I'm vain

shared from fb luong nguyen an dien,
-----
'You say it best when you say nothing at all'

Hấp lực được coi là một người "trên thông thiên văn, dưới tường địa lý" thiệt đúng khó cưỡng. Phấn đấu để trở thành một người như vậy không có gì sai. Tuy nhiên để được như vậy rõ ràng là khó, và hầu như là vô vọng. Chuyện này xuất hiện đã lâu, nhưng không hiểu sao tự dưng gần đây lại xuất hiện với mức độ khá dày. Có những cái tên đang được coi là tỏ tường mọi thứ trên đời, chỉ nhờ cái danh xưng "tiến sĩ" (TS) hoặc "chuyên gia".

Không bình luận về người khác, chỉ tự rón rén ăn cắp lại những quy tắc giáo khoa cũ xì về cách đánh giá độ khả tín của thông tin phát ra từ miệng một người, chỉ để trả lời cho câu hỏi: "Anh biết tin ai bây giờ?".

Xin lỗi nếu có múa rìu qua mặt chuyên gia trong ngành. Quy tắc cũ xì đó có tên là I'M VAIN. Khi nghe ai đó nói gì, cần coi những gì người đó nói có:

I (Independent): người đó có bị ảnh hưởng bởi lợi ích nhóm, có bị ai đứng đằng sau chi phối giựt dây khi nói mấy cái này hay không? 

Tỉ như (chỉ là giả thiết): đòi cấm xe máy vì xe máy là nguyên nhân chính của kẹt xe, nhưng người nói ý đó có cổ phần gì trong mấy công ty xe hơi, mấy tập đoàn xây dựng metro hay không? Tỉ như (chỉ là giả thiết): lên án quyết liệt điện than nhưng người đó có cổ phần, đầu tư gì vô mấy công ty năng lượng sạch hay không?

Một ví dụ có thiệt: Năm 2015, một nghiên cứu khá chấn động ở Mỹ kết luận uống Coke không bị béo phì (hàm ý: vô tư uống đi). Sau đó báo chí phát hiện ra: Mấy chuyên gia tầm cỡ làm nghiên cứu này nhận tài trợ từ chính Coca-Cola. Chuyện này vẫn không có gì sai. Cái sai là nghiên cứu đó lẫn mấy ông chuyên gia không công bố chuyện nhận tài trợ này. (https://well.blogs.nytimes.com/2015/08/09/coca-cola-funds-scientists-who-shift-blame-for-obesity-away-from-bad-diets/)

M (Multiple): Cái gì phát ra từ miệng nhiều người (dầu gì) vẫn đáng tin hơn từ miệng một người. 

Tỉ như (chỉ là giả thiết): thằng Đ chết rồi, nhưng bao nhiêu người nói? Nếu chỉ một người nói thì khoan mừng vì nó có thể chưa chết. Cần hỏi thêm chỗ cấp giấy chứng tử. Cần hỏi thêm mấy người ở bên nó trong bệnh viện lúc bác sĩ rút ống. Cần hỏi thêm mấy người đi viếng nó…

V (Verify): Nói gì cũng cần có bằng chứng thuyết phục đi kèm, thay vì những chữ từ cảm tính ("Tôi cảm nhận rằng…") cho tới hùng hồn ("Tôi khẳng định/bảo đảm/chắc chắn rằng…"). 

Tỉ như (chỉ là giả thiết): Một người nói: "Tôi khẳng định thằng Đ yếu sinh lý." OK, nhưng bằng chứng đâu? Nếu có đồng hồ bấm giờ để chứng minh vụ đó thì chắc chắn sẽ thuyết phục gấp ngàn lần hàng trăm lời "khẳng định" suông.

A/I (Authoritative/Informed): Chuyên gia hay TS nói thì nghe hay quá, nhưng cũng cần rón rén hỏi lại là chuyên gia/TS có tư cách nhận định như vậy không. "Tư cách" ở đây là một người dầu được coi là chuyên gia thì người đó có nói đúng lãnh vực mình "chuyên" không? 

Tỉ như (chỉ là giả thiết): Một TS ngành quy hoạch đô thị của Harvard nghe là lấp lánh nguy nga rồi, nhưng nếu TS nói về bệnh phụ khoa thì thôi cũng đành xin lỗi. 

N (Named): Tính chính danh của người nói. Thời mạng xã hội, dễ gán cho bất kỳ thông tin gì nghe được bằng cụm từ có vẻ sành điệu "trên mạng nói". Không được vậy đâu đa. Trừ những thông tin cực kỳ đặc biệt cần phải giấu tên (tố giác tham nhũng, sợ bị trù dập trả thù…) thì người nói cần đường hoàng ra mặt có tên. 

Tỉ như (chỉ là giả thiết): Quay về ví dụ thằng Đ yếu sinh lý. Người nói có tên tuổi hay không, hay chỉ là "trên mạng nói"? Nếu "trên mạng nói" thì dù nó yếu sinh lý thiệt cũng là không công bằng cho nó khi tin "trên mạng" mà kết luận về nỗi đau đó của nó.

Ai cũng có quyền trăn trở, đau đáu trước diễn biến nhân tình, thế thái và thể hiện quan điểm của mình. Vấn đề là cần biết chỗ của mình và chọn nơi nói, đối tượng nghe cho phù hợp. 

Còn không thì cứ mở bản When you say nothing at all để thấy đời đẹp hơn.

Dưới đây là một video giải thích quy tắc I'M VAIN đó một cách khoa học và hàn lâm hơn, nhưng cũng vô cùng dễ hiểu.

Bài trước: Ảo mộng giàu sang
Tags: skill

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc