Thận trọng với công trình 61 Trần Phú

shared from fb Son Dang,
-----
Chạy lướt qua toà nhà 61 Trần Phú thì mình liền liên tưởng đến hình ảnh một tu viện. Và đúng vậy, khi lần lại lịch sử, nó từng là ngôi nhà của các nữ tu dòng kín.

Đâu đó quãng 1925, người Pháp mới chuyển đổi tu viện này thành nhà máy. Đây là phỏng đoán của mình, dựa trên hiểu biết về các tu viện ở châu Âu, chắc đã từng có 1 nhà nguyện nhỏ nằm giữa sân trong. Người Pháp có thể đã thay nhà nguyện bằng 1 xưởng cơ khí có cấu trúc công nghiệp hiện đại, với mái răng cưa và rầm beton cốt thép bo góc.

Thể loại công trình nữ tu viện trong đô thị này, thấy nhiều ở các đô thị Trung cổ của Pháp-Tây Ban Nha, lại hiếm có ở Việt Nam. Có thể đây là công trình tôn giáo duy nhất được chuyển đổi chức năng thành di sản công nghiệp thời kì đầu. Và đừng quên, nó được xây trên nền một pháo đài góc Tây Nam thành Hà Nội nhà Nguyễn. Sự chồng khớp các lớp lịch sử rất thú vị!

Trên bản đồ, ta sẽ thấy toà 61 Trần Phú nằm sát với bệnh viện St. Paul (tức Xanh Pôn). Điều này có nghĩa là gì? Người Pháp đã tính toán quy hoạch khéo léo, đặt 1 dòng nữ tu chuyên về phụng sự xã hội và công tác tế bần kề bên St. Paul để có thể tương trợ bệnh viện khi cần: chăm sóc bệnh nhân không gia đình hoặc hỗ trợ các đợt dịch bệnh nghiêm trọng.

Tinh ý 1 chút sẽ thấy toà 61 Trần Phú và bệnh viện St.Paul rất hoà hợp về mặt kiến trúc, còn tìm hiểu sâu thì sẽ phát hiện quần thể này thể hiện tính nhân văn và tinh thần bác ái trong viện kiến tạo chức năng đô thị và kiến tạo xã hội. 1 bài học vô giá trên nhiều phương diện!


Về mặt hình ảnh kiến trúc, trong con mắt người không chuyên, vốn thường chỉ đánh giá bề ngoài, thì nó chỉ như cái nhà kho xoàng xĩnh. Có thể vì cửa sổ bé, mảng tường đặc lớn, mang tính phòng thủ của 1 thể loại công trình lâu đời từ châu Âu. Nhưng trong mắt người chuyên môn, thì nó có sự kiệm lời, lẫn sự hiện diện đủ mạnh (về mặt tinh thần) để neo các kí ức cá nhân vào với kí ức đô thị. Những nét tiếp biến với khí hậu nhiệt đới lẫn tính bản địa đều rất ý nhị.

Mình cứ tưởng khu lõi lịch sử Ba Đình chưa được quy hoạch, nên mới xảy ra sự đập phá di sản quý như vậy, nhưng hoá ra là rồi. Do Bộ Xây dựng chủ trì, từ nhiều năm trước. Khu 61 Trần Phú này và 8B Lê Trực đều được phép xây cao tầng.

Nhưng nói thật, đó là 1 bản quy hoạch kém cỏi và ngô nghê. Với 1 trung tâm lịch sử chính trị quan trọng như Ba Đình, có thể cần phải nhanh chóng lập ra 1 quy hoạch khác nghiêm túc và đẳng cấp hơn.

Với 1 lõi đô thị có giá trị to lớn như Ba Đình, từng công trình, từng con đường, từng công viên, vườn hoa, từng viên đá lót, bảng tên đường đều là những câu chuyện cực kì thú vị, xứng đáng được khảo sát, đánh giá cẩn trọng, bởi các đơn vị có chuyên môn hàng đầu thế giới. Trước khi đưa ra phương án quy hoạch cuối cùng.

Chứ không phải là chăm chắm những lợi ích nhỏ hẹp và thiển cận, xoá trắng lịch sử và thay bằng những thứ chụp giật vội vã gớm giếc cao nghễu nghệu 42-58m thế kia. Đánh đổi 1 lõi đô thị vô giá với những thứ quy thành bao nhiêu triệu/m2 sàn căn hộ-văn phòng cho thuê là 1 thứ đánh đổi rẻ rúng và túng quẫn, dâng ngọc cho heo xơi!

Ba Đình cần được quy hoạch để trở thành niềm tự hào cho các thế hệ tương lai, 100-200 năm sau và hơn thế nữa.

Bài trước: Iran vs Nga

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc