Vì sao Ba Lan có nhiều thị trấn bị ô nhiễm đến vậy?

Photo by Myles Tan on Unsplash.

Đốt than tại nhà là thủ phạm chính.

ngày 13 tháng 12, năm 2018

nguồn: the economist, Bích Nhàn dịch,

Các nhà lãnh đạo thế giới đã hội kiến tại thành phố Katowice, phía tây nam Ba Lan trong tuần này để chuẩn bị cho hội nghị về biến đổi khí hậu (COP24) của Liên Hợp Quốc. Với mục tiêu giảm thiểu cacbon hóa trong chương trình nghị sự, việc chọn tổ chức tại thành phố Katowice – trung tâm của một quốc gia khai thác than - là một lựa chọn gây bất ngờ. Công ty than cốc lớn nhất châu Âu là một trong những nhà tài trợ cho sự kiện và những vị khách mời được chào đón nồng nhiệt bởi một nhóm nhạc có thành viên là những người thợ mỏ. Thành phố có 300.000 dân này là một trong những nơi ô nhiễm nhất ở châu Âu. Và nó không hề đơn độc ở Ba Lan. Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới, trong 50 thị trấn ô nhiễm nhất châu Âu (tính theo chỉ số PM2.5, hay bụi siêu vi) thì đất nước này chiếm tới 36. Đầu năm nay, Tòa án Công lý Liên minh châu Âu đã ra phán quyết rằng Ba Lan đã “liên tục vượt quá” những giới hạn quy định về lượng khí thải trong không khí.

Nguyên nhân chính là từ
than. 80% lượng điện Ba Lan đến từ loại vật liệu này, nó được sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu từ Nga. Ngày 4 tháng 12, Ba Lan kỷ niệm Ngày truyền thống công nhân vùng mỏ, Tổng thống Andrzej Duda phát biểu rằng ông “sẽ không cho phép bất kỳ ai giết chết ngành khai thác mỏ của Ba Lan”. Ông đã tuyên bố tại buổi khai mạc COP24 rằng việc sử dụng than của Ba Lan “không gây mâu thuẫn gì với việc bảo vệ khí hậu”. Dưới sức ép của Liên minh châu Âu về việc cắt giảm lượng khí thải carbon, chính phủ nước này đang đặt mục tiêu năng lượng sử dụng lấy từ than xuống còn 60% vào năm 2030, lượng thiếu hụt được bổ sung bằng năng lượng gió và năng lượng hạt nhân.

Than đốt trong các hộ gia đình là chất gây ô nhiễm chính ở các thị trấn Ba Lan. Theo văn phòng thống kê của nước này, khoảng một nửa số hộ gia đình đốt nhiên liệu rắn, chủ yếu là than cứng hoặc củi, để sưởi ấm. Các nguồn phi công nghiệp (hay phần chính là các hộ gia đình) chiếm gần một nửa lượng phát thải bụi siêu vi PM2.5 của Ba Lan trong năm 2016 (hơn 20% đến từ công nghiệp, 9% từ sản xuất năng lượng và 7% từ giao thông vận tải) và 45% lượng phát thải bụi PM10 (các chất dạng hạt lớn hơn). Ở những nơi như Slovakia và Hungary, khí đốt tự nhiên đóng vai trò rất quan trọng trong việc sưởi ấm. Thêm vào đó, nhiên liệu đốt ở Ba Lan không phải lúc nào cũng đạt chất lượng cao nhất. Để tiết kiệm tiền, một số người đốt than thải và bùn. Những người khác còn đốt cả rác, đó là điều bất hợp pháp.

Điều kiện kinh tế là một phần của vấn đề. Dựa trên dữ liệu năm 2016, ước tính 12% người Ba Lan trong tình trạng “nghèo năng lượng” - hay nói cách khác là họ khó có thể đáp ứng nhu cầu năng lượng của mình. Ở những làng quê, nơi người dân sống trong những ngôi nhà biệt lập và thường không có cơ hội được tiếp cận với hệ thống sưởi của thành phố, thì con số này có thể lên tới 20%. Năm nay, chính phủ đã phát động chiến dịch “Ngăn chặn khói bụi” nhằm giúp người nghèo Ba Lan hiện đại hóa hệ thống cách nhiệt cho nhà của họ, từ đó giảm mức tiêu thụ năng lượng. Với ngân sách hơn 100 tỷ złoty (23 tỷ euro), các hộ gia đình sẽ được trợ cấp tới 90% chi phí. “Chúng tôi nhận ra rằng chúng tôi đang bù đắp cho nhiều năm trì hoãn sự văn minh”, Thủ tướng Mateusz Morawiecki phát biểu. Các quy định được mong đợi từ lâu sẽ thực thi lệnh cấm than chất lượng kém từ các hộ gia đình vào năm 2020, giống như đã thực hiện ở một số thành phố. Tuy nhiên, hiện giờ Ba Lan vẫn đang phải chịu một mùa đông mù sương và khói bụi nữa.

Tags: poland

3 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc