Chia rẽ

Source: Geographical,

Hữu Hoàng dịch, Quỳnh Anh hiệu đính,

Vì sao chúng ta đang sống trong thời đại của những bức tường?

Theo tác giả Tim Marshall, việc Bức tường Berlin sụp đổ là ngoại lệ nằm

ngoài quy luật. ‘Ở khắp nơi, chúng ta đang thấy những bức tường biên giới được dựng nên,’ tác giả viết.

Các số liệu càng củng cố cho nhận định này. Tường ngăn biên giới kiên cố hầu như không tồn tại vào cuối Thế chiến II, nay đã lên đến con số khoảng 70, phần lớn trong số đó chỉ mới được xây dựng từ năm 2000. Sự chia rẽ tiếp tục là xu hướng chính trong quan hệ địa chính trị và bản sắc dân tộc, và các quốc gia dường như đang kích động lẫn nhau xây thêm tường ngăn cách. ‘Đây là những đường đứt gãy sẽ định hình thế giới của chúng ta trong nhiều năm tới,’ tác giả nói.

Theo nghĩa đó, chiến dịch xây tường biên giới của Tổng thống Trump không hẳn là một chính sách gây bất ngờ, mà thực ra chỉ là một mô-típ lặp lại. Tác giả dành hẳn chương đầu viết về một trong những vấn đề biên giới nóng nhất, sự ngăn cách giữa Mexico và Mỹ, đồng thời dùng vấn đề này làm cơ sở để giải thích điều gì khiến cho chính sách bức tường biên giới trở nên có sức thuyết phục trong nền chính trị đại chúng — ngay cả khi chính sách này không hiệu quả trong việc ngăn chặn nhập cư bất hợp pháp. Tác giả nói rõ: ‘bức tường khiến những người dân mong muốn có hành động thiết thực cảm thấy ít ra có ai đó đang hành động... Rốt cuộc, có rất ít rào chắn bất khả xâm phạm. Người ta rất giỏi xoay xở, và những người đang quá tuyệt vọng sẽ tìm ra cách vượt qua.'

Tác giả đưa chúng ta tới tham quan một số đường biên giới nổi bật nhất đang chia cắt thế giới: Biên giới của Ấn Độ với Pakistan và Bangladesh, biên giới Israel và Palestine ở Bờ Tây, các biên giới mới trên khắp Trung Đông và những biên giới chạy quanh châu Âu. Hiệu quả của các rào chắn này còn đang được kiểm chứng, tuy nhiên vấn đề tác giả quan tâm hơn hết chính là mong muốn chia cắt – ‘lối tư duy địch-ta’ – và điều này sẽ đưa chúng ta đến đâu trong thế kỷ 21. 

Độc giả của cuốn “Prisoners of Geography” (“Những tù nhân của Địa lý”), tác phẩm trước đây của Tim Marshall, sẽ quen thuộc với cách tác giả bao quát xu thế toàn cầu thông qua lịch sử và địa lý.

Phần cuốn sách Divided miêu tả rõ nhất là phần viết về đường biên giới trong chính nội bộ các quốc gia chẳng hạn như các cộng đồng biệt lập ở Nam Phi và Mỹ. Ở đây tác giả Marshall cho thấy mức độ biệt lập là vòng xoáy đi từ tầm quốc tế, đến tầm khu vực và tới tận địa phương. ‘Mô hình mới của cuộc sống trung tâm nội thành và ngoại thành cố tình được thiết kế để mang tính cô lập: bạn chỉ có thể đến quảng trường trung tâm nếu bạn vượt qua được vòng an ninh bao quanh nội thành. Sự thiếu tương tác này có thể làm giảm dần gặp gỡ giao thoa giữa các nhóm công dân, khuyến khích tư duy nhóm của những người ở trong cộng đồng biệt lập và dẫn đến sự phân hoá về tâm lý, khiến những người nghèo hơn cảm thấy như "người ngoài", như thể họ đã bị ngăn cách ở bên ngoài.’

Ở Trung Quốc, tác giả chỉ ra toàn bộ dân chúng bị cô lập. ‘Great Firewall’ (Vạn lý Hỏa thành) của Trung Quốc ngăn cản 700 triệu người dùng của đất nước này (khoảng 1/4 dân số trực tuyến thế giới) tiếp cận các phương tiện truyền thông nước ngoài, trong khi đó, tường lửa nội bộ và chế độ kiểm duyệt ngăn người dùng kết nối quá nhiều với nhau. ‘Đảng đặc biệt lo ngại phương tiện truyền thông xã hội đang được sử dụng để tập hợp các nhóm cùng chí hướng, rồi họ có thể cùng tụ tập ở nơi công cộng biểu tình, điều này có thể dẫn đến bạo động,’ ông viết.

Cuốn sách Divided cũng dự đoán về tương lai của các đường biên giới. 'Công nghệ trở nên tinh vi hơn mỗi năm,’ tác giả cảnh báo. ‘Những rào ngăn dọc theo đa số các đường biên giới dài hàng ngàn dặm hiện đang được xây dựng cao lên, rộng hơn và công nghệ ngày càng tinh vi hơn... các rào chắn đó hầu như không thể ngăn chặn người ta cố gắng vượt qua – nhiều người không có lựa chọn nào khác ngoài cố gắng vượt biên – và bạo lực gia tăng ở các trạm gác biên giới có thể dẫn tới thảm hoạ nhân đạo khủng khiếp.' Số vụ tử vong ở biên giới đang cao nhất trong lịch sử, điều này đặt ra câu hỏi, đường biên giới hiệu quả hơn – sử dụng thiết bị bay không người lái, cảm biến chuyển động và tường cao hơn – có nghĩa gì với những người sống quanh biên giới?

Cuốn sách bỏ ngỏ câu trả lời cho chúng ta. Có lẽ điều này một phần do phạm vi toàn cầu của cuốn sách – có lẽ không có giải pháp duy nhất nào phù hợp cho xu thế xây dựng tường biên giới – và một phần còn vì bản chất khó kiểm soát của chính các rào ngăn. Tường có thể ngăn chặn bạo lực, nhưng cũng có thể gây ra bạo lực. Tuy nhiên, khi nghe kể về một số biên giới kiên cố nhất trên thế giới, người đọc có mong muốn tự nhiên là tìm giải pháp loại bỏ chúng, hoặc ít nhất cũng muốn ngăn tỷ lệ gia tăng rào chắn đang mọc lên ở nhiều nơi. Bất ngờ thay, đây cũng là điều tác giả Tim Marshall còn bỏ ngỏ.

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc