Ucraina kịch bản Nam Tư!

shared from fb Lý Xuân Hải,
-----
Mấy hôm nay truyền thông im ắng vụ Ucraina. Hoặc là đã chán vì kéo dài hơn 5 tháng rồi. Hoặc đàm phán ngoại giao, mua bán lợi ích dưới gầm bàn cơ bản đã ngã ngũ. Chỉ mỗi tiếng đạn bom pháo tên lửa ở Ucraina vẫn không im và tiếng khóc người dân với mất mát người thân vẫn xé lòng.


1. Nga

Trong một cuộc phỏng vấn với Margarita Simonyan - tổng biên tập RT và Nước Nga Ngày Nay, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tuyên bố (lược dịch):

“Phương Tây … cứ cung cấp càng nhiều vũ khí tầm xa cho Ukraine, chẳng hạn như HIMARS, thì phạm vi địa lý của Chiến dịch đặc biệt sẽ càng mở rộng hơn hiện nay.

Không chỉ là Donetsk và Lugansk mà cả Kherson, Zaporozhye và một số vùng lãnh thổ khác. Quá trình này vẫn tiếp tục một cách nhất quán và bền bỉ.

Bởi chúng tôi không thể cho phép phần lãnh thổ Ucraina, do Zelenskyi hay ai đó thay thế ông ta kiểm soát, có vũ khí uy hiếp trực tiếp lãnh thổ của chúng tôi, lãnh thổ của những nước cộng hòa đã tuyên bố độc lập và những nước muốn tự quyết định số phận của mình.

Tổng thống (Putin) đã nói rất rõ ràng - phi phát-xít hóa, phi quân sự hóa có nghĩa là không còn mối đe dọa nào đối với an ninh của chúng tôi, không còn các mối đe dọa quân sự từ lãnh thổ Ucraina. Nhiệm vụ này vẫn tiếp tục.”

Thế nghĩa là:

a. Nga bắt đầu cuộc chiến tranh, hay Chiến dịch đặc biệt, với Ucraina như một hành động bảo vệ Nga, cộng đồng người Nga ở Ucraina và đánh chặn Ucraina nhập NATO. Với họ đó là nước cờ phá vỡ thế bị bao vây.

Quân cờ là người dân! Bao giờ chả vậy trong các ván cờ chính trị tàn bạo.

b. Mỹ và đồng minh chỉ cung cấp cho Ucraina vũ khí tự vệ. Điều ấy khó có thể giúp Ucraina chiến thắng cuộc chiến mà chỉ giúp chống đỡ tốt hơn, tức kéo dài cuộc chiến. Chiến thắng nếu có sẽ do sự sụp đổ của Nga mà yếu tố Ucraina là phần rất nhỏ. Nga thì đe càng cung cấp nhiều vũ khí, chiến tranh càng kéo dài, thì sẽ càng mở rộng phạm vi đánh rộng hơn ra. Một cuộc chiến tranh uỷ nhiệm điển hình.

c. Và như thế không chỉ có Crimea và Donetsk, Lugansk. Nga sẽ lên kế hoạch tấn công để xuất hiện thêm các vùng lãnh thổ muốn “tự quyết định số phận của mình” nữa: có khả năng đó là vùng đất kéo suốt từ Kharkov, Dnepropetrovsk, Zaporozhe, Kherson, Nhikolaiev đến tận Odessa.

2. Hungary

15/07/2022 Ngoại trưởng Hungary Péter Szijjártó phát biểu sau cuộc họp ​​Trung Âu C5 về các kịch bản khẩn cấp trong trường hợp chiến tranh tiến đến Cận Karpat (Zakarpatia) đe doạ cuộc sống người Hungary ở đây.

Ông cho rằng như bất kỳ quốc gia lân cận khu vực đang xảy ra chiến tranh, Hungary phải chuẩn bị để tự vệ nếu cần thiết. Trước đó Bộ Quốc phòng Hungary đã nâng mức báo động và sẵn sàng chiến đấu.

“Nhiệm vụ của chúng ta trong mọi trường hợp là bảo vệ người dân Hungary. Có 150 nghìn người trong số họ ở vùng Zakarpatia. Vì lợi ích của chúng ta, hòa bình ngự trị ở phía đông Ucraina càng sớm càng tốt. Điều này sẽ loại bỏ được những kịch bản nguy hiểm cho người Hungary ở miền tây Ucraina. Chúng ta cần bảo vệ 150.000 người này. Và vì điều này, chúng tôi sẵn sàng thực hiện mọi kịch bản phù hợp.”, ông nói.

Không có gì để nói nếu không có điểm tế nhị: Zakarpatia hiện là lãnh thổ Ucraina.

a. Zakarpatia có 151.000 người thiểu số dân tộc Hungary ở. Zakarpatia luôn được Hungary coi là “vùng đất lịch sử” của mình.

b. Câu nói của Ngoại trưởng Hungary ”mọi kịch bản” được hiểu là bao gồm cả can thiệp quân sự. Kịch bản can thiệp quân sự vào vùng này đã được Hungary xây dựng.

c. Khả năng xuất hiện một “nhà nước độc lập muốn tự quyết định số phận của mình” tại Zakarpatia được Hungary ủng hộ là hoàn toàn thực tế.

3. Ba Lan

Ba Lan không dấu mong muốn lấy lại những vùng đất họ coi là bị cưỡng đoạt, vốn thuộc Rzeczpospolita hay Rzecz Pospolita (Khối thịnh vượng chung) là quốc gia Ba Lan thế kỷ 16-18 trải dài từ Baltic đến Biển Đen, bao gồm cả các vùng đất thuộc Ucraina hiện đại: các vùng Lvov, Ternopol, Ivano-Frankovsk, Uzhgorod, Lusk, và Rovno của Ucraina.

Người thiểu số Ba Lan ở Ucraina số lượng không lớn do các năm 1944-1947 diễn ra việc trao đổi về nước của nhau giữa Ba Lan và Ucraina (bản chất là thanh lọc sắc tộc). Hiện Ba Lan bảo trợ không chỉ cho người gốc Ba Lan, mà còn cho những người Ucraina có tổ tiên trước năm 1939 là công dân của Ba Lan và sống trên lãnh thổ Ba Lan. Đó là toàn bộ cư dân bản địa của Lvov, Ivano-Frankovsk và Ternopol..

Sau khi Liên Xô tan rã Ba Lan ủng hộ Ucraina - Belarus độc lập và thoát Nga: ủng hộ Ucraina vào EU - NATO và phe đối lập thân phương tây của Belarus.

Ba Lan coi Belarus và Ucraina là tấm đệm với Nga - đất nước có nhiều mâu thuẫn và xung đột lịch sử với Ba Lan.

Hệ quả là:

a. Tham vọng lấy lại đất của Ba Lan khiến Đức và Pháp có vẻ không hài lòng. Dù có cảm giác Ba Lan được Anh và Mỹ ủng hộ.

b. Khi xảy ra chiến tranh Nga - Ucraina, Ba Lan là nước ủng hộ Ucraina mạnh mẽ nhất… cũng dễ hiểu vì sao và sự ủng hộ ấy cũng vì chính Balan.

c. Nếu Ucraina bị Nga chia năm xẻ bảy chắc chắn Ba Lan không thể ngồi yên mà không tận dụng cơ hội thực hiện ước muốn dành lại “phần đất lịch sử” của mình.

4. Rumania

Rumania hoàn toàn không quên "Greater Rumania" và mơ ước lấy trở lại tất cả các lãnh thổ từng thuộc về nhà nước Romania hiện đang thuộc Ucraina và Moldova.

Tại Ucraina đó là vùng Chernovtsy và một phần Odessa.

Rumania cũng có tranh chấp với Ucraina về 6 hòn đảo ở biển Đen (trong đó có đảo Rắn nổi tiếng) và thềm lục địa.

Liên quan Moldova.

Rumania luôn coi Moldova là một phần đất lịch sử của Greater Rumania. Tiếng Rumania và tiếng Moldova về bản chất là một. Vì thế Rumania yêu cầu các nước, bao gồm Ucraina, không công nhận tiếng Moldova mà gọi đó là tiếng Rumania. Mà nói chung Rumania luôn tuyên bố rằng con người, dân tộc, ngôn ngữ, bản sắc, văn hoá Moldova… tất cả đều không tồn tại. Chỉ có con người, dân tộc, ngôn ngữ, bản sắc, văn hoá Rumania. Nếu như thế tất cả những gì thuộc về Moldova sẽ thuộc về Rumania, bao gồm người thiểu số Moldova chiếm 0,5% dân số Ucraina. Công nhận điều ấy người Rumania sẽ chiếm 0,8% dân số Ucraina và số lượng chỉ sau dân tộc Ucraina và Nga.

Moldova cũng đang có tranh chấp lãnh thổ và sắc tộc với Nga. Có thế đây là mục tiêu tiếp theo: Chiến tranh và tuyên bố độc lập tại Pridnestrovie đã kéo dài nhiều năm như vùng Donetsk và Lugansk. Sau khi Nga đánh Ucraina dù Moldova tuyên bố trung lập nhưng lo ngại ra mặt và hiện đã nộp đơn gia nhập EU.

Vậy tức là:

a. Rumania luôn muốn lấy lại từ Ucraina vùng Chernovtsy và một phần Crimea. Không loại trừ lấn sang cả Vinnitsa.

b. Nếu có cơ hội Rumania chắc chắn sẽ dành lại “phần đất lịch sử” Moldova.

c. Vấn đề sắc tộc đang được Rumania nuôi dưỡng.

5.

Các kịch bản kết thúc chiến tranh Ucraina và hệ quả;

a. Ucraina để thua trận mất đất cho Nga dưới bất kỳ hình thức nào: với các láng giềng chăm chăm tranh chấp “vùng đất lịch sử” và chủ nghĩa ly khai dưới ngọn cờ sắc tộc, kịch bản Nam Tư với Ucraina là cực lớn. Ucraina sẽ mất >1/2 lãnh thổ và gần như toàn bộ biển.

b. Ucraina thắng trận quay về trước 24/02/22022: đây là cửa để Ucraina giữ toàn vẹn lãnh thổ và có cơ hội lấy lại cả Crimea.

c. Hai bên cùng tuyên bố thắng trận: tức là cả hai bên cùng thua. Hiện cả Nga và Ucraina đều đang là bên thua trận.

Kịch bản nào mỗi người chắc đều có đánh giá. Cái cần bàn là ai muốn kịch bản nào để chọn cho mình một cách ứng xử và thái độ.

Tất cả nằm ở lợi ích quốc gia.

Một số nước muốn đứng ngoài, toạ sơn quan hổ đấu, để không bị xâm phạm lợi ích, và hưởng lợi khi có thể.

Một số nước ủng hộ Ucraina, chống cách sử dụng sức mạnh xâm phạm chủ quyền nước khác hay làm suy yếu Nga như một đối thủ để tránh tiền lệ diễn ra với mình.

Một số nước tưởng chừng đang giúp Ucraina hết sức nhưng thực tế họ như đang cố đẩy sự việc leo thang, kéo dài cuộc chiến tiêu hao này. Họ dường như cũng thích kết cục a. là phương án nhiều trong họ hưởng lợi, trừ chính Ucraina.

Mọi sự sẽ bắt đầu bằng bảo vệ người thiểu số cùng sắc tộc. Sau sẽ là can thiệp quân sự. Cuối cùng là chia cắt lãnh thổ theo “vùng đất lịch sử”. Cuối cùng là hợp thức hoá bằng “quyền tự chủ và tự quyết định số phận của mình”.

Điều này đã diễn ra ở Nam Tư.

Nay đã bắt đầu và dường như đang diễn ra ở Ucraina.

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc