Cộng đồng da đen kiên cường 'Xây nên từ ngọn lửa' của một vụ thảm sát

nguồn: New York Times,

biên dịch: Nguyễn Quỳnh Anh,



Cuốn sách mới đầy quyết tâm của tác giả Victor Luckerson kể lại lịch sử vùng Greenwood, bang Oklahoma, từ những ngày đầu thịnh vượng cho đến vụ thảm sát chủng tộc năm 1921 và hậu quả sau đó.

Nếu từng dọn lò sưởi, hoặc tệ hơn là phải rải hài cốt hỏa táng của người thân, bạn có lẽ đã nín thở. Bạn không muốn hít phải hạt tro màu xám nào bay quanh bạn. Nhưng tro tàn là thứ dai dẳng. Nó bám vào da, tìm cách chui vào mũi và dính nhằng nhẵng lên quần áo bạn như dây kim tuyến rẻ tiền treo cây thông Noel. Tro tàn — dù trong lò sưởi hay trong hũ cốt — khiến bạn nhớ lại những gì từng tồn tại và chế nhạo bạn vì điều ấy sẽ không bao giờ trở lại nữa.

Trong cuốn sách mới rất cuốn hút, “Built From the Fire: The Epic Story of Tulsa’s Greenwood District, America’s Black Wall Street “ (Xây nên từ ngọn lửa: Câu chuyện hào hùng về Quận Greenwood vùng Tulsa, Phố Wall Đen của nước Mỹ), tác giả Victor Luckerson lục tìm trong những lớp bồ hóng và tro bụi, tàn tích về thể chất và tâm lý của vụ thảm sát chủng tộc Tulsa, điều tiếp tục ám ảnh cộng đồng người da đen của thành phố hơn một thế kỷ sau khi sự việc xảy ra.

Trong vòng hai ngày mùa xuân năm 1921, quận Greenwood vùng Tulsa bị phá hủy và hàng trăm cư dân ở đây bị sát hại. Được coi là hình mẫu về thành công trong kinh doanh và quyền tự quyết của người da đen ở thời đại Jim Crow, Greenwood trở thành mục tiêu bạo lực khi có tin đồn lan truyền thiếu niên da đen có tên Dick Rowland tấn công tình dục một phụ nữ da trắng trong thang máy. Cuộc phô trương vũ lực của người Greenwood nhằm ngăn cản Rowland bị hành hình kiểu lynch đã leo thang thành cuộc tấn công tổng lực nhắm vào người Tulsan da đen của nhóm người da trắng là thành viên ban trật tự, trong đó có một số người được cảnh sát giao vũ khí. Theo tác giả Luckerson kể lại, “Hơn 1.200 ngôi nhà bị san bằng, gần như mọi cơ sở kinh doanh bị thiêu rụi và số người không xác định — ước tính lên tới 300 người — bị sát hại.”

Tác giả Luckerson, là nhà báo ở Tulsa, khéo léo đưa chúng ta đi qua lịch sử vùng Greenwood, dằn lại thôi thúc muốn tôn vinh những người thành lập nên quận này hoặc tán đồng ý kiến cho rằng nhiều doanh nghiệp do người da đen sở hữu hơn có thể khắc phục những tàn phá của chủ nghĩa tư bản chủng tộc. Thay vào đó, tác giả giới thiệu một loạt nhân vật đang tìm cách thoát khỏi miền Nam thời hậu Tái thiết, đến Tulsa đầu những năm 1900 và giúp đưa Greenwood trở thành “Địa đàng phía Tây.”

Cơ hội dường như rộng mở ở bang mới Oklahoma thu hút các nhà tư bản không nao núng, những người đàn ông tự tin, những người vợ cần cù và những người mẹ chung thủy đến nơi trước đây được gọi là Lãnh thổ Da đỏ, nơi sinh sống của tập hợp của những người bản xứ trong khu vực và các bộ lạc bị ép buộc chuyển đến đó. Mục tiêu là tạo ra “nơi trú ẩn cho tầng lớp trung lưu da đen đang phát triển… nơi vẫn có thể khai khẩn đất đai, vẫn xây dựng được của cải, quyền lực chính trị vẫn được đảm bảo, ngay cả khi quốc gia quay lưng lại với các quyền tự do đẫm máu thỏa thuận được trong thời Nội chiến.”


Trong số những người da đen định cư ban đầu có Alexander George Washington Sango, người “tự nhận là hậu duệ của hoàng gia châu Phi” và cuối cùng đứng đầu khu vực da đen ở Muskogee, cách Tulsa không xa. Ông tận dụng tư cách thành viên của mình trong Creek Nation — mẹ ông đến đây cùng với Creeks từ những năm 1830 — để thu được những lô đất có giá trị. Sango giàu đến mức ông thuê “những toa Pullman riêng”, giúp ông thoát khỏi bị sỉ nhục khi phải ngồi trên toa tàu “chỉ dành cho người da màu.” Tác giả Luckerson viết: “Những toa chuyên dụng của Sango có tường bằng gỗ óc chó tối màu và ghế bọc sang trọng, cùng với đèn chùm tỏa ánh sáng ấm áp trên từng món đồ kim loại bằng đồng.”

Chúng ta cũng được làm quen với J.B. Stradford, là chủ khách sạn và cũng là “cha đẻ của thành phố Tulsa,” việc kinh doanh của ông được cho là có cả “trò chơi xúc xắc” hoạt động bên ngoài sảnh bi-a của ông, và được một tờ báo da trắng mệnh danh là “kẻ cờ bạc và bán rượu chuyên nghiệp.” Stradford phản bác rằng ông là nhà từ thiện và nhà đầu tư bất động sản đáng kính, tuy nhiên tác giả Luckerson tiết lộ nền kinh tế ngầm cũng giúp lấp đầy két bạc cho Greenwood.

Phần lớn quận này do nam giới sở hữu và điều hành, nhưng tác giả Luckerson đưa vào nhân vật Loula Williams, nữ doanh nhân hiểu biết, bà điều hành xưởng đồ ngọt và sau này xây dựng một trong những rạp chiếu phim đẹp nhất cả nước, Nhà hát Dreamland 850 chỗ ngồi. Tuy vậy, phần lớn cuốn sách của Luckerson tập trung vào hậu duệ của hai cư dân nổi bật nhất vùng Greenwood: J.H. và Carlie Goodwin, những người “tìm kiếm thành công bằng nghị lực nhẫn nại” sau khi di cư đến Greenwood từ Water Valley, Missisippi.

Ở Water Valley, J.H., cựu nhân viên phanh đường sắt, tận dụng vị thế của mình với ngành đường sắt (rất hiếm đối với người da đen thời điểm đó) và khả năng biến quan hệ thành một loạt dự án kinh doanh thương mại ở khu vực da trắng của thị trấn. Với những người đã có cơ sở kinh doanh, việc chuyển đến Tulsa hứa hẹn sẽ đỡ phải đàm phán với chính quyền da trắng và có mức độ miễn giảm nhất định đối với sự sỉ nhục mà gần như tất cả cuộc tiếp xúc khác chủng tộc đều có. Cháu trai của J.H., Jim Goodwin, là luật sư, vẫn xuất bản tuần báo The Oklahoma Eagle mà cha của ông, Edward, từng mua hồi năm 1937.

Tác giả Luckerson có cảnh báo về sự phân tầng giai cấp và thái độ thờ ơ của chính phủ bao trùm khu Phố Wall Đen này: Bên cạnh “cái túi của cải”, tác giả viết, “Greenwood còn là một biển nhà khung, lán, lều và những ngôi nhà phụ ọp ẹp, kết nối với nhau bằng dải đường đất chồng chéo mà hầu như người ta đi bộ hoặc đi bằng xe ngựa kéo xập xệ.” Thế nhưng, đóng góp quan trọng nhất của tác giả là lời kể về khu vực này trong thế kỷ sau vụ thảm sát. Ngay sau vụ việc, các nhà lãnh đạo da đen cố gắng tái thiết, nhưng sự phân biệt đối xử liên tục — dưới hình thức từ chối yêu cầu bảo hiểm, trộm cắp tài sản, và sắc lệnh cấm các công trình kiến trúc mới bằng gỗ — đảm bảo rằng Greenwood sẽ không bao giờ có thể hoàn toàn khôi phục.

Trong từng thời kỳ tác giả Luckerson miêu tả, ông đều làm sáng tỏ tác động của chủ nghĩa da trắng thượng đẳng đối với khu vực. Sau quyết định của Tòa án Tối cao năm 1954 chấm dứt học thuyết “riêng biệt nhưng bình đẳng” trong giáo dục công, tác giả kể, một người viết xã luận cho tờ The Eagle nhận thấy sự phân biệt vẫn tiếp tục, gợi lại ký ức về vụ thảm sát năm 1921, vẫn còn lảng vảng “như tro tàn trong miệng người da đen.” Lịch sử cay đắng này lại nổi lên khi hệ thống đường cao tốc liên bang xuất hiện ở Tulsa năm 1967, đưa Đường cao tốc Crosstown đi qua trung tâm khu thương mại Greenwood, buộc đóng cửa các cửa hàng và phá dỡ nhà cửa.

Cuốn “Build From the Fire” kết thúc trong giai đoạn gần đây. Tác giả Luckerson tái hiện sâu sắc mùa hè năm 2020, khi vụ sát hại George Floyd dẫn đến các cuộc biểu tình đòi công lý chủng tộc và Tổng thống Donald Trump đến Tulsa tham gia một cuộc vận động tranh cử, làm dấy lên lo ngại những người ủng hộ ông có thể tái diễn một số vụ bạo lực chủng tộc năm 1921. Khoảng thời gian ngắn ngủi — và rốt cuộc chưa thỏa đáng — ngẫm lại vấn đề chủng tộc của quốc gia mùa hè đó, và kỷ niệm 100 năm vụ thảm sát vào năm sau, dẫn đến nhận thức rõ ràng hơn về Greenwood trên toàn quốc; những người nổi tiếng và chính trị gia, kể cả Tổng thống Biden, đã đến thăm Trung tâm Văn hóa Greenwood và tham quan đường phố trong vùng.

Tương lai của Greenwood vẫn vô định. Những người ủng hộ trong vùng, trong đó có Regina Goodwin, đại diện tiểu bang và là hậu duệ của J.H. và Carlie, vẫn lo ngại về vấn đề bạo lực và trách nhiệm của cảnh sát, cũng như quá trình chỉnh trang đô thị, đặc biệt kể từ khi một sân vận động bóng chày mở cửa trong khu vực năm 2010. Goodwin, người phản đối việc xây dựng sân vận động và đấu tranh cho cải cách tư pháp hình sự, hiện lo ngại điều luật mới của Oklahoma hạn chế thảo luận trong lớp học về chủng tộc, tính dục và giới tính có thể hạn chế những gì học sinh được dạy về lịch sử của bang.

Giống như tác giả Luckerson và nhiều người khác quyết tâm đảm bảo câu chuyện của vùng Greenwood sẽ được kể lại, Goodwin vẫn không nản chí. Khi tuyên bố tranh cử vào Thượng viện Tiểu bang năm 2015, bà tuyên bố, “Một số phụ nữ đã mất trong lửa và một số… được xây nên từ ngọn lửa.” Ở cuối cuốn sách xuất sắc của tác giả Luckerson, ý tưởng xây dựng điều gì đó mới từ đống tro tàn của những gì từng bị phá hủy trở nên dễ tiếp thu, thậm chí còn tràn đầy hy vọng.

BUILT FROM THE FIRE: The Epic Story of Tulsa’s Greenwood District, America’s Black Wall Street | By Victor Luckerson | Illustrated | 656 pp. | Random House | $30

#makevietnamreadagain, #mvra, #langdujourneyinlife,

journeyinlife.net cố gắng chuyển ngữ các bài bình sách của New York Times -- tờ báo danh tiếng hàng đầu nước Mỹ (với hơn 10 triệu độc giả trả phí hằng tháng) tới độc giả Việt Nam, các bạn có thể ủng hộ journeyinlife số tiền bằng một ly cà phê (đọc báo buổi sáng); chính sự ủng hộ/tài trợ của các bạn giúp đội ngũ journeyinlife tiếp tục có nguồn lực, động lực để phục vụ bạn đọc mỗi ngày...

ủng hộ tại đây,

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc