Nên “lý trí” từ giờ

shared from fb Lý Xuân Hải,

-----

1. 

40 năm sau Chiến tranh thế giới thứ 2 (WW2) trong những năm 50s-80s thế kỷ trước hình thành 2 phe đối đầu trong Chiến tranh lạnh và:


a. Kinh tế: tăng trưởng mạnh mẽ bởi 3 động cơ - Công nghiệp hoá nâng cao năng suất lao động, Tái cơ cấu kinh tế hình thành chuỗi cung ứng và Toàn cầu hoá giúp tự do Thương mại-Tiền tệ;

b. Chính trị: Trật tự thế giới đạt mức độ “Strategic Stability - Ổn định chiến lược” xác định bởi hai cường quốc hàng đầu Liên Xô và Mỹ. Nội hàm cơ bản của Ổn định chiến lược được dựa trên Thoả hiệp: các bên đồng thuận duy trì quan hệ và cán cân sức mạnh quân sự ở mức cân bằng đủ để loại bỏ các động cơ tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân phủ đầu hay va chạm hạt nhân huỷ diệt. Các cuộc xung đột tranh giành lợi ích diễn ra chủ yếu dưới hình thức chiến tranh uỷ nhiệm và phạm vi khu vực, không leo thang rộng.

c. Thoả hiệp, cân bằng lợi ích và tôn trọng cam kết là quy tắc ứng xử. Nói chung những cam kết, quy tắc dù thành văn bản công khai hay bí mật được các bên chấp hành tương đối nghiêm chỉnh. Phân chia vùng ảnh hưởng, các thoả thuận kinh tế, giao dịch thương mại… được các bên tuân thủ, lợi ích kinh tế và tham vọng chính trị được cân bằng… kể cả khi có các mâu thuẫn sâu sắc. Các bên duy trì đối thoại cấp cao, định chế LHQ được phát huy vai trò để duy trì Ổn định chiến lược và thoả hiệp lợi ích.

2.

1991 Liên Xô ta rã đánh dấu bước ngoặt lịch sử chấm dứt WW3 - Chiến tranh Lạnh. Bên thắng cuộc, Mỹ và đồng minh, dường như có cơ hội thiết lập trật tự mới dẫn dắt Thế giới đơn cực bước vào kỷ nguyên Toàn cầu hoá đầy Hy Vọng. Tuy nhiên sau gần 40 năm nhìn lại thấy có lẽ không được như Kỳ Vọng.

a. Kinh tế: Thế giới chưa có động cơ tăng trưởng kinh tế nào mới trong khi các động cơ cũ giảm tốc từ những năm 90s trở về đây. Dòng tiền dễ dãi do USD dẫn dắt thành nguồn doping chính bơm ào ạt cho tăng trưởng. Đó là căn nguyên gây ra AFC 1997-1998, GFC 2008 và lạm phát hiện nay.

b. Mô hình trật tự mới hiệu quả hơn cho hệ thống chính trị thế giới vẫn chưa hình thành. Định chế quốc tế mang tính cốt lõi và biểu tượng cho trật tự thế giới sau WW2 dựa trên đối thoại, thoả hiệp và đồng thuận là LHQ dường như ngày càng mất vai trò.

c. Các thoả thuận, quy tắc cũ hoặc chấm dứt hiệu lực hoặc dễ dàng bị bỏ qua trong khi chưa có nỗ lực đối thoại nào để đồng thuận các quy tắc mới thành công. Xung đột, chiến tranh khu vực không hề giảm dù đối đầu ý thức hệ không còn. 

3. 

Nghe các tuyên bố và nhìn hành động mới nhất của Nga trong cuộc chiến Ucraina và cuộc đối đầu của Nga với Mỹ và đồng minh, nối vào các diễn biến trước đó nữa, có thể coi hôm nay là thời điểm bắt đầu cho sự kết thúc của trật tự thế giới cũ. 

Dấu hiệu:

a. Ý chí chính trị hoàn toàn lấn lướt lợi ích kinh tế.  

b. Có những quyết định được đưa ra dường như bất chấp lý trí.

c. Hiệu quả đối thoại rất thấp. Sẽ leo thang cho đến khi kẻ mạnh thắng kẻ yếu hơn… Dường như sẽ khó có, khả năng cao là không có, thỏa hiệp hoà bình tại Ucraina. Bởi lúc này không phải Ucraina là người quyết vì Ucraina không là đích khi sự việc không chỉ và không thể gói gọn trong quan hệ Nga-Ucraina. Quá nhiều tham vọng quyền lợi chính trị.

d. Cách cắt đứt các mối quan hệ giữa Nga và phương Tây cho thấy sự đổ vỡ này là toàn diện và lâu dài cả về kinh tế lẫn chính trị.

e. Nỗ lực hình thành thế giới hai cực mới là rõ nét trong khi cơ chế duy trì Cân bằng chiến lược và định chế giải quyết mâu thuẫn mới chưa có. 

f. Trung Quốc to lù lù trở thành No. 2 đòi hỏi miếng bánh lợi ích cho mình làm thay đổi cán cân quyền lực quốc tế.

4.

Kết quả trưng cầu dân ý ở 4 khu vực Lugansk, Donets, Zaporojie và Kherson có thể dự báo trước: sẽ sáp nhập với Nga. Hệ quả sau đó là việc tấn công hay tiếp tế vũ khí cho lực lượng tấn công những vùng này có thể được Nga đánh giá là tấn công trực diện vào Nga. Đánh chặn kênh tiếp tế có thể sẽ được tổ chức quy mô lớn, nghĩa là vùng xung đột đã tiến ngay sát biên giới Nato. Một sơ suất nhỏ cũng có thể kích hoạt cho những hành động đáp trả “đúng quy trình” hậu quả vô cùng lớn.

Bài phát biểu về bước leo thang chiến tranh mới TT Nga Putin có nội dung không logic gẫy gọn và phong thái không điềm đạm như ông thường vẫn trước đây có lẽ vì thế.

Điều nguy hiểm là vũ khí hạt nhân, dù luôn được nhắc đến chỉ như một phương tiện răn đe, được nhắc nhiều hơn từ cả 2 phe: nói qua nói lại với mức âm lượng “răn đe” lớn dần lên. Dù tất cả các bên tránh sử dụng từ vũ khí hạt nhân nhiều nhưng ai cũng hiểu: việc nhắc nhiều đến vai trò răn đe đang được hiểu là đe doạ. Căng thẳng đang leo thang… chậm rãi… đều đặn. Từ răn đe sang đe doạ sang sử dụng là khoảng cách không nhỏ… nhưng thay vì giữ khoảng cách đủ xa thì nay nó lại đang bị thu hẹp.

Rõ là cho đến lúc này mong muốn tránh sử dụng vũ khí hạt nhân của các bên đều vẫn còn rất mạnh bởi kết cục khó dự báo của nó, nhưng các kịch bản va chạm hạt nhân đang hiển hiện trên bản đồ quân sự các cường quốc.

Thế giới đang tiến gần tới chiến tranh thế giới lần IV. 

Trong khi lần này, khác khủng hoảng tên lửa Cu Ba những ngày này của tròn 60 năm trước - 10/1962, lãnh đạo các phe đối đầu không nói chuyện trực tiếp. Việc TT Nga Putin từ chối nói chuyện điện thoại với TT Pháp Macron ngày hôm kia vào những giờ phút khá nóng là ví dụ mang tính biểu tượng. Chỉ còn hy vọng các kênh trao đổi tình báo và quân sự vẫn duy trì đều đặn và ngoại giao hiệu quả hơn.

5.

FOMC nâng lãi suất Fed Fund thêm 0,75% lần thứ 3 liên tục và đầy quyết tâm tiếp tục như thế nữa ở kỳ họp tiếp cho đến khi kỳ vọng đẩy lạm phát về mức 2% “hé lộ”. 

Tổng tài sản FED có thể sẽ giảm đến 30-35%: từ mức gần $9.000 tỷ đầu năm năm 2022 về mức $6.000-6.500 tỷ năm 2023-2024. Không khí sặc mùi diều hâu

Thanh khoản USD tiếp tục hút về Mỹ. 90 NHTW đã phải nâng lãi suất. USD tiếp tục mạnh lên. Sức ép tỷ giá đè nặng tất cả các loại tiền tệ. Cuộc chiến tiền tệ chống lạm phát nóng không kém cuộc chiến Ucraina và những gì sau nó.

Các quốc gia, doanh nghiệp lệch pha kinh tế, thiếu chiến lược chủ động, xử lý tình huống tiếp tục mệt.

6.

Lý trí vs. Cảm xúc

“Thẩm phán tuyên:

- Bị cáo có tội. Tuyên án: tử hình bằng cách phanh thây.

Bị cáo nghe tuyên án xong tỉnh bơ, không thay đổi sắc mặt.

Cảnh sát dẫn giải hỏi bị cáo:

- Sao? Không sợ à?

Bị cáo:

- Thế sợ có thay đổi được gì không? Có bớt đau không?”

Trong lúc hai áp thấp chiến tranh và tiền tệ đang đe doạ thành 2 cơn siêu bão một lúc chỉ cách tư duy lý trí, hành động thực dụng và quyền biến mới có thể góp phần ngăn chặn sự hình thành và tác hại của chúng với bản thân, người thân, doanh nghiệp, nhóm hội, xã hội.

Một thứ khó tránh nhưng để nó dẫn dắt có lẽ sẽ gây hiệu quả rất xấu với mỗi người: Cảm xúc!

Có lẽ nên “lý trí” đến mức như trên từ giờ!

Bài trước: Ucraina kịch bản Nam Tư!

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc