Suy nghĩ rối bời trong ngày "phong thành" thứ nhất

shared from fb đào trung thành,
-----
“Khi nhà văn đội lốt người cho thú vật để thăng hoa nếp sống cầm thú với nhau trong nhân giới, văn phong càng mỹ miều bao nhiêu càng trơ trẽn bấy nhiêu." – Phan Huy Đường

Văn mình không mỹ miều nhưng đôi khi cảm thấy trơ trẽn. Có ông lãnh đạo đi thăm dân chúng, thấy nhiều đứa trẻ suy dinh dưỡng bèn thắc mắc với cán bộ cấp dưới tại sao không cho chúng ăn thịt, cá để có sức khỏe tốt hơn. Tất nhiên là chúng ta đã qua thời có những nghiên cứu khoa học để đề xuất lãnh đạo phát biểu “một kg rau muống có dinh dưỡng bằng một kg thịt bò". Nhưng khả năng mất liên hệ thực tiễn và quan liêu là luôn diễn ra ở những người nay có điều kiện hơn đồng loại.

Khi chúng ta đã ở một điều kiện khác, no đủ hơn, thoải mái về vật chất hơn, phương tiện giải trí cũng nhiều hơn thì lúc đó khả năng mất dần sự thông cảm với người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình là sự thật. Cách đây hơn 10 năm, tôi không thể chạy 1km mà không thở hổn hển, nhưng bây giờ chạy 10km, 20km không là vấn đề gì với bản thân. Dần dần, tôi có quan điểm rằng ai cũng có thể dễ dàng chạy 10km như mình trong khi đa số dân chúng, có thể nói đến 90%, khó lòng chạy được 10km một cách thoải mái. Rồi thì trước đây nhịn một ngày thấy không chịu nổi, nay nhịn 7 ngày sức khỏe vẫn bình thường. Nên lại có cảm giác ai cũng có thể trải qua 3 ngày nhịn như mình.

Cứ cho là lãnh đạo có tinh thần trách nhiệm, là “công bộc”, “đầy tớ nhân dân” đi nữa thì khả năng xa rời thực tế là rất cao. Cộng thêm một đám tham mưu, mưu ít mà tham nhiều, nên khả năng có những quyết định chỉ có lợi hay không thiệt hại đến hoàn cảnh hiện tại của công bộc.

Với quyết định cấm dịch vụ dừng dịch vụ thức ăn mang về, tôi đã nghĩ không có vấn đề gì. Ai mà chẳng có thể tự nấu nướng cơ chứ, thậm chí không nấu được thì ăn tạm cái gì đó hay nhịn. Nhưng có một thực tế rằng rất nhiều người trẻ ở Sài gòn không hề nấu nướng, ăn ngoài hoặc không có điều kiện nấu nướng vì nhà thuê không có bếp hay trang bị bếp.

Tôi đã cho rằng bọn ăn ngoài là đám lười biếng và không thích nghi hoàn cảnh. Do đó, đúng như lời của triết gia Pháp “Tha Nhân Là Địa Ngục” (L’enfre, cest les autre). Không phải người ta cầm tù anh, đầy đọa anh mà cái nhìn của người khác, phán xét của người trở thành một gánh nặng, một nỗi đày đọa cho ta. Với cái nhìn của ta với người, ta là chủ thể (subject), người là khách thể (object) và ngược lại với cái nhìn của tha nhân, họ là chủ thể và ta là khách thể. Cái nhìn đã khách thể hóa, vật hóa đối tượng khiến đối tượng chịu đựng sự phán xét của khách thể.

Sartre không tin vào liên chủ thể tính, ông cho rằng ngay cả với hai người yêu nhau thì chỉ có thể có một chủ thể và một khách thể, mỗi người lần lượt là chủ thể và đối tượng mà không thể cả hai cùng một lúc làm chủ thể. Ái tình còn là mối bang giao bất khả như thế thì rõ ràng tha nhân mang lại cho ta địa ngục chứ còn gì.

Mà là một động vật xã hội thì lại không thể sống thiếu tha nhân, dù nó mang đến cho ta cả một địa ngục. “Mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi ngôi nhà, thôn bản, xóm, làng, khu phố là một pháo đài chống dịch.” Giặc ở đây là COVID-19. Nhưng COVID-19 làm gì có chủ thể tính, nó đâu có suy nghĩ. Chỉ sợ rằng chúng ta quay sang chống nhau, nhà này lo sợ nhà kia và xóm này ghét xóm khác, vùng này hận vùng kia.

Đoàn kết là đoàn kết với những người có chung một lợi ích. Rõ ràng chúng ta đang có một lợi ích chung, vượt qua con COVID-19 chết tiệt này. Tác động của khủng hoảng nên mọi người, mọi giai tầng không giống nhau. Có người thiệt hại nặng nề nhưng vẫn có một số ăn nên làm ra. Viễn thông, ngân hàng, chứng khoán lợi nhuận cao dịp này bên cạnh những ngành như dịch vụ ăn uống, lưu trú, du lịch đang chết đi.

Viết về một viễn cảnh lạc quan tươi sáng ngay ngày thứ 1 và giữ vững suốt 14 ngày tiếp theo hay làm ngược lại?
Photo by Kseniia Ilinykh on Unsplash.

Bài trước: Tinh tế = Tinh tướng
Tags: columnist

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc