Có phải CIA đã giết Patrice Lumumba?

nguồn: New York Times,

biên dịch: Minh Thu,



Trong cuốn ‘The Lumumba Plot’ (Âm mưu Lumumba), biên tập viên của tờ Foreign Affairs Stuart A. Reid đặt câu hỏi liệu Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ CIA có liên quan đến cái chết của một trong những chính trị gia châu Phi nổi tiếng nhất thời hậu thuộc địa hay không.

Theo một nguồn tin, người đàn ông có giọng vùng Bronx tự giới thiệu mình qua điện thoại là “Sid đến từ Paris”. Đó là hồi cuối tháng 9 năm 1960, và đây chính là cuộc điện thoại mà Larry Devlin, người phụ trách của CIA tại nơi ngày nay là Cộng hòa Dân chủ Congo, đang chờ đợi. Họ sắp xếp thời gian và địa điểm gặp nhau, sau đó theo quy ước của chương trình phản gián, gặp nhau sớm hơn một giờ so với dự định.

“Sid” tên thật là Sidney Gottlieb, nhà khoa học kiêm mật vụ, người sau này trở nên nổi tiếng nhờ tham gia vào MKUltra, chương trình thí nghiệm kiểm soát tâm trí trái phép và phi nhân tính của CIA nơi nạn nhân bị cho dùng lượng lớn chất gây ảo giác LSD. Sid đã được điều đến thủ đô Léopoldville của Congo – nay được gọi là Kinshasa – cùng với những lọ thuốc độc.

Congo mới được giải phóng khỏi ách thuộc địa của Bỉ ba tháng trước và gần như ngay lập tức rơi vào tình trạng hỗn loạn khi quân đội nổi dậy. Người Bỉ không muốn từ bỏ mảnh đất mình từng sở hữu đã phái đi một đội quân lính nhảy dù, trong khi đó, các nhóm dân tộc khác nhau cố gắng tuyên bố chủ quyền trên vùng đất của riêng mình. Tồi tệ hơn cho Devlin và CIA, vị thủ tướng được lòng dân của đất nước này, Patrice Émery Lumumba, có vẻ đang đi vào tầm ảnh hưởng của Liên Xô. Chất độc mà Gottlieb mang theo nhằm mục đích giết Lumumba và ngăn Congo rơi vào vòng kiểm soát của Moscow. Khi biết được kế hoạch này, Devlin bàng hoàng. Ông hỏi ai đã cho phép việc đó. Sau này ông nhớ lại rằng Gottlieb đã trả lời rất đơn giản: “Tổng thống Eisenhower”.

Cách Stuart A. Reid kể lại và hạ màn câu chuyện khiến cuốn sách về Lumumba và hậu quả của cuộc đảo chính quân sự chấm dứt chính phủ của ông trở nên lôi cuốn và hấp dẫn. Ngày nay, Congo một lần nữa trở thành tâm điểm chú ý của quốc tế vì có trữ lượng lớn coban, đồng và tantalum, những kim loại được sử dụng trong ngành điện tử và pin. Reid, trưởng ban biên tập của tờ Foreign Affairs, mang đến cuốn sách được nghiên cứu kỹ lưỡng, cảnh báo chúng ta về những mất mát khi một nước đang phát triển trở thành chiến địa giữa các cường quốc.

Trớ trêu thay, Liên Xô lại không giúp ích gì đặc biệt cho Lumumba. Reid cho rằng Nga khá thờ ơ với thủ tướng Patrice Émery Lumumba vì ngay cả ban lãnh đạo Liên Xô cũng nghĩ rằng “Congo đứng về phía Mỹ cũng là lẽ tự nhiên”. Lumumba đã cố gắng liên hệ với chính quyền Eisenhower từ rất sớm, nhưng Washington từ chối những đề nghị của ông. Năm 1960, khi thủ tướng Liên Xô Nikita Khrushchev nghe tin Mỹ sẽ không cung cấp viện trợ cho chính phủ Lumumba, ông phải thốt lên: “Người Mỹ ngu đến mức thế ư?”

Dù giờ đây phần lớn câu chuyện bị lãng quên, nhưng những rắc rối xung quanh Lumumba đầu những năm 1960 từng gây chú ý và dẫn đến các cuộc biểu tình trên khắp thế giới. Chính quyền của ông chỉ kéo dài 10 tuần. Sau khi ông bị lật đổ, chính quyền quân sự nắm quyền kiểm soát Congo đã quản thúc Lumumba tại gia. Bốn tháng sau ông qua đời.

Khoảng 100.000 người thiệt mạng trong những năm bạo lực xảy ra giữa các nhóm ly khai sau khi Congo giành được độc lập. Tháng 12 năm 1960, khi Lumumba bị cầm tù, mỗi ngày có ít nhất 200 người tị nạn Congo bị chết đói. Khi Congo bị chia cắt, Lầu Năm Góc vạch ra các kế hoạch nhằm khôi phục sự ổn định vốn cần đến một đội quân gồm 80.000 lính và nhiều máy bay vận tải hơn số lượng Mỹ có khi đó. (Chính quyền Kennedy lấy kế hoạch này làm cái cớ để đặt mua thêm máy bay quân sự.) Các quan chức Liên Hợp Quốc lo ngại rằng sự cạnh tranh giữa các siêu cường trên đất Congo có thể kéo Mỹ và Liên Xô vào một cuộc xung đột hạt nhân. Sự hỗn loạn khiến cả thế giới bớt lạc quan hơn về quá trình phi thực dân hóa trên khắp châu Phi.

Dù mang tít phụ như vậy nhưng cuốn sách không tập trung nhiều vào CIA ở Congo mà vào mối quan ngại của các nhà ngoại giao tại Liên Hợp Quốc và hàng loạt âm mưu ở Léopoldville. Reid viết, sự hoảng loạn của quốc tế trước sự tàn phá ở Congo đã góp phần biến Chiến tranh Lạnh “thực sự trở thành một cuộc chiến toàn cầu.”

Qua các trang viết, Reid dựng lại hình ảnh các nhân vật chính một cách tuyệt vời, đặc biệt là Lumumba, người “sống cuộc đời như một ngôi sao băng”, theo cách nói của con gái ông Juliana. “Ông ấy ứng biến thay vì lên kế hoạch,” Reid giải thích. “Đôi khi, cách tiếp cận của Lumumba cũng hiệu quả, giúp ông ấy nắm được quyền lực và vươn lên nhanh chóng. Nhưng cũng có đôi khi, ông ấy bay quá gần mặt trời.”

Từ những ngày đầu ở thị trấn Onalua hẻo lánh chuyên nghề trồng bông những năm 1930 và 1940 cho đến khi thăng tiến trong đảng Phong trào Quốc gia Congo chống thực dân, con đường chính trị vượt qua nghịch cảnh của Lumumba luôn cho người ta nhiều cảm hứng. Nhưng Reid cũng lưu ý những vết nhơ trong hồ sơ của Lumumba, đặc biệt là vụ thảm sát năm 1960 tại Bakwanga, cuộc thanh lọc sắc tộc trong đó người của Lumumba “hãm hiếp, dùng lưỡi lê hoặc bắn” hàng nghìn người, một trong những vụ giết người hàng loạt đầu tiên trong lịch sử thảm sát dai dẳng sau độc lập của Congo.

Tuy nhiên, Reid nhìn chung đồng tình với quyết tâm của Lumumba rằng Congo nên duy trì thể chế hợp nhất như người Bỉ đã thiết lập. Sự thù địch từ việc thừa nhận di sản thuộc địa một cách tùy tiện này gây ra càng tăng thêm những mâu thuẫn và hoang mang: “Trong khi đưa tin về mối liên hệ giữa những người ly khai và khai thác mỏ ở miền nam Congo năm ngoái, tôi bị cảnh sát mật giam giữ sáu ngày và bị trục xuất.” Reid viết.


Thế còn “âm mưu” như trong tựa đề cuốn sách thì sao? Reid không phải là người viết tiểu sử đầu tiên chỉ trích Dwight Eisenhower, nhưng ông mang đến bằng chứng mới: Tại Thư viện Tổng thống Eisenhower, Reid tìm ra bản ghi duy nhất về mệnh lệnh tại cuộc họp của Hội đồng An ninh Quốc gia với tổng thống tháng 8 năm 1960, trong đó một quan chức Bộ Ngoại giao viết một chữ “X đậm” bên cạnh tên của Lumumba. Reid viết về Eisenhower: “Vừa trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên ra lệnh ám sát một nhà lãnh đạo nước ngoài, ông ấy đã đến Câu lạc bộ Burning Tree chỉ dành cho người da trắng ở Bethesda, Maryland, để chơi gôn 18 lỗ.”

Hình ảnh của Lumumba lại được nâng cao hơn ở cuối cuốn sách qua một loạt những chi tiết kinh khủng ông phải chịu đựng khi bị giam cầm. Một chi tiết đặc biệt gây nhức nhối cho người đọc xảy ra cuối năm 1960: Vợ ông sinh non và quan tài của con gái ông bị thất lạc khi cả ông và vợ đều không được phép đi cùng đến nơi an táng.

Năm 1961, hình dung của vị tổng thống Mỹ về cái chết của nhà lãnh đạo Congo -- Eisenhower từng nói rằng “ông hy vọng Lumumba sẽ rơi xuống dòng sông đầy cá sấu” -- đã thành hiện thực. Lumumba bị bắt sau một nỗ lực trốn thoát và được chuyển đến Katanga, nơi đội xử bắn của phe ly khai được người Bỉ hỗ trợ, đã hành quyết ông. Reid cho thấy người phụ trách của CIA ở Katanga đã vui mừng như thế nào khi biết tin Lumumba được đưa đến, (“nếu biết ông ta sẽ đến thì chúng tôi đã nướng một con rắn”), nhưng cuối cùng không có chứng cứ xác thực chuyện CIA đã giết Lumumba.

CIA từ lâu phủ nhận trách nhiệm về vụ sát hại Lumumba, nhưng tôi vẫn thắc mắc vì sao Reid không tìm hiểu một câu chuyện hấp dẫn khác xuất hiện trong cuốn sách Tìm kiếm kẻ thù của John Stockwell năm 1978. Stockwell, một sĩ quan CIA lên tiếng tiết lộ rằng một nhân viên CIA ở Katanga kể cho anh ta chuyện “lái xe quanh thị trấn sau giờ giới nghiêm với thi thể của Patrice Lumumba trong cốp xe, cố gắng nghĩ xem phải làm gì với nó,” và rằng trước khi chết, Lumumba bị “những người thân thiết và trung thành với các đặc vụ” đánh đập dã man.

Tuy nhiên, Reid có nhận định đáng tin cậy rằng bằng cách ra lệnh ám sát Lumumba, chính quyền Eisenhower khiến ranh giới đạo đức trong Chiến tranh Lạnh chạm một đáy mới. Chất độc của Sid chưa bao giờ được sử dụng — Reid nói Devlin chôn nó bên bờ sông Congo sau khi Lumumba bị cầm tù — nhưng cũng có thể không hẳn như vậy. Devlin trả tiền cho những người biểu tình để hạ uy tín của thủ tướng, thực hiện vụ mở màn trong chuỗi tài trợ cho đại tá Joseph-Désiré Mobutu, người lãnh đạo cuộc đảo chính và sau này là một chính khách của Congo, và trì hoãn việc báo cáo vụ bắt cóc Lumumba cho CIA. Về điểm cuối cùng này, Reid dứt khoát: Việc Devlin “không phản đối chỉ có thể được hiểu là bật đèn xanh. Sự im lặng này đã định đoạt số phận của Lumumba.”

THE LUMUMBA PLOT: The Secret History of the CIA and a Cold War Assassination | By Stuart A. Reid | Knopf | 624 pp. | $35

#makevietnamreadagain, #mvra, #langdujourneyinlife,

journeyinlife.net cố gắng chuyển ngữ các bài bình sách của New York Times -- tờ báo danh tiếng hàng đầu nước Mỹ (với hơn 10 triệu độc giả trả phí hằng tháng) tới độc giả Việt Nam, các bạn có thể ủng hộ journeyinlife số tiền bằng một ly cà phê (đọc báo buổi sáng); chính sự ủng hộ/tài trợ của các bạn giúp đội ngũ journeyinlife tiếp tục có nguồn lực, động lực để phục vụ bạn đọc mỗi ngày...

ủng hộ tại đây,

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc