúa cũng vậy.' 
Nhưng Chúa được tha bổng 
Còn Charlie bị kết án 
Cho đến khi bị treo cổ." 

- Stephen Sondheim 

"The Ballad of Guiteau," từ vở nhạc kịch "Assassins" (tạm dịch: Những kẻ ám sát) 

Nếu một vị tổng thống ít tiếng tăm ở thế kỷ 19 qua đời, liệu ông có gây xôn xao dư luận không? 

Hỏi vậy thật tàn nhẫn, nhưng trong lịch sử, vụ ám sát Tổng thống James A. Garfield không
tạo nên điều khác biệt nào. Cái chết của Tổng thống Abraham Lincoln 16 năm trước được coi sự hy sinh vĩ đại, giống như Đấng Kitô chịu khổ hình vì loài người — và khiến nhiều thế hệ sử gia suy đoán nếu ông vẫn còn sống thì sẽ có ý nghĩa như nào tới Thời kỳ Tái thiết. Các vụ ám sát Tổng thống William McKinley và John F. Kennedy sau này đã giúp đưa hai vị tổng thống năng động lên nắm quyền, Theodore Roosevelt và Lyndon Johnson, cả hai đều đã thúc đẩy các cải cách kinh tế và xã hội đáng lẽ ra nên thực hiện từ lâu. 

Sau khi Tổng thống Garfield qua đời. . . người kế nhiệm ông là Chester Alan Arthur. Điều hay nhất mà mọi người có thể nói về vị Tổng thống này là ông trung thực hơn mong đợi. 

Garfield là một trong "7 Tổng thống xuất thân từ bang Ohio", gồm các tổng thống không có công trạng gì nổi bật tới từ Tiểu bang Cây dẻ ngựa (biệt danh của bang Ohio), nhậm chức từ năm 1869 đến năm 1923. Thời huy hoàng nhất, họ lãnh đạo đất nước trong vài năm thịnh vượng; thời tồi tệ nhất, họ lãnh đạo hai chính quyền tham nhũng nhất trong lịch sử nước Mỹ. 

Tuy nhiên, đây chỉ là một trong nhiều chi tiết thú vị trong cuốn sách mới của tác giả Candice Millard, "Destiny of the Republic" (tạm dịch: Định mệnh của nền Cộng hòa). Trong cuốn sách này, bà đã làm sống lại cuộc đời của Tổng thống Garfield xấu số — và đó là một cuộc đời đáng chú ý. Ông là tổng thống cuối cùng ra đời trong một căn nhà gỗ. Khi ông mới một tuổi, cha ông qua đời do "kiệt sức và sốt", sau khi cố gắng dập tắt trận cháy rừng đe dọa đốt trụi ngôi nhà. Mẹ ông phải vật lộn mưu sinh để nuôi bốn người con. Nhưng dù khó khăn là vậy, bà đã hiến tặng một phần đất nông nghiệp để cộng đồng xây trường học. James được dạy là mình bình đẳng với bất kỳ ai – ông luôn bước đi “với hai vai vuông vức và đầu ngẩng cao”. 

Sau lần suýt chết đuối khi làm việc ở Kênh đào Erie và Ohio, ông tin rằng Chúa “đã cứu tôi về với mẹ và để thực hiện điều vĩ đại và tốt hơn là đi đào kênh”. Trong vài năm tiếp theo, ông đi học và vươn lên qua các trường ở trong vùng và Đạihọc Williams; tại Học viện Western Reserve Eclectic (nay là Đại học Hiram), một trường dự bị đại học, ông học giỏi đến mức được đề bạt từ người lao công lên thành phó giáo sư. Khi trở lại trường giảng dạy, ông trở thành hiệu trưởng năm 26 tuổi. Lúc rảnh rỗi, ông đã vượt qua kì thi hành nghề luật ở Ohio. 

Xuất sắc cả trong chiến đấu và với vai trò sĩ quan tham mưu hàng đầu, ông được thăng cấp thiếu tướng trong cuộc Nội chiến, nhưng rồi chán ngấy cảnh người chết máu đổ của cuộc chiến. Tác giả Millard viết “Garfield sau đó kể với một người bạn rằng có điều gì đó đã biến mất trong ông. . . mà không bao giờ trở lại; đó là cảm nhận về sự thiêng liêng của sự sống và không gì có thể kết liễu nó.' ” 

Được bầu vào Quốc hội năm 1862, ông đấu tranh cho sự tự do và quyền của người da đen. Trong nhật ký, Garfield viết: "Servitium esto damnatum" — "chế độ nô lệ đáng nguyền rủa." Là người rất khiêm tốn, ông cần mẫn làm việc trong lĩnh vực lập pháp 17 năm. Ngay cả những thói tật nhỏ của ông cũng đáng yêu: ông thích nói suốt ngày (ông phát biểu “tại phòng họp Quốc hội hơn 40 lần một ngày”). Ông coi đây là “năng khiếu bẩm sinh”. 

Trước sự kinh ngạc của mọi người, ông giành được đề cử của Đảng Cộng hòa năm 1880, trong một hội nghị bế tắc. Với kết quả đa số đúng 10.000 phiếu bầu, ông trở thành thành viên cuối cùng của Hạ viện được bầu thẳng vào Nhà Trắng. 

Về mặt cá nhân, Garfield nói ông thích “vẻ đẹp đồng quê yên tĩnh” vùng Mentor, Ohio, nơi ông làm việc trên cánh đồng và nuôi dạy năm đứa con cùng vợ Lucretia. Vất vả mới theo đuổi được Lucretia và hai người kết hôn sớm, rồi mọi chuyện thêm phức tạp khi đứa con đầu lòng của đôi vợ chồng qua đời, ông bắt đầu ngoại tình với phóng viên Lucia Gilbert Calhoun của tờ The New York Tribune; nhưng vào thời điểm diễn ra cuộc bầu cử, ông không thể rời khỏi vợ mình, “lẽ sống của đời tôi”. Đại gia đình luôn tràn ngập niềm vui, mẹ của Garfield cũng sống cùng. Từ Nhà Trắng, bà viết cho một người bạn, "Tôi thật sự cảm kích vì có người con như vậy." 

Sáng ngày 2 tháng 7 năm 1881, tổng thống Mỹ xông vào phòng các cậu con trai và ôm mỗi đứa một bên, vừa xoay tròn chúng vừa ngâm nga giai điệu của Gilbert và Sullivan. Ông lộn một vòng, “rồi nhảy chân sáo và lộn nhào khắp căn phòng”. Garfield có lý do để vui mừng. Ông vừa vượt qua đối thủ lớn trong Đảng Cộng hòa và chuẩn bị cùng các con tới bờ biển Jersey, nơi Lucretia đang hồi phục sau cơn sốt rét. 

Chỉ vài giờ sau, ông nằm gục trên sàn nhà ga xe lửa Baltimore và Potomac do bị bắn vào lưng. Người nổ súng là một kẻ loạn trí tên Charles J. Guiteau. Hắn ảo tưởng mình có công trong việc Garfield trúng cử tổng thống và xứng đáng được phong làm tổng lãnh sự tại Pháp. 

Như rất nhiều kẻ ám sát khác, Guiteau chỉ là cái bóng của người hắn đã bắn — một trong những kẻ được dạy dỗ đáng sợ mà như Stephen Sondheim đã viết những dòng rất xuất sắc trong vở nhạc kịch “Assassins”, “Có một bài quốc ca khác đang phát, / Không phải bài ca ngơi tung hô / Tại sân bóng." Được nuôi dạy bởi người cha "tin chắc được Chúa phù hộ và nghĩ rằng mình sẽ bất tử", Guiteau, có lẽ mắc bệnh giang mai, sống phiêu bạt nay đây mai đó, thất bại với cả vai trò luật sư lẫn người truyền giáo, không có tình nhân ngay cả ở vùng đất tự do yêu đương, nơi cánh phụ nữ gọi hắn là “Charles Khờ khạo”. Không làm nên trò trống gì, nhưng không ngừng tin rằng mình là một người vĩ đại, hắn tự trao cho mình những danh hiệu ảo tưởng, uy nghiêm như “Thủ tướng Anh”. 

Hành vi của Guiteau trở nên kỳ quặc đến nỗi vợ và anh chị em lo sợ cho cả tính mạng của họ và hắn, và người em gái cố gắng tìm người chữa trị. Trong một câu chuyện buồn thảm quen thuộc, điều khó tin có thể xảy ra — nhưng Guiteau lại rất dễ dàng có được một khẩu súng rẻ tiền. Không được chấp thuận vị trí phù hợp với ảo tưởng của mình, hắn khẳng định rằng Chúa muốn mình giết tổng thống và theo dõi Garfield trong nhiều tuần trước khi nổ súng. 

Nếu Garfield nằm nguyên tại chỗ ông gục ngã, có thể ông đã sống sót; viên đạn không bắn trúng cột sống hay xuyên qua bất kỳ cơ quan quan trọng nào. Thay vào đó, ông được giao cho các bác sĩ chăm sóc, những người thật ra đã tra tấn ông đến chết trong 11 tuần tiếp theo. Hai người trong số họ liên tục thăm dò vết thương của ông bằng các ngón tay và dụng cụ chưa được khử trùng trước khi đưa ông trở lại Nhà Trắng trên một tấm nệm bện từ cỏ khô và lông ngựa. 

Ở đó, toàn bộ việc chăm sóc tổng thống rơi vào một tay lang băm với cái tên khó tin là Bác sĩ Doctor Willard Bliss. Bác sĩ Doctor Bliss nhất quyết ép Garfield phải nhồi nhét những bữa khó tiêu và uống rượu, khiến ông phải vật vã nôn liên tục. Ông ta và các trợ lý thăm dò vết thương nhiều lần trong ngày, gây nhiễm trùng, tạo thành những dòng mủ lớn trong khắp cơ thể tổng thống. 

Quá trình “chăm sóc” y tế cho Garfield là một trong những phần hấp dẫn nhất, nếu không muốn nói là kinh hoàng nhất, trong câu chuyện của tác giả Millard. Trong nhiều năm bác sĩ phẫu thuật người Anh Joseph Lister đã chứng minh việc ngăn ngừa nhiễm trùng có thể cứu sống mạng người và giữ được các chi bị thương như nào, nhưng các bác sĩ Mỹ hầu như phớt lờ lời khuyên của ông, không muốn "mất công" rửa tay và dụng cụ, say mê những thứ “rườm rà, phù phiếm” gắn liền với nghề của họ, máu và mủ được họ trìu mến gọi là “mùi thơm của ca mổ truyền thống” trong phòng phẫu thuật, Millard viết. 

Khả năng hồi phục của tổng thống còn chậm và thêm phần khó khan do phòng hồi sức của ông trong Nhà Trắng — căn phòng đang mục nát, đầy sâu bọ và các đường ống thoát nước bị vỡ. Bên ngoài, Washington như một ổ bệnh; ngoài Đệ nhất Phu nhân, bốn người hầu của Nhà Trắng và chính Guiteau cũng mắc bệnh sốt rét. Sốt sắng cứu Garfield khỏi bị sốt rét, Bliss cho ông uống ký ninh liều cao, càng khiến ruột ông thêm quặn thắt. 

Ngay cả khi các bác sĩ bất lực, người dân đã chung tay giúp đỡ tổng thống của họ. Nhà thám hiểm, nhà địa chất uyên bác người Mỹ John Wesley Powell giúp thiết kế hệ thống điều hòa không khí đầu tiên ở Mỹ để làm dịu cơn đau đớn của Garfield. Nhà khoa học Alexander Graham Bell làm việc không mệt mỏi để phát minh ra một thiết bị có thể định vị viên đạn. (Việc này thất bại khi bác sĩ Bliss nhất quyết để ông tìm không đúng phần thân bị thương của Garfield.) Hai nghìn người làm việc suốt đêm để đặt gần 1.000 km đường ray, nhằm đưa tổng thống đến ngôi nhà nhỏ bên bờ biển Jersey. Khi động cơ không nổ, hàng trăm người ra sức giúp đẩy tàu của ông qua đồi. 

Tổng thống chịu đựng tất cả điều này với nghị lực và sự kiên nhẫn đáng kinh ngạc, thậm chí khi biết mọi người đang gây quỹ cho gia đình mình, đã cảm thán lúc lâm chung: “Thật tử tế và chu đáo! Mọi người hào phóng!” 

“Tướng Garfield chết vì sơ suất chữa bệnh,” Guiteau tuyên bố, tự bào chữa cho mình trong phiên tòa xét xử. Điều này đúng, nhưng không đủ để cứu Guiteau khỏi giá treo cổ. 

Tác giả Millard -- trước đây viết cuốn sách "Dòng sông nghi ngờ" kể về chuyến phiêu lưu nguy hiểm của Tổng thống Theodore Roosevelt ở Nam Mỹ -- đã xuất sắc trong câu chuyện u ám hơn lần này. Đôi khi, bà mắc phải sai lầm phổ biến của người viết tiểu sử là thổi phồng tầm quan trọng và phẩm chất của nhân vật chính. Trái ngược với những gì bà ngụ ý, chính quyền của Garfield hay cái chết của ông đều không mang lại những tiến bộ về dân quyền, cũng như một cuộc hòa giải lớn với miền Nam, khi đó đang bận rộn tạo ra nhà nước Jim Crow (nhà nước thi hành chính cách phân biệt chủng tộc - ND). Những câu cách ngôn của Garfield bà dùng để bắt đầu hầu hết các chương thường không hơn gì những câu ủy mị viết trên thiệp chúc mừng. (“Những nếp nhăn nhất định sẽ hằn trên lông mày của chúng ta, nhưng đừng để chúng hằn vào trái tim. Tinh thần không nên già yếu.”) 

Tuy nhiên, những câu cách ngôn đầy nhiệt huyết như vậy là điều dễ hiểu với một người nhìn chung là đáng ngưỡng mộ. Mặc dù cái chết của tổng thống Garfield không có nhiều ý nghĩa lịch sử, tác giả Millard đã viết cho chúng ta một bi kịch thấm thía về cuộc đời một con người.

Tags: book

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc