Con phố lát vàng

by JEFFREY E. Garten,

Đế chế tài chính J.P Morgan


Ai biết được những gì đang thực sự xảy ra trên Phố Wall? Các vụ thôn tính đình đám, những vụ phá sản lớn, thị trường chứng khoán xoay như chong chóng, đồng đô-la mong
manh khiến tất cả mọi người bồn chồn không yên. Vì thế, ngay cả các chuyên gia cũng sẽ hoan nghênh một cái nhìn mang tính lịch sử khách quan và chừng mực. Với "The House of Morgan" (tạm dịch: Đế chế tài chính J.P Morgan), Ron Chernow, người từng chỉ đạo việc nghiên cứu chính sách tài chính cho Quỹ Twentieth Century Fund, đã đưa ra một góc nhìn hệt như vậy, thậm chí còn hơn thế.

Bắt đầu từ ngân hàng do Junius Spencer Morgan sáng lập - ngân hàng này, năm 1930, đã bị chia tách thành ngân hàng thương mại Morgan Guaranty Trust, ngân hàng đầu tư Morgan Stanley và ngân hàng đầu tư Morgan Grenfell ở Anh, Chernow đưa chúng ta vào một cuộc hành trình phi thường, trải qua nhiều thế hệ và nhiều châu lục. Đó là thiên tiểu thuyết về những mánh khóe đến khó tin, như khi J.P. Morgan Sr., con trai của người sáng lập, học cách kiểm soát các công ty Mỹ qua việc tạo ra và thống trị
các nhóm nắm giữ trái phiếu của các công ty này vào thời điểm chuyển giao giữa hai thế kỉ; hoặc như khi cả ba ngân hàng Morgan đều đã học được cách chơi cuộc chơi thâu tóm khắc nghiệt và tàn nhẫn giỏi hơn bất kì ai khác vào tám thập niên sau đó. Đó là câu chuyện về những thành tựu cao quý, khi các cộng sự của tập đoàn dẫn đầu các nỗ lực huy động nguồn tiền từ châu Âu để xây dựng các tuyến đường sắt ở Mỹ, hay khi họ tổ chức thành công các chiến dịch giữ Anh và Nhật Bản ở chế độ bản vị vàng trước Thế chiến II. Đây cũng là câu chuyện về lòng tham và sự lừa dối, khi tập đoàn này thu mua súng không sử dụng từ Chính phủ Mỹ trong cuộc Nội chiến rồi nhanh chóng bán lại cho Quân đội với giá cao gấp sáu lần so với giá ban đầu, hoặc khi, trong những ngày trước khi các quy định của Liên bang theo kịp được với họ, các cộng sự trong tập đoàn đã bán chứng khoán cho bạn bè với giá thấp hơn giá thị trường trước khi những chứng khoán này được phát hành ra công chúng.

Điều gì đã khiến Morgan trở thành cái tên quyền lực nhất trong ngành tài chính thế kỷ XX, thậm chí vượt qua cả cái tên Rothschild? Một phần, đó là nhờ thời thế. Công việc kinh doanh của họ bắt đầu ở London vào những năm 1830, buôn bán trái phiếu Mỹ ở châu Âu để tài trợ cho việc mở rộng ngành công nghiệp ở Mỹ. Nước Anh đã mang đến cho House of Morgan vẻ thanh lịch đặc trưng của châu Âu, thấm nhuần nó với truyền thống dịch vụ xưa cũ và cho nó tấm vé tiếp cận với tầng lớp thượng lưu, khi đó và trong nửa thế kỷ tiếp theo, là những người cho vay lớn nhất thế giới. Là đại diện của những người có tiền, ngân hàng này đã tận dụng được những người đi vay Mỹ đang rất cần vốn tư bản để phát triển - các công ty đường sắt, các công ty thép, các nhà sản xuất thiết bị hạng nặng. Từ khởi điểm đó đến việc kiểm soát một đế chế công nghiệp rộng lớn chỉ còn là một bước ngắn.

Thêm vào đó, ba ngân hàng Morgan còn có tài năng và nét đặc trưng khiến họ được cộng đồng tài chính tôn trọng, những người trông chờ vào sự dẫn dắt của họ và các cộng sự mỗi khi thị trường chứng khoán đổ vỡ, khi đồng USD cần một chỗ dựa, hay khi Thành phố New York cần một gói cứu trợ (lần đầu tiên là năm 1907). Khi thành công nối tiếp thành công, được thể hiện qua các bộ sưu tập nghệ thuật có một không hai và những du thuyền sang trọng, truyền thuyết ngày càng lan rộng, phổ biến do các cộng sự tài năng, những người không chỉ thực hiện công việc thường ngày mà bản thân họ còn trở thành người tâm phúc của các vị vua, tổng thống và các nhà độc tài. Ngay cả các nhà cải cách như Louis Brandeis và William O. Douglas, hai người sau này đều là Thẩm phán Tòa án Tối cao, hay các Dân biểu và các thượng nghị sĩ dân túy, dù giận dữ hay quở trách, đều không thể làm vấy bẩn cái tên Morgan.

Nhưng "The House of Morgan" không chỉ là một cuốn sách miêu tả chi tiết và đầy màu sắc về một gia đình và một tổ chức, không chỉ là việc vén bức màn về ba ngân hàng Morgan đầy bí ẩn. Cuốn sách này còn chứa đựng một số chủ đề rất quan trọng giúp người đọc có thể hiểu được nền tài chính Mỹ ngày nay.

Đầu tiên là mối quan hệ luôn đổi chiều giữa các nhà tư bản tài chính và các công ty công nghiệp. Chernow đã giải thích cách ngân hàng này kiểm soát các công ty Mỹ vào thời điểm chuyển giao thế kỉ và việc nó đánh mất lợi thế của mình sau đó như thế nào. Tuy nhiên, dẫn dắt câu chuyện tới cuối những năm 1980, Chernow miêu tả Morgan Stanley có cổ phần sở hữu trực tiếp ở 40 công ty, với 72.000 nhân viên và tổng tài sản lên tới hơn 7 tỉ USD (tạp chí Forbes đưa ra con số trên 20 tỉ USD). Ông còn tập trung vào việc Morgan Guaranty sẵn sàng cấp vốn cho các vụ thâu tóm thù địch của các công ty lớn. Chúng ta buộc phải suy nghĩ rằng phải chăng mối quan hệ giữa Phố Wall và các công ty của Mỹ tới cuối năm 1989 đã quay đúng một vòng tròn?

Điệp khúc thứ hai là trò chơi quyền lực giữa Phố Wall và Washington. Vào đầu những năm 1900, các nhà tài phiệt nắm quyền khuynh đảo nền kinh tế quốc gia. Sau đó họ đã bị kiềm chế từ khi Hệ thống Dự trữ Liên bang được thành lập vào năm 1913 cũng như những cải cách của Chính sách Kinh tế Mới (New Deal), và sau năm 1945, họ tiếp tục bị các ngân hàng trung ương và các bộ tài chính ở Mỹ và ở nước ngoài chế ngự. Nhưng liệu Phố Wall lại một lần nữa vượt khỏi tầm kiểm soát? Xét cho cùng, Quốc hội từ lâu vẫn luôn phàn nàn về những biến động trên thị trường chứng khoán, và cảm thấy kinh hãi khi chứng kiến làn sóng thâu tóm bằng vốn đi vay. Tuy nhiên, các nhà lập pháp dường như bất lực trước những vấn đề này.

Với mạng lưới sâu rộng tại London và New York, House of Morgan cũng được tác giả Chernow sử dụng như một lăng kính giúp người đọc quan sát các mối quan hệ không lấy gì làm thoải mái giữa các nước chủ nợ và các nước đi vay lớn. Ông bắt đầu từ thế kỉ XIX, khi nước Mỹ ngập trong nợ nần và theo dấu quá trình chuyển đổi đến khi quốc gia này trở thành chủ ngân hàng lớn - và duy nhất - của thế giới. Tất nhiên, giờ đây lịch sử đã lặp lại: Mỹ lại trở thành con nợ lớn nhất thế giới, ngửa tay với châu Âu và Nhật Bản để nhận bất kì khoản tiền nào có thể.

Cuối cùng, câu chuyện về đế chế Morgan còn là một câu chuyện về những con người phi thường. Junius khiến ngân hàng thấm đẫm những giá trị cao quý nhất. Những cái tên J.P. Morgan Sr. và J.P. Morgan Jr. đều trở nên nổi tiếng. Từ trước Thế chiến I cho tới những năm dưới thời Tổng thống Eisenhower, các cộng sự của tập đoàn là Tom Lamont và Russell Leffingwell tiến hành ngoại giao tài chính giữa Nhà Trắng và các quan chức cấp cao nhất của Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản và Mexico, đem lại cho House of Morgan một vị thế toàn cầu thực sự. Tác giả Chernow khiến chúng ta tự hỏi liệu việc Phố Wall hiện tại thiếu vắng các nhà lãnh đạo vì cộng đồng có phải là một phần nguyên nhân dẫn đến tình trạng hiện tại của nó: xuống cấp về đạo đức, thiếu vắng các chuẩn mực và tiếng xấu tràn lan.

Rõ ràng, tác giả Chernow tin rằng các ngân hàng Morgan đã trở nên giống những đối thủ cạnh tranh - những ông chủ ngân hàng lợi dụng người khác không quan tâm đến bất kì điều gì ngoài lợi nhuận - thậm chí còn giỏi hơn họ trong chính cuộc chơi này. Ông kết luận họ đã bỏ phí hoài danh tiếng trước đây là những nhà tư bản tài chính trung thành kiên định với những công ty có uy tín nhất trên thế giới. Nhưng ông dường như không rõ liệu có thể tránh được điều này trong kỉ nguyên hiện đại, bị chi phối bởi thị trường tự do và sự cạnh tranh dữ dội.

"The House of Morgan" không hề phơi bày, hoàn toàn không có những chuyện tầm phào hay kiểu đâm sau lưng thường thấy khi các nhà văn phỏng vấn các cộng sự hay đối thủ trước đây. Nhưng cuốn sách này cũng không hề khô khan. Tác giả Chernow đã cố gắng tiếp cận các nhân vật của mình không chỉ qua thành tựu kinh doanh, mà còn qua những nỗi đau khổ, dằn vặt trong cuộc sống cá nhân của họ. Câu chuyện hài hòa rất hay. Tác giả tôn trọng quyền lực to lớn mà các cộng sự của tập đoàn nắm giữ, nhưng ông cũng hoài nghi về động cơ của họ. Ông ca ngợi những thành tựu của một số cộng sự nhất định, nhưng cũng nhấn mạnh những phán xét sai lầm và vết nhơ đạo đức của ban lãnh đạo, trong đó có quan điểm bài Do Thái mạnh mẽ đã ăn sâu vào văn hóa Morgan.

Như một bức chân dung về nền tài chính, chính trị và thế giới đầy lòng tham và tham vọng trên Phố Wall, cuốn sách chứa đựng những biến động và căng thẳng của một cuốn tiểu thuyết đậm chất sử thi. Đơn giản đây là một một kiệt tác.

PIERPONT VÀ CUỘC GIẢI CỨU

Tầm ảnh hưởng của [J.P. Morgan Sr.] gia tăng mạnh trong thời kì suy thoái sâu về công nghiệp bắt đầu từ năm 1893. Hơn 15 ngàn công ty thương mại phá sản trong một cơn suy thoái đã dẫn đến cuộc đấu tranh giai cấp và xung đột giống như một cuộc cách mạng. . . . Mỗi công ty phá sản và được ngân hàng cải tổ lại, cuối cùng đều trở thành khách hàng bất đắc dĩ của chính ngân hàng đó. Năm 1892, General Electric được hình thành từ sự hợp nhất giữa Edison General Electric và Thomson-Houston Electric. Khi công ty mới phá sản vào năm sau, Pierpont đã ra tay cứu vớt và do đó, có được lòng trung thành của GE đối với House of Morgan.

Gánh nặng nợ nần và xây dựng tràn lan khiến hơn một phần ba hệ thống đường sắt của nước Mỹ phải chịu sự quản lí tài sản. Các nhà đầu tư Anh kêu gọi Pierpont mang lại trật tự cho ngành công nghiệp này. Bị cản trở bởi 'thỏa thuận giữa các quý ông', giờ đây Pierpont cố gắng tìm cách tiếp cận khác để hình thành các cartel đường sắt: ông sẽ cải tổ lại các tuyến đường bị phá sản và giành quyền kiểm soát vào tay mình. Từ đó, ông sẽ không bị lệ thuộc vào ý thích bất chợt nào của chính phủ hay của những lãnh đạo hiềm khích ngành đường sắt. Bằng việc cải tổ lại ngành đường sắt, ông đã bước lên đến một đỉnh cao quyền lực mới, vượt xa thành tựu của bất kì doanh nhân tư nhân nào khác đạt được khi đó.

Jeffrey E. Garten là giám đốc điều hành ngân hàng đầu tư Stamford, từng làm việc trong chính quyền của các Tổng thống Nixon, Ford và Carter.

Minh Thu
NYTimes

4 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc