Người Mỹ bí ẩn

Về cuộc đời Jefferson: bớt sùng kính, nhiều giải thích,
by Michiko Katutani,

Thomas Jefferson: Người Mỹ bí ẩn

Giống như tiêu đề của cuốn sách mới hấp dẫn "AMERICAN SPHINX: The Character of Thomas Jefferson" (tạm dịch: "Người Mỹ bí ẩn") của Joseph J. Ellis, Thomas Jefferson, tác giả của bản Tuyên ngôn Độc lập và Tổng thống thứ ba của Mỹ, vẫn là một trong những nhân vật lịch sử bí ẩn nhất. Tựu chung lại, cuộc đời ông là mớ bòng bong những mâu thuẫn: một quý tộc đầy hoài nghi về giới thượng lưu, một người hiện thân cho tự do nhưng sở hữu nô lệ, một kẻ tiêu tiền hoang phí nhưng tin vào chính sách thắt lưng buộc bụng của chính phủ; một triết gia thông thái ngợi ca những giá trị của nông nghiệp; một người gần như cả đời theo đuổi sự nghiệp chính trị song liên tục khẳng định mình chẳng muốn gì ngoài việc được nghỉ hưu tại điền trang ở Virginia.

Kể từ khi ông qua đời vào năm 1826, nhiều phong trào chính trị đối lập nhau đi theo đường lối của Jefferson, từ phe ly khai miền Nam coi ông là
đại diện ủng hộ quyền lợi của các tiểu bang trong khi Phe bãi nô miền Bắc trích dẫn Tuyên ngôn Độc lập của ông, từ phe bảo thủ ủng hộ sự điều tiết từ chính phủ đến phe tự do hết lòng thúc đẩy thể chế bình đẳng. Sau 30 năm nghiên cứu về cuộc đời Jefferson, Merrill Peterson, một trong nhiều người viết tiểu sử của ông, đã thừa nhận "đối với tôi, cuối cùng Jefferson vẫn là một người khó hiểu."

Vậy, Ellis, chuyên gia phân tích mới nhất về Jefferson, khám phá được gì về nhân vật lịch sử này? Trong cuốn sách hấp dẫn này, ông vẽ lên chân dung về một người đàn ông rất hão huyền, thường ngây thơ cực độ song lại dần trở nên lão luyện trong nghệ thuật khắc chế. Ellis cho rằng, khi còn trẻ Jefferson quen với việc "xây dựng thế giới tưởng tượng bên trong đầy hấp dẫn tuyệt vời nhưng chắc chắn va chạm với những thực tại trần tục." Ellis lập luận, "Thay vì điều chỉnh kỳ vọng của mình khi đối mặt với thất vọng, ông thường chôn chặt những kỳ vọng đó và coi sự khác biệt giữa những lý tưởng của mình và sự không hoàn hảo của thế gian là vấn đề của mọi người chứ không phải của riêng mình."

Ellis nói, động lực này giúp Jefferson "nhanh chóng đưa ra được những chân lý đa chiều," cũng như "tính loanh quanh chỉ có thể thấy ở một người hay lý tưởng hóa." Ellis cho biết thêm, trong những năm sau đó, động lực này cũng khởi xướng một triết lý chính trị tập trung vào tương lai hơn là vào những vấn đề hiện tại, và quyết tâm nhìn nhận chính trị (cũng như tất cả mọi điều khác) theo phạm trù đạo đức phân định giữa đen và trắng, một quan điểm loại trừ (chỉ 1 trong 2 lựa chọn) thường chuyển thành cái nhìn mơ hồ bí ẩn về thế giới.

Bức chân dung về Jefferson do Ellis vẽ ra cũng không quá tâng bốc. Trong cuốn sách gần đây nhất của mình mang tên "Passionate Sage" (tạm dịch: Nhà hiền triết sôi nổi) -- một nghiên cứu uyên bác và làm sáng tỏ nhiều điều về John Adams, người bạn lớn và cũng là đối thủ của Jefferson -- sự hiểu biết đầy thiện cảm của Ellis về nhân vật của mình cùng với đánh giá trí tuệ của ông về cách tiếp cận thực tế của Adams về thế giới khiến đây có thể là một di sản chính trị để đời của Ellis. Trong cuốn sách mới này, ông dường như đã tiếp thu những hoài nghi của Adams đối với Jefferson. Trong khi "Người Mỹ bí ẩn" chắc chắn không chỉ trích Jefferson đến mức như một số nghiên cứu theo chủ nghĩa xét lại (như cuốn sách năm 1963 của Leonard Levy "Jefferson and Civil Liberties: The Darker Side" ("Jefferson và quyền tự do dân sự: Mảng tối") và bài luận năm 1992 của Paul Finkelman "Jefferson and Slavery: 'Treason Against the Hopes of the World'" ("Jefferson và chế độ chiếm hữu nô lệ: 'Kẻ phản bội những kỳ vọng của thế giới'"), cuốn sách này thực sự là câu trả lời nghiêm túc đối với truyền thống viết tiểu sử tán tụng sự uyên bác của Jefferson, điển hình là những cuốn sách gần đây của Alf J. Mapp Jr. và Willard Sterne Randall.

Đối với vấn đề nhạy cảm là thái độ của Jefferson về chế độ chiếm hữu nô lệ, Ellis cho rằng, trong giai đoạn đầu sự nghiệp của mình, Jefferson đứng trong hàng ngũ tiến bộ "người đi tiên phong nhất quyết khẳng định chế độ chiếm hữu nô lệ không phù hợp với các nguyên tắc sáng lập nên nước Mỹ cộng hòa." Tuy nhiên, sau đó lập trường mang tính nguyên tắc này đã nhường chỗ cho sự do dự, im lặng và những biện minh nhằm hợp lý hóa -- sự biến chuyển có phần không nhỏ do Jefferson ghét tranh luận và cảnh túng quẫn tài chính cá nhân ngày càng tăng khiến ông phụ thuộc hơn bao giờ hết vào nền kinh tế nô lệ ở Monticello (điền trang của Thomas Jefferson miền trung Virginia, đông nam của Charlottesville).

Những giai đoạn và khuynh hướng đáng chê trách trong sự nghiệp của Jefferson cũng được ghi nhận như: nỗ lực làm giả thư tín đầu tiên của chính mình, theo lời của Ellis, "để thuyết phục hậu thế rằng tình cảm của ông dành cho nước Pháp không đến mức khiến ông không nhận thấy nguy cơ bạo động chưa từng có" trong cuộc Cách mạng Pháp; ông nghi ngờ rằng những người gốc Phi thấp kém hơn người da trắng về trí tuệ khiến cho bất kỳ chính sách giải phóng nô lệ nào dẫn đến thống nhất đều là trò đùa nhại về sinh học chống lại "sự ưu việt đích thực mà tạo hóa đã ban tặng"; đồng lõa thuê người cố tình bôi nhọ danh tiếng của đối thủ trong các cuộc đấu đá nội bộ đảng năm 1790; và cuối đời, như Ellis nói, sẵn sàng cho phép "phe phản động nhất của miền Nam sử dụng uy tín to lớn đi kèm với tên tuổi của mình về bảo vệ chế độ chiếm hữu nô lệ và học thuyết về quyền của các tiểu bang."

Riêng về vấn đề gây tranh cãi là mối quan hệ tình cảm giữa Jefferson với nô lệ của mình là Sally Hemings, Ellis còn hồ nghi. Ông lập luận rằng "động lực sâu xa nhất của Jefferson là tự bảo vệ và tình cảm chứ không phải tình dục" và "mối quan hệ bị cáo buộc với Sally Hemings, nếu có, đã thách thức những nguyên tắc chủ đạo về nhân cách của chính ông."

Giống như một nghiên cứu mở rộng về tính cách hơn là một tiểu sử toàn diện, "Người Mỹ bí ẩn" tập trung vào những thời khắc quan trọng trong cuộc đời của Jefferson trong khi lướt qua toàn bộ các thời kỳ (như nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai tệ hại của Jefferson) chỉ trong một hoặc hai đoạn văn. Giống như trong cuốn sách trước đó về Adams, Ellis sử dụng hiểu biết sâu rộng của mình về lịch sử thời Cách mạng và hậu Cách mạng để đặt triết lý và hành động của Jefferson trong một bối cảnh xã hội, mang đến cho độc giả không chuyên một cảm giác cực kỳ sống động về tình hình, truyền thống và những mối quan tâm trong bối cảnh đó. Ông tránh mắc lỗi "presentism" (thường thấy trong giới học giả, giả định rằng có thể dùng các giá trị hiện tại để đánh giá quá khứ), trong khi cùng lúc giúp độc giả hiểu được dòng chảy tư tưởng chính của Jefferson và mối tương quan (hoặc không) của chúng với các tranh luận đương đại.

Theo Ellis, một trong những người kế thừa chủ trương chống chính phủ của Jefferson là cánh bảo thủ của đảng Cộng hòa, tiêu biểu là Barry Goldwater, Ronald Reagan và Newt Gingrich. Tuy nhiên, ông cho biết thêm: "Đối với những vấn đề đáng lo ngại và gây tranh cãi nhất trong xã hội Mỹ hiện đại -- phá thai, thuốc phiện, nghèo đói, tội phạm -- những người kế thừa Jefferson hầu như không có gì để nói. Tranh luận về các vấn đề xã hội như vậy là cuộc tranh luận về vai trò thích đáng của chính phủ, và từ quan điểm của những người kế thừa Jefferson, chính phủ chẳng có vai trò gì cả."

Mặc dù người đọc có thể không đồng tình với tất cả những đánh giá của Ellis, song cách viết thông minh và am hiểu của ông khiến không một ai đọc cuốn sách này mà không xem xét lại vai trò của Jefferson như một nhà tư tưởng, nhà văn và nhà chính trị. Với "Người Mỹ bí ẩn", Ellis đã có một đóng góp quan trọng và rất hay đối với kho tàng văn học vốn đã đồ sộ về vị tổ phụ lập quốc bí ẩn nhất của nước Mỹ.

Phương Thùy
NYTimes

Tags: book

19 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc