Tại sao sai lầm trong hầu hết các quyết định nhưng vẫn thành công?

shared from fb đào trung thành,
-----
Nếu nói đến yếu tố may mắn, "cô thương" dù theo tôi là yếu tố rất quan trọng của thành công thì không còn gì để bàn nữa. Người ta có thể chiến thắng trên nhiều chiến trường nhưng vẫn thất bại trong cuộc chiến tranh. Hạng Vũ biệt Ngu cơ và thiên hạ về tay nhà Hán.

Chất lượng của cuộc sống hay thành công phụ thuộc vào chất lượng của các quyết định. Nhưng theo các nhà tâm lý, Daniel Kahneman trong "Thinking, Fast and Slow" thì chúng ta có rất nhiều thiên kiến và như vậy thường dẫn đến các quyết định sai lầm và không tối ưu. Roft Dobelli cũng liệt kê ra 99 lỗi tư duy thường gặp trong "The Art of Thinking Clearly". Đọc xong những tác phẩm này, tôi khá hoang mang về khả năng phán đoán, nhận định của mình. Phán đoán của chúng ta đa phần là sai vậy mà vẫn có người thành công.

Khái niêm sự mệt mỏi của việc quyết định (Decision fatigue)

Bạn đã bao giờ cảm thấy mình quá mệt mỏi khi phải lựa chọn đúng đắn giữa nhiều lựa chọn, đặc biệt là sau một loạt quyết định quan trọng? Sự mệt mỏi khi quyết định (decision fatigue) có thể dẫn đến những lựa chọn không tốt và phi lý trong quá trình ra quyết định. Chất lượng của các quyết định suy giảm sau một thời gian dài ra quyết định. Có quá nhiều quyết định sẽ làm suy giảm ý chí của chúng ta, đến mức chúng ta phải đưa ra những lựa chọn ngày càng kém hoặc sai lầm.

John Tierney nói: “Sự mệt mỏi khi quyết định giúp giải thích lý do tại sao những người ngày thường rất nhạy bén lại nổi giận với đồng nghiệp và gia đình, vung tiền mua sắm quần áo, mua đồ ăn vặt ở siêu thị và không thể cưỡng lại lời đề nghị của đại lý đối với chiếc xe mới của họ. Cho dù bạn có cố gắng trở nên lý trí và có trí tuệ cao đến đâu, bạn cũng không thể đưa ra quyết định này đến quyết định khác mà không phải trả một cái giá sinh học (biological price)."

Nhà tâm lý học xã hội Roy F. Baumeister giải thích: “Về cơ bản, ý tưởng là thế này, khả năng buộc bản thân làm những việc khó khăn - tức là áp dụng tính tự chủ hoặc kỷ luật bản thân - dựa trên một nguồn lực hạn chế nhất định trong chúng ta. Và khi chúng ta buộc phải đưa ra những quyết định khó khăn, nó sẽ đòi hỏi chính nguồn lực đó. Vì vậy, khi nguồn lực cạn kiệt, chúng ta bắt đầu đưa ra những lựa chọn kém cỏi ”.

Hằng ngày chúng ta phải ra rất nhiều quyết định. Càng nhiều quyết định được thực hiện, càng giảm độ chính xác hay đúng đắn. Tuy nhiên, không phải quyết định đều có tầm quan trọng ngang nhau. Việc hôm nay ăn gì, mặc áo gì, đi xem phim ở đâu, uống cà phê như thế nào rất khác với việc chọn ngành nào để học, chọn công việc nào để thực hiện, chọn đối tác nào làm ăn hay chọn ai để cưới. Vì tất cả các quyết định đều tiêu tốn nguồn lực nên rất nhiều người đã có chiến lược như:

- Thực hiện theo thói quen. Mark Zuckerberg luôn chọn áo mặc áo phông màu xám vì theo anh ta "Tôi muốn cuộc đời của mình đơn giản và phải ra quyết định về mọi thứ ít nhất có thể, ngoại trừ việc làm thế nào để phục vụ cộng đồng tốt nhất”

- Dựa vào chuyên gia. Bạn có thể hỏi người có kinh nghiệm về sành ăn quán nào ăn ngon và nếu ăn thì ăn món gì.

- Chọn đại một món nếu trong quá khứ từng ăn.

Điều quan trọng là cần tập trung vào các quyết định quan trọng và không được hời hợt. Với mỗi quyết định quan trọng cần kiểm tra các thiên kiến (bias), áp dụng khung quyết định, ví dụ W.R.A.P của anh em nhà Health.

Tôi có ông bạn tâm sự cả đời toàn quyết định sai lầm từ việc chọn trường học, công việc và làm ăn. Mỗi quyết định đúng đắn là lấy được một người vợ hơn tuổi, không đẹp lắm nhưng tháo vát và sắc sảo, người ký quyết định giới thiệu các ứng cử viên HĐND Tp. HCM kỳ này.

Thế đấy! Bạn không cần phải sáng suốt với tất cả mọi chuyện, chỉ cần sáng suốt với vài quyết định trong đời là thành công.

Sợ nhất là lúc nào cũng sáng suốt với những thứ chẳng cần sáng suốt làm gì.

Nhớ ngày mai đi bầu cử. Bạn cần sáng suốt hay không thì tùy. 🙂

Bài trước: Giai cấp vô dụng
Tags: skill

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc