TIẾU NGẠO GIANG HỒ LÀM NGƯỜI KHÓ

shared from fb Tien Long Do,
-----
Làm người khó như là câu cảm thán nổi tiếng của Khổng Tử. Xem đi xem lại 4 bộ Tiếu Ngạo Giang Hồ thấy nhiều thứ không dễ.


1. Danh vọng ai cũng thèm nhưng không dễ ai có được. Cuộc tranh giành ngôi độc tôn giữa Ngũ Nhạc Kiếm phái và Nhật Nguyệt thần giáo là sự khởi đầu của câu chuyện. Chia ra 2 phái chính tà, nhưng chính phái cũng đầy âm mưu đen tối, âm thầm sắp mưu thôn tính tiêu diệt lẫn nhau. Tà phái không che giấu tham vọng đạp bằng san phẳng để nhất thống sơn hà độc tôn võ lâm, những cũng qui tụ đầy hảo hán. Ngũ nhạc là tên 5 ngọn núi ở 5 vùng cách xa nhau nhất ở bốn góc xa và chính giữa nước Trung Hoa. Nên không phải là một liên minh võ thuật hay môn phái nào, xa nhau như vậy làm sao mà hơi tí tập hợp. Ngũ nhạc như là sự tập hợp của tinh thần dân tộc dân chủ với các trường phái quan điểm rất khác nhau, mà điển hình là Tả Lãnh Thiền, chưởng môn Tung Sơn, luôn đề cao tinh thần đoàn kết để diệt Ma giáo nhưng lại chỉ để che đậy tham vọng chiếm đoạt độc tôn quyền lực. Bên cạnh là Nhạc Bất Quần, chưởng môn Hoa Sơn, luôn đề cao đạo nghĩa quân tử, hình mẫu cao đạo với danh xưng Quân tử kiếm, nhưng Nhạc tham vọng còn hơn cả họ Tả, tính toán sâu sa kín đáo, đậy lên một nhân cách ngụy quân tử. Giới mộ điệu Kim tiên sinh cho rằng họ Nhạc chính là hình ảnh của Tưởng Giới Thạch, thừa hưởng chính quyền Trung Hoa dân quốc từ Tôn Trung Sơn.

Phía bên kia là Nhậm Ngã Hành cực đoan độc đoán chuyên quyền, hành xử theo ý nghĩ chủ quan cá nhân, giáo chủ Nhật Nguyệt thần giáo, được nhiều người cho rằng là hiện thân của ông Mao. Bên trong Nhật Nguyệt thần giáo là cuộc đấu tranh quyền lực của họ Nhậm với Đông Phương Bất bại, phảng phất hình ảnh của những Lâm Bưu, Chu Ân Lai ở Trung Nam Hải.

Xét về hai hình tượng thì có vẻ Kim Dung đánh giá Mao ưu hơn Tưởng. Nhưng dù sao tất cả những Nhậm, Tả, Nhạc, Đông Phương, dù đoạt được quyền lực tưởng như ngất trời, nhưng cũng đều chết trong tàn lụi mà tham vọng không đạt được. Tham vọng, mưu đồ, hay chuyên quyền, tất cả cũng không đi đến đâu.

Thành danh chỉ là những nhân vật từ mộng tranh đoạt ngôi minh chủ, mưu đồ bá vương, từ bỏ lòng tham chiếm hữu, giữ đạo tích đức tạo phúc cho bá tính thiên hạ như Phương Chứng đại sư, Xung Hư đạo trưởng, hay Phong Thanh Dương của Hoa Sơn.

Công danh như cái bóng hư ảo, càng đuổi càng chạy xa. Như quả pháo, càng nổ càng tan xác. Cuối cùng chỉ là ác mộng trong đời.

2. Quyền lực khó. Võ công uy trấn thiên hạ là Tịch tà kiếm phổ, cả võ lâm khát khao có được nó để xưng bá, dễ dàng đứng trên chi phối chế ngự người khác. Ai chót luyện rồi thì say như ma túy. Luyện theo thì trở thành thứ người không ra người ngợm không ra ngợm, nhiều toan tính âm mưu táng tận, ái nam ái nữ, vô vong tuyệt tự. Thế mà tất cả đều sẵn sàng đánh đổi tất cả để mong có võ công đứng đầu thiên hạ.

Chứ luyện võ như Lệnh Hồ Xung thì vừa phải có năng khiếu, vừa có duyên được nhiều tiền bối trì độ, vừa có người yêu ủng hộ hết mình, lại vừa phải chính trực ngay thẳng tập luyện, kiên nhẫn rèn giũa suốt đời.

Trong xã hội loạn lạc bất an thì mấy ai đủ kiên nhẫn và cơ hội để theo con đường chính.

3. Làm người khó. Lưu Chính Phong muốn từ bỏ toàn bộ danh vọng một đời để sống thật với đam mê của mình, được tấu lên khúc nhạc từ nội tâm. Nhưng đâu dễ để cùng người bạn Khúc Dương hòa tấu khúc nhạc đó trong sự đố kị, nghi ngờ của đám đông. Cuối cùng họ phải đánh đổi cả gia sản, gia đình, và tính mạng cho một đoạn nhạc của tiếng lòng. Thật là vi nhân nan như lời Khổng Tử.

4. Làm người yêu khó. Linh San mất cả cuộc đời mà cũng không nhận được gì. Nghi Lâm sơ sác trái tim, héo mòn vì yêu nhưng cũng chỉ tự động viên bằng lời chúc phúc cho tình nhân. Ninh Trung Tắc, nữ hiệp tài sắc, cuối cùng cũng phải tự kết liễu vì đi sai đường cùng Nhạc Bất Quần.

5. Làm phim Tiếu Ngạo giang hồ khó. Câu chuyện quá nhiều tuyến nhân vật, mà ai cũng đỉnh cao, mạnh mẽ đặc sắc. Nếu tất cả cùng kỳ công xuất sắc như phiên bản 1996 thì nó trở nên không dễ cảm nhận với người xem. Các phiên bản của Trung Hoa lục địa thì gặp khó khăn trong chọn dàn diễn viên, nhạy cảm với hình ảnh Nhậm Ngã Hành và Đông Phương Bất bại, nên họ phải biến tấu hình ảnh câu chuyện trong Nhật Nguyệt Thần giáo. Họ thường chọn xoáy sâu một vài tuyến truyện hay vài nhân vật điển hình. Phiên bản thành công nhất là Lệnh Hồ Xung của Hoắc Kiến Hoa cùng Viên San San đóng Thánh cô Doanh Doanh. Dù phiên bản này bị dân mạng chê nhất, nhưng với mình thì lại là tạo hình Lệnh Hồ Xung đạt nhất, đúng chất lãng tử, trượng nghĩa, và tự do tự tại nhất.

Giang hồ là cuộc sống, là phong cách, là các trào lưu xã hội, là thế giới rộng lớn nhào nặn nên các số phận. Tiếu ngạo giang hồ là một trạng thái thăng hoa thần thánh, State of Divinity, hòa quyện của tính nghĩa hiệp, đạo nghĩa, tình yêu và sự nhân bản, trong cuộc đời. Nó là đỉnh cao trong cõi nhân gian mà ai may mắn có thể chạm vào trải nghiệm nó.

Tags: movie

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc