John Pierpont "J.P." Morgan

John Pierpont "J.P." Morgan (17/4/1837 - 31/3/1913) là một nhà tài chính
và ông chủ ngân hàng Mỹ, người đã thống trị hệ thống tài chính doanh nghiệp và những thương vụ hợp nhất trong thời đại mình. 

Năm 1892, Morgan tiến hành sáp nhập Thomson-Houston Electric Co. và Edison General Electric để thành lập General Electric. Ông đã có công sáng lập Tập đoàn Thép Hoa Kỳ United States Steel Corp. Ở đỉnh cao sự nghiệp vào những năm đầu thập niên 1900, ông và các cổ đông đầu tư tài chính tại nhiều tập đoàn lớn và có ảnh hưởng đáng kể với giới tài chính trong nước cũng như các đại biểu Quốc hội. Ông lãnh đạo một liên minh ngân hàng để chấm dứt cuộc khủng hoảng vào năm 1907. Ông là chuyên gia tài chính hàng đầu trong Kỷ nguyên Tiến bộ (Progressive Era), và những cống hiến của ông cho sự hiệu quả và hiện đại của ngành tài chính đã giúp thay đổi môi trường kinh doanh Mỹ. 

Năm 1913 Morgan qua đời ở tuổi 75 tại Rome, Italy, để lại tài sản và công ty cho con trai là John Pierpont Morgan, Jr.


Thời niên thiếu và việc học tập
Morgan sinh ra trong một gia đình có tầm ảnh hưởng, là con của Junius Spencer Morgan (1813-1890) và Juliet Pierpont (1816-1884) tại Hartford, Connecticut, và lớn lên ở đó. Như Pierpont luôn tự hào, ông đã được hưởng một nền giáo dục đa dạng, một phần nhờ sự sắp xếp của cha mình. Mùa thu năm 1848, Pierpont chuyển đến trường công Hartford và sau đó đến trường nội trú Episcopal Academy ở Cheshire, Connecticut (nay gọi là Cheshire Academy). Tháng 9 năm 1851, Morgan đỗ kỳ thi tuyển sinh vào English High School tại Boston, một trường chuyên toán cho các học sinh muốn làm trong lĩnh vực thương mại trong tương lai. Mùa xuân năm 1852, căn bệnh thấp khớp khiến ông gục ngã và bám theo ông trong suốt cuộc đời. Ông đau đến mức không thể đi được, và Junius gửi ông đến Azores để dưỡng bệnh. 

Ông điều trị tại đây trong gần một năm, sau đó trở lại trường ở Boston để tiếp tục việc học của mình. Sau khi tốt nghiệp, cha ông gửi ông đến Bellerive, một trường học gần ngôi làng Vevey ở Thụy Sĩ, nơi ông trau dồi tiếng Pháp đến trình độ lưu loát. Cha ông sau đó gửi cho ông đến trường Đại học Göttingen để nâng cao trình độ tiếng Đức. Ông đạt trình độ tiếng Đức khá trong vòng sáu tháng và lấy bằng cử nhân lịch sử nghệ thuật, hoàn tất việc học, sau đó qua Wiesbaden để trở về London.

Sự nghiệp
Những năm đầu
Năm 1857, Morgan bước chân vào ngành ngân hàng khi bắt đầu làm việc tại chi nhánh London của Peabody, Morgan & Co., một công ty được thành lập ba năm trước đó giữa cha ông và George Peabody. Năm 1858, ông chuyển đến thành phố New York để làm việc cho Duncan, Sherman & Co., đại diện tại Mỹ của George Peabody & Co.. Trong cuộc Nội chiến, Morgan đã mua năm ngàn khẩu súng bị lỗi từ một kho vũ khí quân đội với giá 3,5 USD mỗi khẩu và sau đó bán lại chúng cho một vị tướng với giá 22 USD mỗi khẩu. Morgan cũng đã trả 300 USD để thuê người thay mình nhập ngũ. Từ 1860-1864, dưới tư cách J. Pierpont Morgan & Company, ông giữ vai trò đại diện tại New York cho công ty của cha mình, được đổi tên thành "J.S. Morgan & Co.” sau khi Peabody nghỉ hưu năm 1864. Từ 1864-1872, ông là thành viên của công ty Dabney, Morgan, & Co. Năm 1871, ông hợp tác với Drexels ở Philadelphia để thành lập công ty Drexel, Morgan & Co. tại New York. Vào thời điểm đó, Anthony J. Drexel đã trở thành cố vấn cho Pierpont theo yêu cầu của Junius Morgan.

J.P. Morgan & Co.
Năm 1895, sau khi Anthony Drexel qua đời, công ty trên được đổi tên thành "J.P. Morgan & Co." và duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Drexel & Co. tại Philadelphia; Morgan, Harjes & Co. tại Paris; và J.S. Morgan & Co. (sau năm 1910 là Morgan, Grenfell & Co.) tại London. Đến năm 1900, đây là một trong những tổ hợp ngân hàng mạnh nhất thế giới, chuyên tập trung vào các thương vụ tái cơ cấu và hợp nhất. 

Qua nhiều năm, Morgan đã có nhiều cổ đông, chẳng hạn như George W. Perkins, nhưng ông luôn luôn giữ vị trí lãnh đạo. Quá trình tiếp quản các doanh nghiệp khó khăn rồi tái cơ cấu chúng được đặt tên là "Morgan hóa." Morgan tái cơ cấu doanh nghiệp và ban quản lý của những công ty này để khôi phục khả năng tạo lợi nhuận. Với tư cách một chuyên gia tài chính và ông chủ ngân hàng, danh tiếng của ông khiến các nhà đầu tư quan tâm hơn tới các doanh nghiệp mà ông đã tiếp quản.

Vàng trong kho
Năm 1895, đỉnh điểm của khủng hoảng bắt đầu từ năm 1893, Kho bạc Liên bang gần như không còn vàng dự trữ. Morgan đã đưa ra một kế hoạch để chính phủ liên bang mua vàng từ các ngân hàng của mình và các ngân hàng châu Âu nhưng bị từ chối để ưu tiên cho kế hoạch vượt qua khủng hoảng bằng cách bán trái phiếu trực tiếp cho công chúng. Morgan, cam đoan sẽ không có đủ thời gian để thực hiện một kế hoạch như vậy, đã yêu cầu và cuối cùng được gặp Grover Cleveland để chỉ ra rằng chính phủ có thể vỡ nợ ngày hôm đó, nếu họ không có hành động gì. Morgan đã vạch ra kế hoạch sử dụng một đạo luật từ thời Nội chiến cho phép các ngân hàng của Morgan và Rothschilds bán trực tiếp 3,5 triệu ounces vàng cho Kho bạc Hoa Kỳ, nhằm khôi phục thặng dư ngân quỹ và đổi lấy trái phiếu kỳ hạn 30 năm. Hoạt động này đã cứu được Kho bạc nhưng gây tổn hại tới vị thế của Cleveland đối với phe ủng hộ cải cách ruộng đất trong Đảng Dân chủ, và trở thành một tiêu điểm trong cuộc bầu cử năm 1896 khi các ngân hàng hứng chịu những công kích từ ứng cử viên William Jennings Bryan. Các ông chủ ngân hàng của Morgan và Phố Wall đã quyên góp rất nhiều cho ứng cử viên Đảng Cộng hòa William McKinley, người thắng cử năm 1896 và tái đắc cử năm 1900.

Báo chí
Năm 1896, Adolph Simon Ochs đang sở hữu Chattanooga Times, và được Morgan tài trợ để mua lại tờ báo The New York Times lúc đó đang vật lộn về tài chính. The New York Times sau đó trở thành biểu tượng cho ngành báo chí Mỹ bằng cách đầu tư vào việc thu thập tin tức và chú trọng chất lượng bài viết.

Thép
J.P. Morgan thời niên thiếu
Sau cái chết của cha mình vào năm 1890, Morgan tiếp quản J.S. Morgan & Co. (sau được đổi tên thành Morgan, Grenfell & Co. năm 1910). Năm 1900, Morgan bắt đầu đàm phán với Andrew Carnegie và Charles M. Schwab, chủ tịch của Carnegie Co.. Mục đích là để mua lại doanh nghiệp thép của Carnegie và sáp nhập nó với một số doanh nghiệp thép, than, khoáng sản và vận tải khác. Sau khi cấp vốn thành lập cho Federal Steel Co., cuối cùng ông đã sáp nhập nó với Carnegie Steel Co.  và một số doanh nghiệp sắt thép khác (bao gồm Consolidated Steel and Wire Co., thuộc sở hữu của William Edenborn), để hình thành United States Steel Corp vào năm 1901. Năm 1901, U.S. Steel là công ty tỷ đô đầu tiên trên thế giới, có vốn ủy quyền trị giá 1,4 tỷ USD, lớn hơn nhiều so với bất kỳ công ty nào khác và tương đương với các công ty đường sắt lớn nhất. 

U.S. Steel hướng tới mục tiêu lớn hơn về quy mô, giảm chi phí vận tải và chi phí tài nguyên, mở rộng dòng sản phẩm, và cải thiện hệ thống phân phối. Người ta hy vọng tập đoàn này sẽ giúp Mỹ cạnh tranh trên trường quốc tế với Vương quốc Anh và Đức. Schwab và nhiều người khác cho rằng quy mô của U.S. Steel sẽ giúp công ty này tích cực và hoạt động hiệu quả hơn trong việc chính phục các thị trường xa xôi ("toàn cầu hóa"). Với những người phản đối, U.S. Steel bị coi là công ty độc quyền bởi công ty luôn nỗ lực thống trị không chỉ ngành thép mà còn là các ngành xây dựng cầu đường, đóng tàu, xe lửa và đường ray, dây điện, linh kiện, và hàng loạt các sản phẩm khác. Với U.S. Steel, Morgan đã nắm giữ hai phần ba thị trường thép, và Schwab tự tin rằng công ty sẽ nắm giữ 75% thị phần. Tuy nhiên, sau năm 1901, thị phần của công ty này đã giảm. Năm 1903, Schwab từ chức ở U.S. Steel để thành lập Bethlehem Steel, công ty sản xuất thép lớn thứ hai của Mỹ. 

Chính sách lao động là một vấn đề gây tranh cãi. U.S. Steel là tập đoàn sản xuất thép dày dặn kinh nghiệm do Schwab đứng đầu nhưng không gia nhập nghiệp đoàn. Schwab muốn duy trì việc sử dụng các chiến thuật tích cực để xác định và loại bỏ "những kẻ gây rối" ủng hộ công đoàn. Các luật sư và ông chủ ngân hàng quản lý vụ sáp nhập, đặc biệt là Morgan và CEO Elbert Gary lại quan tâm hơn đến lợi nhuận dài hạn, ổn định, quan hệ công chúng tốt và tránh rắc rối. Quan điểm của các ông chủ ngân hàng nói chung chiếm ưu thế, và kết quả kéo theo một chính sách lao động "gia trưởng". (Những năm cuối thập niên 1930, U.S. Steel cuối cùng đã thành lập công đoàn).

Cuộc hoảng loạn năm 1907
By Puck Magazine - Puck Magazine via Library of Congress, Public Domain, 

Vai trò của Morgan bị chỉ trích vì sự lấn lướt trong nền kinh tế như bức họa chính trị trên. 

Cuộc hoảng loạn năm 1907 là cuộc khủng hoảng tài chính gần như làm tê liệt nền kinh tế Mỹ. Các ngân hàng lớn ở New York đứng trên bờ vực phá sản và không có cách nào cứu vãn cho đến khi Morgan ra tay giải quyết. Bộ trưởng Tài chính George B. Cortelyou dành 35 triệu USD tiền ngân sách liên bang để gửi tại các ngân hàng New York. Morgan sau đó gặp gỡ với các nhà tài chính hàng đầu trong dinh thự của mình tại New York, buộc họ phải nghĩ ra một kế hoạch đương đầu với khủng hoảng. James Stillman, Chủ tịch National City Bank, cũng đóng vai trò chủ đạo. Morgan tổ chức một nhóm các lãnh đạo ngân hàng và quỹ tín thác (trust) để tái định hướng quá trình chuyển tiền giữa các ngân hàng, bảo đảm dòng tín dụng quốc tế an toàn, và mua hết lượng cổ phiếu đang lao dốc của các công ty vững mạnh. 

Một vấn đề chính trị nhạy cảm phát sinh liên quan đến công ty môi giới chứng khoán Moore & Schley. Công ty này đã lún sâu vào vụ đầu cơ cổ phiếu của Tennessee Coal, Iron & Railroad. Moore & Schley đã thế chấp hơn 6 triệu USD chứng khoán của Tennessee Coal, Iron & Railroad (TCI) để vay vốn tại các ngân hàng Phố Wall. Khi các ngân hàng thu hồi nợ, công ty này không thể trả được. Nếu Moore & Schley phá sản, hàng trăm công ty khác cũng phá sản theo và sau đó cả Phố Wall sẽ sụp đổ. Morgan quyết định cứu Moore & Schley. TCI là một trong những đối thủ cạnh tranh chính của U.S. Steel, sở hữu các mỏ sắt và than đá có giá trị. Morgan kiểm soát U.S. Steel và quyết định mua số chứng khoán TCI mà Moore & Schley đang nắm giữ. Elbert Gary, người đứng đầu U.S. Steel, đồng ý, nhưng cũng lo ngại những liên quan đến luật chống độc quyền có thể gây ra rắc rối nghiêm trọng cho U.S. Steel vốn đang thống trị ngành công nghiệp thép. Morgan để Gary tới gặp Tổng thống Theodore Roosevelt, người đã hứa miễn thủ tục pháp lý cho thương vụ này. U.S. Steel sau đó trả 30 triệu USD cho các cổ phiếu TCI và Moore & Schley đã được cứu. Hành động này có tác dụng tức thì; đến ngày 07 tháng 11 năm 1907, cuộc khủng hoảng kết thúc. Cuộc khủng hoảng nhấn mạnh sự cần thiết có một cơ chế giám sát mạnh mẽ. 

Thề sẽ không bao giờ để nó xảy ra lần nữa, và nhận ra rằng nếu khủng hoảng xảy ra trong tương lai thì không dễ gì có một Morgan thứ hai, năm 1913 các lãnh đạo ngành ngân hàng và chính trị, đứng đầu là Thượng nghị sĩ Nelson Aldrich, đã nghĩ ra một kế hoạch từ đó dẫn tới sự thành lập của Cục dự trữ liên bang vào năm 1913.

Các nhà phê bình ngân hàng
"Tôi thích cạnh tranh một chút thôi" — J.P. Morgan, tranh của Art Young.
Bức biếm họa liên quan đến câu trả lời của Morgan khi được hỏi liệu ông ghét cuộc cạnh tranh tại Ủy ban Pujo hay không.

Trong khi phe bảo thủ trong Kỷ nguyên Tiến bộ ca ngợi Morgan về trách nhiệm công dân, những đóng góp vào nền kinh tế quốc gia, và cống hiến cho nghệ thuật và tôn giáo của ông thì phe cánh tả lại xem ông là một trong những nhân vật trung tâm của thế giới họ căm ghét. Morgan định nghĩa lại chủ nghĩa bảo thủ ở khía cạnh năng lực tài chính luôn gắn chặt cam kết với tôn giáo và văn hóa thẩm mỹ cao. 

Đối thủ trong ngành thì công kích Morgan vì lượng vàng ông cho chính phủ liên bang vay trong cuộc khủng hoảng năm 1895 và, cùng với nhà văn Upton Sinclair, họ tấn công ông vì những giải pháp tài chính cho cuộc hoảng loạn năm 1907. Họ cũng đổ lỗi cho ông về những yếu kém tài chính của công ty đường sắt New York, New Haven và Hartford Railroad. Tháng 12 năm 1912, Morgan đã làm chứng trước Ủy ban Pujo, một tiểu ban về tiền tệ và ngân hàng của Hạ viên. Ủy ban kết luận rằng một vài nhà lãnh đạo trong ngành tài chính đang kiểm soát đáng kể các ngành công nghiệp. Các cổ đông của J.P. Morgan & Co., và các thành viên HĐQT tại First National và National City Bank kiểm soát toàn bộ khoảng 22,245 tỷ USD, con số mà Louis Brandeis, sau này là Thẩm phán Tòa án tối cao Mỹ, cho rằng tương đương với tổng tài sản của 22 tiểu bang miền Tây Mississippi.

Những cuộc mạo hiểm bất thành
Morgan không phải lúc nào cũng giỏi đầu tư và một số thất bại đã chứng minh điều đó.

Nikola Tesla
Năm 1900, nhà phát minh Nikola Tesla thuyết phục Morgan rằng ông ta có thể xây dựng một hệ thống liên lạc không dây xuyên Đại Tây Dương (rốt cuộc cũng được xây dựng tại Wardenclyffe) có thể vượt trội hơn sóng vô tuyến tầm ngắn dựa trên hệ thống điện tín không dây mà Guglielmo Marconi đang triển khai. Morgan đã đồng ý cấp cho Tesla 150.000 USD để xây dựng hệ thống đó, đổi lại ông được kiểm soát 51% bằng sáng chế. Gần như ngay sau khi hợp đồng được ký kết, Tesla quyết định mở rộng quy mô cơ sở để tiến hành cả ý tưởng truyền tải điện không dây trên mặt đất nhằm biến những gì mình đang ấp ủ trở thành một hệ thống có tính cạnh tranh hơn. Morgan xem xét những thay đổi và cân nhắc khoản tiền Telsa xin bổ sung – một hành động vi phạm hợp đồng – và quyết định từ chối tài trợ cho những thay đổi đó. Vì không có vốn đầu tư bổ sung, dự án tại Wardenclyffe đã bị bỏ ngỏ vào năm 1906 và không bao giờ thành hiện thực.

Hệ thống tàu điện ngầm London
Năm 1902, Morgan chịu một thất bại kinh doanh hiếm hoi khi ông cố gắng thử sức ở lĩnh vực tàu điện ngầm tại London. Ông trùm ngành vận tải Charles Tyson Yerkes đã ra tay cản trở Morgan xin giấy phép của quốc hội để xây dựng một dự án tàu điện ngầm có thể cạnh tranh với hệ thống Yerkes đang quản lý. Morgan coi hành động của Yerkes là “sự giả dối và âm mưu lớn nhất mà tôi từng nghe". [sic]

International Mercantile Marine
Năm 1902, J.P. Morgan & Co. tài trợ thành lập Công ty International Mercantile Marine (IMMC), một công ty vận tải biển xuyên Đại Tây Dương, khai thác một số tuyến đường lớn của Mỹ và Anh. IMMC là một công ty cổ phần lớn, với các công ty con nằm trong các công ty con. Morgan nuôi mộng thống trị ngành vận tải xuyên Đại Tây Dương thông qua các ban giám đốc và các thỏa thuận hợp đồng ràng buộc lẫn nhau giữa các công ty đường sắt, nhưng điều đó tỏ ra không khả thi do bản chất khó dự báo của giao thông vận tải biển, luật chống độc quyền của Mỹ và một thỏa thuận với chính phủ Anh. Một trong những công ty con của IMMC là White Star Line – công ty sở hữu RMS Titanic. Năm 1912, một năm trước khi Morgan qua đời, vụ đắm con tàu nổi tiếng này trở thành thảm họa tài chính cho IMMC, khiến công ty này buộc phải nộp đơn xin bảo hộ phá sản vào năm 1915. Phân tích các hồ sơ tài chính cho thấy IMMC chịu chênh lệch nợ quá lớn và thiếu dòng tiền mặt khiến nó vỡ nợ khi thanh toán lãi trái phiếu. Hồi sinh nhờ Thế chiến I, IMMC cuối cùng tái nhập vào United States Lines nhưng bị phá sản vào năm 1986.

Các tập đoàn của Morgan
Từ 1890-1913, J.P. Morgan and Co. thành lập 42 công ty lớn hoặc bảo lãnh toàn bộ hoặc một phần chứng khoán của các công ty này.

Các công ty công nghiệp
John Pierpont Morgan
* American Bridge Co.
* American Telephone & Telegraph
* Associated Merchants
* Atlas Portland Cement Co.
* Boomer Coal & Coke
* Federal Steel Co.
* General Electric
* Hartford Carpet Corp
* Inspiration Consolidated Copper Co.
* International Harvester
* International Mercantile Marine
* J. I. Case Threshing Machine
* National Tube
* United Dry Goods
* United States Steel Corp

Các hãng đường sắt
* Atchison, Topeka & Santa Fe Railway
* Atlantic Coast Line
* Central of Georgia Railroad
* Chesapeake & Ohio Railroad
* Chicago & Western Indiana Railroad
* Chicago, Burlington & Quincy
* Great Western Railway Chicago
* Chicago, Indianapolis & Louisville Railroad
* Elgin, Joliet & Eastern Railway
* Erie Railroad
* Florida East Coast Railway
* Hocking Valley Railway
* Lehigh Valley Railroad
* Louisville & Nashville Railroad
* New York Central System
* New York, New Haven & Hartford Railroad
* New York, Ontario & Western Railway
* Northern Pacific Railway
* Pennsylvania Railroad
* Pere Marquette Railroad
* Reading Railroad
* St. Louis & San Francisco Railroad
* Southern Railway
* Terminal Railroad Association of St. Louis

Những năm cuối đời
J.P. Morgan, Edward Steichen chụp năm 1903
Sau cái chết của cha mình vào năm 1890, Morgan tiếp quản J.S. Morgan & Co. (đổi tên thành Morgan, Grenfell & Co. vào năm 1910). Năm 1900, Morgan bắt đầu thảo luận với Andrew Carnegie và Charles M. Schwab, chủ tịch của Carnegie Co. về ý định mua lại doanh nghiệp này và một số doanh nghiệp sắt thép khác để hợp nhất chúng tạo thành United States Steel Corp. Carnegie đồng ý bán công ty cho Morgan với giá 480 triệu USD. Vụ mua bán này thực hiện mà không có luật sư và không có hợp đồng bằng văn bản nào. Tin tức về việc hợp nhất đến tai báo chí vào giữa tháng 1 năm 1901. U.S. Steel được thành lập vào cuối năm đó và là công ty tỷ đô đầu tiên trên thế giới với vốn ủy quyền trị giá 1,4 tỷ USD. 

Morgan là thành viên của Union Club tại thành phố New York. Khi người bạn của ông, chủ tịch John King của Erie Railroad, ngấm ngầm bị khai trừ khỏi câu lạc bộ này, Morgan cũng xin ra và thành lập Metropolitan Club ở New York. Ông ủng hộ bằng việc bán lại khu đất trên Đại lộ 5 và Phố 60 với giá 125.000 USD, và yêu cầu Stanford White "... xây dựng cho tôi một câu lạc bộ phù hợp với các quý ông, không phải lo lắng về chi phí..." Ông mời King gia nhập với tư cách thành viên sáng lập và là Chủ tịch câu lạc bộ từ năm 1891 tới năm 1900.

Đời sống cá nhân
Hôn nhân và con cái
Năm 1861, Morgan kết hôn với Amelia Sturges, còn gọi là Mimi (1835-1862). Một năm sau đó bà qua đời. Ngày 31 tháng 5 năm 1865, ông kết hôn với Frances Louisa Tracy, được gọi là Fanny (1842-1924).
Họ có bốn người con:
* Louisa Pierpont Morgan (1866-1946) kết hôn với Herbert L. Satterlee; (1863-1947)
* J.P. Morgan, Jr. (1867-1943) kết hôn với Jane Norton Grew;
* Juliet Pierpont Morgan (1870-1952) kết hôn với William Pierson Hamilton (1869-1950);
* Anne Tracy Morgan (1873-1952), một nhà từ thiện.

Ngoại hình
Vì căn bệnh trứng cá đỏ (rosacea), Morgan rất ghét chụp ảnh. 

Vóc dáng của Morgan thường gây ấn tượng mạnh cho mọi người; có người nói rằng một lần Morgan ghé thăm lại khiến ông ta cảm thấy "như một cơn gió mạnh thổi qua ngôi nhà." Morgan trông cao lớn với bờ vai rộng, đôi mắt sắc và sáng, và một cái mũi luôn tím tái (vì căn bệnh ngoài da mãn tính) Ai cũng biết ông không thích lộ diện và ghét bị chụp ảnh. Vì căn bệnh trứng cá đỏ, tất cả các bức chân dung của ông đều đã được chỉnh sửa lại. Chiếc mũi biến dạng của ông là do căn bệnh gọi là rhinophyma (mũi sư tử), có thể cũng là do bệnh trứng cá đỏ gây ra. Trong tình trạng nặng hơn, lỗ, các nốt, các vết nứt, rãnh, và vết sùi sẽ làm lệch mũi. Điều này khiến người ta nghĩ ra câu chế nhạo ông: "Johnny Morgan's nasal organ has a purple hue." ("mũi Johnny Morgan màu tím.") Ông có thể làm phẫu thuật để cạo đi mô bã nhờn sùi trên mũi, nhưng khi còn bé Morgan từng bị chứng co giật, và con rể của ông là Herbert L. Satterlee đoán rằng ông không muốn phẫu thuật mũi mình vì e ngại các cơn động kinh sẽ trở lại. Sự tự tin trong sự nghiệp và vai trò xã hội của ông đủ lớn để xóa nhòa chiếc mũi khiếm khuyết này. Có vẻ như việc ông sẵn sàng thách thức mọi người gặp mình trực tiếp và không e ngại ánh nhìn của họ đã khẳng định tính cách đặc biệt của ông vượt qua sự xấu xí của khuôn mặt. Morgan hút hàng chục điếu xì gà mỗi ngày và thích xì gà Havana cỡ lớn, được những người ưa chuộng gọi là Câu lạc bộ của Hercules.

Tôn giáo
Morgan là thành viên trọn đời của Giáo hội Anh giáo (Episcopal), và vào năm 1890 là một trong những nhà lãnh đạo có ảnh hưởng nhất của giáo hội này. Ông là thành viên sáng lập của Church Club of New York, một hội riêng của các thành viên Anh giáo ở Manhattan.

Quê hương
Quang cảnh sáng sớm (khoảng năm 1855) tại 229, 225 và 219 Đại lộ Madison trước khi con đường được trải nhựa

Nhà của ông tại 219 Đại lộ Madison được xây dựng vào năm 1853 bởi John Jay Phelps và được Morgan mua năm 1882. Nó đã trở thành hộ gia đình cá nhân đầu tiên có điện ở New York. Hứng thú của ông đối với những công nghệ mới là kết quả của gói tài trợ cho công ty Edison Electric Illuminating Co. của Thomas Alva Edison vào năm 1878. Đây cũng là nơi tổ chức tiệc chiêu đãi 1.000 khách trong lễ thành hôn của Juliet Morgan và William Pierson Hamilton vào 12 tháng 4 năm 1894 khi họ được Morgan tặng cho chiếc đồng hồ ông yêu thích nhất. Morgan cũng sở hữu đảo East Island ở Glen Cove, New York, nơi ông có một biệt thự nghỉ dưỡng lớn.

Chèo thuyền
Du thuyền Corsair của J.P. Morgan, sau này được chính phủ Mỹ mua lại và đổi tên thành USS Gloucester để phục vụ trong chiến tranh Tây Ban Nha-Mỹ. Ảnh do J.S. Johnston chụp.

Là một người luôn thích sưu tập du thuyền, Morgan sở hữu một vài du thuyền lớn. Câu nói nổi tiếng, "Bạn hỏi giá tức là bạn không đủ tiền mua nó rồi" thường được cho là câu trả lời của Morgan khi được hỏi về chi phí duy trì một chiếc du thuyền, mặc dù độ chính xác của câu chuyện chưa được xác thực. 

Morgan đã có kế hoạch lên chuyến khởi hành của con tàu xấu số RMS Titanic, nhưng lại hủy bỏ vào phút chót, quyết định ở lại khu nghỉ mát ở Aix-les-Bains, Pháp. White Star Line, công ty vận hành tàu Titanic, cũng thuộc công ty International Mercantile của Morgan. Ông còn có phòng và boong đi dạo riêng trên tàu. Trả lời về vụ đắm tàu ​​Titanic, Morgan thẳng thắn khẳng định, "Mất mát tiền bạc không là gì trong đời. Mất đi cuộc sống mới là điều đáng nói. Cái chết mới đáng sợ."

Nhà sưu tầm
Morgan là nhà sưu tập nổi tiếng trong lĩnh vực sách, tranh ảnh, đồng hồ và các tác phẩm nghệ thuật khác, rất nhiều trong số đó được cho mượn hoặc tặng cho bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan Museum of Art (nơi ông là chủ tịch và đóng vai trò quan trọng trong việc thành lập bảo tàng), và rất nhiều tác phẩm được đặt tại nhà riêng ở London và trong thư viện riêng của ông trên Phố 36, gần Đại lộ Madison thành phố New York. Năm 1924, con trai ông, J.P. Morgan, Jr., đã biến thư viện riêng của gia đình Pierpont Morgan Library thành một tổ chức cho cộng đồng để tưởng nhớ cha mình, và để bà thủ thư Belle da Costa Greene làm giám đốc đầu tiên của thư viện này. Rất nhiều nghệ sĩ đã vẽ chân dung Morgan, bao gồm Peru Carlos Baca-Flor và Swiss-sinh American Adolfo Müller-Ury. Müller-Ury cũng vẽ một bức chân dung Morgan với đứa cháu yêu quý của ông, Mabel Satterlee, bức tranh được đặt tại ngôi biệt thự Satterlee trong vòng vài năm nhưng bây giờ đã biến mất. Morgan là nhà bảo trợ của American Museum of Natural History, the Metropolitan Museum of Art, Groton School, Harvard University (đặc biệt là trường y), Trinity College, Lying-in Hospital of the City of New York, và các trường kinh doanh ở New York.

Nhà sưu tập đá quý
Đá quý Mỹ trong bộ sưu tập của Morgan
Đầu thế kỷ 20, Morgan là một trong những nhà sưu tập đá quý quan trọng nhất của Mỹ, sở hữu bộ sưu tập đá quý giá trị nhất ở Mỹ cũng như châu Mỹ (hơn 1.000 viên đá quý). Dưới thời của chuyên gia thẩm định chính là George Frederick Kunz, Tiffany & Co. đã tập hợp được bộ sưu tập đầu tiên của Morgan. Năm 1889, bộ sưu tập này được trưng bày tại Hội chợ Thế giới ở Paris, giành được hai giải Vàng và thu hút sự chú ý của các học giả tầm vóc, giới khắc đá quý và công chúng nói chung. 

George Frederick Kunz tiếp tục xây dựng một bộ sưu tập thứ hai, thậm chí còn đẹp hơn bộ thứ nhất và trưng bày tại Paris vào năm 1900. Những bộ sưu tập này đã được tặng cho American Museum of Natural History ở New York, nơi chúng được gọi là các bộ sưu tập của Morgan-Tiffany và Morgan-Bement. Năm 1911, Kunz đặt tên cho viên ngọc mình mới tìm được bằng tên vị khách hàng tuyệt vời nhất của mình: morganite.

Nhiếp ảnh
Morgan là người bảo trợ cho nhiếp ảnh gia Edward S. Curtis. Năm 1906, ông tài trợ cho Curtis 75.000 USD để chụp một loạt bài về người dân bản địa Bắc Mỹ. Curtis sau đó xuất bản một tác phẩm dài 20 tập mang tên The North American Indian. Curtis còn sản xuất một bộ phim điện ảnh mang tên In the Land of the Hunters Head (1914), đã được làm lại vào năm 1974 và phát hành với tên gọi In the Land of the War Canoes. Curtis cũng nổi tiếng với màn trình diễn The Indian Picture Opera vào năm 1911, trong đó kết hợp việc trình chiếu hình ảnh của mình với các bản nhạc của nhà soạn nhạc Henry F. Gilbert.

Qua đời
J.P. Morgan Library & Art Museum
Morgan đã qua đời khi đang đi du lịch nước ngoài vào ngày 31 tháng 3 năm 1913, ngay trước sinh nhật lần thứ 76. Ông qua đời khi đang ngủ tại Grand Hotel, Rome, Italy. Phố Wall treo cờ rủ, và như nghi lễ thường dành cho nguyên thủ quốc gia, thị trường chứng khoán đóng cửa trong hai giờ khi ông được đưa qua thành phố New York. Ông được chôn cất tại Nghĩa trang Cedar Hill tại quê nhà Hartford, Connecticut. Con trai của ông, John Pierpont "Jack" Morgan, Jr., kế thừa sự nghiệp kinh doanh ngân hàng. Ông để lại biệt thự của mình và bộ sưu tập sách lớn cho Morgan Library & Museum ở New York. 

Khi qua đời, ông chỉ nắm giữ 19% giá trị tài sản của mình, số bất động sản trị giá 68,3 triệu USD (1,39 tỷ USD tính theo chỉ số CPI, hoặc 25,2 tỷ USD tính theo tỷ lệ tương đối trong GDP), trong đó có số cổ phần trị giá khoảng 30 triệu USD tại các ngân hàng New York và Philadelphia. Giá trị của bộ sưu tập nghệ thuật của ông được ước tính khoảng 50 triệu USD.

Di sản
Con trai ông, J.P. Morgan, Jr., đã tiếp quản việc kinh doanh sau khi cha mình qua đời, nhưng không bao giờ có tầm ảnh hưởng như cha. Theo quy định của Đạo luật Glass-Steagall năm 1933, J.P. Morgan & Co. (House of Morgan) đã tách thành ba: J.P. Morgan & Co., mà sau này trở thành Morgan Guaranty Trust; Morgan Stanley, một công ty đầu tư thành lập bởi Henry Sturgis Morgan cháu trai của ông; và Morgan Grenfell ở London, một công ty chứng khoán nước ngoài. 

Loại đá quý morganite được đặt tên để vinh danh ông.

Cragston Dependencies, cùng với khu bất động sản Cragston (ở Highlands, New York) của ông, đã được ghi nhận là di tích lịch sử quốc gia vào năm 1982.

Nghệ thuật đại chúng
Trong cuốn thứ 2 mang tên 1919 thuộc bộ ba cuốn tiểu thuyết với tiêu đề U.S.A của nhà văn John Dos Passos, tiểu sử về Morgan viết theo phong cách văn học đương đại được sử dụng như biểu tượng cho môi trường tài chính ở Mỹ sau Thế chiến I.
* Morgan xuất hiện với tư cách một nhân vật trong tiểu thuyết The Alienist của Caleb Carr, và tiểu thuyết The Ghosts of Watt O'Hugh của Steven S. Drachman,.
* Morgan được tin là hình tượng cho nhân vật Walter Parks Thatcher (do George Coulouris thủ vai), bảo trợ cho Citizen Kane hồi trẻ (phim của đạo diễn Orson Welles) người mà ông không mấy hòa hợp - Kane đổ lỗi Thatcher đã hủy hoại thời thơ ấu của mình.
* Theo Phil Orbanes, Phó Chủ tịch của Parker Brothers, J.P. Morgan chính là hình mẫu cho trò chơi Monopoly, Rich Unucle Pennybags phiên bản Mỹ.
* Sự nghiệp của Morgan cũng là nội dung nổi bật trong tập ba và bốn của series phim “Những con người làm nên nước Mỹ” The Men Who Built America trên kênh History Channel.

Phương Thùy
Wikipedia English


Tags: book

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc