Cần phải tập thích nghi với sự nhàm chán và cô đơn

shared from fb đào trung thành,
-----
Photo by Sepp Rutz on Unsplash.

Ngày mai bắt đầu một đợt giãn cách mới 15 ngày trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh. Nhiều lo lắng, bất an trong tình hình bệnh dịch có nguy cơ bùng phát và không kiểm soát. Kinh tế sẽ giảm tốc trong 15 ngày này, doanh nghiệp vẫn chưa hết khó khăn và người lao động đối mặt với một tương lai bất định phía trước.

Tuy nhiên, điều tôi muốn nói không ở khía cạnh vật chất vốn đã rất khó đối với cần lao, mà là vấn đề tâm lý, tâm thần phát sinh từ biện pháp bắt buộc này. Blaise Pascal (1623 – 1662) là nhà toán học, vật lý, nhà phát minh, tác gia, và triết gia Cơ Đốc người Pháp từng nhận định:

"Toutes les difficultés de l’homme viennent de son incapacité à s’asseoir tranquillement dans une pièce en sa seule compagnie."

("Tất cả những khó khăn của con người đều bắt nguồn từ việc người ta không thể ngồi yên lặng trong phòng một mình.")

Theo Pascal, chúng ta sợ sự im lặng của hiện tồn, sợ hãi sự buồn chán. Và thay vào đó, chọn sự phân tâm không mục đích, chạy trốn những vấn đề của cảm xúc khó chịu khi buồn chán và lao vào những tiện nghi giả tạo của tâm trí. Chúng ta không cho phép tâm trí mình yên lặng và luôn trong tình trạng lao xao như vốn có, hết lo lắng đến bi quan, vừa bực mình vừa oán giận. Nếu ai đó làm chúng ta giận hay quan tâm, họ sẽ được chăm sóc chu đáo.

Chuyên gia hiệu suất công việc Zat Rana bình luận:

"Giờ đây, chúng ta đang sống trong một thế giới được kết nối với mọi thứ, ngoại trừ kết nối với chính bản thân."

Nghĩa là chúng ta hướng về ngoại giới, tìm liên kết ngoài bản thân. Một hình thức "vong bản". Và kết nối nhiều như vậy nhưng chưa chắc quan hệ đã thân mật, gắn bó. Sự hời hợt lên ngôi. Không hiểu người và không hiểu mình. Vì có thời gian cho bản thân mình đâu chứ? Rất khó có thể ngồi im mà không lôi điện thoại ra nhắn tin hay lướt Phây. Người ta có vẻ ngượng nghịu khi đối diện với nhau mà không nói câu gì. Có lẽ người ta đang thực hành cái câu của Saint Exupery:

"Yêu nhau không chỉ là nhìn nhau mà là cùng nhìn về một hướng". Nhưng hướng này thuần túy nghĩa đen là hướng về phía cái TV, màn hình livestream hoặc điện thoại của mình.

Chỉ vì chúng ta có thể sử dụng sự sao nhãng của thế giới để ngăn chặn sự khó chịu khi đối mặt với bản thân không có nghĩa là sự khó chịu này sẽ biến mất.

Hầu hết mọi người đều nghĩ mình là người tự nhận thức (self aware) cao. Chúng ta nghĩ rằng mình cảm thấy thế nào và vấn đề của mình là gì. Nhưng sự thật là rất ít người làm được điều đó.

Trong thế giới ngày nay, mọi người có thể sống cả đời mà không cần thực sự đào sâu hơn những chiếc mặt nạ mà mình đeo. Chúng ta ngày càng mất liên lạc với con người mình và đó là một vấn đề.

Nhà nghiên cứu về thể thao Anders Ericsson, tác giả cuốn sách bán chạy "Peak: Secrets from the New Science of Expertise", cũng cho rằng công thức của hiệu năng là cường độ tập luyện cao + nghỉ ngơi. Tập luyện liên tục sẽ làm cơ thể mỏi mệt, căng thẳng thường xuyên dễ dẫn đến suy giảm hệ miễn dịch, chấn thương và giảm hiệu năng.

Nhân dịp này, chúng ta có thời gian cho chính mình để tự tĩnh lặng, chuẩn bị cho những việc sắp tới. Cách ly xã hội, ở yên trong phòng và chỉ ra ngoài khi có như cầu cần thiết.

Còn mình, có thêm thời gian đọc, nghĩ và viết.

Tags: skill

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc