"Boris Godunov" - Nhà hát Bolshoi

8.4

Boris Godunov (Борис Годунов),

Câu chuyện bi tráng, tấn hài kịch về nỗi thống khổ của xứ Muscovy, của Sa hoàng Boris, và của Grishka Otrepyev (Драматическая повесть, Комедия o настоящей беде Московскому государству, o царе Борисе и о Гришке Отрепьеве), vở bi kịch lịch sử được đại thi hào A. S. Pushkin viết năm 1825 khi nhà thơ bị quản thúc ở trại ấp Mikhailovskoye.
-----
Sơn Phạm dịch,

Cảnh 1
Một đám đông vây quanh Tu viện Novodevichy ở Moskva. Boyar*, Boris Godunov**, đã lui về tu viện sau cái chết của Sa hoàng Fyodor I***, người không có con nối dõi. Việc Boris sẽ được bầu lên ngai vàng là một quyết định từ trước, nhưng ông tỏ ra từ chối ngôi vua vì không muốn bị nghi ngờ là muốn nắm quyền. Được thị vệ sắp xếp trật tự, người dân cầu xin Godunov chấp thuận lên ngôi:
"Đừng bỏ rơi chúng con, Cha ơi,
Đừng để chúng con không nơi nương tựa!"

Nhưng Shchelkalov, Chủ tịch Quốc hội, tuyên bố rằng Boris không xiêu lòng.

Cảnh 2
Quảng trường trước Nhà thờ Assumption ở Điện Kremlin. Tiếng chuông trang nghiêm vang lên — Boris đã chấp thuận và đang được trao vương miện. Nhưng Sa hoàng Boris không vui, ông lòng đầy lo âu:
"Tâm hồn ta nặng trĩu,
Theo bản năng, lo sợ
Một điềm dữ
Quặn đau trái tim ta..."

Bên trong điện Kremlin, tiếng chuông đang vang lên và người dân lại vỡ òa tung hô.

Màn 1
Cảnh 1
Đêm khuya. Một phòng nhỏ trong Tu viện Chudov. Dưới bóng đèn dầu, vị tu sĩ thông thái Pimen đang viết một biên niên sử trung thực về lịch sử nước Nga. Trong biên niên sử của mình, Pimen tiết lộ bí mật về vụ sát hại, do Boris Godunov chủ mưu, đối với hoàng tử Tsarevitch Dimitri****, người "cản bước" ông ta lên ngai vàng. Grigory, một tu sĩ trẻ, cùng phòng với Pimen, tỉnh giấc. Anh ta lắng nghe câu chuyện của Pimen và những lo âu, đam mê và cuồng vọng cuồn cuồn như giông bão phá vỡ sự yên bình của màn đêm. Grigory nảy ra ý định mạo danh Tsarevitch và quyết chiến giành ngôi với Boris.

“Boris! Boris! Mọi người run sợ trước ngươi,
Không ai dám nhắc ngươi
Về số phận của đứa trẻ bất hạnh...
Nhưng vẫn có một ẩn sĩ trong phòng tối
Đang ghi lại bản cáo trạng đanh thép về tội ác của ngươi.
Và ngươi sẽ không thoát khỏi sự phán xét của mọi người,
Cũng như ngươi sẽ không thoát khỏi sự phán xét của thượng đế!"

Cảnh 2
Một quán trọ gần biên giới Litva. Ba tu sĩ hành khất, Varlaam, Missail và Grigory, ghé vào quán trọ. Varlaam, kẻ say rượu và háu ăn, hát bài ca về việc chiếm giữ Kazan*****. Grigory, hỏi bà chủ nhà trọ về đường ngắn nhất đến Litva. Một thị vệ bước vào nhà trọ: theo lệnh của Sa hoàng, anh ta đang truy lùng tu sĩ bỏ trốn, Grigory Otrepiev. Sau khi cố gắng đánh lạc hướng không thành, Grigory nhảy qua cửa sổ trốn thoát.

Màn II
Cảnh 3
Phòng riêng của Sa hoàng ở Điện Kremlin. Tsarevitch Fyodor****** đang xem "Cuốn sách những Bản vẽ Lớn", bản đồ đầu tiên của nước Nga. Ksenia, con gái của Boris, đang ngồi đau buồn trước bức chân dung của vị hôn phu vừa mất, người thừa kế ngai vàng Đan Mạch. Để làm cô vui, bà bảo mẫu già kể cho cô câu chuyện cười. Boris đến và nói chuyện dịu dàng với các con, ông rất vui khi thấy con trai đọc sách để nâng cao kiến thức. Nhưng ngay cả ở đây, bên những đứa con của mình, Boris vẫn dằn vặt đau khổ. Nước Nga đang trải qua nạn đói khủng khiếp. "Người dân bị ảnh hưởng với nạn đói lang thang như thú hoang", và họ đổ lỗi cho Sa hoàng vì tất cả những rắc rối của họ: "trên các quảng trường, họ réo tên Boris". Tiếng hắng giọng sâu bên trong Sa hoàng:
"Xung quanh là màn đêm u ám dày đặc,
Ô, một thoáng hoan vui cũng không thể lọt qua! ..
Một vài âu lo ẩn giấu,
Một tai họa bất đắc dĩ!..."

Boyar, Shuisky, tiến vào, một cận thần xảo quyệt và cầm đầu nhóm các boyar có ý định nổi loạn. Hắn ta mang đến một tin xấu: một kẻ mạo danh Tsarevitch Dimitri đã nổi dậy ở Litva. Hắn ta có sự bảo trợ của Quốc vương Ba Lan, quý tộc Ba Lan và Giáo hoàng. Boris yêu cầu Shuisky nói cho ông sự thật: rằng Shuisky có chắc chắn rằng đứa bé bị giết ở thị trấn Uglich là Tsarevitch Dimitri không? Shuisky, khoái trá khi thấy Sa hoàng dằn vặt, miêu tả vết thương sâu hoắm trên cổ họng của Tsarevitch và nụ cười thiên thần trên môi...
"Có vẻ như, trong nôi
Đứa bé ngủ yên lành..."

Shuisky rời đi, sau khi khiến những nỗi sợ hãi và kích động đang kìm hãm Boris càng dâng cao: Boris tưởng rằng ông đang nhìn thấy bóng ma của hoàng tử Dimitri.

Màn III
Cảnh 4
Phòng khiêu vũ trong vườn Mnishek, Thống đốc Sandomir. Giới quý tộc Ba Lan đang chuẩn bị hành quân về Moskva. Họ dự định đặt người được họ bảo trợ lên ngai vàng Nga: Grigory, tu sĩ chạy trốn khỏi tu viện Chudov, kẻ mạo danh Tsarevitch Dimitri (bị sát hại). Họ sẽ được giúp đỡ bởi các kế hoạch đầy tham vọng của con gái Thống đốc, cô Marina xinh đẹp, người mơ ước trở thành vợ của vị vua tương lai của nước Nga. Cuộc gặp gỡ được chờ đợi từ lâu (của Kẻ mạo danh) giữa Marina và Dimitri (người đang yêu Marina) diễn ra. Tuy nhiên, lời nói đầy toan tính bất ngờ của Marina, và quyết tâm của cô, mà cô ta không hề giấu diếm, để ngồi lên ngai vàng Nga khiến Kẻ mạo danh bối rối trong giây lát. Chợt nhận ra, Marina thuyết phục anh ta bằng những lời giả lả về tình yêu của cô dành cho anh. Tu sĩ Dòng Tên, Rangoni, ăn mừng chiến thắng của Kẻ mạo danh.

Cảnh 5
Một buổi sáng đầu đông. Tại Quảng trường Đỏ trước Nhà thờ chính tòa Thánh Vasily Hiển phúc ở Moskva. Một đám đông những người chết đói đang xôn xao bàn tán về chiến thắng của Kẻ mạo danh trước lực lượng của Boris. Một gã khờ chạy vào Quảng trường. Trẻ bụi đời vây quanh và giật đồng kopek khỏi anh ta. Sa hoàng đi ra khỏi Nhà thờ. "Bánh mì, bánh mì! Cho người dân đang đói bánh mì! Hãy cho chúng tôi bánh mì, cha, vì Chúa!" đám đông kêu gào. Bực mình bởi lũ trẻ, gã khờ gọi thẳng Sa hoàng: "Hãy ra lệnh giết chúng đi, như người đã giết Tsarevitch bé nhỏ". Boris nói các boyar không bắt giữ gã khờ:
"Mặc hắn ta! Hãy cầu nguyện cho ta, người dân thường..."
Nhưng gã khờ trả lời:
"Không, Boris! Không đời nào!
Sao ta có thể cầu nguyện cho một Herodes Đại đế*******?
Đức Mẹ Maria không cho phép điều đó..."

Màn IV
Cảnh 6
Khoảng rừng trống gần Kromy. Ban đêm. Những người nông dân, đang nổi dậy, lôi một boyar Kromy mà họ đã bắt làm tù binh vào. Họ nhạo báng boyar, nhắc cho ông ta nhớ về tất cả những mối hận thù của họ:
"Ngươi đã huấn luyện chúng ta đúng cách,
Khi giông bão mờ mịt, và khi những con đường lầy lội,
Ngươi bóc lột chúng ta,
Quất chúng ta bằng roi da..."

Sự xuất hiện của các tu sĩ, Varlaam và Missail, những người tố cáo tội ác của Boris, sát hại hoàng tử, khiến đám đông càng thêm tức giận. Họ đồng thanh hát những lời đe dọa:
"Một lực lượng trẻ tuổi hăng hái đang hoành hành,
Máu Cossack trong huyết quản rực cháy!
Một sức mạnh lật đổ vĩ đại đã trỗi dậy từ sâu thẳm..."

Các tu sĩ Dòng Tên, sứ giả của Kẻ mạo danh, xuất hiện. Nhưng sự xuất hiện của những ngoại nhân này làm dấy lên sự phẫn nộ của đám đông. Những người nông dân lôi các tu sĩ Dòng Tên vào rừng để chuẩn bị treo cổ.

Kẻ mạo danh, cưỡi ngựa vào khoảng rừng trống, vây quanh bởi quân đội, quý tộc Ba Lan và tu sĩ Dòng Tên. Hắn ta giải thoát cho boyar Kromy. Bằng cách hứa hẹn sự ưu ái và bảo vệ của mình, Kẻ mạo danh đã thuyết phục được nông dân tiến vào Moskva. Ngọn lửa bùng lên, bầu trời rực sáng. Chuông báo thức reo. Gã khờ xuất hiện, nhìn xung quanh sợ hãi. Gã đau đớn và thống khổ nói những lời "sấm truyền" về những rắc rối mới đang chờ đợi người Nga:
"Chảy đi, chảy đi, những giọt nước mắt đắng cay,
Khóc đi, khóc đi, những linh hồn chính thống Nga!
Chẳng bao lâu nữa, kẻ thù sẽ đến và màn đêm sẽ xuống,
Màn đêm u ám, dày đặc..."

Cảnh 7
Cung điện Granovitaya, trong điện Kremlin. Quốc hội Nga đang họp. Các boyar đang thảo luận về những hình phạt nào Kẻ mạo danh phải gánh chịu khi bị bắt. Shuisky xuất hiện. Hắn miêu tả cảnh tượng trong phòng riêng của Sa hoàng, khi Sa hoàng đang xua đuổi bóng ma hoàng tử Dimitri bị sát hại. Đúng lúc đó, Boris chạy vào, gào thét: "Biến đi, nhóc con biến đi" Nhìn thấy các boyar, Boris lấy lại tự chủ và nhờ họ tư vấn, giúp đỡ. Chỉ chờ có thế, Shuisky gợi ý Sa hoàng lắng nghe vị tu sĩ thông thái đã đến để nói với họ về một bí mật lớn. Boris đồng ý. Pimen được đưa vào. Câu chuyện về sự hồi phục thần kỳ của một người đàn ông ốm yếu bên ngôi mộ của hoàng tử Dimitri bị sát hại, ở Uglich, khiến Boris không thể chịu đựng được và ngã xuống sàn bất tỉnh. Khi tỉnh lại, Sa hoàng đang hấp hối khuyên con trai về cách bảo vệ vương quốc:
"Đừng tin những lời vu khống của bọn boyar phản loạn,
Theo dõi sát sao các thỏa thuận bí mật của chúng với Litva,
Trừng phạt thật khắc nghiệt đối với tội phản quốc,
Lắng nghe cẩn thận những gì người dân nói -
vì sự phán xét của họ không phải là giả nhân giả nghĩa..."

Tiếng chuông đám tang ngân vang, tiếng tụng kinh của ca đoàn tu sĩ, Sa hoàng qua đời. Tsarevitch Fyodor bàng hoàng, kính cha lần cuối, đứng dậy... Và ngay lập tức, Shuisky, không bị ai nhìn thấy, đã rón rén đi trước, chặn đường Fyodor lên ngai vàng.
-----
* Tước hiệu Boyar ở Nga: tước hiệu này chỉ thấp hơn tước hiệu hoàng thân, thuộc về những gia đình hoàng tộc cũ làm chủ những vùng đất được cha truyền con nối. Họ thường nắm giữ chức vụ trọng yếu qua Hội đồng Boyar (Boyar Duma), thường có chức năng hành pháp kết hợp tư pháp. Dưới thời Pyotr Đại đế, Hội đồng Boyar có khoảng 100 người.

** Godunov tham gia vào chính quyền của Ivan Bạo chúa với tư cách là chỉ huy quân cận vệ của nhà vua sau khi chiến dịch Serpeisk năm 1570 giành thắng lợi (Boris từng là tay bắn cung thiện xạ). Để dần dần lên nắm quyền lực cao hơn, Boris chủ động mai mối em gái mình là Irina Godunova với con trai của Sa hoàng là Feodor Ivanovich, 14 tuổi (1557–1598) - người thừa kế tương lai của nước Nga. Nhân dịp này, Godunov được phong thành Boyar.

*** Sa hoàng Fyodor I: Nga hoàng cuối cùng của nhà Rurik nước Nga (1584-1598). Ông là con của Ivan Bạo chúa và Anastasia Romanova. Ông sinh ra ở Moskva và đăng quang ngày 31/5/1584 ở Moskva, khi còn là một thái tử trẻ và bất tài. Fyodor I qua đời năm 1598 mà không có con (một đứa con gái đã chết năm 1594), và anh vợ Fyodor I là Boris Godunov lên ngôi.

**** Con của Ivan Bạo chúa với công chúa Maria Nagaya. Sau khi hoàng tử bé Dmitri mất lúc 10 tuổi, người dân Nga vì nghi ngờ Godunov có dính dáng đến âm mưu ám sát hoàng tử nên họ nổi dậy khởi nghĩa. Cuộc khởi nghĩa nhanh chóng bị đàn áp, quả chuông báo tử của hoàng tử Dmitri thì được Godunov đem ra công khai một thời gian rồi đưa ra bỏ ở vùng Sibiria. Một hội đồng điều tra do Suiskii lập ra và kết luận, cậu bé chết vì đã tự cắt cổ họng của mình trong một cơn động kinh. Bà vợ góa của Ivan Bạo chúa thì tuyên bố rằng con trai bà đã bị giết bởi những kẻ thân cận của Boris. Tội lỗi của Godunov không được xét xử và ngay sau đó, mẹ của Dmitri bị buộc phải lấy mạng che mặt và vụ ám sát hoàng tử Dmitri bị chìm vào quên lãng.

***** Kazan: thành phố thủ phủ của Cộng hòa Tatarstan, Nga. Đây là thành phố lớn thứ sáu của Nga, nằm ở nơi hội lưu của sông Volga và sông Kazanka trong lãnh thổ Nga ở châu Âu. Pháo đài Kazan Kremlin (hàng trăm năm tuổi) của thành phố được xếp hạng là di sản thế giới.

****** Fyodor II (con của Boris Godunov). Godunov qua đời sau một thời gian chống chọi với căn bệnh đột quỵ vào tháng 4/1605. Fyodor II lên ngôi được vài tháng thì bị sát hại cùng với mẹ mình bởi những người chống đối Godunov vào tháng 10/1605. Hai người con khác là Ivan (chết trẻ) và Xenia (bị buộc phải đi tu sau khi chồng mới cưới bất ngờ qua đời bất ngờ năm 1602). Gia đình Godunov được chôn chung trong nhà thờ thánh Sergius Lavra.

******* Theo chương 2 của Phúc âm Mátthêu, Herodes Đại đế là người "thà giết lầm hơn bỏ sót", cho giết tất cả các bé trai mới sinh tuổi từ 2 tuổi trở xuống ở vùng Bethlehem, nơi Chúa Giêsu ("vị vua mới sinh" của người Do Thái) ra đời.
:))

Tags: art

1 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc