Chỉ cần sống vui

share from fb Phương Nguyễn,
-----
Từ xưa vẫn có khá nhiều ý kiến phản đối trường chuyên, gần đây lại rộ lên, sau khi có những chuyện thương tâm xảy ra với các em học sinh.

Nhưng vấn đề không phải ở trường chuyên, mà có lẽ nằm ở chỗ khác. Đó là cái tên gọi không phản ánh đúng lựa chọn đầu vào (từ cả hai phía, gia đình và nhà trường). Nếu gọi là trường năng khiếu thì có lẽ dễ hiểu hơn và đúng hơn.

Nếu trẻ em có năng khiếu đá bóng, thì sẽ vào trường chuyên đá bóng (học viện bóng đá HAGL); nếu có năng khiếu âm nhạc thì vào chuyên nhạc (nhạc viện), có khiếu múa thì vào chuyên múa (trường múa); có khiếu bơi thì đi chuyên bơi; tương tự là chuyên toán chuyên lý chuyên hóa.
Photo by Arseny Togulev on Unsplash


Ngoài năng khiếu thì còn phải có đam mê. Có khiếu đá bóng mà không thích đá bóng thì cũng không nên vào. Như con mình có khiếu đánh piano nhưng với nó chơi game mới là đam mê, nó đi học đàn là cho có, còn chỉ thích ngồi nhà chơi game.

Ngoài năng khiếu, đam mê, còn phải có ý chí khổ luyện. Con mình nó có khiếu bơi, nhưng nhìn các bạn ở câu lạc bộ quận tập bơi, nó chuồn luôn; dù các hlv ở đó cứ dụ dỗ nó vào đội. Nó thích ở nhà chơi PS4 hơn là ra bể bơi.

Ở chiều ngược lại, trẻ con thích nhiều thứ, nhưng những thứ đấy đôi khi lại vượt qua khả năng của nó. Con mình thích cờ vua, đòi đi học bằng được, học được mấy buổi bỏ luôn vì biết nó không có khiếu chơi cờ vua. Nó chỉ thích chơi game, không PS4 thì chơi game trên PC. Nhà mình mua cho nó cả PS4, PC, iPad. Thích chơi cái gì thì chơi, chơi suốt ngày cũng được miễn là ăn đủ, ngủ đủ và làm bài tập cô giao (trường làng) đầy đủ.

Mình có cảm giác các phụ huynh ép con phải học chuyên, học giỏi, là các vị ngày xưa thi chuyên bị trượt. Chứ ai học chuyên rồi thì không còn cái khao khát con mình phải học chuyên nữa.

Trường chuyên, nói đúng là là trường năng khiếu, khác với các ý kiến trên mạng là học nặng, sức ép. Nó ngược lại. Các trường chuyên đúng nghĩa thường lại rất cấp tiến và cởi mở, đi học như đi chơi, có nhiều thứ "cởi trói" hơn hẳn các trường thường. Còn việc các em vào đó có tính ganh đua thì là đương nhiên rồi. Ví dụ như anh Ngô Bảo Châu, chắc chắn là học trường chuyên thuộc loại hạng nhất của VN thời đó, thì 3 năm cấp 3 anh ấy may ra đến lớp tổng thời gian không quá 1 năm, còn lại chắc là nằm nhà giải toán và đi chơi. Nói là chắc chắn vì lớp mình cạnh lớp anh Châu, và sau này mình hỏi thì anh Châu nói đúng như vậy.

Con mình học trường làng, các bạn nhà toàn ở chợ với buôn bán các phố xung quanh; từ lớp 3 chúng nó đã đi bộ đến trường một mình. Lớp 4 rủ con mình đi đá bóng cuối tuần, chúng nó tự đi xe đạp qua nhà mình để rủ con mình đi. Con mình học giỏi ở lớp dốt trường làng, lâu lâu được chuyển lên lớp khá hơn. Lần nào nó cũng bảo: ô lớp mới này chúng nó học giỏi lắm bố ạ. Đi học thêm Stem thì điểm kiểm tra toàn kém, rồi trung bình, lâu lâu lên đẳng 1 tý thì được chuyển nhóm. Mỗi lần chuyển nhóm (giờ ở lớp khá) nó bảo: thôi, con học ngu cũng được, vì học giỏi lúc nào cũng vẫn có đứa học giỏi hơn.

Bố mẹ sinh con, ước muốn cuối cùng là con mình khỏe mạnh, sống vui, hạnh phúc. Không hiểu sao nhiều nhà lại muốn con mình phải là ông nọ bà kia, rồi sau này gánh vác việc này việc nọ, rồi dạng danh gia đình, dòng họ... Mình chỉ muốn con mình sống vui, nếu may mắn giỏi giang thì làm bác sĩ kỹ sư; còn dốt thì làm nhân viên bán hàng siêu thị cũng được; chẳng làm sao cả, miễn là chăm chỉ lao động, lương thiện và hạnh phúc.

(Nhưng là mong ước thế, chứ đời rất dài, và rất bất trắc, mình luôn dạy con phải nhận thức được là bố mẹ có thể chết bất kỳ lúc nào, do ốm đau, tai nạn, và sau đó con sẽ phải sống một mình, nên bây giờ học được cái gì thì cố gắng học cho tốt; học để sống, không phải sống để học.)

Tags: 5xucolumnist

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc