Điều cần tránh khi vận động tranh cử trong thời kỳ Đại Khủng hoảng

Chiến dịch tranh cử của Franklin D. Roosevelt ở Atlanta năm 1932. Nguồn: Thư viện Tổng thống Franklin D. Roosevelt

Giáo sư Philip Scranton có bài ở Bloomberg, kể về việc cuối tháng Tám năm 1932, George Foster Peabody, một nhân vật quan trọng trong ngành đường sắt và điện lực, đã viết thư cho tờ New York Times, chỉ trích đối sách của Tổng thống Herbert Hoover ứng phó với cuộc Đại Khủng hoảng. Peabody kết luận chắc nịch: 'Vì vậy, tôi tin chắc rằng Tổng thống Hoover không đủ năng lực.'

Trong khi đó, sự ủng hộ dành cho Thống đốc bang New York Franklin D. Roosevelt, ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ, đang tăng nhanh. Tờ The Economist viết: 'Ông Roosevelt đã dũng cảm lao vào chiến hào và khơi dậy sự nhiệt tình bằng các cuộc tấn công cá nhân đầy nhiệt huyết của mình lên các phòng tuyến của đối phương.'

Tờ New York Times lặp lại quan điểm này: 'Ứng cử viên đảng Dân chủ đang ở thế tấn công... Ứng cử viên đảng Cộng hòa vẫn chưa huy động được trọng pháo của họ.'

Hoover đã dự định chiến dịch tranh cử từ Nhà Trắng, nhưng sự thành công của chiến dịch phía Tây của Roosevelt đã buộc ông phải rời khỏi Washington. Cho tới khi chỉ còn năm tuần trước ngày bầu cử, Hoover mới có bài phát biểu chiến dịch tranh cử đầu tiên của mình tại quê nhà, bang Iowa, vào ngày 4 tháng Mười.

Sau khi nhắc qua tới việc ông đã được sinh ra trong thời kỳ suy thoái năm 1874, Hoover đã đi sâu vào bản chất vấn đề của cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay:
Chúng ta đã chiến đấu một cuộc chiến vô tận chống lại ảnh hưởng của các tai họa này giáng lên đầu chúng ta... Chúng ta đã chiến đấu để cung cấp nguồn cung tín dụng cho các thương nhân, nông dân và các ngành công nghiệp. Chúng ta đã chiến đấu để kìm hãm việc giảm giá... Hãy đừng để bất kỳ ai nói với bạn rằng tình hình không thể tồi tệ hơn nữa. Tình hình có thể tồi tệ hơn rất nhiều, đến mức mà những ngày bi thảm hiện nay còn có vẻ như là sự thịnh vượng thực sự... Tôi sẽ tiếp tục chiến đấu.

Những lời lẽ nghiêm khắc được nói ra trong ngôn ngữ hiếu chiến. Nhưng liệu như thế đã đủ?

Trong khi Hoover thể hiện mình như thể quá bận rộn chiến đấu với cuộc Đại Khủng hoảng từ Nhà Trắng đến mức không thể lãng phí thời gian quý báu đó cho việc vận động tái tranh cử, Roosevelt đã theo đuổi cách tiếp cận vận động tranh cử, rong ruổi hàng nghìn dặm và ghi điểm từ các bài phát biểu trước những đám đông lớn.

Trong một bài phát biểu ở Indianapolis ngày 20 tháng Mười, ông tỏ ra bình tĩnh, rõ ràng và tự tin chiến thắng. Ông nói:
Các bạn của tôi, chúng ta đang trải qua không phải một chiến dịch tranh cử bình thường. Tôi tin rằng chiến dịch này đánh dấu sự khởi đầu một nỗ lực mới trong nền chính trị nước Mỹ và việc quản lý của Chính phủ. Người dân Mỹ, bảo thủ và yêu chuộng hòa bình, đã có kinh nghiệm dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng hòa hiện nay mà họ không còn muốn tiếp tục.

Roosevelt nói các chính sách của Hoover như thể 'một loạt trò đánh bạc mang đầy tai họa đối với sự thịnh vượng của quốc gia.' Thay vào đó, ông hứa:
Mục tiêu của chính quyền mới sẽ là lập lại trật tự từ sự hỗn loạn hiện tại, thiết lập các chính sách phù hợp, tiến bộ và nhân đạo, khắc phục những thiệt hại đã xảy ra, và nếu bạn muốn, sẽ là đưa người dân Mỹ trở lại con đường kinh tế lành mạnh và sự thịnh vượng được phân phối rộng rãi hơn.

Tờ The Economist kết luận từ kết quả của cuộc bầu cử: 'Chưa từng có ứng cử viên đảng Cộng hòa nào ở giai đoạn cuối này của chiến dịch tranh cử mà trông thảm bại như Tổng thống Hoover.' Điều đó mới đúng làm sao.

Sơn Phạm
Bloomberg


Tags: economics

1 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc