Găm khẩu trang y tế: Lựa chọn lợi nhuận hay nhân bản?

shared from fb Nguyen Duc Thanh,
-----
CHƯA NÊN QUÁ HĂNG HÁI SỬ DỤNG HỖ TRỢ KINH TẾ VĨ MÔ VÀO LÚC NÀY.

Mặc dù đang tổ chức cho cán bộ đi biển để tránh dịch cúm Corona, nhưng tôi có nghe các phóng viên gọi điện hỏi nhiều về việc nhà nước có nên tung ra các gói hỗ trợ lúc này, hoặc chính sách tiền tệ-tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp.

Tôi không có nhiều thời gian trả lời, chỉ xin trích lại một số đoạn tôi trả lời trên Báo Dân Việt, trong cuộc giao lưu trực tuyến do ký giả Minh Huệ chủ trì, giờ xin đưa lại ở đây. (Nhóm phóng viên gỡ băng rất nhanh và chính xác. Xin cảm ơn.) Mong sẽ có dịp trả lời kỹ hơn sau.

=====
NHÀ NƯỚC NÊN LÀM GÌ LÚC NÀY?

Về vấn đề hỗ trợ của Nhà nước khi dịch virus corona tác động nặng nề đến nền kinh tế, TS Nguyễn Đức Thành cho rằng, khi nền kinh tế xảy ra những rủi ro vĩ mô và bất khả kháng, đối tượng trực tiếp chịu rủi ro là doanh nghiệp. Họ sẽ phải chấp nhận chuyển đổi thị trường, thậm chí chấp nhận thất bại và phục hồi. Tiếp theo đó mới đến các chính sách hỗ trợ của nhà nước.

Nhà nước cần thận trọng khi sử dụng các chính sách hỗ trợ thông qua công cụ vĩ mô như tiền tệ, tài khóa, tín dụng. Hỗ trợ cần trúng và đúng ngành thiệt hại để tránh hiện tượng chảy sang các ngành khác hoặc hỗ trợ kém hiệu quả.

Thay vì vội vàng trong việc sử dụng các công cụ tài chính, vĩ mô; các cơ quan chức năng nên đánh vào các biện pháp hỗ trợ vi mô trong nội bộ ngành, thị trường nhất định để hỗ trợ, khơi thông trong tổ chức ngành, giúp doanh nghiệp có thêm những giải pháp mới mang tính kỹ thuật và đặc thù của ngành. Các giải pháp vĩ mô mới mang tính hiệu quả hơn cả trong bối cảnh ngành bị tổn thương vì rủi ro nhất định.

Trong 15 năm quan sát những cuộc khủng hoảng tại Việt Nam, tôi khẳng định rằng lạm dụng chính sách vĩ mô có thể giải quyết được các vấn đề tâm lý nhất thời như trấn an người dân nhưng không có nhiều hiệu quả cụ thể trong ngành.

NGÀNH NGÂN HÀNG CÓ NÊN HÀNH ĐỘNG?

Theo TS. Thành, các biện pháp điều chỉnh tỷ giá và lãi suất đều cần thận trọng trong lúc này do có thể tác động đến nhiều ngành khác thay vì ngành bị tổn thương nặng nề hơn như du lịch hay nông sản.

Việc sử dụng công cụ tỷ giá có thể không có giá trị cụ thể trong bối cảnh hiện tại và gây ra tác động đến toàn nền kinh tế.

Sử dụng công cụ tín dụng cần có sự chọn lọc nhất định, vốn cần được bơm vào các doanh nghiệp bị ảnh hưởng cụ thể vì dịch virus Corona (doanh nghiệp du lịch, xuất khẩu nông sản...0). Nhưng vẫn có nguy cơ vốn rò rỉ sang lĩnh vực khác hoặc ngành khác. Do đó, cơ quan nhà nước nên đặc biệt thận trọng trong việc sử dụng các công cụ vĩ mô như vậy. Trong bối cảnh hiện tại, tôi cho rằng các giải pháp vi mô là hiệu quả và cần thiết hơn.
-----
update from fb Vu Thanh Tu Anh,

GĂM KHẨU TRANG Y TẾ: LỰA CHỌN LỢI NHUẬN HAY NHÂN BẢN?

Mấy ngày qua, có nhiều thị phi về tình trạng tăng giá và găm khẩu trang y tế trong bối cảnh đại dịch nCoV ngày một lan rộng. Những người tôn thờ chủ nghĩa thị trường tự do cho rằng việc xử phạt hành vi găm khẩu trang là vi phạm trắng trợn quyền tự do kinh doanh, trong khi nhiều người khác cho rằng đó là hành động cần thiết của chính quyền để trừng phạt hành vi phi đạo đức.

Từ phương diện quản lý kinh tế, tôi không ủng hộ việc xử phạt hành vi găm khẩu trang ở thời điểm này. Chính xác hơn, việc xử phạt này chỉ nên là hành động bất đắc dĩ cuối cùng, khi các lựa chọn khác của chính quyền đã cạn kiệt mà vẫn không đủ để khắc phục thất bại của thị trường và/hoặc khi tình trạng dịch bệnh trở nên cấp bách đến mức khẩu trang trở thành “hàng hóa thiết yếu”, và do vậy buộc phải dùng đến biện pháp bất thường.

Từ phía nhà thuốc, hành vi găm khẩu trang xuất phát từ động cơ lợi nhuận nhờ sự khan hiếm tạm thời về khẩu trang y tế. Nhìn từ góc độ kinh tế, điều này không có gì sai. Nhưng nhìn từ góc độ con người, việc găm hàng để trục lợi từ sự lo lắng và sợ hãi của đồng loại là thiếu nhân bản.

Suy đến cùng, quyền tự do kinh doanh là quyền do luật pháp tạo ra, còn quyền tự do được sống và mưu cầu an toàn là quyền tự nhiên của con người. Nhân danh việc thực hành quyền tự do kinh doanh của mình để hạn chế khả năng thực hiện quyền tự nhiên chính đáng khác của người khác, đặc biệt trong bối cảnh bệnh dịch và sự sợ hãi ngày một lan tràn, là thiếu lương tâm và không nhân bản.

Để ứng phó với tình trạng găm khẩu trang, chính quyền nên làm gì?

Đầu tiên, chính quyền phải nỗ lực hết sức để ngăn chặn và kiểm soát dịch bệnh. Trong quá trình này, quan trọng nhất là tạo được niềm tin nơi người dân bằng cách thông tin chính xác, đầy đủ, và kịp thời cho công chúng về tình trạng bệnh dịch, về những gì mình đã biết và chưa biết, về những gì mình đã làm và sẽ làm – bất kể những tin đó là tốt hay xấu. Niềm tin này sẽ giúp hạn chế sự bất an, từ đó giúp ổn định và kiểm soát tình hình. Khi ấy, nhu cầu khẩu trang sẽ không tiếp tục tăng đột biến, nhờ đó giảm bớt cơ hội và động cơ găm hàng.

Đồng thời, chính quyền cũng phải tìm cách tăng nguồn cung khẩu trang, thông qua hoạt động sản xuất trực tiếp, tạo khuyến khích để khu vực tư nhân tăng sản lượng, và nhập khẩu nếu có thể. Lượng cung dồi dào hơn sẽ thúc đẩy cạnh tranh, qua đó một lần nữa giảm cơ hội và động cơ găm hàng.

Chắc chắn bệnh dịch sẽ trở nên tồi tệ hơn trước khi thuyên giảm, và trong thời gian tới chúng ta sẽ còn phải tiếp tục chung sống với nó. Tôi mong mỗi người chúng ta, nếu không giúp được người khác thì cũng không cố tình làm tổn thương họ, mỗi người hãy hết sức cẩn trọng nhưng không quá sợ hãi để cùng nhau bình tĩnh vượt qua dịch bệnh này.

2 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc