Khoảng cách giàu nghèo

Công nghiệp hóa là chìa khóa cho sự thịnh vượng -- ở các nước công nghiệp, theo lời một nhà sử học.
bài điểm sách của Andrew Porter,

SỰ GIÀU CÓ VÀ NGHÈO KHỔ CỦA CÁC QUỐC GIA
Vì sao một số quốc gia rất giàu và một số khác lại quá nghèo
tác giả David S. Landes.

đặt mua sách: tại đây

Chúng ta sống trong một thế giới của sự đa dạng và bất bình đẳng. . . .
Giờ đây khoảng cách về của cải và sức khỏe, thứ ngăn cách giàu nghèo là một thách thức và mối đe dọa lớn. . . . Đây là vấn đề duy nhất, lớn nhất và là mối nguy hiểm mà thế giới phải đối mặt trong thiên niên kỷ thứ ba này.'' Và điều cả người giàu cũng như người nghèo quan tâm là làm sao thu hẹp được khoảng cách đó. Tuy nhiên David S. Landes tin rằng, quá trình nhắm tới mục tiêu đó đòi hỏi chúng ta trước hết phải nhận ra rằng nguyên nhân của sự chia cách này không đơn thuần chỉ là hiện tượng tạm thời hay mới xảy ra, mà đó là một vấn đề nổi cộm và dai dẳng. Để thu hẹp bất bình đẳng trong xã hội hiện tại, chúng ta phải hiểu rằng gốc rễ của nó đã ăn sâu trong lịch sử thế giới trong suốt khoảng 600 năm qua.

Kết quả là ông đã nghiên cứu và cho ra đời cuốn "Sự giàu có và nghèo khổ của các quốc gia", một cuốn sách đồ sộ với lượng thông tin phong phú và lập luận sắc bén, ấn tượng. Landes cho rằng chìa khóa cho sự thịnh vượng của một quốc gia trong thế giới hiện đại chính là Cuộc cách mạng công nghiệp, ''bắt đầu ở Anh vào thế kỷ 18 và được noi theo trên toàn thế giới. . . . Một số nước đã thực hiện một cuộc cách mạng công nghiệp và trở nên giàu có; một số nước khác thì không và vẫn nghèo đói.'' Việc ông nhấn mạnh vào quá trình công nghiệp hóa ít gây tranh cãi hơn việc ông đề cập tới những điều tạo nên cuộc cách mạng đó. Trong khi đi tìm lời giải đáp, Landes mạnh mẽ bác bỏ nhiều diễn giải mà trong
vài thập kỷ gần đây chỉ nổi tiếng trong thời gian ngắn rồi bị chìm vào quên lãng. Tài nguyên thiên nhiên, bao gồm cả cảnh quan, nguồn nước, đất đai, khoáng chất hoặc khí hậu, dù ở những thời điểm khác nhau, cũng đã đóng vai trò khá quan trọng, nhưng chưa bao giờ là điều kiện đủ: vị trí địa lý không phải là định mệnh. Thời điểm cho các cơ hội phát triển công nghiệp đã mang lại những biến thể khác nhau trên con đường phát triển của từng quốc gia nhưng không hề gây ra những trở ngại quá lớn. Điều làm nên một cuộc cách mạng công nghiệp luôn phụ thuộc chủ yếu vào nền văn hóa nền tảng của xã hội và những giá trị được bảo tồn (trong xã hội đó). Sự giàu có, nhưng thiếu những đặc điểm văn hóa phù hợp, chưa bao giờ ổn định và bền vững.

Cuộc cách mạng công nghiệp đầu tiên -- cuộc Cách mạng công nghiệp ở Vương quốc Anh -- là kết quả của một xã hội đã có được sự gắn kết dân tộc; năng lực cạnh tranh; sự tôn trọng và mong muốn truyền đạt kiến thức thực nghiệm và kỹ thuật; và sự ưu tiên dành cho sự thăng tiến nhờ công trạng và năng lực. Các thành viên trong xã hội đó không những có khả năng kiếm tiền và mà còn biết cách sử dụng đồng tiền, họ tôn trọng sự trung thực, và các thể chế của họ đảm bảo sự an toàn cho cả tài sản và việc hưởng thụ thành quả lao động hay dám nghĩ dám làm. Các xã hội khác có thể làm theo, bắt kịp và vượt qua Vương quốc Anh do họ có thể tận dụng những thành tựu mà nước này đã tạo nên. Có lẽ họ có chung những phẩm chất quan trọng thừa hưởng từ thời trung cổ: sự mày mò, sáng tạo và nhiều nguồn cảm hứng, hoặc họ tạo ra thành công tương tự từ những nguồn lực nội tại của mình. Họ được giáo dục để đủ biết từ bỏ nhu cầu trước mắt vì những lợi ích trong tương lai. Vì vậy, Mỹ, Đức, Nhật Bản và Úc đã vươn lên và nằm trong những nước giàu có. Những giá trị chủ đạo và mang tính tiền đề đã thúc đẩy họ nỗ lực gia tăng của cải; thành công của họ, ngay cả khi biện hộ rằng đó là sự thích ứng không ngừng, thì nhìn chung đã đem lại thành công.

Các xã hội khác, dù nhà cầm quyền và người dân muốn giàu có hơn thay vì nghèo đi, chưa bao giờ thực sự đạt được điều đó -- ít nhất là cho đến nay. Họ cho thấy không có khả năng tự tạo ra các điều kiện cần thiết để làm giàu. Landes đưa ra nhiều nguyên nhân giải thích cho những thất bại đó. Mặc dù đạo Tin lành được đánh giá cao, tôn giáo vẫn phải chịu nhiều trách nhiệm. Từ Nam Mỹ đến Trung Đông và Nam Á, đặc biệt là theo nghi thức Công giáo La Mã và Hồi giáo, tôn giáo đã liên tục gia tăng thẩm quyền và cản trở những sáng kiến, cổ xúy các giá trị không thuận lợi cho việc thử nghiệm trên diện rộng và làm trầm trọng thêm những khó khăn vốn có. Landes cho rằng sự trùng hợp của Hồi giáo với sự bùng nổ bất ngờ của trữ lượng dầu và với các chính phủ độc tài chuyên chế thường không thu được lòng trung thành, cản trở đầu tư vào kỹ năng và kiến thức trong nước, đã khiến tôn giáo này đặc biệt nguy hại. Các quốc gia khác chỉ sẵn sàng với những lựa chọn tạm thời, dễ dãi để duy trì hiện trạng, để tránh sự khắc nghiệt của những thay đổi cần thiết hoặc để chìm đắm trong những giai điệu u muội "theo các quan chức và các chuyên gia quốc tế", những người hát "bài ca về sự thiếu kinh nghiệm."

Lands đưa ra một danh sách dài về những nhà tiên tri sai lầm cùng với các phân tích gây nhầm lẫn. Danh sách này bao gồm các nhà lý thuyết về quan hệ phụ thuộc (thuyết cho rằng các cường quốc có thể chi phối các quốc gia khác là do họ mạnh về kinh tế -- ND); các nhà sử học kinh tế mới, những người phớt lờ các phát hiện trước đây và phủ nhận bất kỳ điều gì tương tự với cuộc Cách mạng công nghiệp; những nhà toán kinh tế theo đuổi các con số, dù không thật đến mức nào; những nhà nghiên cứu đa văn hóa tranh cãi vụn vặt về thuật ngữ châu Âu "khám phá" ra phần còn lại của thế giới; những nhà dân tộc học phủ nhận việc có những căn cứ để phê phán hoặc phát hiện những yếu kém trong nền văn hóa khác. Ngược lại, ông rất ngưỡng mộ Max Weber, người ủng hộ nhiệt thành nhất cho những giá trị đạo đức của đạo Tin Lành, và Karl Wittfogel, người đặc biệt quan tâm đến điều ông gọi là "chế độ chuyên quyền ở phương Đông". "Nếu chúng ta học được gì từ lịch sử phát triển kinh tế, thì đó là sự thật rằng chính văn hóa tạo nên sự khác biệt", Landes nói. Trong quá trình theo đuổi sự giàu có, thất bại hay thành công chủ yếu được quyết định bởi nội lực, chứ không phải do áp đặt từ bên ngoài.

Vì vậy, nhiều giải thích thường thấy về sự thành công của phương Tây và những thất bại tương quan của phần còn lại -- cuộc chinh phục châu Mỹ, sự lây lan của những dịch bệnh từ châu Âu, chế độ nô lệ, và điều được coi là hiệu ứng cầm tù khi phương Tây áp đặt các kiến thức của họ lên xã hội phương Đông -- thực ra không hề có nhiều ý nghĩa như vốn được thừa nhận rộng rãi. Đây không phải là để phủ nhận hay bỏ qua "sự khinh miệt, cưỡng bức và tàn bạo" trong những lần chạm trán giữa phương Tây và các xã hội khác. Có lẽ nên lập luận, ví dụ, rằng sự đa dạng trong “những thành công ngoạn mục" ở Đông Á, "kết quả có tốt có xấu ở Mỹ Latinh" và "bước thụt lùi hoàn toàn ... ở phần lớn châu Phi" tất yếu đưa đến kết luận rằng "bản thân quá trình thực dân hóa ... không dẫn đến thất bại." Tất nhiên sự cai trị của đế quốc không phải là một phát minh hiện đại hay sáng kiến của phương Tây, và về bản chất cũng không gắn liền với chủ nghĩa tư bản. Chủ nghĩa thực dân trì hoãn và làm méo mó cơ hội phát triển -- bằng cách dựng lên những hình thái nhà nước xa lạ và không chính danh, thao túng thuế quan hoặc thờ ơ với giáo dục -- nhưng những hậu quả như vậy có thể sửa chữa được. Nếu muốn, thậm chí những nước đi sau còn có thể bồi dưỡng những phẩm chất quan trọng như: "lao động, tiết kiệm, trung thực, kiên nhẫn và bền chí''. Bằng cách nào để khuyến khích một cách tốt nhất khả năng và sự tự tin đó, và làm thế nào để nuôi dưỡng sự biến đổi hoàn toàn về văn hóa và tự trao quyền, vẫn cần được thảo luận.

Nhưng rất ít nhà sử học có thể lập luận về trường hợp này một cách thuyết phục đến vậy. Hơn bốn thập kỷ qua, David Landes, giáo sư về lịch sử và kinh tế tại Đại học Harvard, đã chứng tỏ sự uyên bác của ông ở nhiều chủ đề. Là một nhà sử học nghiên cứu chủ nghĩa đế quốc kinh tế, trong cuốn "Bankers and Pashas" ('Chủ nhà băng và tổng trấn') năm 1958, ông viết về lòng tham của các nhà đầu tư châu Âu và sự tiếp xúc với nền tài chính quốc tế của những nhà cầm quyền Ai Cập vào giữa thế kỷ 19. Đóng vai nhà nghiên cứu về tiến bộ kỹ thuật, ông đã viết cuốn "The Unbound Prometheus" ('Những Prometheus không bị xiềng xích') năm 1969, một nghiên cứu quan trọng về sự phát triển công nghiệp ở Tây Âu từ năm 1750. Gần đây hơn, cuốn “Revolution in Time" ('Cuộc cách mạng của thời đại') năm 1983 cho thấy nhãn quan sắc bén của ông về những cách khác nhau mà các tập tục văn hóa và thói quen xã hội kết hợp với năng lực công nghệ để định hình sự phát triển kinh tế xã hội. Giờ đây, các chủ đề này và sự chiêm nghiệm của cả một đời đã được đúc kết lại trong một nghiên cứu đầy nhiệt huyết và thẳng thắn -- hoặc, như một số người sẽ cảm thấy, một nghiên cứu trực diện, thiên lệch và đơn giản hóa quá mức -- về sự hình thành của thế giới hiện đại. Cuốn sách làm sụp đổ nhiều kỳ vọng cao siêu và chứng minh sự nghèo nàn của kinh tế học nếu thiếu hiểu biết về lịch sử. Kiến thức uyên bác trong cuốn sách đưa ta từ thổ dân Aztecs đến nhà nước Zaire hiện đại (nay là Congo), từ các giới hạn của tính duy lý kinh tế tới những ảnh hưởng về công nghệ của những đôi đũa. Độc giả không thể không cảm thấy tò mò bởi cuốn sách mới mẻ và đầy thách thức những quan điểm hiện tại rất hay này.

Andrew Porter, Giáo sư Lịch sử hoàng gia tại trường King’s College, London, được trao giải thưởng Rhodes và là người biên tập cuốn ''Lịch sử Oxford về Đế quốc Anh, Tập 3: Thế kỷ 19,'' sẽ được xuất bản vào năm sau.

Minh Thu
NYTimes

đặt mua sách: tại đây

13 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc