Vì sao công đoàn Pháp mạnh đến vậy?

Place de la Nation. Photo courtesy Gilles Klein.

Các công đoàn Pháp sẽ lại xuống đường trong ngày 18 tháng Ba như một động thái phản đối. Chiến dịch lần này nhằm kêu gọi tăng lương và phản đối kế hoạch giảm thuế lương bổng của chính phủ. Hầu như không một tháng nào trôi qua mà không có một nghiệp đoàn nào đó của Pháp tổ chức một cuộc biểu tình (manif, tiếng Pháp). Vào những ngày khác nhau gần đây, các công đoàn đại diện cho nữ hộ sinh, công chức và kĩ thuật viên âm thanh – hình ảnh đều đã xuống đường biểu thị sự bất bình của mình. Vì sao công đoàn Pháp lại mạnh đến vậy?

Lạ thay, câu trả lời không phải là do rất nhiều công nhân Pháp là thành viên đóng phí đầy đủ của công đoàn. Trên thực tế, ít hơn 8% nhân viên ở Pháp thuộc công đoàn, con số này nhỏ hơn rất nhiều so với khoảng 30% trong thập niên 50. Tỉ lệ này cũng thấp hơn ở Anh (26%), Đức (18%) hay thậm chí Mỹ (11%). Trong khối tư nhân thậm chí còn ít hơn với chỉ 5% so với 14% trong giới công chức. Truyền thống xuống đường biểu tình lâu đời ở Pháp đôi khi cho phép các công đoàn giành được nhượng bộ chính sách (policy concession). Tuy nhiên, gần đây họ đã thất bại trong việc thu hút đông người tham gia biểu tình. Thay vào đó, các cuộc biểu tình thành công nhất ở Pháp được tổ chức bởi các nhóm chỉ tập trung vào một vấn đề như chống hôn nhân đồng tính hay nhóm mũ đỏ (bonnets rouges) chống thuế đường cao tốc. Các cuộc phản đối do công đoàn phát động hiện không còn mạnh mẽ do ít gắn kết với các cuộc đình công như trước: trong năm 2011 cứ 1.000 nhân viên thì mất 77 ngày do đình công, giảm so với 164 ngày vào năm 2005. (Kết quả phần nào, những người theo đường lối cứng rắn (hardliner) phải viện đến các biện pháp cực đoan như ‘bắt cóc sếp’ (boss-napping) hay giữ các quản lý làm con tin để thể hiện quan điểm).

Thay vào đó, nguồn sức mạnh thật sự của công đoàn Pháp ngày nay là quyền hạn luật định họ được hưởng với tư cách các nhà đồng quản lý hệ thống y tế và an sinh xã hội của đất nước, đại diện các doanh nghiệp cũng như đại diện người lao động tại nơi làm việc. Theo luật Pháp, các đại biểu được bầu vào công đoàn đại diện cho tất cả nhân viên (kể cả không phải thành viên công đoàn) trong những công ty có từ 50 nhân viên trở lên thông qua các hội đồng lao động và các hội đồng riêng biệt về sức khỏe và an toàn lao động. Giới chủ phải thường xuyên tham khảo ý kiến các hội đồng này về các quyết định quản lý chí tiết trên một phạm vi rộng. Điều này giúp công đoàn có tiếng nói hàng ngày trong các hoạt động của công ty cả ở khối tư nhân, và đó mới là sức mạnh thật sự trong tiếng nói của họ.

Một số những tư vấn trên mang tính xây dựng và bảo vệ được quyền lợi hợp lý của nhân viên. Tuy nhiên phạm vi quyền hạn của hội đồng lao động lại quá rộng một cách bất thường. Các nhà quản lý phải tham khảo hội đồng sức khỏe và an toàn cả về những vấn đề như bố trí lại nội thất văn phòng để ngăn ngừa stress. Việc cắt giảm biên chế trên 10 nhân viên phải được thương lượng với hội đồng lao động theo một ‘kế hoạch xã hội’ được quy định chặt chẽ. Không như ở Đức, quan hệ giữa giới quản lý và các đại diện công đoàn trong hội đồng lao động thường không mấy tốt đẹp (testy). Kết quả là, như một nghiên cứu của các nhà kinh tế học ở Trường Kinh tế London đã chỉ ra, các công ty nhỏ và vừa ở Pháp thường thuê không quá 49 nhân viên để tránh phải đối phó với hội đồng lao động. Chính sự kìm hãm tăng trưởng này, cùng với các cuộc đình công hay biểu tình, mới được cho là ảnh hưởng thật sự của sức mạnh công đoàn ở Pháp ngày nay.

Đăng Duy
The Economist


Tags: economics

1 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc