Tầm phủ sóng xa rộng của Madona

nguồn: New York Times,

biên dịch: Takya Đỗ,


Cuốn tiểu sử do Mary Gabriel viết thấu đáo thế nào thì chủ thể của nó cũng quy củ y như vậy. Nhưng trong việc không ngừng bảo vệ siêu sao đó, tinh thần tự giải phóng khỏi mọi chuẩn mực của Madona ở đâu?

“Tôi muốn ở một mình” là câu nói nổi tiếng của nhân vật vũ nữ do Greta Garbo thủ vai trong bộ phim “Grand Hotel”, câu trích dẫn thường xuyên và nói đúng ra thì chỉ phần nào gắn liền với nữ diễn viên này sau khi cô rút lui khỏi cuộc sống người của công chúng. Garbo đứng đầu danh sách các minh tinh Thời Hoàng kim của Hollywood trong bài hát “Vogue”, một trong những bài hát thành công nhất của Madonna, nhưng đã lâu nay ngôi sao nhạc pop này dường như là hiện thân ngược lại hoàn toàn của câu châm ngôn trên. Nàng muốn được mọi người vây quanh, cứ như thể với âm thanh vòm nổi Dolby.

Giám đốc phòng thu Seymour Stein nhận xét: “Thậm chí trước khi Madonna có người quản lý, cô ấy đã có cả một đoàn giúp việc và ca sĩ hát phụ tháp tùng cô đi khắp nơi”.

Mặc dù là ca sĩ solo đúng nghĩa, nhưng Madonna được các vũ công trợ giúp từ khi bắt đầu sự nghiệp hồi đầu thập kỷ 1980. Nàng có sáu người con: hai con đẻ, bốn con nuôi gốc Malawi. Nhiều người khác tự coi mình là đứa con tinh thần của nàng: những người đồng tính nam mà nàng là bà mẹ bảo trợ của họ; những nữ nghệ sĩ trẻ hơn mà nàng đã truyền cảm hứng cho họ.

Và nàng đã đi vòng quanh thế giới với đoàn tùy tùng linh hoạt gồm bạn bè, nhà văn, nhà sản xuất, đạo diễn, nhà quản lý, nhiếp ảnh gia, chuyên gia quảng cáo, phóng viên và người hâm mộ, tất cả đều tề tựu đông đủ một cách hữu ích trong cuốn tiểu sử mới đồ sộ và đầy khiêu khích do Mary Gabriel viết về nàng: bức tường thành kiên cố được xây từng viên gạch một ngăn cản bất kỳ kẻ phỉ báng nào đang loi ngoi trong con hào bao quanh lâu đài của nàng.

“Madonna: A Rebel Life” (“Madona: Một đời nổi loạn”) là một trong những cuốn sách bạn phải tính độ dài bằng cân chứ không phải trang: nặng gần 1,5 cân, trọng lượng này sẽ nặng hơn nếu nhà xuất bản không quyết định đăng chú thích và thư mục trực tuyến thay vì in kèm. Nó sẽ không đặt vừa chiếc kệ nhỏ trên máy tập StairMaster ở phòng tập gym – máy tập thể dục cổ điển của Madonna – tuy nhiên rốt cuộc bạn có thể nâng nó lên để tập tạ tay.

Thay vì tập tạ tay, nếu bạn ngẫu nhiên bước vào một lớp thể dục nhịp điệu, không những có khả năng cao là giáo viên hướng dẫn sẽ phát một bài hát trong danh mục của Madonna mà có thể cô giáo đó còn đeo một chiếc mic có tai nghe – và đó cũng là đúng kiểu Madonna. Như Gabriel lưu ý, dù công nghệ này được các phi công và Kate Bush sử dụng trước đó, nhưng chính nhân vật của chị đã biến nó thành công nghệ đại chúng trong chuyến lưu diễn “Blond Ambition” năm 1989.

Tuy nhiên, người phụ nữ ra đời năm 1958 với tên khai sinh là Madonna Louise Ciccone, cùng năm với Prince và Michael Jackson, lại chẳng phát ngôn gì dành cho cuốn sách này. Tiếng nói của nàng được dẫn truyền từ nhiều cuộc phỏng vấn trước đó, từ những buổi biểu diễn được thu âm và bài đăng không thường xuyên trên Instagram, nơi mà ngay từ những ngày đầu đại dịch nàng cực lực phản đối video “Imagine” của Gal Gadot bằng video quay cảnh nàng khỏa thân trong bồn tắm giữa những cánh hoa hồng bồng bềnh, tuyên bố rằng Covid-19 là “sự cân bằng tuyệt vời.”

Lần Gabriel tiếp cận gần nhất với Madonna bằng xương bằng thịt là nửa tá cuộc trò chuyện với anh trai nàng, Christopher Ciccone, tác giả cuốn hồi ký “Life With My Sister Madonna” (“Sống với em gái Madona của tôi”) bán rất chạy năm 2008; cuốn hồi ký này chí ít đã gây ra sự bất hòa nhất thời giữa hai anh em, những người cộng tác chuyên nghiệp lâu năm. (Cảm giác bị phản bội của Madonna khó có thể đi đôi với sự bảo vệ đầy nhiệt huyết của nàng đối với quyền tự do biểu đạt cá nhân.)

Gabriel cũng nói chuyện với hơn 30 nguồn tin khác, thật ngạc nhiên là rất ít nguồn liên quan đến phạm vi tác phẩm, và đào bới ra vài mẩu thông tin thú vị được lưu trữ, chẳng hạn như Norman Mailer, tại bản thảo đầu tiên trong số hơn 200 bản mà ông viết cho mục tiểu sử của tạp chí Esquire năm 1994, mô tả Madonna là người Mỹ gốc Ý “bé tẹo” (ông dùng một từ có tính miệt thị dân tộc thay vì từ này) “với trái tim được hình thành từ sự táo bạo của hàng trăm tổ tiên nông dân”.


Các nhà viết tiểu sử Madonna trước đây hoặc đã không được phép thở ra lời – như Andrew Morton, J. Randy Taraborrelli – hoặc chọn cách tiếp cận theo kiểu “Mười ba cách ngắm nhìn một con chim két ” hơn; các trường đại học cung cấp những khóa học toàn bộ về nàng. Gabriel mang thêm uy tín trí tuệ cho sứ mệnh này. “Love and Capital” (“Tình yêu và Tư bản”), cuốn sách của chị về Karl Marx và Jenny vợ ông, lọt vào vòng chung kết Giải Pulitzer và Giải thưởng Sách Quốc gia; “Ninth Street Women” (“Những người phụ nữ ở Phố 9”) – cuốn sách mô tả sinh động chân dung nhóm năm nữ họa sĩ của chị – được nồng nhiệt đón nhận. Song với công trình này chị lại không mô tả mối liên quan của chính mình với nó, như chị vẫn làm với những tác phẩm khác, và người đọc là tôi cứ băn khoăn tự hỏi phải chăng cuốn sách này ít tình yêu hơn vốn tư bản?

Chẳng phải là Gabriel không thận trọng điều tra về tầm quan trọng của Madonna trong văn hóa: chẳng hạn như chị mời chúng ta xem xét cuốn sách “Sex” được bọc bằng màng polyester Mylar trưng trên chiếc bàn cà phê của nàng, cuốn sách này bị ném đá tơi bời khi nó được xuất bản năm 1992 chẳng khác gì số phận cuốn tiểu thuyết “Giovanni’s Room” (“Căn phòng của Giovanni”) của tác giả James Baldwin. Chị tràng giang đại hải về lời khen ngợi của nhà giám tuyển Jeffrey Deitch, người hợp tác với Madonna trong tác phẩm sắp đặt đa phương tiện năm 2013 có tên “X‐STaTIC PRo=CeSS”.

Có lẽ tất cả chúng ta đều nhầm lẫn khi phân định vai chính của Madonna là Nữ hoàng nhạc Pop – sự tương đồng đáng ngờ với Nữ hoàng nhạc Soul Aretha Franklin – và nói rộng ra, nàng tương đồng hơn với Karen Finley, nghệ sĩ trình diễn từng bôi chocolate hoặc mật ong lên cơ thể khỏa thân của mình? Quả thật, khi mô tả khoảng thời gian Madonna sống ở Miami, Gabriel viết “nghi thức hằng ngày của nàng là bôi mật ong lên người và nhảy xuống Vịnh Biscayne, nơi nàng nổi bồng bềnh cho đến khi mật ong tan hết”, mà chẳng buồn để ý đến cá mập.

Cuốn “Madonna: A Rebel Life” được cấu trúc như một lịch trình bận rộn kéo dài bảy thập kỷ, chủ yếu là những chuyến du hành qua các thành phố. Cũng như Franklin, Madonna mồ côi mẹ sớm và lớn lên ở Detroit, nơi cha nàng – cũng có sáu đứa con – “nghĩ rằng chúng tôi phải luôn làm việc hiệu quả,” nàng nói. Con búp bê Barbie của nàng thường nói với búp bê bạn trai Ken của nó: “Em sẽ chẳng ở nhà và rửa bát đâu. Anh hãy ở nhà! Tối nay em sẽ đi chơi. Em sẽ đi chơi bowling, được chưa, quên cái vụ ở nhà đi nhé!” Trong số những người có ảnh hưởng đến sự hình thành con người nàng có J.D. Salinger và Anne Sexton (văn chương); Shangri-Las và David Bowie (âm nhạc); Martha Graham và Frida Kahlo (nghệ thuật thị giác). Nàng nói về Frida Kahlo: “Chỉ cần thấy bộ ria của chị ấy là tôi thấy được an ủi rồi”.

Có lẽ tôi sẵn có thiên kiến như một người bản địa, khao khát những chiếc vòng tay cao su và những đôi tất ren và chờ nghe xem đài FM có phát bài hát “Borderline” qua “la-la-la-la” không, song đoạn Madonna đến Thành phố New York, mặc dù rất rườm rà, là một trong những đoạn hấp dẫn nhất của cuốn sách. Nàng ăn khoai tây chiên nhặt từ thùng rác; học guitar tại một giáo đường Do Thái bị bỏ hoang ở Flushing Meadows có biệt danh là “the Gog”; mang băng ghi âm demo đến bục của DJ tại hộp đêm Danceteria; và, được Stein cho chữ ký từ giường bệnh, giao du với “nhóm” nghệ sĩ bao gồm Andy Warhol, Keith Haring và Jean-Michel Basquiat. Nàng cũng đã bị cưỡng hiếp dưới mũi dao đe dọa trên nóc một tòa nhà, trải nghiệm đau đớn không được công khai thổ lộ tận đến khi bộ phim nặng nề “Dangerous Game” (“Trò nguy hiểm”) của đạo diễn Abel Ferrara trình chiếu năm 1993.

Sau khi chuyển vai sang Hollywood (và sau đó là Broadway và West End), nàng thể hiện sự tức giận với sự thống trị của nam giới: từ bỏ cuộc hôn nhân đầu tiên với Sean Penn, nguyền rủa David Letterman trên sóng phát thanh truyền hình và thẳng thừng suỵt bắt Harvey Weinstein im lặng khi gã đưa ra ý kiến phản hồi về bộ phim tài liệu “Truth or Dare” (“Thật thà hay Thách thức”) năm 1991 của nàng. (“Tôi cóc cần biết quan điểm của ông là gì,” nàng nói với gã. “Tôi chẳng bao giờ muốn nghe đến nó. Ông là cái đếch gì mà bảo tôi nên làm loại phim nào?”) Warren Beatty, người tình một thuở của nàng và cũng là đạo diễn của nàng trong phim “Dick Tracy”, đùa giỡn về việc nàng luôn muốn đứng trước ống kính camera đến mức nào; thời nay ai có iPhone mà lại không muốn cơ chứ?

Ở cuốn sách này Madonna được tôn vinh một cách chính đáng với tư cách người tiên phong trong giáo dục về bệnh AIDS – nàng mất vô số bạn bè vì căn bệnh này – và là một nhà từ thiện chân chính. Nhưng khi nàng ngày càng dạn dày với báo chí và bị cô lập bởi sự nổi tiếng của mình, cuốn sách chùng xuống và trì trệ. Tầm phủ sóng xa rộng của Madonna, hoạt động đa ngành của nàng – từ MTV đến bộ phim “Evita” – dường như bất khả nắm bắt.

Công việc là một thứ ma túy đối với Madonna – nàng đặt ra một kỷ luật thậm chí là phóng túng – và “A Rebel Life” ngày càng trở nên một chuỗi trần thuật lặp đi lặp lại và liệt kê một cách hệ thống: những mốc giới đã vượt qua, những kỷ lục bị phá, những chương trình được trình diễn, số tiền kiếm được, các quốc gia đã đến thăm, những loại hình văn hóa ngoại quốc đã được thử nghiệm. “Nghệ sĩ nào mà chẳng vơ vào,” là cách Gabriel bảo vệ nàng trước một lời cáo buộc thường xuyên. “Nó được gọi là nguồn cảm hứng.”

Những câu sáo rỗng lẻn vào bản tụng ca của chị. Madonna chăm chỉ miệt mài thức khuya dậy sớm, nhen nhóm một cơn bão lửa và là cột thu lôi thu hút những cuộc tranh cãi. Nàng chẳng bao giờ chọn lối đi quen thuộc với mọi người, nhưng lại thường tự vấn nội tâm trước gương.

Lại nói về những tấm gương: Gabriel thừa nhận tài năng tự biến đổi bản thân của Madonna, nhưng lại bỏ qua một cách kỳ cục sự biến đổi của nàng sau những thủ thuật thẩm mỹ đã kéo theo sự chỉ trích dữ dội – một vấn đề nhạy cảm cần phải mổ xẻ, song chẳng thể không liên quan đối với một người có sự nghiệp gắn liền với hình ảnh. “Tôi sẽ biến việc đó thành dễ dàng hơn cho tất cả những cô gái thế hệ sau tôi khi họ bước sang tuổi 60,” minh tinh này nói khi quảng bá cho album “Madame X” ra mắt năm 2019 của mình. Ờ, vậy thì một số trong những cô gái đó muốn biết vì sao nàng lại không thể vung vẩy cây gậy có hình đầu lâu trên cán của mình tại khu liên hợp công nghiệp chống lão hóa.

“A Rebel Life” đạt được thành công nhưng hiếm khi bay bổng, như cách Madonna đã bay bổng khi treo mình trên dây cáp trong chuyến lưu diễn Drowned World. (Nói đúng hơn là cuốn sách tràn ngập những cái tên, những địa điểm, những ngày tháng và sự trưng bày lịch sử.) Tuy nhiên, việc đánh giá di sản của Madonna trước khi nàng có cơ hội hồi phục sau những suy sụp sức khỏe gần đây có thể là một nỗ lực vội vã bất khả thi.

“Hết lần này đến lần khác đưa ra phán quyết là nàng đã đi quá xa, rằng sự nghiệp của nàng đã chấm hết”, Gabriel viết. “Hết lần này đến lần khác, bồi thẩm đoàn đã sai.”

MADONNA: A Rebel Life | By Mary Gabriel | Illustrated | 858 pp. | Little, Brown & Company | $38

#makevietnamreadagain, #mvra, #langdujourneyinlife,

journeyinlife.net cố gắng chuyển ngữ các bài bình sách của New York Times -- tờ báo danh tiếng hàng đầu nước Mỹ (với hơn 10 triệu độc giả trả phí hằng tháng) tới độc giả Việt Nam, các bạn có thể ủng hộ journeyinlife số tiền bằng một ly cà phê (đọc báo buổi sáng); chính sự ủng hộ/tài trợ của các bạn giúp đội ngũ journeyinlife tiếp tục có nguồn lực, động lực để phục vụ bạn đọc mỗi ngày...

ủng hộ tại đây,

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc