Cánh hoa hồng và bộ não con công: Điều kiện trở thành 'Hoàng đế La Mã'

nguồn: New York Times,

biên dịch: Nguyễn Quỳnh Anh,



Học giả Hy Lạp và La Mã cổ đại Mary Beard nghiên cứu những thái quá và tẻ nhạt trong việc cai trị đế quốc, nhặt ra sự thật giữa những chuyện tầm phào và hoang đường.

Nếu có thể tin được mạng xã hội, ta sẽ thấy đàn ông không cách nào ngừng nghĩ về Đế chế La Mã, đặc biệt là các yếu tố mang tính “người đàn ông Alpha”. Bất kỳ ai say mê những điều như thế cũng nên tìm đọc cuốn “Emperor of Rome” (Hoàng đế Lã Mã), cuốn sách mới uyên bác và thú vị của vị học giả đáng nể chuyên nghiên cứu Hy Lạp và La Mã cổ đại và cũng là nhà nữ quyền Mary Beard.

Tác giả Beard, trước đó có cuốn “SPQR” và “The Fires of Vesuvius” (Ngọn lửa Vesuvius), chỉ ra vai trò rõ ràng của phụ nữ trong lịch sử các vị hoàng đế được truyền lại qua nhiều thời đại. Lâu dài nhất là “hình mẫu người phụ nữ đầy mưu mô”, người (được cho là) thao túng những người đàn ông quyền lực thực hiện mệnh lệnh của mình (hoặc nếu không thì đầu độc họ khi họ không làm theo). Tác giả Beard, trích dẫn những ví dụ gần đây hơn về những phụ nữ bị lên án do hành vi của chồng, có nhận xét việc “đổ lỗi cho vợ” vẫn là mốt.

Cuốn “Emperor of Rome ” bắt đầu với Julius Caesar, nhân vật bản lề nối giữa Cộng hòa La Mã và Đế chế La Mã, và kết thúc gần ba thế kỷ sau với Alexander Severus, cái chết của ông năm 235 kéo theo các cuộc nội chiến và triều đại ngắn ngủi. Kế vị Alexander là Maximinus Thrax, một kẻ mù chữ — hoặc có lẽ ông chỉ bị người ta nói là mù chữ, tác giả Beard viết, đặt ra khả năng lời nói này “có thể là lời nhục mạ có chủ đích”.

Trong cuốn sách, tác giả thỉnh thoảng dừng lại lưu ý độc giả những gì chúng ta cho là mình biết về các hoàng đế La Mã thường liên quan rất nhiều đến những tuyên truyền tô điểm hoặc cố tình bôi đen (hoặc hủy hoại) danh tiếng. Những vị hoàng đế “tốt” luôn khôn ngoan, nhân hậu, thận trọng và rộng lượng, trong khi những vị “xấu” thì đần độn, ghê tởm, suy đồi và keo kiệt. Caligula có thực sự định bổ nhiệm con ngựa của ông vào thượng viện hay không? Elagabalus có thực sự lên kế hoạch sát hại những vị khách dự tiệc của mình bằng cách thả cánh hoa hồng từ trần nhà xuống hay không? Tác giả Beard khuyến khích chúng ta nên hoài nghi về tất cả “những giai thoại phi lý”, ngay cả khi tác giả khẳng định việc bôi xấu như vậy có thể cho chúng ta biết điều gì đó về cách thức hoạt động của quyền lực.

Bên cạnh đó, những câu chuyện kỳ lạ không thể phủ nhận là điều khiến người ta ghi nhớ mãi, và tác giả Beard, vốn là người kể chuyện tài năng, cảm thấy “những câu chuyện phiếm thời cổ đại” khó mà cưỡng lại được. Những câu chuyện ấy cũng giúp tác giả có thêm thời gian theo đuổi đề tài theo phân loại chủ đề thay vì theo trình tự thời gian, không những chỉ ra sự khác biệt giữa các hoàng đế mà còn cả những điểm tương đồng. Vấn đề trọng tâm là người thừa kế, và bởi Đế chế La Mã không phải hệ thống cha truyền con nối nghiêm ngặt — hoàng đế có thể nhận người ông ta muốn làm người kế vị — "sự linh hoạt" này cũng đồng nghĩa "có cuộc chiến tiềm tàng mỗi khi quyền lực đổi chủ", tác giả Beard viết. “Đế chế La Mã là một thế giới giết chóc” trong đó tàn sát là một phương pháp giải quyết vấn đề.


Nhưng phương thức phổ biến hơn so với sử dụng bạo lực trắng trợn là những trò sỉ nhục nhỏ nhặt và “những trò gây hấn nhỏ nhen”, theo lời Beard. Commodus (được cho là) chế nhạo các thượng nghị sĩ bằng cách vừa diễu hành trước mặt họ vừa vẫy cái đầu con đà điểu bị chặt với thái độ đe dọa. Domitian (được cho là) ợ vào mặt những vị khách sang trọng dự tiệc của mình.

Các bữa tiệc tối thị phi kịch tính đến độ được dành hẳn một chương riêng. Và cũng có chương riêng cho kiến trúc cung điện, tranh chân dung, và chủ đề giấy tờ phong phú đến mức đáng ngạc nhiên của hoàng gia ở đế chế bao la. Một số hành vi được tác giả Beard kể lại ngông cuồng thái quá đến độ gây cảm giác trái ngược với dễ chịu. Tôi đoán rằng rất ít độc giả đương đại cảm thấy ngon miệng khi được thưởng thức món ăn bằng óc công và lưỡi chim hồng hạc. “Những câu chuyện hoang đường” về những trò giải trí kỳ cục — được kể đi kể lại như những câu chuyện cảnh giác, hoàn toàn do quá kinh khủng — cho ta thấy ngay cả giới thượng lưu yêu thích sự xa hoa cũng có giới hạn của họ. Trò chơi khăm có chủ đích của Commodus dùng hai gã gù lưng phủ mù tạt làm đĩa ăn rõ ràng là bước đi quá xa. Tác giả Beard cũng cho ta biết tính chung thủy trong hôn nhân của bất kỳ người đàn ông La Mã nào, chứ đừng nói đến hoàng đế, sẽ bị coi là “hơi kỳ cục”.

Với tư cách nhà văn, Beard viết hấp dẫn và dễ tiếp cận đến mức ngay cả những độc giả ương ngạnh trước đây không hề có chút ý niệm nào về Đế chế La Mã cũng sẽ nhiệt tình với chủ đề của tác giả. “Emperor of Rome” được minh họa rất nhiều bằng bản đồ và hình ảnh, có cả hướng dẫn về “nhân vật chính” ở đầu sách và có dòng thời gian rất tiện tra cứu ở cuối — đây là do ý muốn, Beard cho biết, hơn là chỉ bởi vì cần thiết. “Chúng ta không cần phải lo lắng nếu không thể lúc nào cũng phân biệt được Marcus Aureliuses với Antoninus Piuses,” tác giả trấn an. “Hầu hết người La Mã bình thường có lẽ cũng không thể.” Giọng văn vui tính và dễ chịu. Tác giả mở đầu cuốn sách với dòng chữ “Chào mừng”.

Một số đề tải nổi bật lên. Bất chấp hiểu biết đương thời của chúng ta về “hoàng đế” là gì — người nắm giữ toàn bộ quyền lực — đối với người La Mã, từ này có nghĩa gần hơn với từ “chỉ huy”. Hoàng đế thường tự gọi mình là người đứng đầu, có nghĩa là “người lãnh đạo,” và tránh dùng từ “vua”. (Người La Mã tự hào đã loại bỏ được các vị vua, từ nhiều thế kỷ trước.) Ông ta quản lý một đế chế rộng lớn khoảng 50 triệu dân chỉ bằng một nhúm người chủ chốt, đôi khi đưa ra những phán quyết “mang tính biểu tượng hơn là thực tế,” tác giả Beard viết — như quy định cấm quán cà phê bán bánh ngọt, hoặc thậm chí còn khó hiểu hơn, cấm bán bất kỳ thứ gì ngoại trừ đậu. Đôi khi, hoàng đế được yêu cầu giải quyết một vấn đề có tính chất rất cục bộ, chẳng hạn như khi Augustus được yêu cầu xét xử vụ tranh chấp chiếc bô rơi xuống làm chết một người đàn ông. Beard giải thích những vụ việc trần tục ấy như “liều thuốc giải độc hữu ích cho cơn ác mộng về quyền lực đế quốc”.

Tuy nhiên, Beard vẫn viết về một hệ thống đầy rẫy phản bội và ba phải. Quyền lực của hoàng đế “làm biến dạng ý thức, và nó phát triển mạnh mẽ trong những hỗn loạn ác độc”. Nó làm xói mòn lòng tin và gia tăng nghi kỵ. Bởi một vị hoàng đế chỉ rời bỏ ngai vàng khi ông ta qua đời, “nếu muốn thay đổi chế độ, buộc phải giết người để có được ngôi báu”.

Tác giả Beard thừa nhận có ít “kẻ thái nhân cách” trong cuốn “Emperor of Rome ” hơn người ta tưởng, nhưng tác giả không phải muốn cố gắng khôi phục danh tiếng của những hoàng đế “ác” như Caligula hay Nero. “Tôi ngày càng ghét hệ thống chính trị kiểu chế độ chuyên quyền,” tác giả nói với chúng ta ở phần đầu cuốn sách. (Điều này khiến tôi băn khoăn, Trước đây phải chăng tác giả từng thấy nó ít đáng ghét hơn?) Nhưng những tuyên bố rộng như vậy rất hiếm và không phù hợp. Beard làm gương cho chúng ta, cẩn thận cho ta biết những gì chúng ta có thể và không thể biết — cách truyền đạt đối trọng lại những méo mó do tình trạng một kẻ thống trị gây ra, thường “thay thế thực tế bằng ngụy tạo, làm suy yếu niềm tin của bạn vào những gì bạn tưởng mình nhìn thấy”.

EMPEROR OF ROME: Ruling the Ancient Roman World | By Mary Beard | Liveright | 493 pp. | $39.99

#makevietnamreadagain, #mvra, #langdujourneyinlife,

journeyinlife.net cố gắng chuyển ngữ các bài bình sách của New York Times -- tờ báo danh tiếng hàng đầu nước Mỹ (với hơn 10 triệu độc giả trả phí hằng tháng) tới độc giả Việt Nam, các bạn có thể ủng hộ journeyinlife số tiền bằng một ly cà phê (đọc báo buổi sáng); chính sự ủng hộ/tài trợ của các bạn giúp đội ngũ journeyinlife tiếp tục có nguồn lực, động lực để phục vụ bạn đọc mỗi ngày...

ủng hộ tại đây,

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc