Con đường tái vũ trang của Nhật Bản

shared from fb Anh Nghia Nguyen,
-----
Âm Dương Sư là bộ tiểu thuyết truyền kỳ nổi tiếng của nhà văn Nhật Bản Yumemakura Baku. Nhân vật chính trong bộ tiểu thuyết này là nhân vật có thật trong lịch sử Nhật Bản Abe no Seimei, là một Âm dương sư sống vào thời Heian. Nội dung một số câu chuyện được kể lại trong tập sách này như chuyện về Đàn tì bà, Họa xà… được sử dụng làm kịch bản cho bộ phim Âm Dương Sư do Đặng Luân và Triệu Hựu Đình thủ diễn.


Trong chương truyện “người đàn bà không miệng”, Abe no Seimei đi tìm hiểu việc hồn ma một thiếu nữ xinh đẹp nhưng không có miệng thường xuyên hiện ra quấy nhiễu thiền sư Jusui, nguyên là một vị võ quan trong triều đã quy y phát nguyện chép kinh Bát nhã. Seimei phát giác ra bản thể của hồn ma kia chính là một chữ trong kinh Bát nhã bị chép sai, nên mới hiện ra để nhắc nhở người chép kinh là Jusui vậy. Nguyên trong đoạn kinh ” Sắc tức thị không. Không tức thị sắc. Thụ, tưởng, hành, thức. Diệc phục như thị”, chữ “như” (如) bị một giọt mực dây vào che mất bộ khẩu (口 - cái miệng) thành ra chữ nữ (女- người con gái). Nên chữ ấy mới hoá ra người con gái không có miệng vậy. Kể chuyện để thấy vạn vật hữu linh (muôn vật đều có linh hồn), nhất là văn tự thánh hiền càng dễ xuất linh tính lắm.

Một ngày nào đó dưới triều Thiên hoàng Lệnh Hoà, nơi văn phòng của ngài Nội các Tổng lý đại thần đêm đêm cũng xuất hiện hồn ma một võ quan đầu đội mão không có ngù lông, lưng đeo gươm mà không có khoen, đi khắp nơi ăn nói huyên thuyên. Văn phòng cũng mời Âm dương sư đến điều tra, phát hiện bản thể võ quan đó chính là một chữ trong bức thư pháp do lân bang tặng. Chính là chữ “thành” bị thiếu 2 nét*. Ngài Tổng lý tái mặt nghĩ thầm chắc lân bang mỉa mai Đại Hoà không có quân đội đàng hoàng thì lời nói chỉ như của kẻ say nói nhảm, đâu có sức nặng; tức thì dâng biểu xin Thiên hoàng bệ hạ khôi phục quân đội, tân trang khí tài. Đại Hoà tái quật khởi thành thế lực quân phiệt đáng gờm nơi Đông hải. Chuyện hay còn ở phía sau.

*Chữ “thành” (誠 - lòng chân thực) ghép bởi bộ ngôn (言 - lời nói) và chữ thành (成 - việc đã xong). Trẻ con Đại Hoà được dạy nhớ chữ thành như hình dưới đây - một binh sĩ hoàn Thành nhiệm vụ. Đây là mẹo nhớ mặt chữ, như dân Đông Lào cũng có mấy câu vè kiểu “chim chích mà đậu cành tre…”, không nhất thiết phải đúng với phép chiết tự bên Tàu.

Tags: funnyjapan

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc