Hiến pháp Mỹ được làm ra như thế nào?

“Hiến pháp Mỹ được làm ra như thế nào?” là cuốn sách đồ sộ, công phu

của Nguyễn Cảnh Bình về quá trình ra đời của Luật Hiến pháp của người Mỹ. Sách chuyên sâu về Luật hiến pháp, lại là chuyện của nước Mỹ bên kia bán cầu, không dễ đọc nhưng nếu kiên nhẫn một chút, bạn sẽ có cơ hội khám phá được nhiều điều kỳ diệu của một quốc gia trẻ tuổi đã khởi đầu thế nào để vươn lên thành cường quốc số 1 thế giới.

Là người đam mê đọc sách, đam mê khám phá về sự thịnh vượng của các quốc gia, sau khi đọc hàng trăm cuốn sách của các nước, Nguyễn Cảnh Bình chợt khám phá ra quy luật: “không có quốc gia nào mới sinh ra đã hùng mạnh, tất cả đều phải bắt đầu từ những bước khởi đầu nhỏ bé…”

Đế quốc Anh là một ví dụ. Cuối thế kỷ 16, từ những trạm mậu dịch hải ngoại nhỏ bé, người Anh đã thiết lập nên một trong những đế quốc vĩ đại nhất thế giới. Người ta từng nói: “Mặt trời không bao giờ lặn trên nước Anh”. Ở thời điểm hoàng kim nhất của mình, diện tích của đế quốc Anh lên tới hơn 33 triệu km2, cai trị gần 500 triệu dân, chiếm 1/5 dân số thế giới thời đó.

Các đế quốc khác như Mông Cổ, Tây Ban Nha, Ottoman… đều có những khởi đầu khiêm tốn.

Theo Nguyễn Cảnh Bình: “Để trở thành cường quốc cần phải trông chờ vào ý chí, tài năng của những con người khởi dựng, quốc gia mới dần trở nên lớn mạnh.”

Nước Mỹ nổi tiếng với bản Tuyên ngôn Độc lập do Thomas Jefferson viết với những lời bất hủ mà sau này Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trích dẫn trong Tuyên ngôn Độc lập của nước ta ngày 2/9/1945.

Tuy nhiên, Tuyên ngôn Độc lập mới chỉ nêu lên mong ước của những người lập quốc về một quốc gia hùng mạnh. Mong ước đó muốn trở thành hiện thực, phải được đảm bảo bằng một bản hiến pháp mạnh.

Với Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Nguyễn Cảnh Bình cho rằng, để hùng mạnh, Việt Nam cần một bản hiến pháp mới. “Có thể không phải là thế hệ của tôi làm ra, có thể là thế hệ con tôi nhưng nhất định chúng ta cần có một bản Hiến pháp mới, thực sự phù hợp và thực sự tiến bộ…”

Trước tiên, đất nước sẽ cần con người, cần những học giả, cần những tư tưởng, cần học thuyết, cần kinh nghiệm quốc tế, cần tài liệu, nói chung là cần sự chuẩn bị kỹ càng.

“Việt Nam đã tiến hành sửa đổi hiến pháp và đã thông qua vào tháng 11/2013, dù chưa phải là những gì tôi mong đợi nhưng tôi cũng thấy vui vì đó là điều tôi kỳ vọng từ hơn 10 năm trước.”

Nguyễn Cảnh Bình viết: “…nếu chỉ có lãnh đạo tốt thì không đủ. Quốc gia còn cần có một bản hiến pháp tốt và phù hợp, hậu thuẫn cho sự vận hành hiệu quả của chính quyền. Tiêu biểu cho lối tư duy này là James Madison. Sau này, chính ông được mệnh danh là Cha đẻ bản Hiến pháp Mỹ, và rồi làm Tổng thống thứ tư. Nhưng hiến pháp tốt cũng vẫn chưa đủ. Còn cần những nhà lãnh đạo có tầm nhìn, có chiến lược, thông minh, có năng lực triển khai, thực thi và thực hiện các chính sách quốc gia. Đó chính là công việc của những người như Alexander Hamilton.

Nhưng cuối cùng và trên hết, còn một nhân vật sáng chói nữa, đó là Thomas Jefferson. Ông cho rằng bản hiến pháp tốt chưa đủ, các nhà lãnh đạo tốt chưa đủ mà cần cả một nền giáo dục được khai sáng, cần nhiều thế hệ nối bước nhau, cần nhiều thế hệ lãnh đạo kế tiếp nhau… Vì thế, ông dốc sức vào cải cách giáo dục.”

Qua cuốn “Hiến pháp Mỹ được làm ra như thế nào?” Nguyễn Cảnh Bình đưa người đọc trở về không gian chính trị của nước Mỹ hơn 200 năm về trước, vừa mới giành được độc lập từ tay người Anh. Hồi đó, nước Mỹ mới khoảng 40 triệu dân, bằng non nửa Việt Nam hiện nay.

Là nước “sinh sau đẻ muộn”, nước Mỹ rộng lớn nhưng ngổn ngang với hàng trăm vấn đề về kinh tế, xã hội. Xã hội Mỹ thời đó là sự hổ lốn của các chủng tộc, các giang hồ hảo hán từ các nơi trên thế giới đổ về. Làm thế nào để chấn hưng quốc gia là câu hỏi lớn đặt ra cho nhiều đời tổng thống.

Trong quản trị quốc gia, người Mỹ coi việc xây dựng một hiến pháp văn minh, có tầm nhìn như việc đặt nền móng cho một xã hội pháp quyền, kỷ cương, tạo không gian rộng lớn, khích lệ những tài năng tỏa sáng và lan tỏa. Một xã hội được tổ chức tốt khiến cho mỗi công dân yên tâm cống hiến và phát triển năng lực bản thân. Đó là động lực chính để nước Mỹ trở nên hấp dẫn và lớn mạnh không ngừng.

Chỉ sau hơn 100 năm lập quốc, nước Mỹ đã trở thành cường quốc số 1 của thế giới và giữ vững vai trò đó trong suốt gần 100 năm qua. Điều quan trọng là những điều mà nước Mỹ làm được có giá trị lan tỏa rất lớn và luôn là thực tiễn sinh động truyền cảm hứng cho những nước đang phát triển. Mỗi quốc gia muốn chấn hưng dân tộc mình có thể nghiên cứu, suy ngẫm từ việc thành công của nước Mỹ để vận dụng vào thực tiễn của nước mình.

Hồ Chí Minh, người khai sinh ra nhà nước Việt Nam đã có hai năm hoạt động và sinh sống ở Mỹ. Bản thân cụ Hồ là người cảm nhận được những giá trị mà người Mỹ đã mang lại và không phải ngẫu nhiên, trong lời mở đầu của Tuyên ngôn độc lập được công bố trước quốc dân đồng bào vào ngày 2/9 năm 1945, Hồ Chí Minh đã trích câu từ bản Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ năm 1776: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”

Đọc cuốn “Hiến pháp Mỹ được làm ra như thế nào?” của Nguyễn Cảnh Bình chúng ta sẽ hiểu thêm nhiều điều về nước Mỹ, nhà nước trẻ tuổi đã vượt qua mọi khó khăn để trở thành số 1 thế giới bằng một khởi đầu quan trọng: Xây dựng một Hiến pháp tạo nền tảng cho việc quản trị quốc gia có hiệu quả và nhân văn.

Xin được nói thêm, năm 1789, Hiến pháp Mỹ có hiệu lực. Từ thế kỷ 18 đến nay, được sửa lại 27 lần, một tu chính án sau bãi bỏ một tu chính án trước. Mười tu chính án đầu bảo vệ tự do cá nhân và hạn chế quyền lực chính phủ, gọi là Tuyên ngôn quyền lợi. 17 tu chính án sau bảo vệ thêm quyền công dân, giải quyết những vấn đề quyền hạn liên bang, và sửa thủ tục chính phủ. Hiến pháp Mỹ khác nhiều hiến pháp khác ở chỗ giữ nguyên bản văn gốc, các tu chính án được chép thêm vào.

Thượng nghị viện Mỹ nhận định: "Ba từ đầu tiên của Hiến pháp: “We the People” thể hiện chính phủ Mỹ dựng lên để phục vụ công dân. Hơn hai thế kỷ qua rồi, Hiến pháp vẫn có hiệu lực nhờ các nhà lập hiến nhìn xa trông rộng, cẩn thận chia quyền để bảo vệ lợi ích của số đông và số ít, tự do và bình đẳng, liên bang và các bang". Hiến pháp Mỹ sinh ra bộ hiến luật lớn và ảnh hưởng hiến pháp của nhiều nước khác.

from fb Phan Thế Hải,

1 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc