‘Có gì trong căn bếp ở điện Kremlin’? Sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa tuyên truyền và hoang tưởng.

nguồn: New York Times,

biên dịch: Minh Thu,



Cuốn sách mới của Witold Szablowski kể về những đầu bếp phụ trách bữa ăn thịnh soạn cho các nhà lãnh đạo Nga -- và giúp họ không bị đầu độc.

Witold Szablowski miêu tả một số món ăn lạ lùng trong cuốn sách mới thú vị và đáng sợ của ông, “Có gì trong căn bếp ở điện Kremlin?”, khám phá lịch sử trong thế kỷ trước của nước Nga qua ẩm thực của nước này. Nhưng không có gì siêu thực bằng công thức chế biến một trong những món ăn yêu thích của Lenin. Hướng dẫn làm món “trứng bác dùng ba quả trứng” yêu cầu bạn đập trứng nhưng không được đánh. Món mà Lenin gọi là “trứng bác” thực ra là trứng chiên, còn nguyên lòng đỏ và lòng trắng -- không được lẫn vào nhau.

Những cuốn sách trước đây của Szablowski bao gồm “Cách nuôi một nhà độc tài” và “Những chú gấu nhảy múa”. Sinh năm 1980, nhà báo người Ba Lan này không mang lòng hoài niệm gì về Liên Xô, dù anh đã dành nhiều thời gian để nói chuyện với những người thương nhớ thời kỳ đó. Chương về Lenin hầu hết được thuật lại bởi một hướng dẫn viên du lịch ở Moscow, người có vẻ nuối tiếc về những gì có thể xảy ra nếu “giấc mơ của Lenin trở thành hiện thực”. (“Hướng dẫn viên du lịch” này hóa ra là sự kết hợp của ba người -- một sự thật khó chịu được “giấu” trong phần thư mục.) Szablowski cuối cùng cũng góp lời bằng cách giải thích hoài nghi của chính mình về các sự kiện, nhưng phần lớn cuốn sách, được Antonia Lloyd-Jones dịch sang kiểu tiếng Anh gần gũi và dông dài, có lý do để bám lấy thứ lịch sử được truyền miệng. Tôi bắt đầu nghĩ món trứng bác của Lenin như một phép ẩn dụ. Ta có thể thấy cách thức hoạt động của tuyên truyền qua những câu chuyện mà người ta nhất quyết muốn kể ra.

Szablowski viết: “Câu chuyện có đúng sự thật hay không cũng không thành vấn đề. Vấn đề là mọi người tin hay không.” Tất nhiên, việc tin vào một câu chuyện trở nên cực kỳ khó thực hiện khi hư cấu phải chịu thua trước lòng khát khao sự thật. Tiêu đề ngẫu hứng của Szablowski không truyền tải được hết ẩn ý tinh tế của ông khi ông viết không chỉ về thức ăn mà còn về nạn đói. Trong một chương sách, một cụ ông đã ngoài 90 tuổi và sống sót sau nạn đói năm 1933 ở Ukraine nhớ lại cảnh các ủy ban đặc biệt của chính phủ tới từng nhà để đảm bảo rằng không có ai dự trữ thực phẩm. Các thanh tra tịch thu bất kỳ thứ gì có thể ăn được, kể cả nến, thứ mà những người quá tuyệt vọng cố gắng nấu thành súp. Một bà cụ khác, sống sót qua trận Leningrad, rất phẫn nộ với con hà mã ở sở thú vì nó vẫn tiếp tục được cho ăn hằng ngày trong khi bà phải ăn thịt đông mà mẹ bà làm từ keo.

Nạn đói là sự thật không thể chối cãi. Nhưng thức ăn, như Szablowski chỉ ra, cũng có thể nói dối. Chất độc có lịch sử lâu dài trong chính trường Nga. Do đó, đầu bếp nấu ăn cho các lãnh đạo Điện Kremlin đều phải được cơ quan an ninh kiểm duyệt và phân bậc như quân nhân. Một trong những đầu bếp của Stalin từ chối lấy thuốc từ hiệu thuốc cho các quan chức nhà nước vì sợ nó có thể bị đầu độc. Vợ góa của Lenin qua đời năm 1939 sau khi ăn một chiếc bánh đáng ngờ. Szablowski viết: “Rất có thể Stalin gửi cho bà ấy chiếc bánh đó”.

Và còn có những cách khác ít độc hại hơn khi sử dụng thực phẩm làm công cụ lừa dối. Szablowski kể lại những buổi chiêu đãi xa hoa của nhà nước thời Brezhnev che giấu thực tế các kệ hàng trống rỗng và tình trạng trì trệ kinh tế. Một đầu bếp ở Điện Kremlin từng nấu tiệc trong thời kỳ Liên Xô sụp đổ nhớ lại cảnh ông và các đồng nghiệp được yêu cầu học các kỹ thuật trang trí để biến quả dưa chuột thành hàng rào và quả cà chua thành bông hồng. Đôi khi chính những nhà lãnh đạo cũng có vài cách tham gia vào buổi trình diễn. Nikita Khrushchev, càng già thì tửu lượng càng kém, đã có một chiếc ly đáy dày đặc biệt được làm riêng, trông như chứa đầy rượu nhưng thực tế chỉ chứa được hơn nửa.


Szablowski nói chuyện với những đầu bếp làm việc xa Điện Kremlin, những người đã vỡ mộng khi làm nhiệm vụ. Một người đến Afghanistan trong một cuộc chiến mà quan chức Liên Xô liên tục gọi là “sự can thiệp vì tình huynh đệ” và cố gắng nâng cao tinh thần của binh lính bằng cách bỏ lá nguyệt quế vào bát súp của họ. Nguyên liệu phải được vận chuyển bằng máy bay vì các chỉ huy sợ người Afghanistan sẽ đầu độc thực phẩm của Liên Xô. Người đầu bếp đã bí mật dùng tiền của mình để mua đồ tươi sống ở chợ cho quân lính và bà “không bao giờ đầu độc ai cả”. Bà đã đi từ chỗ tin vào “mọi điều họ nói trên truyền hình” đến nhận ra rằng “toàn bộ sự can thiệp vì tình huynh đệ chúng tôi chẳng có ích lợi gì cho bất kỳ ai”.

Trong một chương về thảm họa hạt nhân năm 1986 tại Chernobyl, Szablowski phỏng vấn một số phụ nữ được cử đến đó để nấu ăn cho đội dọn dẹp. Họ ngủ trên nệm bị nhiễm phóng xạ nặng đến nỗi các máy đo liều phóng xạ đều bị hỏng. Những người sống sót đều gặp vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe: một phụ nữ phải trải qua 11 cuộc phẫu thuật; người khác không thể mang vật gì nặng hơn một bánh xà phòng.

Chương này kết thúc với công thức làm món salad kiểu Paris mà các đầu bếp đưa cho Szablowski. Họ khẳng định, rau diếp có thể thay thế cho cải xoong, “mặc dù, nota bene (cẩn thận nhé), cải xoong được cho là tốt cho sức khỏe hơn bất kỳ loại rau nào khác,” chi tiết vừa cảm động vừa lạ lùng. Giống như những người được họ nấu ăn cho, những người phụ nữ này thường xuyên bị nhiễm chất phóng xạ chết người; nhưng họ vẫn chú ý chỉ định loại rau tốt nhất cho sức khỏe.

“Có gì trong căn bếp ở điện Kremlin” được xuất bản lần đầu tiên ở Ba Lan cuối năm 2021, ba tháng trước khi Vladimir Putin – người có ông nội cũng là một đầu bếp – ra lệnh cho quân đội của mình tiến vào lãnh thổ Ukraine. Trong lời nói đầu, Szablowski nói rằng hiện không thể nghiên cứu cuốn sách này nữa. Ấn bản này đề cập đến Yevgeny Prigozhin, từng là người cung cấp thực phẩm, trước khi thực hiện đảo chính đã xây dựng lực lượng bán quân sự giúp Putin tiến hành chiến tranh ở Ukraine. (Prigozhin chết trong một vụ tai nạn máy bay vào tháng 8.) Một lính đánh thuê hiếu chiến và một sự nghiệp trong căn bếp nghe có vẻ chẳng liên quan gì đến nhau, nhưng chuyến tham quan lịch sử nước Nga mà Szablowski đưa ta đi trong cuốn sách này cho thấy lòng trung thành của một đầu bếp có thể có giá trị rất lớn.

Szablowski viết: “Người đọc cuốn sách này sẽ không còn ngạc nhiên khi ở Nga, cháu trai của một đầu bếp xung đột với một đầu bếp khác trong cuộc tranh giành quyền lực”. Thức ăn có thể chứa đựng mối nguy hiểm nên nó cũng đòi hỏi lòng tin. Đây là lý do vì sao việc tiết lộ bí mật về “hướng dẫn viên du lịch” ba trong một kia lại gây khó hiểu đến vậy. Tại sao lại phải lén lút khi bạn đang viết về sự thật và dối trá, và khi bạn đã có sẵn một câu chuyện đáng tin cậy để kể?

WHAT’S COOKING IN THE KREMLIN: From Rasputin to Putin, How Russia Built an Empire With a Knife and Fork | By Witold Szablowski | Translated by Antonia Lloyd-Jones | Penguin Books | 357 pp. | Paperback, $20

#makevietnamreadagain, #mvra, #langdujourneyinlife,

journeyinlife.net cố gắng chuyển ngữ các bài bình sách của New York Times -- tờ báo danh tiếng hàng đầu nước Mỹ (với hơn 10 triệu độc giả trả phí hằng tháng) tới độc giả Việt Nam, các bạn có thể ủng hộ journeyinlife số tiền bằng một ly cà phê (đọc báo buổi sáng); chính sự ủng hộ/tài trợ của các bạn giúp đội ngũ journeyinlife tiếp tục có nguồn lực, động lực để phục vụ bạn đọc mỗi ngày...

ủng hộ tại đây,

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc