BẠO LỰC HỌC ĐƯỜNG VÀ CÁCH GIẢI QUYẾT

 

Đầu tiên phải nói rằng ở môi trường giáo dục nào cũng có bạo lực ít hay nhiều, từ nhà trẻ, mẫu giáo trở đi. Con người từ khi biết bò là đã có bản năng đánh nhau rồi. Trẻ con tranh nhau đồ chơi là đã cào cấu nhau được rồi.

Con người khi còn nhỏ là sống theo bản năng nhất, gần với thú hoang. Dần dần được giáo dục uốn nắn bởi gia đình và nhà trường thì sẽ giảm dần tính hoang dã. Nhưng có người lành tình sẽ hiếm khi dùng bạo lực nhưng cũng có người đến trưởng thành vẫn rất dễ nổi máu cho’. Là do tính người. Nhưng dù sao thì càng được giáo dục tử tế thì bản năng hoang dã càng giảm bớt, nhưng căn tính bạo lực còn do ảnh hưởng bởi môi trường và hoàn cảnh nữa. “Ai cho tao làm người lương thiện?”

Bạo lực học đường theo nghĩa phổ quát bây giờ, mà đáng để xã hội phải quan tâm, thường phải là chuyện HS bắt nạt, làm nhục nhau lâu ngày, gây sang chấn tâm lý. Hoặc HS đánh nhau dùng hung khí sát thương, có thể dẫn tới bị thương nặng hay tử vong. Hay trò tấn công thầy hoặc thầy đánh mắng trò (làm vẩn đục môi trường GD). Hay HS tạo băng nhóm như xã hội đen để bắt nạt, cướp giật…thì mới đáng nói. Với các trường hợp này thì nên để cơ quan chức năng xử lý.

Chứ còn kiểu bọn trẻ đánh nhau bằng tay không bột phát do mâu thuẫn cá nhân, cào cấu cắn xé vớ vẩn, chỉ gây xây xước ngoài da, không gây tổn thương tới sức khỏe thể xác hay tinh thần (do cơ quan y tế xác định) thì không nên coi là bạo lực học đường hoặc chỉ coi là bạo lực ở cấp độ nhẹ. Chuyện này xảy ra cơm bữa với tuổi trẻ, đang phát triển tâm sinh lý, chưa được giáo dục đầy đủ để có thể kiềm chế bản thân.

Với tình huống trẻ đánh nhau bột phát ở mức nhẹ nói trên thì phụ huynh không nên làm to chuyện. Cũng đừng bịa ra là con mình bị sang chấn tâm lý, dù nó có thể uất ức, khóc lóc tý chút. Nhiều khi bố mẹ kích động thêm mới làm con sang chấn, chứ nếu được dạy dỗ, khuyên bảo đúng mực thì chả sao cả.

Trong trường hợp này, phụ huynh có thể liên hệ với giáo viên chủ nhiệm để thông báo tình trạng con mình và đề nghị cô giáo có biện pháp hòa giải hoặc xử phạt. Nếu nặng hơn chút thì có thể liên hệ với ban giám hiệu nếu cô giáo vô trách nhiệm hay bất lực.

Nhưng nói chung, trong những vụ việc nhẹ nhàng thì có thể còn chả cần phụ huynh phải “thế thiên hành đạo” mà chỉ cần hỏi han con về nguyên nhân xung đột và dạy con cách giải quyết xung đột đó. Trường hợp đứa trẻ bất lực thì bố mẹ mới cần ra tay.

Theo mình thì cách bền vững và lâu dài nhất chính là cách bố mẹ dạy con cách tự xử lý các mối quan hệ, tránh phải tiếp tục đánh nhau. Đây mới là cách dạy con tốt nhất, còn cách bố mẹ đến xử lý trực tiếp sẽ làm đứa trẻ dựa dẫm và mất đi khả năng tự giải quyết mâu thuẫn, đó là 1 kỹ năng sống quan trọng của mỗi người. Bố mẹ không thể bao bọc con đến hết đời được.

Có nhiều cách để giải quyết mâu thuẫn có thể dạy cho bọn trẻ:

1. Đàm phán

Cùng con tìm ra mâu thuẫn để xem bên nào sai. Nếu gốc gác vấn đề là do con mình sai thì hãy phân tích cho nó thấy và chủ động đến xin lỗi đối phương để hòa giải.

Nếu do đối phương sai thì dạy con cách thuyết phục để chỉ ra cho bạn thấy là bạn đã sai. Đây là việc rất khó với 1 đứa trẻ. Có thể nhờ cô giáo phân xử hoặc 2 bên phụ huynh nói chuyện với nhau để phân định.

2. Phản kháng

Nếu biện pháp hòa giải không thành công, đối tượng vẫn ngoan cố, bất chấp, kể cả đã được cô giáo và phụ huynh khuyên bảo, như tình huống con gái mình đã gặp năm lớp 1 mà mình đã kể ở status trước, thì có thể dạy con dùng biện pháp mạnh hơn.

Đó là dạy con cách chống trả khi bị bạn tấn công, hoặc học võ, tất nhiên phải dạy con dùng “đòn thế” không làm nguy hiểm đến sức khỏe của đối tượng. Không dùng đòn hiểm để hạ thủ đối tượng. Cách này thường phải gắn liền với việc phải luyện tập thể thao để có thể lực nhất định. Tuy nhiên với bọn trẻ thì nhiều khi thể lực không quyết định chiến thắng mà nhờ vào ý chí quyết chiến và chút mưu mẹo trong chiến đấu. Nhiều khi đối tượng chịu thua vì sự dữ tợn của con bạn chứ không phải vì thể lực.

Cách này là khó, nhất là với trẻ nhút nhát và yếu đuối, nó khó mà chống lại được sự sợ hãi. Nhưng nếu bố mẹ biết khích lệ thì con có thể vượt qua được. Dạy con cách này là cần thiết, vì trong suốt cuộc đời sẽ khó tránh được tình huống bắt buộc phải dùng bạo lực để tự vệ, như chuyện có thể bị cướp, hiếp…trong tương lai. Không nên lảng tránh dạy con dùng bạo lực chỉ vì lý do đạo đức, cuộc đời không chỉ có màu hồng và toàn những người tử tế, có thể xã hội xô đẩy không cho ta sống nhu mì trong mọi tình huống.

3. Tìm kiếm đồng minh

Nếu cách 2 vẫn không thành công do đối tượng khỏe mạnh, hung hãn hơn hẳn con mình. Khả năng tự phản kháng của con sẽ không thành, thì việc tìm kiếm đồng minh phải được dùng đến.

Đồng minh nên là kẻ mạnh so với đối tượng, có thể là bạn cùng lớp, cùng khối, anh chị lớp trên cùng trường. Tốt nhất nên để cho con tự xây dựng mối quan hệ để có thể “gọi hội”. Đây là bài cơ bản của kẻ yếu khi đối đầu với kẻ mạnh, cả ở tầm quốc gia như Ukraine đối đầu với Nga. Trong trường hợp con không thể có mối quan hệ thì bố mẹ mới cần thay mặt để nhờ cậy.

Trong tình huống tiếp tục có bạo lực do đồng minh gây ra thì 2 đứa trẻ đánh nhau vẫn tốt hơn là 1 người lớn tấn công 1 đứa trẻ.

Kỹ năng xây dựng mối quan hệ là rất quan trọng với mỗi người để dùng tới khi có biến. Bọn trẻ cần được học ngay từ nhỏ. Không nên dựa vào bố mẹ. Xây dựng mối quan hệ có thể bằng cách ứng xử, bằng quà cáp…Nếu con bạn có mối quan hệ tốt với 1 số “đầu gấu” ở trường là sẽ yên tâm không bị bắt nạt.

Cách bố mẹ đến nói chuyện với đối tượng, thậm chí đánh đối tượng, về bản chất vẫn là dùng đồng minh. Nhưng đó là hạ sách, đặc biệt là phụ huynh đến đánh, chửi mắng đối tượng là tuyệt đối không nên dùng. Vì người lớn đối diện với trẻ nhỏ đã là bất cân xứng về thể lực, nên có nói chuyện cũng phải hết sức nhẹ nhàng và kiềm chế.

Trên đây là kinh nghiệm của mình với cả vai trò là HS cho tới phụ huynh. Các cách trên bản thân mình đều đã từng áp dụng và dạy con áp dụng và có kết quả tốt. Mình hồi bé cũng từng có quan hệ tốt với bạn bè đầu gấu (có thằng có thể sẵn sàng đâm chém) nên rất ít bị bắt nạt. Ngoài ra vì là dạng cao to sớm nên cũng đỡ!

Nên nhớ rằng nhiều khi con bạn hay bị bắt nạt chính vì thái độ sống gây khó chịu, làm ngứa mắt người khác. Mà thái độ đó có thể do chính gia đình tạo nên (chảnh cho’, khệnh khạng, khinh người…). Con cái nhiều khi là tấm gương phản chiếu của chính bố mẹ.

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc