Không cần thiết phải "lấy làm tiếc" về Phát biểu của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long

shared from fb Anh Pham,
-----
(nguyên gốc đoạn văn của) Lee Hsien Loong

Wrote to Thai PM Prayut Chan-o-Cha to express my condolences on the passing of former Thai PM and President of the Privy Council, General Prem Tinsulanonda.

A capable and immensely respected leader, General Prem served Thailand with great distinction. As PM, he steered Thailand through a period of democratic development. Later he was appointed to the Privy Council, and was a trusted source of advice and counsel to the late King Bhumibol, and successive military and civilian governments.

His leadership also benefited the region. His time as PM coincided with the ASEAN members (then five of us) coming together to oppose Vietnam’s invasion of Cambodia and the Cambodian government that replaced the Khmer Rouge. Thailand was on the frontline, facing Vietnamese forces across its border with Cambodia. General Prem was resolute in not accepting this fait accompli, and worked with ASEAN partners to oppose the Vietnamese occupation in international forums. This prevented the military invasion and regime change from being legitimised. It protected the security of other Southeast Asia countries, and decisively shaped the course of the region.

General Prem was a good friend of Singapore. Mr Lee Kuan Yew worked closely with him and had deep respect for him as a statesman. He strengthened relations between Singapore and Thailand, forming a strong and enduring partnership.

I met General Prem several times. When I called on him in Bangkok in 1999 and 2000, he was gracious with his hospitality and counsel.

General Prem will be greatly missed by the people of Thailand and all who knew him. – LHL
-----
Ý kiến của mình về những phản ứng mạnh mẽ của bạn bè Việt Nam về phát biểu của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long về việc Việt Nam "invade" (xâm lược) và "occupy" (chiếm đóng) Campuchia.

Thứ nhất là các hiểu lầm về tiếng Anh.

Các bạn học Tiếng Anh Bạn Gấu với mình năm vừa rồi có lẽ còn nhớ
có lần mình dành nguyên một bài để nói về nội hàm của khái niệm tiếng Anh và cách mà nội hàm của hai khái niệm tương đương lại không chồng lấn - và mình cảnh báo, với chính ví dụ của từ invade mà chúng ta quen dịch là "xâm lược" này - rằng không thể có một quy chiếu 1-1 giữa hai khái niệm.

Ngôn ngữ nào cũng có những khái niệm mà hàm ý rộng lớn hơn khái niệm (tức là nội hàm rộng hơn ngoại diên - xin lỗi nếu như mình dùng khái niệm sai). Ở những nơi xung đột lâu dài, nơi môi trường bị chính trị hóa thì ngôn từ cũng hay bị chính trị hóa theo khiến từ ngữ bị mất dần đi ý nghĩa nguyên thủy và trở nên đầy hàm ý về chính trị (politically charged). Ví dụ trong tiếng Việt có rất nhiều, các bạn nghĩ thoáng là ra. Là người dịch mình phải ý thức được những thứ khái niệm tương đương về định nghĩa nhưng hàm chứa những yếu tố lịch sử khác nhau: cùng là từ worker tiếng Anh có người dịch thành thợ thuyền, người khác dịch thành công nhân - một sự lựa chọn bình thường có thể gây phản ứng khó chịu bất thường trong người khác khiến cho người chỉ biết worker là worker đứng hình không hiểu tại sao.

Trong trường hợp này, lớp chúng ta đã quen nghe trong mấy chục năm vừa rồi "xâm lược" là thứ rất xấu, rất đáng ghê tởm. Chúng ta quen với việc kẻ thù (giặc ngoại xâm) đến xâm lược đất nước ta, xâm lăng tổ quốc ta, xâm chiếm quê hương ta. Xâm lược là hành động đáng ghê tởm của những kẻ hiếu chiến và độc ác, bọn táng tận lương tâm và chúng ta là nạn nhân của những kẻ đó: từ người Pháp, người Nhật, người Mỹ, cho đến người Tầu vv.

Xâm lược, theo định nghĩa gốc, chỉ có nghĩa là đưa quân vào một vùng đất nào đó. Invade trong tiếng Anh cũng chỉ có nghĩa là đưa quân đội vào vùng nào đó. Invade và occupy trong tiếng Anh HOÀN TOÀN không có hàm chứa một sự đánh giá về giá trị, về đạo đức, quan hệ nạn nhân với kẻ thủ ác.

Một bạn Việt Nam phản đối trong status của Thủ tướng Lý Hiển Long có viết: Vietnam DIDN'T INVADE...Câu này dịch sang tiếng Việt sẽ là: Việt Nam không hề xâm lược..Ý của bạn ấy là quân đội Việt Nam đã giải phóng người Campuchia. Nhân tiện nói luôn thì "giải phóng" cũng là một khái niệm có nội hàm lạ tương tự. Ví như khi chúng ta nghe người Trung Quốc nói là họ "giải phóng" Tây Tạng thì chúng ta phản ứng ngay và nói là họ đã "xâm lược và chiếm đóng" Tây Tạng chứ giải phóng gì đâu.

Câu Vietnam didn't invade Cambodia nghe bằng tiếng Anh rất là lạ bởi vì nghe giống như một người hoàn toàn dốt về lịch sử nói. Invade chỉ có nghĩa là đưa quân đội vào trong tiếng Anh - vậy chẳng lẽ chúng ta có thể tin là người kia biết lịch sử khi bạn ấy không biết là Việt Nam có đưa quân vào Campuchia và quân đội có ở lại (occupy) Campuchia trong nhiều năm? Người chỉ biết tiếng Anh mà không biết tiếng Việt, hay không biết những yếu tố lịch sử, cảm xúc, tình cảm của vấn đề Campuchia với người Việt Nam ta hôm nay sẽ cảm thấy rất bối rối không hiểu tại sao lại có việc phủ nhận hoàn toàn lịch sử như vậy.

Mọi người có thể thấy vài ví dụ trong tiếng Anh. Cuộc đổ bộ của quân Đồng minh lên bãi biển Normandy là điểm son trong chiến tranh thế giới thứ Hai dẫn đến sự sụp đổ của phát xít Đức. Trong tiếng Anh người ta cũng gọi nó là The Normandy Invasion - mà nếu dịch ra tiếng Việt sẽ là cuộc xâm lược Normandy, hàm ý là bọn xâm lược là bọn xấu xa. Các lực lượng Mỹ đóng quân ở Nhật Bản hay châu Âu sau Thế chiến cũng được gọi kể cả trong văn bản chính thức là Occupation Forces - các lực lượng chiếm đóng. Hai ví dụ này là bằng chứng để mọi người hiểu và bình tĩnh lại khi phản ứng quá mạnh mẽ với những từ ngữ không có chung nội hàm trong các ngôn ngữ.

Nếu ông Lý Hiển Long nói bằng tiếng Việt là Việt Nam xâm lược và chiếm đóng (hàm ý bất hợp pháp) Campuchia thì chúng ta nên phản đối chứ nếu ông ta nói Vietnamese invasion and occupation of Cambodia thì câu chữ không không hề có hàm ý gì khiến chúng ta phải bận tâm cả.

Edit: Mình cũng cấp cho mọi người một ví dụ về tương tự như invade và xâm lược.

Xưa có chuyện anh học trò trường Tây thuộc địa bị giám thị Việt Nam phạt vì dám gọi Hiệu trưởng Tây là thằng. Nhưng để phạt được thì phải ghi lý do bằng tiếng Pháp. Giám thị Việt ghi là: Trò này mắc tội gọi Hiệu trưởng là "IL" (ông ta, y ta, hắn ta, thằng ấy, thằng cha ấy, gã ấy, kẻ ấy, cậu ấy, anh ấy, em trai ấy...) Biến đổi đại từ xưng hô trong tiếng Việt là cách chúng ta bày tỏ thái độ nhưng trong các ngôn ngữ mà đại từ chỉ ngôi chỉ có tác dụng để xưng hô chứ ít có tác dụng bày tỏ sự tôn trọng hay thiếu tôn trọng thì dịch như thế kia khiến Hiệu trưởng Pháp bối rối y như ông Lý Hiển Long, không hiểu được là tại sao gọi ông ta là "IL" lại có thể là tội.

Edit 2: Vậy giải pháp là gì?

Mình sẽ dịch: Việc Việt Nam đưa quân vào và đóng quân ở Campuchia trong 10 năm....

Cách dịch đó ngăn ta gán vào miệng ai đó một ý nào đó mà người ta có thể nhưng cũng có thể không định nói. Chán nhất là mình gán cho người ta cái ý mà người ta không định nói hay cứ bắt người ta phải nhận cái ý mà "tôi biết tỏng như đi guốc trong bụng bà."

Thứ hai là về thái độ của Sing - Thái và Asean nói chung đối với việc Việt Nam đưa quân vào và đóng quân đồn trú ở Campuchia.

Mình 20 tuổi làm phiên dịch cho bác Đại biện Mỹ ở Việt Nam, người đã từng là trợ lý thứ trưởng Ngoại trưởng Hoa Kỳ về Đông Á. Thời đó Campuchia đang chuẩn bị cho tổng tuyển cử 1998 nên khó có thể nói về Việt Nam mà không nói về những biến đổi chính trị ở Campuchia. Sự kiện tổng tuyển cử Campuchia 1998 có những ảnh hưởng sâu sắc đến chính trường Việt Nam mà mình nghĩ phải nhiều nhiều năm nữa người ta mới nói đến. Tuy thế lúc đó là lần đầu mình được tiếp xúc với quan điểm có phần chính thức của Mỹ về vấn đề Campuchia - về tòa án xử lãnh tụ Khmer Đỏ vv. Lớn lên luôn tự hào về việc Việt Nam làm nghĩa vụ quốc tế cao cả giải phóng người Campuchia khỏi nạn diệt chủng - mình không thể tin được có ai đó lại nghĩ khác với mình coi việc Việt Nam đưa quân vào Campuchia là "xâm lược" hay "chiếm đóng". Những trò chuyện chính sách mình nghe được lúc đó cho thấy có sự miễn cưỡng từ phía Mỹ với mọi vấn đề mà Việt Nam muốn thúc đẩy trong nghị trình Campuchia, với một lăng kính mà lúc đó mình thấy là rất ác cảm với hành động hy sinh cao thượng của Việt Nam ở Campuchia.

Nhiều nhiều năm sau mình đã học được cách cố hiểu được tại sao những đối tác kia, hoàn toàn là người bình thường tốt tính, lại nghĩ khác mình về một vấn đề tưởng như trắng đen rất rõ ràng. Và mình hiểu ra là những đau khổ của người dân Campuchia có gốc rễ và hậu quả nguồn cơn chính trị khiến người dân thường Việt Nam chúng ta cũng phải điêu đứng theo. Hoàn cảnh lịch sử khiến chúng ta trở thành giao diện của những tính toán chính trị chủ lưu toàn cầu lúc đó. Campuchia là chiến trường của ý thức hệ nơi những đau đớn mạng người không gợi ra nổi dù chỉ một cái chau mày ở Washington DC hay Moskva hay Bắc Kinh hay có thể nói e dè là ở nhiều nơi khác nữa. Chúng ta hôm nay là những người có gắn bó tình cảm vì chúng ta như một tập hợp đã phải trả giá cho xung đột Campuchia bằng mạng những người thanh niên và cơ hội phát triển của đất nước. Chúng ta chắc chắn phải phản ứng mạnh mẽ khi ai đó nói ra ý những mất mát của chúng ta là vô ích hay lại là có hại. Nói thế đối với chúng ta là tột cùng của sự khinh thường, và việc đó chúng ta không tha thứ được.

Singapore hay Thái Lan thời đó đi theo phe Mỹ, và Trung Quốc cũng chọn ủng hộ Khmer Đỏ để đối phó với Liên Xô và Việt Nam. Trong ván bài chính trị lớn đó, con tốt nào ít giá trị nhất sẽ bị thí đầu tiên. Các con tốt Campuchia bị thí trước và chúng ta, để ngăn ngừa việc chúng ta trở thành tốt thí thứ hai, phải phản ứng bằng hành động đưa quân đội ra nước ngoài trong thời gian dài - một việc hiếm có tiền lệ trong lịch sử. Nhưng nếu muốn quan sát bàn cờ tổng quát của thế giới lúc đó đôi khi chúng ta phải tạm quên mình là người Việt Nam để hiểu cách hành xử của các quân xe pháo mã khác. Nhìn từ góc độ của những người từng bị đau khổ thì đúng là phản ứng mạnh mẽ này ta có thể hiểu được.

Edit 3: Bạn bè có nhận xét là về câu chữ thì mình có thể nói đúng về ông Lý dùng từ trung dung nhưng về ý tứ thì rõ ràng ông ta nói về ý xâm lược, phê bình việc Việt Nam đưa quân vào và ở lại Campuchia.

Việc này là việc bình thường theo hai cách. Một, ông Lý không cần nói mình cũng biết là ông nghĩ thế. Hai, việc ông ta hay ai khác nghĩ thế cũng là việc rất bình thường.

Chúng ta không thể nào mà đòi mọi người trên thế giới phải đồng tình với chúng ta hết được. Thay vì việc bắt người ta phải đồng ý với ta, ta nên vượt qua cú sốc và hỏi tại sao người ta lại không đồng ý với với ta. Hỏi thế không làm thay đổi quan điểm của ta nhưng lại giúp ta hiểu thêm nhiều về "địch".

Mình không thích cách nhiều người cứ khăng khăng cho là họ đúng hết, độc quyền chân lý về việc này. Ông Lý có thái độ của ông ấy, cái gì quyết định thái độ đó chúng ta nên hỏi. Thái độ đó liên quan thế nào đến việc nước Sing giờ có thu nhập đầu người hạng nhất thế giới và mạng người Sing được coi là quý giá trong khi chúng ta vẫn ở đây nhét chữ vào mồm nhau?

Hiểu được thế nên mình nghĩ rất nhiều về cách làm sao để nâng cao giá trị mạng sống của mỗi người Việt Nam, làm sao để không phải cứ có ván cờ người là chúng ta tức khắc bị phân vai tốt thí hay tốt cứu tốt thí.

18 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc