Chuyện Dạy và Học

Nhiều bạn trẻ bây giờ đi học xem như là mua một dịch vụ và xem người thầy như là người bán kiến thức chứ không còn tôn sư trọng đạo như hồi xưa, cho rằng đó là phù hợp với kinh tế thị trường. Thật ra đó là một kiểu kinh tế thị trường nửa mùa. Thị trường không có đơn giản như thế.

Đi dạy bao nhiêu năm, tôi chưa bao giờ xem mình là người đi bán kiến thức. Việc đầu tiên tôi nói với các sinh viên ở trong trường mỗi học kỳ là, các bạn không phải là khách hàng của tôi. Nhiệm vụ của tôi không phải là làm các bạn hài lòng. Nhiệm vụ của tôi là làm cho các bạn có được việc làm tốt sau khi tốt nghiệp. Các bạn không phải là khách hàng của tôi mà là cộng sự của tôi. Thị trường lao động mới là khách hàng của chúng ta. Còn sản phẩm của chúng ta chính là năng lực làm việc của các bạn. Do đó, việc tôi dạy như thế nào không quan trọng, quan trọng là năng lực làm việc của các bạn ra sao sau khi học xong. Đó mới là quan điểm kinh tế thị trường. Tôi không thiết kế chương trình đào tạo để sinh viên hài lòng. Tôi thiết kế chương trình đào tạo để sinh viên có việc làm (hoặc kinh doanh) tốt sau khi tốt nghiệp. Nếu bạn không xác định được sản phẩm của mình là gì, khách hàng của mình là ai. Thì làm sao bạn có thể thành công? Nếu có, thì cũng chỉ là mình tưởng mình thành công mà thôi.

Tôi nhận thức được điều này khá trễ. Lúc mới vào học MBA (bằng tiếng Anh), tiếng Anh của tôi rất yếu, kiến thức quản trị kinh doanh là zero vì trước đó tôi là kỹ sư xây dựng. Những buổi thảo luận đầu tiên nghe các bạn trong lớp nói, tôi chả hiểu gì cả vì một phần nghe chữ được chữ mất, phần thì các bạn nói nhiều khái niệm tôi không biết là gì. Khi nghe các bạn học bình luận về các thầy cô, ai dạy hay, ai dạy dở tôi cảm thấy khó hiểu lắm vì tôi thấy ai dạy cũng hay cả, vì tất cả đối với tôi đều mới mẻ. Tôi học với tinh thần của một người không biết gì hết và muốn làm được những điều trước đây tôi không làm được. Kết quả, tôi nhận được phần thưởng cao nhất trong lớp ở học kỳ đầu tiên. Sau khi tốt nghiệp MBA, tôi có một cái business nho nhỏ về tư vấn và đào tạo doanh nghiệp. Sau này mỗi lần tôi đi học, tôi không quan tâm các thầy cô dạy ra sao mà tôi quan tâm đến năng lực làm việc của mình thay đổi ra sao sau khi học xong. Khi thầy cô dạy, tôi không quan tâm thầy cô giảng hay hay dở mà chỉ quan tâm tôi sẽ áp dụng những điều thầy cô dạy như thế nào. Tôi không xem mình là khách hàng của thầy cô, tôi xem mình là người tạo ra giá trị trong quá trình học để bán cho thị trường.

Ngoài dạy ở các chương trình đại học và sau đại học ở các trường đại học ở Mỹ và châu Âu, tôi có giảng dạy các lớp executive cho những người đi làm. Nhiều người trong số họ là chủ doanh nghiệp hoặc là quản lý cấp cao trong các công ty từ nhỏ đến lớn. Tôi quan sát được, nhiều người đã áp dụng thành công những gì đã học trong lớp của tôi chính là những người đi học với tâm thế học để làm. Họ có thể ngồi nghe kiên nhẫn một số kiến thức họ đã “biết” để tìm xem có góc nhìn nào mới hay không, có cách áp dụng nào hay hơn cách họ đang làm hay không. Và thường là họ đều tìm ra được nhiều thứ mới trong những cái họ tưởng là họ “biết” trước đây. “Biết” vì nghe ai đó nói qua loa, vì Google ra, vì đọc vài bài trên Facebook, vì nghe vài hội thảo, vì đọc vài cuốn sách … rất khác với biết để làm được và làm tốt. Trái lại, một số bạn (thường là sinh viên còn rất trẻ), thì kiểu … ôi mấy cái này Google cũng ra 😃 Sự thật là, trong mỗi bài thi tôi đều cho sinh viên sử dụng sách vở và Internet thoải mái, chắp luôn ChatGPT và BingChat, với lời nhắn nhủ, “những gì bạn đọc được trên Internet hoàn toàn có thể sai” và “những gì người ta hay làm trên Internet hoàn toàn có thể dẫn đến thảm họa.” Và, tôi có thể nhìn vào kết quả bài thi để tiên lượng được bạn nào ra trường sẽ có việc làm như thế nào.

Nói dông dài nãy giờ cũng để nói điều này, thật ra tôn sư trọng đạo rất là kinh tế thị trường các bạn nhé. Ai không nhìn ra là do nhìn chưa tới nơi. Thị trường rộng lớn và phức tạp lắm chứ không phải chỉ có thầy-trò.

Cơ mà tôn sư trọng đạo nó không có thời thượng và nghe leng keng bằng giáo dục 4.0 với giáo dục khai phóng nên ít có người đề cập.
Photo by Siora Photography on Unsplash

from fb Nga Ho-Dac,

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc