Mẹ hãy để... con tự lớn được không?

shared from fb Tien Long Do,
-----
Nhiều bài báo gần đây cho thấy hiện tượng giới trẻ Trung Quốc không muốn đi làm, ngồi nhà chờ việc lương cao, sông tách biệt, thậm chí làn sóng "tự coi là thế hệ cuối cùng" không kết hôn, không sinh con, không tìm thấy ý nghĩa cuộc sống.


Hiện tượng khoảng cách thế hệ không có gì mới. Xu thế khoảng cách khác biệt như ngày càng lớn hơn trong chục năm trở lại đây. Tuy nhiên, giới trẻ phương Tây dù cũng độc lập tách biệt, nhưng có xu hướng chủ động tham gia thị trường, chủ động tìm giá trị và ý nghĩa cuộc sống.

Tâm lý co mình lại, nghi ngại sợ hãi các quan hệ xã hội, là một biểu hiện phức tạp có nhiều nguyên nhân. Nhưng có sự thiếu chuẩn bị do quán tính áp đặt kinh nghiệm của thế hệ trước cho thế hệ sau, sợ con trẻ đối mặt với thách thức hay sự thất bại. Tuy nhiên, điều tưởng chừng như rất tốt này, và có vẻ như đã từng không có vấn đề gì trong quá khứ, nhưng lại đang tạo ra nhiều bất lợi cho giới trẻ. Giới trẻ ngày nay, cụ thể là thế hệ Z, đang phải đối mặt với cuộc sống nhiều biến động, thay đổi nhanh, nhưng lại không được chuẩn bị về khuôn mẫu tư duy hay năng lực tự thân. Do cách tư duy của các thế hệ trước như không còn phù hợp với không gian và thách thức của thế hệ này. Trong khi cách ngăn cản sợ áp lực và thất bại lại làm cho họ mất đi tính chủ động, khả năng tự tin đối mặt với thách thức. Phải chăng điều đó làm cho họ nhiều lo lắng, mất niềm tin và sống thu vào.

Trong bộ phim Top Gun Maverick, có đoạn thoại cảm thấy thức tỉnh của nhân vật nữ Penny Benjamin với đại tá Maveric: em sẽ học cách tin tưởng hơn, chuẩn bị tâm lý sẵn sàng cho con bé được mắc sai lầm, nó đã đến tuổi để làm một số việc sai lầm, rồi nó sẽ lớn. Không nhớ chính xác câu chữ, nhưng nội dung hàm ý như vậy về nhận thức của người mẹ trước tương lai của đứa con gái.

Sáng đọc thấy anh bạn viết: không có trẻ hư, chỉ có người lớn hay bố mẹ hư. Đúng là ai sinh ra của bản thiện, như tờ giấy trắng. Đứa trẻ có thể lệch lạch trong phản ứng do chưa có nhận thức đúng. Nhưng đúng là trở thành trẻ hư thì thường sẽ phải lớn lên trong môi trường hay do những người lớn hư.

Hoàn thiện và thay đổi hành vi của người lớn trước những bối cảnh xã hội mới là vô cùng thiết yếu. Trong các lớp phát triển lãnh đạo thì mình cũng hay chia sẻ việc học lãnh đạo là cho mình, rồi cho con mình, sau đó mới đến tổ chức và xã hội. Hãy nghĩ gần gũi hơn với các vấn đề của xã hội mà chúng ta đang sống. Tin tưởng trao quyền, trao cơ hội nhiều hơn để giới trẻ được là chính mình, làm chủ được năng lực của mình trước cuộc sống.

Giới hữu trách cũng nên từ bỏ quán tính tư duy kiểu: thay trời hành đạo, mưa móc ban phát. Việc có khi nhỏ xíu đã sốt sắng vội vã lên tiếng can thiệp, mà đôi khi chỉ là việc ở cấp cá nhân hay tổ chức, dễ bị rơi theo màu sắc dân túy kiểu xưa cũ. Tư duy đó chỉ làm cho những việc nhỏ thường bị xé lên, làm cho ồn ào, từ trên xuống dưới bị xoắn bận cuống với những việc không tương xứng với vai trò và tầm vóc. Hâu quả là sẽ vừa làm gia tăng tính thụ động dựa dẫm, vừa làm lãng quên đi những vấn đề thiết yếu lớn lao như úng ngập hay chất lượng nguồn nhân lực, mà dường như ai cũng có vẻ bận bịu cả cho đến lúc về hưu, thở phào hạ cánh bình an.

Không ai sống thay được cho ai, hay sống mãi để bao bọc thế hệ sau. Trách nhiệm của người lớn không phải là lo thay sống thay cho giới trẻ, mà là giúp cho giới trẻ tự trưởng thành trong cuộc sống của chính thế hệ chúng. Nhiệt tình sốt sắng bao bọc lo toan không đúng cách có thể lại làm hại chúng nhiều hơn, mất phương hướng, không làm chủ hay thích ứng được với tương lai của chúng. Rộng hơn là thúc đẩy sự trưởng thành của xã hội thông qua các thiết chế truyền thông, hòa giải, luật sư, tòa án, hay tự thỏa thuận một cách kỷ luật, trật tự và văn minh.

Bài trước: Ba nền văn hóa
Tags: parenting

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc