Bill Gates tuyên bố mình đang làm việc tốt. Tác giả này hoàn toàn không đồng ý.
nguồn: New York Times,
biên dịch: Nguyễn Quỳnh Anh,
Cuốn sách “The Bill Gates Problem” (Những vấn đề ở Bill Gates) của tác giả Tim Schwab chỉ trích nhà tỷ phú từ thiện và quỹ từ thiện của ông ta.
Một phần tư thế kỷ trước, Bill Gates trở thành biểu tượng quốc tế cho tính tham lam, kiêu căng và ngạo mạn do vai trò lãnh đạo không giới hạn của ông ở Microsoft.
Rồi không lâu sau khi chính phủ Mỹ kiện tập đoàn Microsoft vì lạm dụng quyền lực độc quyền, Gates có sự chuyển đổi lớn. Ông gác lại tham vọng kinh doanh và dành toàn bộ sức lực phát nguyện cho đi khối tài sản khổng lồ. Ông ta biến từ nhân vật doanh nhân phản diện trở thành nhà từ thiện cứu thế giới — hoặc ít nhất câu chuyện được truyền tụng như vậy.
Trong cuốn sách mới, “The Bill Gates Problem”, nhà báo Tim Schwab phủ nhận sự thay đổi đó, cho là câu chuyện hoang đường. Theo tác giả Schwab, Gates thực sự vẫn là một kẻ khát quyền lực, thích kiểm soát đến độ tự cao tự đại, còn Quỹ Bill và Melinda Gates ngày càng mở rộng không khác gì phương tiện giúp ông ta tích lũy và sử dụng ảnh hưởng trên quy mô lớn hơn nhiều so với những gì ông ta có thể làm khi chỉ là tỷ phú phần mềm. Tác giả Schwab cho rằng điều này cực kỳ phi dân chủ và tạo ra bất bình đẳng.
Gates và vợ ông ta lúc đó thành lập quỹ vào khoảng năm 2000 nhằm giải quyết một số thách thức cấp bách nhất của thế giới, bao gồm y tế công cộng, kế hoạch hóa gia đình, nạn đói và giáo dục. Được tài trợ khoảng 67 tỷ đô la, quỹ này trang bị tốt hơn so với nhiều chính phủ cho việc chống lại bệnh tật và tình trạng suy dinh dưỡng.
Nhưng theo tác giả Schwab, quỹ này không chỉ đơn giản phân phát tiền của Gates cho mục đích chính đáng. Đây là nơi Gates thể hiện quyền lực. “Niềm tin bất biến vào bản thân, cho rằng bản thân vừa đúng đắn vừa chính trực trong mọi việc mình làm,” khiến ông ta nghĩ rằng chỉ có mình và chính mình mới biết cách tốt nhất giải quyết những vấn đề phức tạp nhất của thế giới. Tổ chức này đặt trọng tâm đáng kể vào những mục đích mà một số chuyên gia thấy không thích hợp, chẳng hạn như kỹ thuật tăng năng suất nông nghiệp, và những mục đích khác nhiều người cho là ưu tiên thấp, chẳng hạn như cố gắng loại trừ bệnh bại liệt.
Một trong những phần hấp dẫn nhất trong cuốn sách là đoạn quỹ này hỗ trợ kế hoạch hóa gia đình. Phương pháp tránh thai Gates ủng hộ là cấy nội tiết tố vào cánh tay phụ nữ để ngừa mang thai tới 5 năm. Quỹ từ thiện ký thỏa thuận với các công ty dược phẩm để khuyến khích họ bán hàng chục triệu bộ cấy ghép với mức chiết khấu cao. Khi sản phẩm tràn ngập thị trường, phòng khám y tế ở các nước như Malawi và Uganda bắt đầu sử dụng “chiến thuật bán hàng áp đặt” thúc đẩy phụ nữ chấp nhận cấy ghép dù họ không muốn. Schwab miêu tả đây là hình thức ép buộc ảnh hưởng từ thuyết ưu sinh.
Dù tác giả Schwab cho rằng Gates cũng có ý định tốt và quỹ từ thiện cứu sống một số người, tác giả vẫn chỉ ra cách thức tổ chức này thường phóng đại hoặc thậm chí bịa đặt dữ liệu về tác động từ hoạt động của quỹ, trong đó có cả những số liệu được trích dẫn khắp nơi về số lượng sinh mạng tổ chức này thực sự cứu được.
Và tác giả Schwab còn liệt kê những cơ hội bị bỏ lỡ để làm được nhiều hơn nữa. Chẳng hạn, quỹ từ thiện này có thỏa thuận với các công ty dược phẩm và chăm sóc sức khỏe, theo đó quỹ được cấp phép miễn phí bất kỳ thứ gì các công ty sản xuất bằng tiền của quỹ. Schwab đặt câu hỏi, vì sao tổ chức này không kiên quyết yêu cầu các công ty này quyên góp vắc xin cũng như các sản phẩm và thiết bị khác của họ cho nước nghèo?
Đây là những câu hỏi hợp lý, và Schwab đưa ra lập luận thuyết phục, dựa trên dữ liệu thông tin nhiều năm, khẳng định dưới sự chỉ đạo của một người khiêm tốn hơn, Quỹ Gates có lẽ sẽ trở thành lực lượng hiệu quả hơn trong việc làm từ thiện.
Vấn đề là tác giả Schwab hiếm khi sẵn lòng để sự thật tự lên tiếng. Hết trang này sang trang khác biến thành những lời bóng gió và tuyên bố chống lại chủ nghĩa tư bản. Và đôi khi, sự tức giận rõ ràng của Schwab đối với Gates “mắt vô hồn”, “hay nói nhảm” khiến tôi đặt câu hỏi về độ tin cậy của câu chuyện tác giả đang kể.
Tác giả hết chỉ trích quỹ từ thiện tiêu quá nhiều tiền rồi lại nói nó quá keo kiệt. Schwab vừa than phiền quỹ này gấp gáp phát triển vắc xin, sau đó lại phàn nàn họ không làm được gì nhiều hơn để xây dựng cơ sở sản xuất vắc xin ở các nước nghèo hơn. Tác giả cho rằng hàng tỷ đô la của quỹ sẽ được các chính quyền bầu cử dân chủ xử lý tốt hơn — và rồi chỉ trích quỹ vì quyên góp số tiền lớn cho các chính quyền quốc gia và địa phương.
Ở Ấn Độ, chúng ta được biết cách tiếp cận của quỹ từ thiện đối với phòng chống HIV và AIDS, trong nhiều hoạt động, có phân phát bao cao su. Schwab cho rằng cách làm này chắc chắn sẽ thất bại vì không làm thay đổi hành vi cơ bản của người dân hoặc không giải quyết được nguyên nhân gốc rễ của khủng hoảng. Nhưng tác giả vẫn miễn cưỡng trích dẫn lời quan chức y tế công nói rằng hoạt động của quỹ cứu được nhiều mạng sống. Schwab đành chuyển sang lập luận yếu ớt hơn chỉ trích quỹ này có thể đang “thay thế chính phủ”.
Tương tự như trên với cuộc chiến chống lại bệnh sốt rét, ưu tiên của Quỹ Gates. Tác giả Schwab chỉ trích việc tổ chức tập trung vào vắc xin làm giải pháp “thần kỳ” và phàn nàn “dưới sự lãnh đạo của tổ chức, tiến trình chống lại bệnh sốt rét bị chững lại”. Nhưng tác giả thừa nhận hàng tỷ đô la quyên góp của quỹ giúp chi trả cho màn chống muỗi là vật dụng không thể thiếu trong chiến dịch chống lại căn bệnh này.
Tôi nhận thấy những lời bôi nhọ tùy tiện của Schwab đối với các nhà báo khác cực kỳ khó chịu. Tác giả kể quỹ từ thiện quyên góp tiền cho nhiều tổ chức tin tức điều tra phi lợi nhuận. Rồi tác giả ám chỉ nhà báo của các trang tin đó bảo vệ cho Gates. Bằng chứng của tác giả về điểm này, nếu có, là rất ít. Ví dụ, Schwab chỉ trích một chương trình phát thanh công cộng là đáng xấu hổ vì họ “dường như chưa bao giờ tìm cách buộc Bill Gates hoặc Quỹ Gates phải chịu trách nhiệm”. (Công bằng hơn, Schwab chỉ trích The New York Times vì ban đầu không tiết lộ hai cộng tác viên viết bài thiện cảm về Quỹ Gates có điều hành một tổ chức chủ yếu do quỹ này tài trợ. Ngoài ra, tiết lộ một chút: Hai đồng nghiệp của tôi tại The Times cũng đang tự mình viết sách về Gates.)
Gần cuối cuốn sách, Schwab nhận thấy độc giả có thể thắc mắc: “Một người như Bill Gates nên tiêu tiền từ thiện như thế nào?” Đó là sự thật — tôi cũng tự hỏi y như vậy.
Schwab tránh trả lời trực tiếp. Tác giả cho rằng sẽ nguy hại cho bất kỳ ai sở hữu sức mạnh tài chính như vậy. Schawb đưa ra gợi ý Quốc hội có thể buộc Quỹ Gates “hành động theo phương thức mang tính từ thiện hơn,” hoặc có lẽ người ngoài có thể thành lập ban giám sát độc lập, bao gồm giáo viên, sinh viên, bác sĩ và bệnh nhân từ các nước nghèo, “để đảm bảo Bill Gates không thể một tay kiểm soát toàn bộ cách thức chi tiêu của quỹ.”
Đây là những gợi ý thú vị (nếu không muốn nói là không tưởng). Nhưng tác giả Schwab không thể trả lời câu hỏi của chính mình về việc Gates nên tiêu tiền như thế nào khiến tôi không vừa ý. Có nhiều tỷ phú tồn tại. Nếu không có phương án khả thi khác, chẳng phải sẽ tốt hơn cho thế giới nếu tỷ phú cho tiền đi thay vì chỉ lo tích lũy hay sao?
THE BILL GATES PROBLEM: Reckoning With the Myth of the Good Billionaire | By Tim Schwab | Metropolitan | 484 pp | $33.99
#makevietnamreadagain, #mvra, #langdujourneyinlife,
journeyinlife.net cố gắng chuyển ngữ các bài bình sách của New York Times -- tờ báo danh tiếng hàng đầu nước Mỹ (với hơn 10 triệu độc giả trả phí hằng tháng) tới độc giả Việt Nam, các bạn có thể ủng hộ journeyinlife số tiền bằng một ly cà phê (đọc báo buổi sáng); chính sự ủng hộ/tài trợ của các bạn giúp đội ngũ journeyinlife tiếp tục có nguồn lực, động lực để phục vụ bạn đọc mỗi ngày...
ủng hộ tại đây,
Post a Comment