Vì sao các cuộc bầu cử không tốt cho bạn?

"Mr. Lincoln, We Have a New President...". Photo courtesy Tony Fischer.

Nền dân chủ đang bị soi dưới kính hiển vi (under the microscope) khi nó thất bại trong việc đem lại các cải cách dài hơi ở những lĩnh vực như hưu trí và trợ cấp, nơi xảy ra xung đột lợi ích giữa cử tri hiện tại và cử tri tương lai. Nếu các quyết định được đưa ra hòng lấy lòng cử tri thì thật dễ hiểu khi điều này biểu hiện rõ nhất trong năm cuộc bầu cử diễn ra. Thực tế nhiều nghiên cứu cho thấy các tiến trình chính trị, kinh tế và tư pháp đều bị ảnh hưởng bởi bầu cử. Vậy các cuộc bầu cử đã ảnh hưởng tới việc hoạch định chính sách ra sao?

Ở Mỹ, quyền ban bố tình trạng khẩn cấp cho phép các Thống đốc bang đơn phương quyết định việc giải ngân quỹ hỗ trợ đặc biệt của liên bang để đương đầu với thảm họa thiên nhiên. Nghiên cứu năm 2011 của Andrew Reeves ở trường đại học Boston về gần 1000 tuyên bố dạng này trong giai đoạn 1981-2004 cho thấy chúng xuất hiện nhiều gấp đôi ở những bang có sự cạnh tranh sít sao các cuộc bầu cử. Điều này có thể giúp gia tăng tới 1% số phiếu cho thống đốc hoặc người được họ đề cử.

Các quyết định kinh tế khó khăn rõ ràng là không mấy được ưa thích so với các gói hỗ trợ tài chính trong năm bầu cử. Một bản phân tích năm 2013 về các nước Mỹ Latinh tiết lộ trong các năm bầu cử, dự trữ ngoại tệ giảm mạnh so với thông thường bởi chính quyền muốn ổn định tỉ giá hối đoái trước khi cử tri đi bầu, để rồi sau đó đồng tiền lại mất giá. Tuy nhiên, ở các nước OECD không có hiện tượng này và dự trữ ngoại tệ của họ cũng không biến động theo chu kì bầu cử. Các nhà nghiên cứu cho rằng Ngân hàng Trung ương ở các nước phát triển có quyền tự chủ lớn hơn và có khả năng chống lại ý chí thao túng tiền tệ của nhà cầm quyền. Đây là bằng chứng mạnh mẽ cho thấy nền dân chủ hoạt động tốt hơn khi có những cơ chế kiểm soát hành vi của các chính trị gia.

Tuy nhiên, hệ thống kiểm soát và cân bằng cũng không thể giải quyết mọi vấn đề. Chu kì bầu cử có thể ảnh hưởng tới cả thể chế độc lập nhất – ngành tư pháp. Một nghiên cứu năm 2013 với 293.868 vụ án trong giai đoạn 1950 – 2007 xử bởi các tòa phúc thẩm Mỹ (bồi thẩm đoàn do Tổng thống bổ nhiệm) cho thấy hành vi của quan tòa thay đổi đáng kể khi ngày bầu cử đến gần: số trường hợp thiên vị khi bỏ phiếu thuận hay chống đều tăng gấp đôi trong những quý sát cuộc bầu cử Tổng thống. Các nhà nghiên cứu loại trừ khả năng thay đổi trong các vụ án là nguyên nhân, mà do các quan tòa bị thúc ép bởi bối cảnh xung quanh nên có những quyết định mang tính đảng phái hơn. Thay đổi hành vi tập trung ở các bang có vai trò quyết định tới cuộc bầu cử và những nơi diễn ra chiến dịch vận động mạnh mẽ nhất. Các thay đổi này cũng nhiều hơn hẳn trong các cuộc đua sít sao mà không tồn tại ở những chiến thắng với số phiếu lớn vượt trội (landslide victory). Kết luận hiển nhiên ở đây là nền dân chủ sẽ tốt hơn nếu không có các cuộc bầu cử.

Đăng Duy
The Economist


Tags: economics

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc