Bạn có thể thoát khỏi thuật toán không? 'Filterworld' làm một phép thử.

nguồn: New York Times,

biên dịch: Takya Đỗ,



Cuộc thử nghiệm nhằm thoát khỏi sự ràng buộc với kỹ thuật số thôi thúc Kyle Chayka tìm hiểu xem công nghệ thu hẹp các lựa chọn của chúng ta và làm lu mờ văn hóa ra sao.

Sự thôi thúc này bắt đầu từ một địa điểm trong khu vực phía trên thành phố của Dig (trước đây là Dig Inn), chuỗi nhỏ các nhà hàng “ăn nhanh tự phục vụ” có trụ sở chính tại Thành phố New York. Những bức tường gạch sơn trắng, những chiếc bàn đá cẩm thạch và những chiếc bát giấy bìa đóng đầy những đồ ăn đầy màu sắc, tốt cho sức khỏe. Duy chỉ thứ nhạc pop tẻ ngắt phát ra từ những chiếc loa mới ngăn thực khách nán lại.

Sau khi đọc cuốn sách mới “Filterworld” (“Thế giới qua bộ lọc”) của Kyle Chayka, tôi thấu hiểu một cách tiếc nuối hơn nguyên nhân vì sao tôi lại chọn hoặc nghĩ rằng mình đã chọn để đến đó – chứ không phải, nói ví dụ, đến quán Eli có phong cách riêng hơn ở gần nhà, ngay cuối phố, với món gà tây ngon lành dù là quá đắt, không có Wi-Fi, và những bà hàng xóm trang nghiêm và kỳ cục đang sột soạt gói giấy bóng kính.

Không có bóng tối của sự chê bai nào tỏa xuống Dig (dù sao cũng không thể có bóng tối được nếu xét đến tất cả chiếc đèn treo có chụp màu vàng kia) nhưng mọi thứ về nơi này, bao gồm cả việc cắt đi cách chơi chữ sắc sảo khỏi tên của nó, đã được tối ưu hóa cho điện thoại: thiết bị mà hầu hết chúng ta đã thôi cố gắng cưỡng lại hoặc từ bỏ nó vì một thứ gì đó ít quyền năng hơn và chỉ nhẫn nhục chấp nhận nó như một phần mở rộng của bộ não và thân thể chúng ta. Đồ ăn của Dig, “tính năng feed” của chúng ta; những món khai vị của họ, ứng dụng của chúng ta – tất cả đều phát âm giống nhau.

Chayka đã đến thăm rất nhiều cơ sở có phong cách thẩm mỹ tương tự, mà anh đặt cho cái tên là AirSpace (“Không phận”), giống như tên đôi giày thể thao của hãng Nike, vì sự tiện nghi trung tính về mặt địa lý của nó. Cuốn sách trước của anh về chủ nghĩa tối giản là một phản ứng trước sự hỗn loạn của thế giới; cùng với việc tìm hiểu các nghệ sĩ, nhà soạn nhạc và doanh nhân, nghiên cứu của anh gồm cả việc đến thăm những khu vườn đá ở Kyoto và thả mình trong bể cô lập giác quan trong một giờ.

Ở cuốn này, anh thử một thứ gì đó cực đoan hơn: “thanh tẩy thuật toán”, trong suốt cuộc thử nghiệm đó anh đoạn tuyệt hoàn toàn với Twitter, Instagram, Spotify và những ứng dụng khác trong vài tháng. “FOMO là cụm từ quá nhẹ,” Chayka viết về nỗi lo sợ anh đã lường trước. “Bất chấp mọi bằng chứng ngược lại, tôi đã sợ rằng việc không sử dụng mạng xã hội như tôi thường vẫn làm, bằng cách luôn tham gia vào nguồn cung cấp thông tin chung, sẽ không tồn tại.”

Tiết lộ trước [spoiler alert]: Anh đã vượt qua được. Và bây giờ cũng đã tham gia vào mạng xã hội Threads. (Thì, nhà văn cũng phải kiếm sống chứ. Mạng xã hội này là thước đo đấy.)

Nhưng thậm chí việc gõ chữ “spoiler alert” cũng là ví dụ về sự xuống cấp của ngôn ngữ, về tiếng lóng và những lời sáo rỗng mà các mạng xã hội đã tăng nhanh một cách chóng mặt. “Filterworld” – cái tên nghe như có vẻ một quán cà phê AirSpace – là thuật ngữ của Chayka để chỉ cách các ông lớn về công nghệ [Big Tech] định hình và giới hạn những quan tâm của chúng ta, tập hợp những thứ hỗn độn của thế giới thành một “trải nghiệm người dùng” thú vị. Amazon, Netflix và những hãng bằng vai phải lứa với họ thu thập dữ liệu từ chúng ta, những người Chấp nhận Mọi Cookie mà chỉ biết lơ mơ về chúng, sau đó nhai nghiền dữ liệu và, giống như những con chim mẹ khổng lồ đang lượn trên tổ, mớm lại nhiều hơn những gì họ tính toán là chúng ta sẽ thích. Những mẩu vụn, thứ thức ăn sền sệt vớ vẩn: khiến cuộc sống của chúng ta có lẽ dễ dàng hơn, song lại tồi tệ hơn rất nhiều.


Chayka cho rằng khi cố gắng làm dịu “nỗi lo thuật toán” và sự áp đảo của kỹ thuật số 24/7, chúng ta có xu hướng ẩn náu vào mức trung bình. “Phản ứng tự nhiên của chúng ta là tìm kiếm sự mở mang văn hóa bao quát cả thứ vô giá trị, che phủ và xoa dịu hơn là thách thức hoặc gây bất ngờ, như tác phẩm nghệ thuật có tác động mạnh được dành cho việc đó.” Cuốn sách của anh thúc giục chúng ta vứt bỏ tấm mền che phủ đó – chẳng dễ dàng gì khi đó là tấm mền bông nặng nhãn hiệu Bearaby trị giá 300 đô la mà một số người có ảnh hưởng đã thuyết phục chúng ta rằng nó là thứ cần thiết.

Như một giải pháp thay thế thuật toán, tôi có thể đưa ra ý kiến rằng nếu bạn thích cuốn “The Shallows” (“Vũng cạn”) của Nicholas Carr và cuốn “How to Do Nothing” (“Cách nào để không làm gì cả”) của Jenny Odell, hẳn là bạn cũng sẽ quan tâm đến cuốn “Filterworld”. Chayka nổi bật nhờ sự tập trung của anh vào ý tưởng cổ lỗ về thị hiếu, anh điểm lại trong số nhiều tác phẩm khác cuốn “Distinction” (tạm dịch: “Sự khác biệt”) của Pierre Bourdieu, tác phẩm kinh điển về xã hội học bìa màu đồng mà nhiều hiệp hội ký hiệu học xách đi đây đó trong thập niên 1980 và 1990.

Tác giả muốn khôi phục lại giá trị cho đạo luật về giám sát tuyển chọn nội dung trực tuyến [curation], một từ khác, có gốc từ nguyên là “trông nom”, đạo luật ngày càng bị giảm giá trị. Và vì thế anh diễu qua Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại (MoMA) “giống như nông dân thời trung cổ đi đến thánh đường,” nhưng lúc này là với nhà giám tuyển chuyên nghiệp; và anh gặp một DJ ở đài phát thanh có giọng nói gợi cho anh nhớ đến “miếng nỉ xanh lót trên bàn bi-a”: những hành động phản kháng nho nhỏ, giống như tôi và chiếc laptop của mình di chuyển từ nhà hàng Dig đến thư viện công cộng thiếu kinh phí hoạt động, đối lại với việc xem các trang được trình chiếu và danh sách các chương trình phát trực tuyến đang thống trị thời đại chúng ta.

Nước Mỹ đã để mặc cho thuật toán chạy điên cuồng – có vẻ như bằng kem chống nắng và sự chăm sóc trẻ em, châu Âu đang làm tốt hơn việc quản lý vấn đề này – vì vậy, Chayka gợi ý, chúng ta phải chọn những nền tảng hợp với đạo lý hơn.

Không giống những nội dung tuôn ào ra như thác từ những người không quen biết trên internet, “Filterworld”, như một cuốn sách đích thực sẽ, gợi lên những cơn bốc đồng nhất thời thì ít mà chủ yếu là những cảm giác chân thật, dai dẳng: sự chán nản về viễn cảnh xã hội tồi tệ do các doanh nghiệp lớn của chúng ta gây ra; nó khơi gợi lòng ngưỡng mộ sự tò mò và văn phong trong sáng của Chayka, cũng như sự thất vọng về một người tốt nghiệp ngành kỹ thuật điện – kỹ thuật điện cơ đấy! – người mà không thể thu được thuật chiêm tinh từ dòng thời gian của cô và ân hận vì bị tác động khi mua một đôi nịt giữ ấm chân. (“Tôi chỉ muốn biết liệu cái mà tôi thích có phải là cái mà tôi thực sự thích hay không,” cô nói như than vãn với anh.)

Song cuốn sách cũng khiến tôi cảm thấy mình đã già. Hoặc – chúng ta hãy đặt vấn đề theo cách khác – cảm nhận sâu sắc về sự ngăn cách giữa các thế hệ. Chayka, người thuộc thế hệ thiên niên kỷ , luyến nhớ tập bìa đựng đĩa CD mà anh có khi còn niên thiếu; những hình ảnh anh từng chia sẻ trên Tumblr; một World Wide Web (mạng lưới toàn cầu) kém hơn, cũ hơn, chuyên chia sẻ tệp tin bất hợp pháp, các blog và các diễn đàn trò chơi nhập-vai trực tuyến nhiều người chơi (MMORPG). Lần đầu tiên anh nghe bài hát “My Favorite Things” không phải trong vở nhạc kịch “The Sound of Music” mà là phiên bản của John Coltrane, lúc nghe một đài phát thanh độc lập khi anh đang trên đường về từ nhà một người bạn ở vùng ngoại ô hồi đầu những năm 2000.

Thế hệ bùng nổ dân số sau Thế chiến II và Thế hệ X đã sống qua nhiều năm không có thuật toán có thể thấy cuốn “Filterworld” quá u ám; Thế hệ Z thì ngây thơ đến vô vọng. Hoặc, như họ nói trên internet, YMMV.

FOMO: viết tắt của cụm từ Fear of missing out, có nghĩa là “sợ bỏ lỡ” [sự kiện nào đó thú vị hoặc quan trọng, đặc biệt là trên mạng xã hội].
Nguyên văn “millenial”: thuật ngữ dùng để chỉ thế hệ sinh từ năm 1981 đến 1996, tuy các nguồn khác nhau có thể khác nhau một hoặc hai năm; đây là thế hệ đầu tiên trưởng thành trong thiên niên kỷ mới. 
Thế hệ những người sinh ra từ năm 1946-1964.
Thế hệ những người sinh ra từ năm 1965-1980.
Thế hệ những người sinh ra từ cuối thập niên 1990 đến đầu thập niên 2000.
YMMV: viết tắt của cụm “Your mileage may vary” (“Dặm bay của bạn có thể khác”), được sử dụng trong tin nhắn, email, văn bản, đặc biệt là trên mạng xã hội với nghĩa bạn hiểu rằng mọi người có thể có quan điểm hoặc trải nghiệm khác với bạn.

FILTERWORLD: How Algorithms Flattened Culture | By Kyle Chayka | Doubleday | 304 pp. | $28

#makevietnamreadagain, #mvra, #langdujourneyinlife,

journeyinlife.net cố gắng chuyển ngữ các bài bình sách của New York Times -- tờ báo danh tiếng hàng đầu nước Mỹ (với hơn 10 triệu độc giả trả phí hằng tháng) tới độc giả Việt Nam, các bạn có thể ủng hộ journeyinlife số tiền bằng một ly cà phê (đọc báo buổi sáng); chính sự ủng hộ/tài trợ của các bạn giúp đội ngũ journeyinlife tiếp tục có nguồn lực, động lực để phục vụ bạn đọc mỗi ngày...

ủng hộ tại đây,

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc