Nghề phổ biến nhất và được ưa chuộng nhất trong xã hội Việt Nam hiện nay

-----
Trong các vụ đâm chém tù tội ở VN gần đây có rất nhiều vụ liên quan tới các khoản nợ nần, mà nguyên nhân là con nợ không chịu trả tiền.

Nhiều chủ nợ phải đi tù khi tìm cách siết nợ hay thuê người siết nợ (và dính các tội cưỡng đoạt tài sản, hay cướp tài sản hay bắt giữ người trái pháp luật...). Điều bi hài kịch ở đây là sau khi sự việc xảy ra, chủ nợ thường đi tù còn con nợ thì nghiễm nhiên không phải lo trả nợ (có khi lại còn được chủ nợ van vỉ xin đóng thêm tiền để con nợ bãi nại...) Và cũng có không ít vụ chém giết nhau, như chủ nợ giết con nợ, hay đôi khi ngược lại, con nợ giết chủ nợ đi đòi.

Một vấn đề ở đây chính là sự vô hiệu lực của pháp luật trong giải quyết mối quan hệ này. Khi nợ nần xảy ra thì không ai sử dụng tới tòa án cả. Tòa án hoàn toàn vô hiệu không chỉ vì quá trình kiện tụng tốn kém và thường là vô ích mà còn ở khả năng thực thi án của tòa cũng gần như bằng không. Pháp luật VN nhìn chung vẫn theo hướng bảo vệ lợi ích của con nợ hơn là chủ nợ (không rõ có phải là tàn dư của một tư duy cũ kỹ của Cộng sản là những người đi vay nợ thường là nghèo khổ, giai cấp bị áp bức còn bọn cho vay thì là bọn tư sản, bóc lột..). Trong khi đó ở các nước phương Tây, nếu nhìn vào lịch sử có những giai đoạn như ở thế kỷ 19, một trong những tội trạng phổ biến nhất là tội không trả được nợ, và đây là tội hình sự: người không trả được nợ sẽ bị phát mại tài sản và nếu như vẫn không thể nào trả được thì sẽ bị đi tù. Điều này không phải không có lý của nó: nếu như một công dân gian lận trốn thuế có thể bị đi tù thì việc anh ta cố tình trây ì không trả nợ người khác (khi có thể làm được điều đó) lại không bị đối xử theo một cách tương tự? Nếu đọc Dickens, hẳn sẽ không quên được những trang viết mô tả cuộc sống trong các nhà tù nhốt người nợ không có khả năng trả.

Tất nhiên, sang thế kỷ 20 này rồi thì các nước phương Tây không còn bỏ tù người nợ tiền không trả được nữa. Nhưng nói chung, các thể chế của họ vẫn có tính bảo vệ mạnh mẽ về quyền tài sản cũng như khả năng thực thi cao về mặt pháp luật. Trong khi ở VN, nếu không có sự cải cách trong việc xử lý các mối quan hệ vay nợ trong dân chúng thì sẽ còn tiếp tục vô số các câu chuyện về đâm chém, giết người, bắt cóc, tạt a xít, hắt chất bẩn...trên các trang báo lá cải và sẽ còn cơ hội nghề nghiệp cho vô số các giang hồ đòi nợ thuê, một cái nghề giờ đây có lẽ là nghề phổ biến nhất và được ưa chuộng nhất trong giới xã hội?

một nhà tù cho những con nợ ở Anh thế kỷ 19

Bài trước: Cơn khát trái phiếu doanh nghiệp: “Bom” nổ chậm?

4 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc