LÝ GIẢI MỘT CHÚT VỀ TÌNH TRẠNG CỦA NỀN KINH TẾ - TÀI CHÍNH NGA HIỆN NAY

shared from fb Nguyễn Đức Thành,
-----
Như có hứa trước đây là tôi sẽ viết một chút về vấn đề kinh tế - tài chính (tiền tệ) của Nga trong bối cảnh bị cấm vận giữa cuộc chiến Ukraine hiện nay. Mục đích để các bạn hiểu rõ hơn về thực trạng vấn đề, không bị lạc lối giữa các diễn ngôn tuyên truyền.


Như thực tế thống kê cho thấy, giá trị đồng rúp hiện nay về danh nghĩa đang trở lại mức còn mạnh hơn cả trước chiến tranh. Thậm chí còn quá đà tăng mạnh lên tới mức 65 rúp một USD, tức là mạnh như gần 4 năm trước (giữa 2018). Tất nhiên đó là giá danh nghĩa. Giao dịch thực chất không ở mức đó. Vì Chính phủ Nga đã ra quyết định hạn chế người dân đổi ngoại tệ, đồng thời tăng phí giao dịch, ví dụ ở mức 12%. Nghĩa là một cách để hạ giá đồng rúp ít nhất là chừng ấy so với tỷ giá danh nghĩa, nếu giao dịch có thể diễn ra.

Nhưng điều quan trọng không năm ở mấy kỹ thuật lặt vặt đó. Thực tế thì tỷ giá đồng rúp so với đồng đô la Mỹ cũng từ từ ổn định hơn so với ngay khi nổ ra chiến tranh (lúc ấy đã tăng vọt lên đến 130 rúp ăn một USD, tức là đồng rúp mất giá một nửa so với hiện nay). Theo các nguồn tin từ Mạc Tư Khoa, thì bây giờ có thể đổi đô la Mỹ ở chợ đen với tỷ giá khoảng 103 rúp ăn một USD. Như thế là đồng rúp có bị yếu đi, nhưng không quá tệ. Vì sao lại như vậy?

Lý do là vì tỷ giá thực giữa đồng rúp và đồng USD phụ thuộc vào cung/cầu USD. Mà hiện nay, NHU CẦU VỀ USD cũng không còn cao nữa. Vì đơn giản là Nga không thể nhập khẩu cái gì từ nước ngoài, hoặc có thì rất hạn chế (có nhập khẩu thì mới có nhu cầu ngoại tệ). Còn nguồn cung USD của Nga thì sao? Hiện cũng không phải là ít, bởi vì Chính phủ đã thực hiện ngay tức khắc chính sách kết hối, tức là nếu các công ty xuất khẩu của Nga (ở đây chủ yếu là xuất khẩu dầu và khí đốt), nếu thu được USD thì lập tức phải bán 80% số ngoại tệ đó cho Ngân hàng Trung ương Nga theo tỷ giá nhà nước quy định. (Việc kết hối này trước đây Việt Nam cũng làm trong thời kỳ khó khăn, khan hiếm ngoại tệ, đầu thập niên 1990.)

Đồng thời, để dân chúng yên tâm giữ đồng rúp, Ngân hàng trung ương Nga đã yêu cầu các ngân hàng thương mại tăng lãi suất tiền gửi lên rất cao, có thể nói con số đại diện là 20% chẳng hạn. Với lãi suất tiền gửi cao như vậy, người dân sẽ tăng mong muốn để yên tiền của họ trong ngân hàng, nếu họ thấy lạm phát không cao như thế. Đây là chính sách bảo vệ đồng nội tệ, mang tính kinh điển khi có khủng hoảng tiền tệ. Theo nguồn tin từ trong nước Nga, lạm phát có thể rất cao, nhưng dù sao, lãi suất lên tới 20% cũng giúp bình ổn phần nào sự mất giá của đồng rúp.

Với những chính sách nêu trên, các nhà điều hành tiền tệ của Nga đã phần nào bình ổn được giá trị của đồng rúp trong ngắn hạn. Đó là điều cần ghi nhận.

Tuy nhiên, họ chỉ làm được như vậy mà thôi.

Vì để làm điều này (mà như Paul Krugman đã phân tích trên New York Times vào đầu tháng 4/2022, bình ổn đồng rúp là mang tính chính trị, có thể là mệnh lệnh của Putin nhằm giữ uy tín cho ông ấy), thì nền kinh tế Nga phải chấp nhận một thực tế đáng lo ngại: Không nhập khẩu được hàng hóa để sản xuất, và lãi suất trong nước thì cao vọt. Nói tóm lại, là đóng băng nền sản xuất trong nước.

Tuy nhiên, việc sản xuất trong nước bị đình trệ, đóng băng (tức là nền kinh tế sẽ thu hẹp, có nơi dự đoán thu hẹp 10%, có nơi nói 20%), thì diễn ra từ từ. Còn việc hồi phục đồng rúp thì diễn ra ngay. Như thế là để cứu vãn tức thời uy tín của Putin, trấn an dân chúng là cái giá phải trả cho cuộc chiến không quá lớn. Còn thì nền kinh tế sẽ lụi bại dần, Putin sẽ tìm cách giải thích sau (chẳng hạn như đổ lỗi cho phương Tây, hoặc tuyên bố ai than vãn là phản động).

Ngoài ra, có một chi tiết khá thú vị, là Putin yêu sách các nước khác nhập dầu và khí đốt của Nga phải thanh toán bằng đồng rúp. Mục đích có lẽ là để cho tăng nhu cầu về đồng rúp, do đó tăng giá trị đồng rúp. Đồng thời, Putin cũng đòi hỏi trả nợ nước ngoài bằng đồng rúp. Nhưng sự nghiệt ngã ở đây là, với các ông chủ tư bản, đánh Ukraine thì họ có thể chấp nhận, chứ còn trả nợ họ bằng một đồng tiền không còn giá trị, thì họ không bao giờ chấp nhận. Do đó, kết cục là Putin vẫn phải chấp nhận cứ đến hạn là phải mang USD ra trả nợ. Mà trong khi đó, nếu thu tiền bán dầu bằng rúp, thì lại chẳng có thêm nguồn cung về USD. Cứ loanh quanh luẩn quẩn như thế, thì rõ ràng Putin chỉ như gà mắc tóc mà thôi.

Nói tóm lại, không gian chính sách của Putin rất hạn hẹp. Và dù ông có loay hoay dùng các thủ thuật để gỡ gạc một chút trong thế giới danh nghĩa (tỷ giá đồng rúp/USD) thì thế giới thực vẫn vận hành một cách tàn nhẫn chống lại ông và người dân Nga.

Và khi nền kinh tế thực đến ngày sụp đổ, thì không một thủ thuật gì có thể giữ giá trị đồng rúp như hiện nay, hoặc có giữ cũng chẳng còn ý nghĩa gì. Trên thực tế, nếu nền kinh tế Nga sụp đổ, thì đồng rúp cũng sụp đổ. Biểu hiện của nó là siêu lạm phát, tức là giá trị đồng rúp chính trong nước Nga không còn giá trị, và Chính quyền Nga sẽ điên cuồng in tiền (vô giá trị) để trang trải những khoản nợ của họ với công chúng Nga. Điều này không có gì mới với một nền kinh tế của một đất nước chiến bại, từ nước Đức từng hùng cường rồi thất trận sau thế chiến I tới một nước Zimbabwe nhỏ bé tan nát ở châu Phi.

Việc đồng tiền nội địa sụp đổ có nghĩa là nó cuốn trôi mọi tài sản tiết kiệm của người dân dưới dạng tiền. Họ sẽ bị bần cùng hóa. Đó là một thảm cảnh hỗn loạn cho một nước Nga kiệt quệ và tan nát.

1 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc